5 yếu tố chính tác động lên thị trường hàng hóa thế giới tháng 6

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là gói QE2, vấn đề trần nợ công ở Mỹ, biện pháp khắc khổ ở Hy Lạp, thắt chặt tiền tệ ở Trung Quốc và việc IEA mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược.
5 yếu tố chính tác động lên thị trường hàng hóa thế giới tháng 6
Ảnh minh họa

QE2

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên chương trình cứu trợ tài chính thứ 2 (QE2) đến hết tháng 6 đúng như kế hoạch đã giữ cho thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu tương đối ổn định trong gần suốt tháng 6.

Giới phân tích lo ngại không rõ liệu khi chương trình nới lỏng định lượng lần 2 (QE2) kết thúc thì Trung Quốc có tránh được nguy cơ vỡ bong bóng lạm phát và đồng có USD chấm dứt những chuỗi sụt giảm liên tục hay không.

Các nhà kinh tế cho rằng, khi QE2 kết thúc, lạm phát tại Trung Quốc sẽ giảm bớt. Chủ tịch Fed Ben Bernanke đã ra một tín hiệu mạnh mẽ rằng, FED không có kế hoạch tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ mặc dù nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Ông cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, chính sách tiền tệ không phải là biện pháp tốt nhất.

Tuy nhiên, ngày 22/6, Fed cho biết sẽ tiếp tục mua trái phiếu kho bạc với số tiền thu được từ các khoản nợ đáo hạn hiện đang nắm giữ. Điều đó có nghĩa là Fed sẽ mua khoảng 300 tỷ nợ chính phủ trong 12 tháng tới mà không cần thêm tiền vào hệ thống tài chính.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ vẫn là người mua trái phiếu kho bạc lớn nhất, kể cả sau khi chương trình nới lỏng định lượng lần 2 (QE2) kết thúc trong tuần này. Vì Fed sẽ sử dụng 2.860 tỷ USD tài sản của mình để giữ lãi suất thấp.

112,1 tỷ USD trái phiếu chính phủ mà Fed hiện nắm sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới, 7% của 1.590 tỷ USD trái phiếu được giữ trong tài khoản hệ thống thị trường mở. Để thay thế các trái phiếu này, Fed cần phải mua khoảng 9,4 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng cho tới tháng 6/2012.

Fed cũng đang giữ 914,4 tỷ USD nợ có thế chấp và 118,4 tỷ USD khoản nợ mà chính phủ tài trợ cho doanh nghiệp Fannie Mae và Freddie Mac. Các ngân hàng UBS, Citigroup, Bank of America, JPMorgan Chase và Ngân hàng Hoàng gia Canada cho rằng 10 tỷ tới 16 tỷ USD sẽ đáo hạn mỗi tháng, tùy thuộc vào tốc độ thanh toán trước.

Fed đã bơm 2.300 tỷ USD vào hệ thống tài chính sau sự sụp đổ của Lehman Brothers trong tháng 9/2008.

Trung Quốc thắt chặt tiền tệ

Do lạm phát liên tục tăng vượt kiểm soát, Trung Quốc đã liên tục nâng tỷ lệ lãi suất và dự trữ bắt buộc.

Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã 6 lần nâng tỷ lệ lãi suất bắt buộc, hiện lên tới mức kỷ lục cao 21,5%. Tỷ lệ lạm phát của nước này thán 5 nhảy vọt lên 5,5%, cao nhất trong vòng 34 tháng.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc đã kiềm giá nhiều mặt hàng trong suốt nhiều tháng qua, đặc biệt là kim loại cơ bản.

Vấn đề trần nợ công của Mỹ

Việc quốc hội Mỹ không thống nhất được vấn đề nâng trần nợ công đã khiến thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu nhiều phiên điêu đứng.

Nợ công tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi tại nghị trường Mỹ. Các cuộc thương lượng ngày 23/6 giữa nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa về nâng mức trần nợ công đã rơi vào ngõ cụt sau khi các nghị sĩ đảng Con Voi (biểu tượng của Cộng hòa) từ chối thảo luận với cáo buộc Nhà Trắng đưa ra các đòi hỏi tăng chi tiêu và tăng thuế quá cao.

Trước tình hình hiện nay, giới quan sát lo ngại nguy cơ mức trần nợ công của Mỹ (hiện là 14,29 nghìn tỷ USD) khó có thể được nâng lên vào thời hạn chót 2/8 tới. Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế Mỹ sẽ bị chao đảo và ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế như Fitch Ratings không ngừng cảnh báo sẽ hạ mức xếp hạng của Mỹ.

Trước đó, tháng Tư vừa qua, Standard & Poor's đã hạ thấp triển vọng nợ công của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực. Tuyên bố của những công ty xếp hạng tín nhiệm về tình hình ở Mỹ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên thị trường tài chính.

Chuyên gia Aleksei Golubovich, Chủ tịch Hội đồng Giám đốc hãng đầu tư Arbat Capital Management cho rằng Mỹ sẽ phải nâng mức trần nợ công nếu không muốn tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, có thể từ mức 9,5% hiện nay lên tới 16%.

Luật hiện hành giới hạn tổng số nợ của Mỹ ở mức 14,3 nghìn tỷ USD, nhưng số nợ hiện nay của nền kinh tế đã lên tới giới hạn đó (vào ngày 16/5 vừa qua), buộc Bộ Tài chính nước này phải thực hiện các biện pháp đặc biệt, trong khi các nghị sĩ Mỹ vẫn bất đồng về nâng mức trần nợ công. Mâu thuẫn mấu chốt giữa đảng Cộng hòa, kiểm soát Hạ viện, và đảng Dân chủ, chiếm đa số tại Thượng viện, trong vấn đề này là các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ việc tăng mức trần nợ công nếu không có một thoả thuận cắt giảm chi tiêu đáng kể, trong khi các nghị sĩ Dân chủ lại cho rằng việc cắt giảm chi tiêu phải thực hiện một cách thận trọng để bảo vệ các chương trình phúc lợi xã hội dành cho tầng lớp nghèo khổ và người cao tuổi cũng như đảm bảo rằng quá trình phục hồi kinh tế không bị cản trở.

Moody's cảnh báo sẽ hạ xếp hạng nợ của Mỹ xuống Aa, trong khi Standard&Poor's cho biết, họ có thể hạ xếp hạng nợ của nước này xuống tới mức D.

Trước đó, Moody’s cũng đã cảnh báo sẽ xem xét hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ nếu các nhà lập pháp không nâng trần nợ trước ngày 2/8.

Chương trình khắc khổ của chính phủ Hy Lạp

Thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu đã giảm điểm liên tục vào những ngày cuối tháng 6, khi số phận của gói cứu trợ Hy lạp phụ thuộc vào quyết định của quốc hội nước này.

Và chỉ mới vài ngày gần đây, thị trường mới thở phào tạm bớt lo ngại về vấn đề này, khi từng bước chương trình thắt lưng buộc bụng được chính phủ Hy Lạp thông qua.

Quốc hội Hy Lạp đã thông qua các dự luật về các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tư nhân hóa, mở đường cho việc giải ngân gói cứu trợ mới cho nước này.

Ngày 30/6, với 155 phiếu thuận, 136 phiếu chống và 5 phiếu trắng, Quốc hội Hy Lạp gồm 300 thành viên đã thông qua các dự luật về các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tư nhân hóa, mở đường cho việc giải ngân gói cứu trợ mới cho nước này trong bối cảnh các vụ đụng độ B.L giữa người biểu tình và cảnh sát lan rộng tại trung tâm thủ đô Athens.

Mặc dù vậy, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế châu Âu đang trên đường phục hồi nhưng vẫn cần những chính sách và quyết tâm cải cách mạnh mẽ hơn nữa để có thể ngăn khủng hoảng nợ tiếp tục lan rộng.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực châu Âu công bố hôm qua, IMF dự đoán tăng trưởng của khu vực sẽ đạt khoảng 2,6% trong năm 2012, sau khi ổn định ở mức 2,4% năm nay.

Riêng nhóm các nước phát triển vẫn giữ mức 1,7% trong năm nay và tăng lên 1,9% vào năm 2012. Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008-2009, năm 2011 sẽ là lần đầu tiên tất cả các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu trở lại mức tăng trưởng GDP dương.

IMF cho rằng giá cả các loại hàng hoá tăng cao và phục hồi kinh tế mạnh mẽ sẽ đẩy lạm phát lên mức 3,8 % trong năm 2011, sau đó sẽ giảm xuống 3% vào năm 2012.

Tuy nhiên, IMF cảnh báo châu Âu vẫn cần phải cảnh giác với khủng hoảng nợ có nguy cơ lan rộng. Dù đã có các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn có thể lan sang các nước chủ chốt trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và các nước mới nổi ở Đông Âu.

Nguy cơ chính với triển vọng châu Âu xuất phát từ những căng thẳng ở khu vực ngoại vi các nước sử dụng đồng euro. Không chỉ là những mối đe doạ về các vấn đề toàn cầu mà còn là những mối lo về tình trạng tăng trưởng quá nóng tại các nền kinh tế đang nổi lên tại các khu vực khác.

Do đó, các nước châu Âu cần phải tăng cường hợp nhất kinh tế tài chính và thiết lập thể chế tài chính vững mạnh hơn. Báo cáo cho rằng việc khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng ở nước phát triển châu Âu là một điều kiện tiên quyết để vượt qua cuộc khủng hoảng.

IEA xuất dầu dự trữ chiến lược

Trước áp lực giá dầu tăng cao và kéo dài đe dọa tới sự hồi phục kinh tế toàn cầu, các cường quốc công nghiệp hóa đã nhất trí xuất dầu dự trữ của minh ra lần thứ 3 trong lịch sử để đưa giá dầu giảm về mức cần thiết để thúc đẩy kinh tế hồi phục đúng quỹ đạo.

Việc 28 nước thành viên IEA xuất ra 60 triệu thùng dầu dự trữ trong những tháng tới cho thấy mối quan tâm của các nhà lãnh đạo phương Tây về ảnh hưởng của chi phí năng lượng cao tới kinh tế toàn cầu. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử, IEA cho mở kho dự trữ dầu chiến lược.

IEA cho rằng hiện nguồn cung dầu trên thị trường đang bị thắt chặt, khiến giá lên cao và có nguy cơ làm tổn thương phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đang mong manh.

Giá dầu mỏ tăng và lương thực cao sẽ tác động tới tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực, và có thể đẩy 42 triệu người lâm vào cảnh đói nghèo.

Mỹ sẽ bán ra 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược, như một phần trong nỗ lực bù đắp nguồn cung bị gián đoạn từ Libya. Lần mở kho dầu gần nhất là vào tháng 9 và tháng 10 năm 2008, khi Bộ Năng lượng Mỹ mở bán 5,4 triệu thùng dầu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật