Rủi ro trong ngân hàng: Lo sớm thì hơn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại đang gia tăng. Ngân hàng Nhà nước đang loay hoay tìm cách để ngăn ngừa rủi ro hệ thống một cách hiệu quả.
Rủi ro trong ngân hàng: Lo sớm thì hơn
Đến cuối tháng 5/2011 còn đến hơn 20 NHTM có dư nợ phi sản xuất trên 22%

Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, NHNN đã thắt chặt chính sách tiền tệ với hàng loạt quy định mang nặng tính hành chính. Tác dụng phụ của những liều thuốc đắng có nguy cơ bùng phát.

Liệu đã ...“mất bò”?

48% giá trị đầu tư tài chính của 19 ngân hàng thương mại là đầu tư vào chứng khoán do tổ chức kinh tế phát hành. Với tổng mức đầu tư tài chính của các NHTM lên đến trên 88.000 tỷ đồng thì tổng vốn đầu tư vào chứng khoán của các NHTM lên tới gần 44.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,2 tỷ USD. Đây chỉ là con số bị “rò rỉ” từ cuộc kiểm tra của NHNN tại các NHTM (mới được nửa chặng đường) nhưng cũng đã khiến người ta không khỏi giật mình. Thực tế này càng làm cho vấn đề giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất về mức mong muốn trở nên xa vời. Thống đốc NHNN quả quyết không nương tay với các tổ chức tín dụng không tuân thủ quy định của NHNN về việc giữ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và tỷ lệ tín dụng phi sản xuất dưới 22% (trong tháng 6) và giảm dần xuống 16% vào cuối năm.

Nhiệm vụ này thực sự là bất khả thi, vì đến cuối tháng 5/2011 còn đến hơn 20 NHTM có dư nợ phi sản xuất trên 22%, trong đó có ngân hàng tỷ lệ này lên đến trên 50%. Cho dù họ có “cắm cổ chạy” thì cũng không thể về đích đúng hạn. Đơn giản vì, những khoản tín dụng phi sản xuất của họ phần lớn là cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản. Mà ai cũng biết, hai thị trường này vẫn đang liên tục tìm đáy mới. Điều này khiến cả con nợ và chủ nợ lâm vào cảnh “lực bất tòng tâm” trong việc thanh lý hợp đồng tín dụng.

Việc thắt tín dụng còn dẫn đến hệ lụy nữa là rủi ro tăng. Thứ nhất, do không được mở rộng tín dụng nên nhiều NHTM phải “chọn mặt” gửi... tiền. Họ sẽ chấp nhận độ rủi ro lớn hơn để cho vay với lãi suất cao hơn, phần để bù đắp chi phí đầu vào (vốn huy động cao), phần đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng khi lượng cho vay bị hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến các NHTM vẫn cho vay phi sản xuất nhiều dù NHNN đã cảnh báo sẽ xử phạt nặng. Thứ hai, lãi suất cho vay cao khiến các khách hàng cũ không muốn trả nợ mà chấp nhận chịu lãi phạt để vẫn có vốn kinh doanh. Thực trạng này khiến người ta đặt câu hỏi: vậy nợ xấu của ngân hàng giờ ra sao?

Các NHTM, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chỉ được cấp tín dụng cho khách hàng dưới hình thức cho vay, bảo lãnh vay vốn để đầu tư kinh doanh cổ phiếu

Tỷ lệ này luôn là vấn đề đặc biệt nhạ‌y cả‌m nên rất được quan tâm và khiến nhiều người đoán già, đoán non. Cuối năm 2010, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu công bố nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là 2,5% tổng dư nợ, nếu tính cả nợ của Vinashin là 3,2%. Còn theo số liệu nội bộ của NHNN, tính đến ngày 10/6/2011 tỷ lệ này là 2,72%, tính ra giá trị tuyệt đối là trên 80.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là, hiện nay việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của các NHTM Việt Nam vẫn theo Quyết định 493, ban hành từ năm 2005. Theo đó, nợ được trả từng phần, từng tháng, từng quý, những khoản nợ chưa đến hạn sẽ không đưa vào nợ xấu. Còn nếu theo tiêu chuẩn quốc tế, theo đó nếu phần nợ đến hạn không trả được, toàn bộ khoản nợ phải được xếp vào nợ xấu, thì theo Fitch Rating con số này phải là 13% tổng dư nợ, có nghĩa là gấp gần 5 lần con số 80.000 tỷ đồng nói trên. Dù đánh giá theo tiêu chuẩn nào thì thực tế là nợ xấu của ngân hàng đang tăng và có nguy cơ tăng hơn nữa trong những tháng cuối năm khi độ trễ chính sách thắt chặt tiền tệ tác động rõ rệt hơn đến các tổ chức tín dụng. Có lẽ vì thế nên gần đây NHNN đã đưa ra hàng loạt dự thảo văn bản mới nhằm ngăn ngừa rủi ro, đáng quan tâm nhất là dự thảo thông tư thay thế Thông tư 13 về các tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng.

Lo “làm chuồng”

Lý do để dự thảo thông tư này được quan tâm hơn cả là vì nó điều chỉnh mạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng. Dự thảo này quy định 6 tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, bao gồm: tỷ lệ an toàn vốn; tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi; giới hạn cấp tín dụng; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn (thêm so với Thông tư 13). Như vậy, thông tư mới tuy bổ sung thêm 1 tỷ lệ nhưng lại không quy định tỷ lệ về trạng thái vàng và ngoại tệ so với vốn tự có - một trong những mối bận tâm hàng đầu của các tổ chức tín dụng hiện nay. Được biết, NHNN dự kiến xây dựng một thông tư riêng về vấn đề này.

Điểm đáng chú ý từng gây tranh cãi nhiều ở Thông tư 13 là tỷ lệ cho vay/vốn huy động lần này lại không được mấy quan tâm nên vẫn được giữ nguyên (của tổ chức tín dụng là ngân hàng tối đa là 80%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 85%). Thực tế, ngay trong năm đầu tiên thực hiện Thông tư 13, tỷ lệ này của nhiều tổ chức tín dụng thấp đến ngạc nhiên. Ví dụ, cuối năm 2010, tỷ lệ này ở các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội cao nhất là 77%, nhiều NHTM chỉ sử dụng 50-60%, có ngân hàng sử dụng chưa đến 30%.

Những quy định được quan tâm nhất trong dự thảo thông tư lần này là những vấn đề liên quan đến chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng. Theo đó, NHNN yêu cầu các NHTM (bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài) chỉ được cấp tín dụng cho khách hàng dưới hình thức cho vay, bảo lãnh vay vốn để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Do tính chất rủi ro cao, để bảo đảm an toàn trong hoạt động này, dự thảo thông tư quy định các điều kiện để ngân hàng được thực hiện nghiệp vụ này phải có tỷ lệ an toàn vốn từ 10% trở lên (hiện là 9%).

88.000 tỷ đồng là tổng mức đầu tư tài chính của 19 ngân hàng thương mại đã qua kiểm tra

Về giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu: Theo số liệu thống kê, hiện nay dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các NHTM nhà nước khoảng 2,5% vốn tự có, của NHTMCP khoảng 4,5%, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khoảng 1,9%; tổng dư nợ cho vay khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Dựa vào đó, NHNN quy định tỷ lệ này ở thông tư mới là 3%. Theo NHNN, tỷ lệ này đảm bảo an toàn cho tổ chức tín dụng và không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Về giới hạn góp vốn, mua cổ phần, dựa trên những quy định “nền” của Luật các tổ chức tín dụng 2010, NHNN quy định: tổ chức tín dụng được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: (i) bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng... Với điều kiện: phải xin phép NHNN; đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo yêu cầu; nợ xấu dưới 3%. Đồng thời tổ chức tín dụng phải góp vốn, nắm giữ cổ phần tối thiểu là 3 năm.

Đặc biệt, NHNN quy định rất khắt khe về việc NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác: mức góp vốn, mua cổ phần không vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận góp vốn, bán cổ phần. Tổng mức vốn cho hoạt động này không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của NHTM. Tỷ lệ này áp dụng cho các công ty tài chính là 60%...

Những quy định này, theo đánh giá của các chuyên gia, là nhằm chuẩn hóa lại hiện tượng góp vốn, mua cổ phần khá lộn xộn giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tổ chức tín dụng hiện nay; cũng như đón đầu xu hướng mua bán, sáp nhập các ngân hàng, doanh nghiệp tới đây.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật