Doanh nghiệp thiếu tiền, nợ vòng quanh

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rủi ro lớn nhất với nhiều công ty niêm yết hiện nay nằm ở các khoản nợ và các khoản phải thu. Không chỉ lo bán hàng tạo doanh thu mà quan trọng hơn, doanh nghiệp còn phải lo thu được tiền về. Nếu không cẩn thận, doanh nghiệp có thể bị đối tác chiếm dụng vốn, làm tăng chi phí tài chính thì hiệu quả kinh doanh cũng không còn.
Doanh nghiệp thiếu tiền, nợ vòng quanh
Ảnh minh họa

Trong lĩnh vực xây lắp, nhà thầu thường ứng trước vốn thi công cho chủ đầu tư. Trong bối cảnh các chủ đầu tư bất động sản thiếu vốn, không bán được hàng như hiện nay thì việc nợ vốn nhà thầu của chủ đầu tư là điều khó tránh khỏi. Giám đốc một nhà thầu nổi tiếng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE nói: "Ngay cả việc chọn chủ đầu tư uy tín lúc này cũng vẫn rủi ro vì hôm nay họ là người 'sòng phẳng' nhưng chưa biết ngày mai như thế nào. Bản thân họ cũng không muốn nợ vốn nhưng tình thế khó khăn, có khi không lường trước được khiến chủ đầu tư gặp khó. Đôi lúc, chúng tôi phải khuyên khách hàng của mình giãn bớt tiến độ xây dựng cho phù hợp thị trường".

Từ đầu năm đến nay, Thép Đại Thiên Lộc (DTL) chỉ nhập ít hàng để phục vụ dây chuyền cán nguội, nhưng chủ yếu bán hàng tồn kho cũ để giảm vốn vay ngân hàng. "So với đầu năm thì thời điểm này, vốn vay của Đại Thiên Lộc đã giảm từ hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 330 tỷ đồng cả ngắn và dài hạn. Chúng tôi chỉ giữ ổn định sản xuất chứ không mở rộng vì không có hiệu quả khi lãi suất vay mỗi tháng chừng 2%", ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT DTL cho biết.

Đại Thiên Lộc sử dụng vốn vay ngắn hạn nhập khẩu nguyên liệu có thể nhanh chóng bán hàng thu hồi vốn, còn các công ty khác vay vốn đầu tư tài sản cố định thì bây giờ buộc phải gánh lãi suất cao. Hoạt động kinh doanh không đủ bù đắp cho chi phí vốn đầu tư.

Thành viên HĐQT của một công ty thủy sản niêm yết than thở rằng: "Toàn là doanh nghiệp bán hàng và chiếm dụng vốn của nhau. Bán hàng mà chưa chắc thu được tiền nên doanh nghiệp phải tạm co cụm lại để bảo toàn vốn và tài sản của mình".

Trước thông tin về việc lãi suất có dấu hiệu giảm trong tuần qua, nhiều doanh nghiệp cho biết, vẫn chưa nhận được tín hiệu nào về giảm lãi suất từ phía ngân hàng.

Kế toán trưởng một công ty xếp hạng tín dụng hạng AAA của ngân hàng BIDV cho biết: "Chúng tôi vẫn đang vay với lãi suất gần 20%/năm cho hạn mức chừng 100 tỷ đồng. Còn các khoản vay ngoài hạn mức này có lãi suất từ trên 20% đến 23%/năm cho kỳ hạn ngắn hoặc trung hạn".

Cuối tuần trước, một nhà đầu tư cho biết, lãi suất tiền gửi vẫn chưa hạ thì chưa thể hy vọng TTCK phục hồi bền vững. Bằng chứng nhà đầu tư này đưa ra là chị vừa đáo hạn khoản tiền gửi 3 tỷ đồng và thỏa thuận gửi lại với lãi suất 18,5%/năm ở ngân hàng T.

Một nhà đầu tư lớn khác thì cho biết, cũng trong tuần trước đã đạt được thỏa thuận lãi suất 19,5%/năm cho khoản tiền gửi 50 tỷ đồng kỳ hạn 3 tháng với một ngân hàng ở TP. HCM. Đang phân vân giữa mua chứng khoán hay gửi tiết kiệm, trước mức lãi suất hấp dẫn này, nhà đầu tư này đã quyết định gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, ghi nhận ở một số nhà đầu tư có khoản tiền gửi nhỏ dưới 1 tỷ đồng thì lãi suất thỏa thuận mới đã giảm 0,5 đến 1%/năm so với tuần trước.

Ngân hàng Nhà nước một lần nữa phát đi thông điệp kiểm soát thỏa thuận lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Đây là lần thứ 3, cơ quan này phát đi yêu cầu các ngân hàng không được phép thỏa thuận lãi suất vượt trần. Tuy nhiên, việc thỏa thuận lãi suất chỉ tạm dừng một đến hai tuần rồi sau đó lại tiếp tục diễn ra. Một số ngân hàng đã hợp thức hóa khoản chi phí chênh lệch giữa lãi suất thỏa thuận và lãi suất trần 14%/năm thành khoản chi hoa hồng cho người môi giới tiền gửi. Ngân hàng chấp nhận đóng thuế 10% để hợp thức hóa khoản lãi suất tăng thêm.

Để lãi suất thực sự nguội bớt trong bối cảnh vẫn thắt chặt tín dụng như hiện nay, đòi hỏi biện pháp kiểm tra gắt gao hơn của Ngân hàng Nhà nước thay vì "giơ cao, đánh khẽ" như hiện nay.

Nếu tình trạng lãi suất quá cao còn kéo dài thì những rủi ro thanh toán, rủi ro dòng tiền sẽ trở thành hiệu ứng dây chuyền giữa các doanh nghiệp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật