Hẻm có hai ông già

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai ông già, tuổi ước chừng gần tám mươi, cùng xuất hiện trong con hẻm vào những ngày nóng như thiêu của mùa khô Nam Bộ. Sở dĩ người ta dễ nhận biết về sự xuất hiện của hai ông vì đấy là một xóm mới, toàn người trẻ nhập cư và một đám con nít nhốn nháo mỗi chiều tan trường.
Hẻm có hai ông già
Ảnh minh họa

Ông già Nam Bộ là dân Cù Lao Phố của Biên Hòa, Đồng Nai; trước kia ông làm tài xế cho quân đội ngụy, có cô con gái làm nghề hớt tóc ngay đầu hẻm. Ông còn có con là Việt kiều Mỹ, là Tây lai, là nhà tài trợ chính cho căn nhà một trệt hai lầu và cái ô tô mà con gái ông làm chủ. Ông gọi đứa con Việt kiều là thằng Đen.

Ông già Bắc Bộ là dân Hà Nội gốc, cứ nghe giọng nói nhẹ và cách phát âm “tr-ch; s-x” của ông thì biết. Ông có con trai là bộ đội. Trước ông cũng là Giải phóng quân. Ông còn có một đứa con bị nhiễm chất độc da cam, ông gọi nó là thằng Đi-ô-xin.

Ngày đầu, "ông Hà Nội" nhìn "ông Biên Hòa" thấy lạ lùng: Người béo núc, bụng phệ như thùng nước, chuyên ở trần; cặp mắt híp lại vì các túi thịt mi trên và mi dưới mắt đã dày lên. Mà người đã già rồi không lo giữ sức khỏe, lúc nào cũng kè kè điếu thu‌ốc l‌á cháy dở trên môi và nhâm nhi cà-phê. "Ông Biên Hòa" thì thấy "ông Hà Nội" mà ngao ngán: Người gì mà nhỏ thó quắt queo; người ấy coi chừng tính tình cũng dễ nhỏ nhen; bằng chứng là lúc nào cũng lui cui làm mấy việc như đàn bà: Quét dọn, rửa, giặt, lau, chùi.

Cả hai ông già đều ở nhà một mình, con cháu đi làm tối ngày, hai ông  tha thẩn ra vô trong khuôn viên hai ngôi nhà bị đóng khung ở hai cánh cổng dày, muốn lắm nhưng còn giữ ý chưa sang giao lưu với nhau. Họ là người “phía bên kia”, nghe mang máng vậy. Biết là chuyện đã qua lâu rồi nhưng sợ say chuyện, lỡ miệng nói hố lại làm đau lòng nhau.

Một buổi tối, "ông Hà Nội" ngỏ ý với anh con trai chuyện mình sẽ sang kết bạn với "ông Biên Hòa" nhưng vẫn nêu cao tinh thần cảnh giác với người ở hẻm mới mà nó đã “quán triệt” cho ông. Con trai ông đồng tình hưởng ứng ngay, cho bố có bạn già; bố ở nhà cả ngày, buồn thì phải kiếm bạn tâm giao thôi, nhưng trước lúc đi ngủ, nó còn lưu ý làm ông buồn rười rượi: “Con nghe người ta nói ông ấy ngày xưa giết người, cướp vợ, ác như thằng Xăm, bố liệu mà chơi”. Ông gạt phắt: “ Mày nghe ai nói vậy, có đúng không hay lại gieo tiếng ác cho người ta?”. “Con nghe bà Năm hủ tiếu cuối hẻm nói, bà ấy nhắc con vì nhà mình gần nhà con gái ông ấy. Mà kệ bố ơi, ngày xưa ông ấy là thằng Xăm nhưng giờ là một ông già, già thì không ác được, không ác thì bố cứ làm bạn”. A, suy nghĩ của thằng này cũng thoáng - ông nghĩ thầm nhưng bắt đầu thấy ác cảm với "ông Biên Hòa".

Ngày lễ 30 tháng 4, chẳng hiểu sao bọn trẻ hai nhà đều đi chơi từ hôm trước. Sáng sớm ra chẳng ai bảo ai, hai ông già cùng hí húi  ra treo cờ. Và cái việc treo cờ đã gắn kết hai ông già lại. "Ông Hà Nội" thấy chỗ treo cờ nhà mình  thấp quá. Ông đi bộ đội giải phóng quân, sướng nhất là được nhìn lá cờ tung bay trên vị trí cao nhất, ngạo nghễ, thách thức và tự hào. Cái cột hàng hiên, tiện đấy nhưng vẫn còn thấp tè, vậy là ông tìm chỗ khác. Khi phát hiện ra một vị trí đẹp thì không biết làm thế nào mà treo được. Ở nhà ông, cái thang tre là thứ bắt buộc phải có, còn ở đây thì chịu. Làm sao đây, ông nhìn sang nhà "ông Biên Hòa", hy vọng và cầu mong.

Lúc ấy "ông Biên Hòa" cũng đang hì hụi treo cờ Tổ quốc. Nhà ông ấy có cái ghế cao, thấy ông đứng vịn hai bên chân ghế lắc lắc mà hình như không đủ tự tin trèo lên. Tự nhiên "ông Hà Nội" trách bọn trẻ hai nhà, chúng nó đều đoảng, bỏ mặc việc quá khả năng cho những cái thân già làm ô-sin này. Tự nhiên ông lo cho "ông Biên Hòa", ông ấy to lớn thế, trèo lên cái ghế kia, tay còn cầm cờ, lỡ có chuyện gì. Vậy là ông đập cổng xin qua phụ giúp.

"Ông Biên Hòa" cười nheo nheo “tui với anh treo cờ vần công nha anh. Anh nhỏ lại lanh lẹn lẹ làng, anh treo cờ, tui giữ ghế cho anh trèo”. Họ vui vẻ làm theo sự phân công lao động của "ông Biên Hòa". Họ giúp nhau treo hai lá cờ trên vị trí trang trọng nhất, cao nhất, hai lá cờ phần phật bay trong nắng sớm.

Câu chuyện hậu treo cờ nổ giòn ngay sau đấy và rỉ rả sang suốt những ngày sau, lúc thì ở cái ga-ra nhà "ông Biên Hòa" - giờ chuyển thành anh Bẩy -  lúc lại chuyển sang gốc cây mận già nhà "ông Hà Nội" - rồi chuyển thành anh Năm theo cách gọi của "ông Biên Hòa" - kéo dài từ sáng đến đêm, trừ những lúc hai ông già phải thực hiện “nghĩa vụ ô-sin” như cách nói của ông Năm. Hai ông bạn già chiều chuộng nhau: Nếu như ông Năm tập pha cà-phê mời bạn thì ông Bẩy cũng không kém cạnh bằng việc mua trà Thái Nguyên về pha trong bình đất nung mời khách sang chơi. Ai say sưa với câu chuyện của người ấy, cứ nói, cứ kể và nghe luẩn quẩn loanh quanh kiểu nhớ đến đâu kể đến đấy nhưng xâu chuỗi lại vẫn là một câu chuyện đời mạch lạc. Hai ông già chẳng cần quan tâm đến chuyện mình từ hai chiến tuyến, cứ thản nhiên kể câu chuyện nằm lòng của mình.

Ban đầu, ông Năm cũng tự ái vì ông bạn gọi mình ngày xưa là Việt cộng, có khi lại gọi là “mấy chả trong rừng”, nhưng thấy ông ấy nói tự nhiên thế, quen miệng thế, biết chẳng có ác ý gì.

Ban đầu ông Bẩy buồn buồn khi ông bạn già say chuyện gọi mình ngày xưa là lính ngụy, nhưng mà những từ này nghe đâu có thấy lạ, thây kệ ông ấy. Hết ngày rồi hết tuần, họ thành đôi bạn tâm đồng, họ say nhau như trẻ mới yêu, cùng say sưa tái hiện những ngày đã được gọi tên thành Lịch sử.

Ngày trước tui là tài xế cho Quân đội Quốc gia - ông Bẩy kể. Tôi có thằng con Lai, con bà ấy lượm về lúc đó tôi vắng nhà cả tháng. Đời trớ trêu, thiên hạ nó đồn tôi lái xe cho Tây, bà ấy lấy Tây sinh ra thằng Tây đen. Kệ họ nói ông à, đàn bà có phải muốn là đẻ ra liền đâu nhưng họ vẫn nghi ngờ, vẫn nói, sao bịt miệng họ được. Cái thằng hình hài Tây nhưng ở với mình lâu ngày nó mang máu Việt. Nói thiệt, lúc đi về thấy thằng nhỏ đen nhức mắt nằm trong nhà, tui chỉ muốn mang giục nó đâu đó cho rồi, thời đó cũng thiếu gì những chỗ nuôi trẻ như thằng này còn nhà mình đang nuôi con bầy. Lại con của mấy con nhỏ đi nhảy đầm với Tây chớ con ai. Nhưng bà ấy kêu mến tay mến chân rồi, thương nó giọt máu từ bên kia đại dương dạt qua mà không người thừa nhận.

Nó lớn lên cũng khổ, vì cái hình hài đen đúa của nó, bạn bè chê cười. Ông ở đây, Tết này nó về, tui kêu nó hát cải lương cho ông nghe. Nghe Tây hát cải lương, hát điệu buồn phương Nam nhả câu nhả chữ luyến láy, lên cao xuống thấp y như tài tử, mà tui cũng dám chắc với ông là ít ai có được cái may mắn là nghe Tây hát cải lương nghe ông! – Ông Bẩy khoe, hơi kiêu kiêu.

Nó đen nó xấu nhưng con vợ nó đẹp như người mẫu, nó lấy vợ cái thời người ta nhớn nhác bỏ quê bỏ xứ ra đi. Đời cũng lạ, thằng Đen vẫn bị bọn con gái chê, xa lánh làm tui tưởng nó ở giá đến già đời trai… Con nhỏ máu mê xuất ngoại, biết lấy thằng Đen thì cầm chắc tấm vé nên xả thân nhào vô. Thằng Đen thì sướng bằng lên tiên còn gì. Lấy xong là con nhỏ hối thúc làm thủ tục để đi, sang bển, chưa ấm chỗ thì nó đi lấy thằng khác. Cái con đàn bà vừa đểu vừa bạc, nó lấy mình vì cái mục đích riêng của nó. Tính ra thằng Đen có ích cho bao nhiêu người. Giờ tui chỉ mong nó kiếm được đứa thương nó thiệt tình mà làm bạn nhưng thấy nó còn lơ đễnh lắm.

Cuối năm bảy lăm, tui với ba thằng lớn đi cải tạo mấy tháng, ở nhà bà ấy với lũ trẻ nheo nhóc. Lúc ấy thì ai cũng khó khăn nhưng nhà mình là khó khăn điển hình. Thằng Tư đi lính dù ngày xưa là thằng nhiều tài lẻ và đẹp trai nhất trong lũ con tui thành bác sĩ phòng mạch tư. Nó chơi m‌a tú‌y, sau giải phóng vẫn không bỏ được, đi cải tạo về mãi rồi mới “đi” cách đây mười năm. Tui thương nó nhất, ông à (ông Năm nghĩ thầm, chẳng trách mười năm mà ông còn cho là mới).

Mấy đứa kia thì cũng làng nhàng kiếm ăn, năm nào thằng Đen cũng có quà về cho từng đứa trả nợ, mua sắm, đóng tiền cho con, cũng đỡ khổ nên tụi nó mong thằng Đen dữ lắm! Con Tám này là khá nhất trong bọn con tui, nó mở tiệm, thằng Đen về chơi thấy có hướng tiến tới nên đầu tư thêm cho em, giờ nó cũng phụ thằng Đen lo cho đám kia. Thấy nó thương nhau như máu mủ ruột rà, tui với bà ấy mừng lắm, ông à. Nó kêu mấy đứa nhỏ ráng học, sau này sang bên ấy du học, nó lo. Nhưng thấy nó lo hoài cho anh em lại thêm cái lo cho nó.

Ông Năm hay nói về thằng Đi-ô-xin của mình: Nó sinh năm 1978, nhỏ nhất trong 5 đứa con tôi. Hồi bà ấy sinh nó ra cũng lành lặn khỏe mạnh như bao đứa khác, nó cũng học hết lớp ba rồi thời gian biến nó thành người có đời sống thực vật. Năm ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn phải không ông? Mấy đứa anh chị nó thành đạt cả, đứa là công chức, đứa lập công ty, thằng kế út theo nghiệp tôi làm lính Cụ Hồ; mà đời lính thì phải phong trần, phải đi phải không ông, có vậy nó mới xa Hà Nội thành hàng xóm của con gái ông đây. Ngày xa Thủ đô, nó đắn đo ghê lắm ông à. Tôi cũng hoang mang một dạo nhưng nghĩ lại, Đất Việt mình đâu chả là quê.

Thằng Đi-ô-xin không đi đâu được nên ở lại nhà với hai ông già. Nhưng nó cũng biết thương mẹ, thương cha, sống thực vật nhưng cũng biết nền nếp, nếu không hai cái thân già biết xoay xở thế nào, anh chị nó xa nhà cả. Hồi nó đổ bệnh rồi liệt giường, vợ chồng tôi đau buồn mãi, mình có làm việc gì thất đức để con mình phải gánh chịu như thế.

Nhưng nghĩ lại thì tại chiến tranh. Sai lầm của tôi là biết mình nhiễm chất độc hóa học mà vẫn cùng bà ấy sinh đẻ thêm con. Mà đúng ra thời ấy mình không hiểu cái thứ thuốc hóa học ấy nó khủng khiếp đến thế. Tôi nghe có những anh lính đi rải chất độc ấy, giờ cũng dở điên dở dại vì ân hận, sám hối hay bị quả báo phải không ông?

Tôi với bà ấy ở nhà trông nom thằng Đi-ô-xin và nhận “lương” của các anh chị nó gửi. Chúng nó cũng áy náy vì không giúp được bố mẹ chăm em nhưng mà mình cũng còn sức khỏe. Thời chúng nó còn bé, mình không chăm bẵm được thì giờ già chăm con bù lại. Ông Năm tự an ủi thế nhưng mắt rân rấn làm cho ông bạn già mắt mũi cũng lèm nhèm thêm.

Ừa, chiến tranh mà, ông Bẩy chỉ gật gù lý giải mỗi khi bị đánh trúng “điểm yếu” hay phải nghe ông bạn nói về nỗi đau chiến tranh như thế, bởi ông bạn già say chuyện quá, không ngừng lại được mà chuyện nhà ông ấy là vậy, chẳng ác ý gì.

Chúng ta đều đã già rồi - ông Bẩy nói với giọng điệu trầm ngâm, mắt nhìn xa lắc-Trời thương cho mạnh khỏe, đến Đại lễ ngàn năm Thăng Long, tôi và anh sẽ ra Hà Nội, mình đi tàu lửa, đi dọc đất nước cho thỏa chí tang bồng lần cuối anh Bẩy ạ! Ông Năm “rủ rê” y như thời tuổi trẻ ham chơi. Tôi sẽ dẫn anh đi thăm con đường gốm sứ dọc triền đê sông Hồng, anh sẽ thấy cái duyên của gốm Bát Tràng quê tôi cũng chẳng hơn thua gì gốm Biên Hòa quê anh.

Truyện ngắn của Trâm Oanh

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật