Phỏng vấn Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mức học phí đồng đều trong những năm qua làm cho những người có điều kiện kinh tế muốn con em mình được hưởng một dịch vụ đào tạo cao không thể tìm được nơi đáp ứng trong nước nên phải ra nước ngoài hoặc học các chương trình “liên kết” mà nhiều lúc chất lượng cũng chưa hẳn là cao.
Phỏng vấn Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM đối thoại với luật sư, nhà tuyển dụng tương lai của họ. Ảnh: H.MINH
Phóng viên: Xung quanh vấn đề tài chính cho giáo dục có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược, còn ý kiến ông thế nào?

- PGS-TS Thái Bá Cần: Tôi giới hạn ý kiến của mình trong lĩnh vực đào tạo ĐH. Trước hết hãy trả lời câu hỏi kinh phí cho giáo dục ĐH hiện nay có thiếu không? Câu trả lời là không thiếu bởi chẳng có trường ĐH nào nợ nần ai cả, kinh phí quyết toán của các trường chắc chắn là không âm! Nghĩa là kinh phí đủ nhưng là đủ để đào tạo ra một sản phẩm hiện nay hoặc tốt hơn một tí nếu việc quản lý ở các trường tốt hơn. Để có những sản phẩm đào tạo chất lượng cao, điều kiện “cần” nhưng “chưa đủ” là phải có đầu tư tương xứng việc tiết kiệm, sử dụng hợp lý nguồn lực hiện có để có thể nâng cao được một số mặt chất lượng hiện tại ở mức độ nhất định chứ không thể là giải pháp quyết định để nâng cao chất lượng đào tạo như một số người nghĩ, mặc dù đó là điều rất quan trọng mà lương tâm mỗi người làm giáo dục phải luôn luôn được nhắc nhở để thực hiện cho đại bộ phận nhân dân và đất nước còn khó khăn.

Như vậy, nếu xem chất lượng đào tạo hiện nay là chấp nhận được đối với nền kinh tế thì có thể không phải đặt ra vấn đề tăng nguồn tài chính cho giáo dục ĐH mà chỉ đặt vấn đề sử dụng hiệu quả cái đang có. Còn nếu chúng ta muốn có một sự thay đổi tương đối cơ bản (trên diện rộng hay trên diện hẹp) thì chắc chắn phải tăng mức đầu tư trên diện tương ứng và tôi thiên về ý kiến thứ hai.

. Có nhiều ý kiến cho rằng cần tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo. Ông có đồng ý với quan điểm này?

- Trên thực tế, để có một nền giáo dục - đào tạo chất lượng cao cần rất nhiều thứ, có thứ có thể có ngay được nếu có tiền như cơ sở vật chất, thiết bị... nhưng cũng có cái có tiền cũng phải nhiều năm sau mới có được (thậm chí không thể có được!) như trình độ giảng viên, hệ thống quản lý, văn hóa ĐH, môi trường ĐH, thói quen và phong cách của người dạy và người học...

Tuy nhiên, đối với các trường ĐH VN hiện nay thì những yếu tố cơ bản để bảo đảm chất lượng đào tạo theo mong đợi còn chưa được đáp ứng, ví dụ như cơ sở vật chất nghèo nàn, phòng ốc chật chội, số lượng sinh viên trong một lớp cao, giờ dạy của giảng viên nhiều, không có điều kiện để nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ... thì việc tăng đầu tư về tài chính chắc chắn sẽ cải thiện ngay được tình hình và vì vậy mà việc hy vọng nâng cao chất lượng đào tạo là có cơ sở.

. Theo ông, làm sao để tăng nguồn lực tài chính cho giáo dục trong tình hình hiện nay?

- Nguồn tài chính hiện nay của các trường ĐH VN chủ yếu từ hai nguồn chính là Nhà nước cấp và đóng góp của người học. Vì vậy, trong tương lai gần, việc tăng nguồn lực tài chính cho các trường ĐH cũng chủ yếu xuất phát từ hai nguồn đó. Một số ý kiến cho rằng các trường ĐH phải đi tìm thêm nguồn thu khác. Đó là ý kiến đúng và nhiều trường đã cố gắng thực hiện.

. Đâu là giải pháp cho bài toán tài chính và chất lượng ở trường ĐH?

- Đây là bài toán khó nhưng không phải không có lời giải. Tôi không tán thành với ý kiến cho rằng mức học phí phải tính đúng, tính đủ những chi phí bảo đảm chất lượng đào tạo của trường ĐH vì khái niệm “đúng”, “đủ” ở đây là không xác định. Chúng ta không thể tính “đúng”, tính “đủ” để rồi đại bộ phận người dân không thể chi trả. Việc tính toán mức học phí bắt buộc phải dựa trên cơ sở thu nhập của người dân mà một chỉ số quan trọng và khá phổ biến là thu nhập bình quân đầu người. Mức học phí hiện nay của chúng ta đưa ra đã 10 năm chưa thay đổi vì vậy việc điều chỉnh lại mức học phí là cần thiết.

Mức học phí đồng đều trong những năm qua làm cho những người có điều kiện kinh tế muốn con em mình được hưởng một dịch vụ đào tạo cao không thể tìm được nơi đáp ứng trong nước nên phải ra nước ngoài hoặc học các chương trình “liên kết” mà nhiều lúc chất lượng cũng chưa hẳn là cao.

Tóm lại, chúng ta cần phải có một chính sách học phí không đồng đều. Một mặt, phải duy trì một mảng đào tạo ĐH lớn với chất lượng vừa phải và mức đầu tư tương ứng cho một số đông những người có nhu cầu học tập và điều kiện kinh tế thấp. Đồng thời, phải thiết lập những chương trình đào tạo mũi nhọn, chất lượng cao nhằm tạo ra một đội ngũ nhân lực có khả năng sáng tạo - đủ trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Việc đầu tư cho đội ngũ này được thực hiện trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Diệu Hằng thực hiện

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật