Lam Trường - Ngôi sao may mắn

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ một thời gian rất ngắn “đứng ké“ ngôi sao Mỹ Linh trên bìa đĩa, Lam Trường đã vụt bay trên bầu trời ca nhạc Việt những năm 1997 -2000, trở thành “số 1“ về nhiều phương diện.
Lam Trường - Ngôi sao may mắn
Lam Trường

Số 1 lâu năm nhất trên “bảng phong thần” nhạc Việt mang tên Làn Sóng Xanh. Số 1 về cát-sê. Số 1 về hợp đồng quảng cáo với Pepsi Cola. Và cũng là thần tượng số 1 của giới trẻ những năm này. Toàn những điều, trước Lam Trường, chưa có bất cứ ngôi sao ca nhạc nào làm được.

Năm 2000

Tuổi không còn mực tím để trở thành một fan thân thiết của chàng nổi tiếng này, nhưng có mặt trong những đêm ca nhạc có sự tham gia của Lam Trường, tôi luôn kinh ngạc, thậm chí, cực kỳ kinh ngạc. Sự ái mộ của công chúng trẻ với Trường hình như vượt qua sự bình thường.

Tại Nha Trang, nhân chương trình “Nghe mưa” biểu diễn (năm 1998), một gia đình là fan của Trường đã chầu chực từ 8 giờ sáng tới 8 giờ tối tại khách sạn đoàn ngụ chỉ để nhìn thấy Lam Trường. Trong đêm diễn tại Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, khán giả ôm hoa ngồi bệt ngay bậc thang lên xuống sân khấu để tặng hoa Trường sau mỗi câu hát (lúc đó trong chương trình còn có các ngôi sao khác: Mỹ Linh, Bằng Kiều, Trần Thu Hà…). Ở Hà Nội, Trường tìm cách nghỉ giữ giọng để tối hát duy nhất bằng cách cắt hoàn toàn điện thoại, kể cả di động lẫn điện thoại phòng khách sạn.

Và tối ấy (năm 2000), tại sân khấu Mùa Xuân (Hà Nội) ken kịt người, có cô bé tuổi trăng rằm nghe Trường hát xúc động tới độ khóc sụt sịt! Báo Hoa Học Trò lúc đó còn có hẳn một cuộc “tuyên chiến” giữa các fan của Lam Trường với một bạn trẻ nào đó đã “trót dại” phê bình thần tượng của họ, lời lẽ “đanh thép” đến nỗi kẻ “trót dại” kia hình như phải trốn chạy mất tăm.


Ca sỹ Lam Trường

Ngôi nhà số 690/1 đường Lê Hồng Phong, quận 10, Tp. HCM (nhà Trường) gần như hàng ngày nhận được vài chục thư của người hâm mộ từ mọi miền đất nước, phần lớn là những lời bối rối, xúc động rất chân thành đến nỗi nhiều khi xin ảnh tặng mà quên ghi cả địa chỉ của mình, rất nhiều  “mực tím”, “ô mai” xúc động viết: “Anh (Lam Trường) là thần tượng mà em sùng bái nhất đó”, v.v… Lam Trường cũng là ca sĩ đầu tiên được các fan gọi  bằng “anh” – anh Hai (sau Trường, các ca sĩ khác mới được gọi tương tự: “chị Chanh” – tức Phương Thanh, “anh Bo” – tức Đan Trường). Nhiều người lớn bực mình bảo. Trò trẻ con! Trò đua đòi! Nhưng trái tim con trẻ có những đường đi riêng của nó, có cái hồn nhiên, có sự bồng bột, rất đáng yêu, dù không phải bao giờ cũng đúng.

Có một chút tài năng, một chút may mắn, Trường trở thành người đầu tiên khơi dòng cho những ca sĩ thần tượng lên ngôi, điều này trước đó người ta mới thấy ở các ngôi sao điện ảnh những năm 1980 (Lý Hùng, Diễm Hương từng bị khán giả xé quần áo làm kỷ niệm trong LHP ở Hải PHòng). Không chỉ là thần tượng của nhiều bạn trẻ ở Việt Nam, Lam Trường còn chiếm luôn sự hâm mộ của giới trẻ trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, thay thế những hình ảnh một thời giờ để trở nên già cỗi và cũ kỹ như Tuấn Vũ, Tuấn Ngọc, Don Hồ. Sau Lam Trường, nhiều giọng ca khác cũng được đăng lên hàng thần tượng với con đường tương tự như Phương Thanh, như Đan Trường.

Là con út trong gia đình nguyên quán Triều Châu (Trung Quốc) đã gắn bó với mảnh đất Chợ Lớn, Tp.HCM, đấy cũng là nơi xuất phát đầu tiên của Trường trong sự nghiệp ca hát bằng giải Nhì cuộc thi hát tiếng Hoa mang tên “Thập đại tinh tú” do NVH quận 5 tổ chức năm 1995. Đầu năm 1997, gương mặt đẹp trai “như tài tử Hồng Kông” và giọng hát na ná “Tứ đại thiên vương” còn xuất hiện khá khiêm tốn trên bìa đĩa bên cạnh gương mặt Mỹ Linh – hiện tượng của năm 1997, trong những album nhạc nước ngoài lời Việt của Vafaco.


Hiện tại, Lam Trường trở thành ngôi sao số 1 về nhiều phương diện trong làng nhạc Việt

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, chàng trai này bỗng nổi bật. Góp sức cho cuộc lột xác này là sự thăng hoa của ca khúc nhạc trẻ Việt Nam, cuộc hồi sinh mạnh mẽ của thị trường băng đĩa nội địa và đặc biệt là cuộc chơi Top ten Làn Sóng Xanh do Đài TNND Tp.HCM khởi xướng (1997). Duyên may, như chính Trường thừa nhận, đã “kết” Lam Trường với ca khúc “Tình thôi xót xa” liên tục dẫn đầu Top ten. Và sau đó là hàng loạt ca khúc êm tai, mang đậm hơi hướng pop châu Á của nhạc sĩ Bảo Chấn đã cùng Trường ngự trị thường xuyên ở Làn Sóng Xanh, trong nhiều album và trong hầu hết các chương trình ca nhạc nở rộ trong năm 1998.

Âm sắc giọng không thật đặc biệt, hơi không dài, nhưng phải thừa nhận luồng gió mới lành mạnh trong giọng hát dễ thương, trong cách thể hiện đã được Lam Trường, một đại diện tiêu biểu, đầu tiên của một thế hệ ca sĩ trẻ, mang tới sân khấu ca nhạc, gắn liền với một thời kỳ mới của nhạc trẻ Việt Nam khi cánh cửa ra khu vực châu Á đang hé mở. Ca khúc “Tình thôi xót xa” qua giọng hát Lam Trường đã được Đài truyền hình Nhật bản NHK phát trong chương trình “những  bài pop hay châu Á” hồi giữa năm 1998.

Nhiều người trong giới trẻ nhìn thấy hình ảnh của mình khi Trường hát về nỗi buồn nhẹ nhàng, đơn giản với tiết tấu của cuộc sống hiện đại, không sầu muộn, không bi thương, không phức tạp nặng nề. Nhiều bạn trẻ tìm thấy thần tượng của mình ở đây với nét trẻ trung, văn minh châu Á mà bấy lâu họ chỉ chiêm ngưỡng ở phim Hồng Kông, phim Hàn Quốc. Tất nhiên những điều như thế không nằm trong thế giới của những người lớn, thích sự sâu sắc. Trường biết điều đó và thành thật không giận nếu người ta bảo rằng Trường chuyên hát ca khúc thời thượng và Trường dường như cũng chỉ 100% tự tin khi hát trước các bạn trẻ, vì theo suy nghĩ của anh thì “Những người trẻ luôn đầy đủ sự đồng cảm”.

Năm 2011

11 năm sau bài viết nói trên về Lam Trường (ngay sau liveshow đầu tiên của Trường mang tên “Lời trái tim muốn nói” tại sân khấu Lan Anh, Tp.HCM), người viết bài này đã gặp lại một trong những nhân vật chính góp phần tạo nên sự thành công của Lam Trường từ những ngày đầu tiên và trong liveshow đầu tiên của anh – bà Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Biên tập viên âm nhạc Hãng phim trẻ & TTBN Trẻ, nguyên giám đốc, Chủ tịch HĐQT công ty Bạn Yêu Nhạc.

Thưa chị, lúc đó (quãng những năm 1995 – 1996), với tư cách là nhà sản xuất, Hãng phim Trẻ, TTBN Trẻ & Kim Lợi Studio, đã “phát hiện” ra Lam Trường như thế nào?

Kim Lợi Studio, một đối tác của Hãng phim Trẻ & TTBN Trẻ chính là người phát hiện ra Lam Trường. Quãng năm 1995, khi series “Mưa bụi” bắt đầu đi qua thời dòng nhạc quê hương với Đình Văn – Tài Linh, thì chuyển sang xu hướng nhạc Hoa lời Việt (có chuyện này cũng bởi lúc đó ca khúc Việt Nam còn “yếu”, chưa “bùng nổ” như mấy năm sau đó ) và Kim Lợi là người tiên phong trên thị trường băng đĩa nhạc với dòng nhạc này, bắt đầu bằng Cảnh Hàn, Sĩ Ben và cặp đôi ca sĩ được yêu thích nhất trong dòng nhạc này lúc đó là Minh Thuận – Nhật Hào. Tuy nhiên, Kim Lợi quyết định đi tìm một gương mặt mới, có thể hát cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt.

Lúc đó Trường vừa đoạt giải Nhì cuộc thi hát tiếng Hoa “Thập đại tinh tú” với ca khúc “Tiếng sao phiêu bồng” (nhạc Hoa, lời Việt: Minh Tâm). Lam Trường “sáng” nhất trong những gương mặt ứng cử viên lúc đó: sáng sủa, hát tiếng Việt và tiếng Hoa tốt. Kim Lợi quyết định “đẩy” Trường lên với chính  bài “Tiếng sáo phiêu bồng”, trong video “Mưa bụi” series 1996. Một thời gian sau, nhạc sĩ Bảo Chấn có đưa cho Kim Lợi bài “Tình thôi xót xa”, Hữu Minh, ông chủ trẻ của Kim Lợi Studio “ngửi” thấy “mùi” thành công, liền đưa ca khúc này cho nhạc sĩ Mạnh Trinh phối, Lam Trường hát, lập tức “bật” lên ngay. Ca khúc này xuất hiện liên tục trong rất nhiều CD lúc đó và chính nó cũng đưa Lam Trường vào Top ten Làn Sóng Xanh ngay năm đầu tiên và liên tục nhiều năm sau như mọi người đã biết.

Thành công của nhiều ngôi sao có yếu tố thời thế. Chị đánh giá yếu tố này ở trường hợp Lam Trường thế nào?

Thành công của Lam Trường có rất nhiều sự may mắn. Thứ nhất, Trường xuất hiện đúng thời điểm video ca nhạc đang đứng ở đỉnh cao và bản thân cậu ấy lại “rơi” đúng vào nhà sản xuất đang mạnh về sản xuất video ca nhạc. Có thể nói không có video (ca nhạc) thì không có Lam Trường. Tất nhiên nhà sản xuất lúc đó cũng may mắn có được một gương mặt ca sĩ rất ăn hình.

Thứ hai, Trường xuất hiện đúng thời điểm chuyển động của thị trường nhạc Việt: từ chỗ gần như không có gì đến nhạc Hoa lời Việt và phong trào nhạc trẻ Việt Nam bùng nổ những năm cuối thập niên 1990.

Thứ ba, Trường có Làn Sóng Xanh. “Tình thôi xót xa” cùng Lam Trường “lên” đúng năm Top ten Làn Sóng Xanh “khai sinh” (1997) và trụ luôn ở đó nhiều năm. Tầm ảnh hưởng của Làn Sóng Xanh với thị trường âm nhạc lúc đó vô cùng lớn.

Và thêm nữa, Trường cũng là một điển hình ca sĩ thành công nhờ bài hát.

Còn bản thân cậu ấy?

Lam Trường đặc biệt thông minh, biến hóa và có suy nghĩ chiến lược, một ca sĩ có đầu óc. Trường biết cách ứng xử với môi trường, với các mối quan hệ xung quanh, không làm mất lòng ai hết. Có thể nói Trường hợp tác với ai, với nhà sản xuất nào đều biết thế mạnh của từng người, biết hợp tác đúng chỗ, và cả biết… từ giã đúng lúc!


Khả năng tự tìm ca khúc của Trường cũng tốt. Tuy tôi không đánh giá cao giọng hát của Lam Trường nhưng khả năng khai thác thương mại của Lam Trường thì tốt. Có điều, khó nhà sản xuất nào thu được lợi từ Lam Trường (ngược với Đan Trường, và đây là một câu chuyện khác, xin được trở lại câu chuyện này vào một bài viết khác). Đây là thực tế.

Nhưng lạ là thành công của Lam Trường kéo dài một cách “lạ thường” từ 1996 đến khoảng 2008 có sự góp sức của rất nhiều nhà sản xuất, của nhiều người…

Đúng như vậy. Từ khi xuất hiện Đan Trường (từ năm 1998) thì sự cạnh tranh ngấm ngầm nhưng quyết liệt giữa hai ngôi sao này cũng bắt đầu diễn ra, chủ yếu là giữa hai manager – lúc đối lập, lúc bắt tay nhau,… thực tế là có như vậy mới “ra được” Lam Trường và Đan Trường. Tuy nhiên, Lam Trường luôn được “cứu”. Cứ mỗi lần “gặp nguy”, làm liveshow là “sống lại”. Từ  năm 2000 – 2005, khi video ca nhạc không còn là công cụ “đẩy’ ca sĩ, là tới thời của liveshow. Thời video ca nhạc thì Lam Trường “gặp” Hãng phim Trẻ và Kim Lợi. Thời liveshow thì “gặp” Huỳnh Phúc Điền, v.v… Bởi vậy, trong thành công của Trường có nhiều may mắn gặp nhiều “quí nhân”. Có thể nói Lam Trường là trường hợp đặc biệt, lịch sử khó lặp lại.

Nếu là manager của Lam Trường, liệu bây giờ, năm 2011, chị nghĩ có thể làm “sống lại” hiện tượng này hay không?

Một vài manager trong làng nhạc cho rằng, với Trường hiện nay có thể thay đổi hình ảnh cậu ấy, đưa Trường vào sân khấu chững chạc hơn, chọn bài phù hợp với lớp khán giả đã trưởng thành theo Trường, thay vì chạy theo lứa tuổi teen hiện nay. Trường đã vượt qua được “hiện tượng nhất thời”, cậu ấy có sức chịu đựng, có thể hát những bài chững chạc, như sáng tác của Trần Lê Quỳnh chẳng hạn. Chứ chạy theo ca sĩ bây giờ thì khó.



Đúng vào lúc kết thúc bài viết này thì tôi đọc được thông tin Lam Trường và Phương Thanh sẽ cùng nhau xuất hiện trong ca khúc “Lỡ lầm” của Đỗ Quang  trên sân khấu tụ điểm 126 trong chương trình “Quà tặng tình yêu 2011”. Sự trở lại của cặp ngôi sao số một trên thị trường ca nhạc 10 -12 năm trước với một ca khúc cũng từng là “hit” lúc đó của một nhạc sĩ trẻ, một nhân vật đầy hào quang (người dựng nên nhóm boyband thành công nhất Việt Nam (1088) và cũng đầy bi kịch (anh đã t‌ּự t‌ּử cuối năm 2004 vì không chịu được áp lực của thế giới showbiz) khiến ai đó không khỏi ngậm ngùi về một thời đẹp đẽ đã đi qua…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật