Chiếc muỗng

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày của ông thường bắt đầu từ bốn giờ sáng, rời nhà khi trời vẫn còn tối, sửa soạn rồi bắt xe lên Bến Thành, từ Bến Thành bắt thêm một chuyến nữa ra Thủ Đức, đến xí nghiệp sản xuất dụng cụ nhà bếp mà ông đã gắn bó hơn bốn năm nay.
Chiếc muỗng
Ảnh minh họa

Dù quãng đường từ quận Tư nhà ông đến Thủ Đức rất xa, mỗi ngày phải đi hai tiếng mới tới nơi nhưng so với xưởng đóng giày mà ông từng làm ở Long An thì vẫn gần hơn.

Gọi là xí nghiệp sản xuất dụng cụ nhà bếp chứ mấy năm nay ngoài muỗng ra thì ông không thấy thêm một thứ vật dụng gì khác. Ông biết ngoài khu xưởng sản xuất muỗng ông đang làm, trong khuôn viên xí nghiệp còn có xưởng sản xuất nĩa, một khu xưởng chuyên sản xuất dao… Từ những phân xưởng này, những chiếc muỗng, nĩa, dao sẽ tình cờ tụ hội nhau trên chiếc bàn của một nhà hàng, một quán ăn, hay căn bếp của một góa phụ nào đó.

Ông không biết những chiếc muỗng được làm ra như thế nào, có một chiếc máy ở đâu đó đằng kia, nơi người ta đưa những khối kim loại thô vào, qua một cái máy dập, hay bất kỳ cái máy gì đi nữa, để biến chúng thành hình chiếc muỗng. Từ trên đó, những chiếc muỗng chảy về trên một cái máng nước, qua một chiếc máy sấy khô, trình tự như lũ trẻ mới vừa bước ra khỏi nhà tắm, xếp hàng đứng trước mặt ông còn nhiệm vụ duy nhất của ông là chọn ra một đứa trẻ xấu xí hay bị lỗi kỹ thuật để bỏ sang một bên.

Trong cái khay nhựa nhìn chiếc muỗng nằm chồng chất lên nhau như những xác chết, một đống thây ma đầu thừa đuôi thẹo đợi chờ đưa vào lò nấu chảy để tiếp tục tái sinh trong một hình dạng khác theo chỉ tiêu hoàn hảo được các kỹ sư quy định và đã thành bộ quy tắc hướng dẫn ông được học ngay từ lúc mới vào làm.

Lên bàn hay vào lò phụ thuộc nơi ông, ít nhất là với dây chuyền này, bằng mắt thường hay sờ nắn, ông nhận ra những chiếc muỗng lỗi và bỏ chúng vào riêng một chỗ. Lắm khi có những chiếc chỉ bị móp một tẹo ông cũng vứt đi, cố sao cho cả ngàn cái muỗng đều giống cái muỗng mẫu nhất, cái muỗng mà ngày đầu tiên đi làm trưởng ca đã giơ thẳng vào mặt ông để ông nhớ từng chi tiết.

Chiếc máy làm muỗng khiến ông phát sợ vì độ chính xác dập trăm lần như một, ấy vậy mà thi thoảng từ cái khuôn nọ lại nảy nòi ra vài sản phẩm lỗi, những chiếc muỗng có phần cán méo mó, hay phần đầu bị bẹt, thậm chí có chiếc không ra hình thù muỗng. Ông không hiểu nguyên nhân gì khiến cho một dây chuyền đồng bộ đến thế lại sản xuất ra những chiếc muỗng có độ chênh nhau như vậy, chúng phải tuyệt đối giống nhau, hoặc đẹp giống nhau, hoặc xấu giống nhau.

Chính vì thế khi bắt gặp nó, ông nhận ra ngay sự kỳ lạ. Chảy từ máng nước xuống ông nhận ra ngay, cứ như thể mấy năm nay ông luyện mắt mình để nhìn ra nó, chiếc muỗng đó. Thoạt nhìn, nó trông y hệt những chiếc muỗng khác, chỉ có điều… độ bóng ấy, sự láng mịn ấy, cả độ lạnh khi chạm vào, dường như rất khác, rất riêng… Ông không thể nói ngay nó xấu hay đẹp, nó không bị lỗi, dĩ nhiên rồi, nhưng… nó khác và chính vì nó khác mà dường như nó… đẹp. Ông nhận ra rằng có thể chẳng còn chiếc muỗng thứ hai nào như thể chạy qua trước mặt ông, nó là độc nhất, nó đẹp một cách độc nhất.

Ông nhìn quanh, họ vẫn đang cúi mặt xuống băng chuyền, săm soi những chiếc muỗng im lặng nằm đợi sự phán xét. Cầm chiếc muỗng trên tay, ông lật xuôi rồi lật ngược, mặc cho chiếc băng chuyền vẫn chạy đều đều, không kịp nghĩ gì, ông cho luôn chiếc muỗng vào túi quần.

Lúc nắm chặt nó trong tay, tim ông giật thót, như thể ông đang phạm tội, không biết xí nghiệp sẽ xử lý thế nào với kẻ trộm muỗng, dù chỉ duy nhất chiếc muỗng này. Mà trong cái xí nghiệp rộng lớn, liệu họ có kiểm soát được một ngày mình sản xuất được bao nhiêu chiếc muỗng hay không, họ không thể kiểm soát được bao nhiêu chiếc muỗng bị lỗi, nếu họ kiểm soát được chắc chắn đã không có những chiếc muỗng lỗi, dù có biết họ cũng phẩy tay cho qua (ông tưởng tượng dáng điệu của tay giám đốc không rõ khuôn mặt nào đó, đưa bàn tay bè bè phủi cái tin mất một chiếc muỗng như xua đi một con ruồi). Hoặc nếu họ truy cứu thì ông cũng không sợ, một chiếc muỗng đáng là bao, ông sẽ trả tiền, ông sẵn sàng mua nó. Nhưng ngộ nhỡ họ không bán thì sao? Ông lại nghĩ lung, có thể vì nó quá đẹp họ sẽ quyết định không bán mà nộp lại cho giám đốc (lần này tay giám đốc được gắn thêm một nụ cười). Thế là ông quyết định chỗ tốt nhất cho nó lúc này chính là túi quần của ông.

Cả ngày ông thấp thỏm. Chiếc muỗng trong túi ông lạnh toát, cái lạnh không làm nó co lại mà cứ phổng phao, cồm cộm dưới lớp vải. Giờ nghỉ trưa ông lảng tránh mọi người, thậm chí không thèm ăn trưa, trốn biệt trong nhà vệ sinh, khóa trái cửa. Ông nghĩ mình sẽ không sống được đến lúc về nhà vào chiều với chiếc muỗng trong người. Nhưng cùng lúc đó, có thứ cảm giác gần như niềm hân hoan trẻ con rộn lên nơi ông, như chiếc muỗng là viên kẹo ngọt được bọc kỹ chờ đến khi không có ai sẽ lấy ra ngậm.

Cảm giác đó càng mạnh hơn khi ông ngồi trên xe buýt trở về nhà. Ông cố tình ngồi bên trái để có thể nhìn ra cửa sổ, trông mặt trời ửng lên lần cuối rồi chìm mãi vào im lặng. Không ý thức được rằng mình vừa chứng kiến một vòng lập của món đồ chơi lò xo đủ màu được kéo lên cao rồi cho rơi xuống, sự lặp lại không gây nhàm chán, vẫn khiến người đàn ông cảm thấy mình là người nhất. Giờ thì thêm cả chiếc muỗng. Nó cũng thật, đã bớt lạnh hơn và dễ chịu dần trong túi ông. Cả hai trở thành đôi bạn có thể yên ổn được bên nhau, một tình bạn giữa người đàn ông trung niên và cái muỗng vừa mới được tạo ra ban sáng.

Về đến nhà, ông để chiếc muỗng trên kệ tủ nhà bếp. Không ai để ý, vợ ông đang nằm trên giường coi phim, ông nhớ lúc mới làm ở xí nghiệp thì đài chiếu bộ phim này, bây giờ vẫn còn chiếu. Rốt cuộc ngần ấy thời gian trôi qua có gì thay đổi đâu, ông vẫn đi làm, vợ vẫn đi bán cá, con trai vẫn đi học, mặt trời vẫn lặn bên trái và mọc bên phải ông. Thế giới vẫn vẹn vậy sao, một người chết đi và một người sinh ra, ông đã sống những ngày như vậy, và sẽ tiếp tục sống những ngày như vậy, lặp lại, như mặt trời.

Nhưng tối đó ông không ngủ được, nhìn qua hai bên thấy vợ và con trai đang say ngủ. Vợ ông thuộc về chợ cá và những bộ phim truyền hình, con ông thuộc về trường học và cái điện thoại của nó, về nhà hễ không ngồi ở bàn học thì nó ôm điện thoại hý hoáy. Hai người ấy không thuộc về chốn này, họ chỉ ở đây, còn ông thuộc về nơi nào ông không rõ nữa.

Ông lồm cồm bò dậy, đi xuống nhà bếp, tìm chiếc muỗng. Ông rửa nó bằng xà bông, lau khô cho đến khi sáng bóng rồi áp đầu muỗng vô mũi mình, nó vừa in, ông có cái mũi khá to, làm ông bật cười, ông chưa bao giờ cười vì chiếc mũi to của mình. Trời tối mà ông không dám bắt đèn, nhà ông bị kẹp giữa nhiều ngôi nhà nên không mở cửa sổ được, ông mở cửa chính bước ra hè, đưa chiếc muỗng lên cao, nheo một mắt sao cho chiếc muỗng che lấp mặt trăng. Ông xoay xoay chiếc muỗng trên những ngón tay, say sưa ngắm nhìn cái tạo vật hoàn hảo mà ông vừa chiếm được. Áp nó vào một bên má, ông cảm nhận cái mát mát lạnh lạnh cứ tan dần trên chiếc muỗng. Ông có một trăm trò để chơi đùa cùng nó nhưng thế thì đêm nay không đủ, vậy là ông đành cất chiếc muỗng lại chỗ cũ và để dành trò chơi cho những đêm sau. Ông nhìn đôi bàn tay mình, nhìn xuống chân, sờ lên mặt, biết rằng chúng là thật và ông là thật, không phải là một bóng ma vật vờ từ nhà đến xí nghiệp. Trong niềm vui đó, ông trở lại giường chìm vào giấc ngủ không mộng mị.

Vừa tỉnh dậy vào sáng hôm sau, ông liền đi tìm chiếc muỗng. Tim ông dừng một nhịp, sững sờ khi tay ông không chạm được vào chiếc muỗng vốn phải còn ở vị trí mà lần cuối ông đặt vào. Ông cuống cuồng đi tìm khắp nơi. Vợ ông chắc ra chợ rồi, thằng con ông không thấy đâu, nó làm gì khi mới có 4 giờ sáng. Ông chạy ra trước nhà, thấy thằng nhóc đang cầm một tô cơm trắng chan nước tương với mấy lát chuối tươi đang múc cơm ăn ngon lành bằng chiếc muỗng yêu quý của ông.

- "Mày làm gì mà ăn vào giờ này hả?" - ông nhăn nhó.

- "Đói bụng không ngủ được" - nó trả lời ngang phè.

- "Thiếu gì muỗng sao mày không lấy hả thằng mất dạy".

- "Thấy trên tủ nên lấy đại". Nó nói, vẫn cúi mặt ăn không thèm nhìn ông, "mà muỗng không múc cơm chứ làm gì, ba vô duyên quá".

Tức mình, ông chạy đến định giật lấy cây muỗng thì đạp phải vỏ chuối thằng con vứt dưới đất. Bị nhấc bổng lên không chừng vài tấc, chân kéo thành hình vòng cung bốn mươi lăm độ rồi ngã vật ra sau, đau đớn không đứng lên được. Ông bất lực nằm yên, trong khi thằng con bỏ tô cơm xuống chạy vội đến đỡ ông.

- "Cái muỗng, cái muỗng" - ông nói, rồi đợi thằng nhóc đưa chiếc muỗng, liền nắm chặt.

Vẫn nằm ngửa mặt nhìn lên cao, ông thấy một ngôi sao băng xẹt qua trông giống chiếc muỗng bạc vừa bay sượt ngang trời rồi chìm khuất vào khoảng không thăm thẳm tịch mịch đằng kia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật