Quý tử

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi đã trả vợi bớt nợ nần, mẹ tôi đi xem bói về, bảo: “Thầy nói nếu đẻ thêm đứa con trai, làm ăn sẽ phát tài to, lộc lá nhờ vào vía đứa con quý tử ấy!”. Bố tôi mắt sáng lên, mặt hân hoan đầy hy vọng...
Quý tử
Minh họa: Đỗ Dũng.

Tôi là con gái đầu lòng, sinh ra trong thời bao cấp nên gầy gò, khẳng khiu như một nhánh cây khô. Mẹ tôi bảo, hồi nhỏ tôi dặt dẹo, ốm đau luôn, khó nuôi. Năm tôi bảy tuổi, bố mẹ tôi kinh doanh thua lỗ nặng, vay mượn nợ nần chồng chất, suýt nữa phải bán cả nhà để trả nợ. Tiệm giải khát vắng khách, sáng sớm mẹ tôi phải bán cả trứng vịt lộn, bún riêu, sữa chua để thêm thu nhập. Bố tôi phải đi theo cánh thợ xây để lắp đặt điện nước, kiếm thêm tiền trả nợ.

Khi đã trả vợi bớt nợ nần, mẹ tôi đi xem bói về, bảo: “Thầy nói nếu đẻ thêm đứa con trai, làm ăn sẽ phát tài to, lộc lá nhờ vào vía đứa con quý tử ấy!”. Bố tôi mắt sáng lên, mặt hân hoan đầy hy vọng. Cuối năm ấy mẹ tôi có bầu. Đi siêu âm, trúng con trai thật! Bố tôi reo lên như vừa trúng số độc đắc, trông ông trẻ ra đến chục tuổi. Ông hăng máu chạy ngược chạy xuôi, góp vốn kinh doanh bất động sản, chung cổ phần với mấy người bạn đầu tư xuất nhập khẩu đồ điện máy gia dụng, rồi mở nhà hàng ăn uống hải sản cỡ lớn trong thành phố.

Đến kỳ khai nhụy, mẹ tôi sinh em bé trai gần 4 ký bụ bẫm, tai to mặt lớn, tướng quý tử. Bố tôi đặt tên bé là Nguyễn Thiên Lộc, ông bảo đó là lộc trời cho. Lộc kém tôi đúng 10 tuổi. Nó hay ăn chóng lớn, sớm biết lẫy biết bò và bi ba bi bô làm cả nhà vui vẻ, ríu ran.

Mẹ tôi quý Lộc lắm. Bà bảo: “Quý tử có khác, dễ nuôi, sáng ý, thông minh… hơn đứt con chị Thúy nó!”. Tôi cũng yêu quý bé Lộc, nhưng nghe mẹ nói vậy không khỏi chạnh lòng.

Từ khi có bé Lộc, bố mẹ tôi dồn hết tâm trí, tiền của cho bé, sắm sanh cho Lộc từ cái xe nôi đến cái chăn chiên, cái bình sữa… tất tật đều là hàng ngoại quốc, đắt mấy cũng mua bằng được. Còn tôi, dường như bố mẹ cho là “phận gái nữ nhi”, trước sau gì cũng “tung cánh chim bay đi” nên chẳng đầu tư, chẳng đoái hoài gì.

Quần áo tôi mặc ngắn cũn cỡn, bố mẹ cũng không sắm bộ mới. Bố tôi bảo: “Con chịu khó mặc đồ cũ, tiết kiệm để phần cho em bé!”.

Mẹ tôi lại nói: “Người con Thúy gầy khẳng gầy khiu, khó may quần áo lắm!... Mà con đang tuổi lớn, may bộ mới, sang năm lại ngắn cũn ngay ấy mà!”. Tôi không ganh tị với em Lộc, nhưng lắm lúc nghĩ thật tủi thân.

Bé Lộc tròn một tuổi, thị trường gặp cơn sốt bất động sản, nên việc kinh doanh của bố tôi phất lên trông thấy. Mảnh đất ông mua 7 cây vàng trước đây, giờ vút lên gấp gần hai chục lần. Nước ta mới gia nhập WTO nên hàng hóa xuất nhập khẩu thông thương, buôn bán với nước ngoài có lãi lớn, bỏ vốn nội tệ, thu vào toàn đô la khiến vốn liếng của bố tôi chẳng mấy chốc gia tăng rất “khủng”.

Bố tôi mua vàng, mua đất đai, mua căn hộ chung cư lia chia. Ông bảo: “Thằng cha thầy bói thánh thật! Đúng là bé Thiên Lộc ra đời đã cho nhà ta cả đống lộc trời, ăn mấy đời chẳng hết!”. Mẹ tôi càng chăm chút bé Lộc tợn, coi nó như “ông Thần tài”, sinh ra để cứu giúp cả nhà tôi thoát cảnh phá sản tồi tệ.

Kinh tế gia đình khá lên, nhưng bố mẹ vẫn chẳng chăm chút gì hơn cho tôi. Hình như bố mẹ cho rằng: Nếu đầu tư cho con gái lớn thì sẽ gặp rủi ro, vì cái vía của con bé gái gầy guộc xấu xí, toàn xui xẻo, u ám và thất bại. Có lẽ vì vậy nên bố mẹ tôi cứ để mặc tôi muốn ăn mặc ra sao thì ra, muốn làm gì thì làm, không vỗ béo, cũng chẳng chỉnh trang cho hình thức bên ngoài của cô con gái lớn.

Tôi buồn nhưng không thể hiện ra mặt, chỉ biết lao vào học các môn cho thật giỏi để bù lại cái dáng vẻ, hình hài không lấy gì làm hấp dẫn, mỹ miều của bản thân.

Bé Lộc lên 4 tuổi, tôi học lớp 9 thì sự khác biệt trong cư xử của bố mẹ đối với tôi và em Lộc càng rõ rệt. Bố mẹ thuê một người giúp việc chuyên chăm sóc, đưa đón Lộc đi mẫu giáo, thuê riêng một cô giáo hằng ngày đến tận nhà dạy Lộc đọc viết theo kiểu “Luyện thi vào lớp 1”.

Được nuông chiều, Lộc nảy sinh tính vòi vĩnh, nói năng lấc cấc từ nhỏ. Tôi mách mẹ, bà mắng tôi, bênh Lộc: “Mày con gái biết gì!...

Con trai quý tử của mẹ tai to mặt lớn, sau này làm quan to, đi có người hầu, nói có kẻ sợ!...Con nhỉ!?”. Ăn mắng mấy lần, tôi phát chán không buồn góp ý gì nữa.

Cuối học kỳ I, tôi được nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi quận hai môn: Sinh học và Ngoại ngữ. Tôi báo cáo với bố mẹ. Mẹ tôi động viên: “Cố mà học, giỏi được môn nào hay môn ấy!”. Bố tôi lại bảo: “Ngoại ngữ thì được, còn Sinh học thì cần cóc gì!... Thi cho vui, chứ ngữ con thì chắc gì đã ôm được giải khuyến khích?”. Tôi lóc cóc đạp xe đi thi một mình, trong lòng buồn tê tái, tủi thân vì thấy đám bạn bè đi thi có bố mẹ theo sát chăm sóc ăn sáng, mua nước nôi, đưa đón bằng ôtô, xe máy chu đáo lắm.

Kết quả kỳ thi tôi được giải ba môn Sinh học, giải nhì môn Ngoại ngữ cấp quận. Nhà trường lại chọn tôi đi thi cấp Thành phố. Bố mẹ tôi bảo: “Thằng chột làm vua xứ mù, nhì ba ở quận nhưng lên trên thành phố chắc loại từ “vòng gửi xe” thôi con ạ!”. Tôi càng nuôi chí, lăn vào ôn tập ngày đêm để không phụ lòng tin tưởng của các thầy cô và toàn trường.

Thật không ngờ, tôi đoạt giải nhất môn Sinh học, giải ba Ngoại ngữ toàn thành phố. Các bạn cùng lớp tôi bảo: “Cái Thúy chăm học quắt người, nó đoạt giải là xứng đáng quá còn gì!”. Bố mẹ tôi cũng vui, đi đâu cũng khoe “con Thúy nhà tôi học giỏi nhất thành phố đấy các bác ạ”, nhưng lại không thưởng cho tôi một món quà nào, ngoài bữa cơm có thịt gà rán - món ăn mà tôi không ưa (lại là món khoái khẩu của bé Lộc).

Tốt nghiệp THPT, tôi thi vào Đại học Y, đỗ điểm cao, trong tốp 5 thí sinh đầu bảng. Bé Lộc vào lớp 4, nó học sáng ý, tiếp thu nhanh nhưng mải chơi và hay trêu chọc các bạn cùng lớp. Hầu như tuần nào cô giáo cũng phải gọi điện mời phụ huynh đến gặp về chuyện do Lộc gây ra. Lúc thì nó đánh bạn, cấu bạn rách cả má; khi thì xé vở của bạn để gập thuyền, máy bay; hôm thì lại nhổ nước bọt vào bạn gái ngồi bàn trên… Nặng nhất là hôm nó bán 3 cái bút bi cho mấy đứa bạn cùng tổ trước giờ kiểm tra vì để quên bút ở nhà.

Mỗi cái bút nó “hét” 15 nghìn đồng. Rồi có hôm nó bán giấy kiểm tra, chép hộ bài cho bạn lấy công 20 nghìn đồng. Cô giáo bảo: “Tương trợ bạn lúc khó khăn, nhỡ nhàng là tốt, nhưng tuyệt đối không được biến cái lớp này thành cái chợ tạp hóa bán văn phòng phẩm!”. Sau khi gặp cô giáo ở trường về, bố tôi chẳng những không mắng, đe nẹt Lộc, mà ông còn hớn hở: “Đúng là quý tử! Thằng này khá, bé mà đã có tư chất kinh doanh, sau này bố mẹ được nhờ là cái chắc!”.

Tôi nói với bố: “Bố mẹ không uốn nắn em từ bé, lớn lên nó ngang ngược, hư đốn, không bảo được đâu!”. Bố tôi quắc mắt: “Con thì biết cái gì?! Nó bé biết gì mà uốn nắn!... Mà trẻ con đứa nào chẳng thế, không nghịch ngợm kiểu này thì nghịch kiểu khác. Lớn lên, nó biết nghĩ, nó chẳng hơn mấy chị ấy chứ!”. Tôi lại im lặng. Sự im lặng của đứa con gái xấu xí, yếm thế trong nhà mặc dù trong lòng không đồng tình với cách dạy dỗ con cái của bố.

…Thời gian trôi đi thật nhanh. Thấm thoắt, tôi đã tốt nghiệp đại học, về làm việc tại một bệnh viện trong thành phố. Lộc đã lên lớp 11 trung học. Tôi bớt gầy guộc nhưng vẫn thuộc loại “xương nhiều hơn thịt”, gương mặt hiền nhưng không hút được cánh đàn ông. Mẹ tôi thi thoảng thủ thỉ: “bệnh viện chỗ con làm có nhiều bác sĩ nam không? Con phải tham gia sinh hoạt đoàn thể, giao du với đồng nghiệp… Con cũng ngót ba mươi tuổi chứ ít ỏi gì nữa!”. Tôi bảo: “Duyên số cả mẹ ạ! Muộn chồng, con càng được ở với bố mẹ lâu chứ sao!”.

Lộc càng học lên lớp trên, càng học kém. Nó tụ tập bạn bè sinh nhật, nhảy nhót hiện đại, uống rượu, hút thu‌ốc l‌á lõm má. Cuối lớp 11, bố tôi đã chiều mua cho nó xe Honda SH lượn tít mù đến lớp. Quần áo nó, bố tôi sắm cho toàn hàng hiệu không. Điện thoại iPhone đời mới bố tôi cũng mua cho nó. Lộc bị cô giáo, Ban Giám hiệu nhắc nhở liên tục. Bố mẹ tôi cũng phải đến trường xin xỏ, hứa hẹn với cô giáo nhiều lần. Nhưng Lộc vẫn chứng nào tật nấy.

Rồi Lộc bị rớt đại học. Nó không thi cao đẳng hay trung cấp, mà xin bố tôi cho đứng cai quản nhà hàng hải sản. Bố tôi lại hơn hớn: “Thằng này được! Con giúp bố trông nom đám nhân viên, nhất là bộ phận thu ngân… Dạo này bố nghi bị thất thoát, thu nhập có vẻ giảm nhiều!”.

Lộc ra nhà hàng được dăm tháng thì đám nhân viên nữ “chân dài” nảy sinh mâu thuẫn, ganh ghét, tị nạnh nhau vì “công tử” con ông bà chủ cặp một lúc với mấy đứa liền. Nhà hàng xảy ra vụ đánh ghen giữa đám nhân viên nữ, đứa giật tóc, đứa xé áo, đánh nhau ầm ĩ cả khu phố khiến công an phường phải đến lập biên bản, mời cả đám lên trụ sở phường giải quyết. Bố tôi đã không mắng Lộc, lại còn cười khẩy: “Quý tử đào hoa quá! Khoản gái gú, nó hơn đứt bố nó rồi!”.

Lộc học lái xe và đòi bố mẹ mua ôtô. Bố tôi gật gù: “Được được, nhà mình làm ăn lớn, phải có cái xe bốn bánh cho hoành tráng chứ!”.

Có xe xịn, sáng nào Lộc cũng lái xe lượn qua nhà hàng, rồi lượn đi dạo phố, uống cà phê tán phét với bọn bạn đến chiều mới về nhà.

Tối, Lộc ăn diện lái xe chở bạn gái đến vũ trường uống rượu, nhảy nhót đến quá nửa đêm, có hôm nó ngủ ở đâu không rõ tới sáng hôm sau mới lái xe về. Bố tôi không mắng, chỉ dặn nó: “Chơi gì thì chơi, đừng dính đến m‌a tú‌y là được!”. Nó bảo: “Bố yên tâm, thời hiện đại thanh niên bọn con phải biết mọi thứ, chứ không thì cù lần lắm!... Cái món m‌a tú‌y dính vào làm gì cho hại người, cùng lắm bọn con chỉ dùng dạng “đá” cho phê, phấn khích chút thôi!”.

…Hai năm sau. Công việc kinh doanh của bố tôi có dấu hiệu xuống dốc. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến kinh tế trong nước sụt giảm. Nhà hàng vắng khách, hàng hóa nhập khẩu bão hòa, bất động sản có nguy cơ đóng băng… làm cho lợi nhuận của gia đình tôi tụt dốc, kéo theo các khoản chi phí thuê mặt bằng cửa hàng, thuê nhân viên, điện nước, thuế má, nguyên vật liệu làm cho cán cân thanh toán “âm” lũy tiến từng ngày. Bố tôi phải bán rẻ đi một căn hộ chung cư cao cấp để bù trì các khoản chi, giữ nhịp độ kinh doanh. Đúng lúc ấy, Lộc vỡ nợ do cá độ bóng đá quốc tế, cả gốc và lãi nợ lên đến gần ba tỷ.

Dân “đầu gấu” quây kín nhà hàng đòi tiền, đòi chiếm nhà hàng, đòi lấy ôtô, rồi đòi “xin tí tiết” cả nhà nếu không “nôn” ra trả nợ ngay. Bố tôi mặt xanh tái tử, ngọt nhạt với đám đòi nợ thuê, khất sẽ trả cả gốc và lãi vào sáng hôm sau. Mẹ tôi quá sợ hãi, huyết áp tăng, khó thở phải cấp cứu ở bệnh viện. Tôi chăm sóc mẹ trong tâm trạng nặng nề, buồn tủi và phẫn uất vì thằng em trai bất hiếu.

Mẹ tôi ra viện, bà lại lén đi xem bói. Thầy tử vi phán: “Quý tử nhà bà không phất được, gia đình làm ăn kém vì cô con gái chưa lấy chồng, ám toàn gia!... Muốn thoát cảnh phá sản, lụn bại, bà phải làm lễ cầu cho cô gái lớn sớm thành gia thất, đi khỏi nhà thì mới mong khá lên được!”.

Tối hôm đó, bố mẹ lôi tôi ra tra khảo: “Sao mày không chịu lấy chồng, hả?! Mày định ám cái nhà này đến bao giờ nữa đây?”. Tôi phân bua rằng chuyện chồng con là cái duyên cái số, tôi cũng muốn yên bề gia thất, muốn được làm vợ, làm mẹ nhưng chưa gặp được ai hợp tính nết. Bố tôi trừng mắt: “Thôi, kệ mày, muốn bao giờ lấy chồng, tùy mày… Nhưng từ mai, mày đi tìm nhà mà thuê, ở riêng ra, đừng ở đây ám quẻ, làm phiền gia đình nữa!...”.

Tôi tức trào nước mắt. Tôi không ngờ bố mẹ tôi lại u mê, cuồng tín, lạc hậu đến mức đuổi con gái ra khỏi nhà chỉ vì nghe lời gã thầy bói bịp bợm ăn tiền. Tôi vuốt nước mắt đi tìm nhà thuê để ở. Bố mẹ đã muốn vậy, biết làm sao được chứ. Nhưng nghĩ đến căn bệnh huyết áp của mẹ, tôi cố tìm căn phòng gần nhà thuê ở, ngộ nhỡ có chuyện gì còn chạy về nhanh với mẹ.

…Hơn một năm sau. Thằng Lộc chết, nghe đâu nó bị sốc vì chích m‌a tú‌y. Tôi cùng bố mẹ lo tang cho nó chu đáo. Cữ bốn chín ngày thằng Lộc, bố tôi lôi ở đâu về ông thầy cúng, làm cỗ bàn linh đình, đồ cúng vàng mã bày la liệt. Nào ôtô, điện thoại, iPad, quần áo hàng hiệu, hình nhân là mấy ả chân dài tóc nhuộm vàng hoe, rồi cả tờ giấy hồng điều in chữ vàng tiêu đề “Bằng tốt nghiệp đại học Thương mại”. Gã thầy cúng múa may trừ tà, gõ thanh la, trống phách chập cheng suốt cả ngày.

Bố tôi bảo gã thầy cúng làm sớ, kêu cầu cho quý tử “sống khôn chết thiêng”, phù hộ cho gia đình ăn nên làm ra, “một vốn bốn lời”, “buôn may bán đắt”. Tôi thầm nghĩ, lúc nó sống còn chẳng giúp được gì cho cha mẹ, lúc chết rồi còn giúp được cái nỗi gì cơ chứ. Nghĩ vậy nhưng tôi im lặng, không nói gì với bố, chỉ theo sát mẹ vì bà ngất lên ngất xuống từ hôm Lộc qua đời.

Sau cữ bốn chín ngày thằng Lộc, tháng nào bố tôi cũng làm lễ cúng “dâng sao giải hạn” nhưng tình hình kinh doanh của ông xem ra càng ngày càng bi đát. Trong đầu ông, chắc cậu quý tử vẫn là cứu cánh cho sự buôn bán, làm ăn phát đạt của gia đình ngay cả khi quý tử đã không còn trên trần gian này nữa. Sự cuồng tín của con người thật là khủng khiếp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật