Phỏng vấn chim bồ câu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phóng viên (PV): Thưa chị, Chim Bồ Câu thường bay lượn ở đâu?
Phỏng vấn chim bồ câu
Minh họa: Lê Tâm.

Bồ Câu: Nhiều nơi lắm. Nhưng đã có một thời, tôi luôn luôn lượn và đậu ở đám cưới.

PV: Ồ, tại sao thế?

Bồ Câu: Tại đám cưới nào cũng cần trang trí. Mà phổ biến nhất là trang trí hình hai con bồ câu ngậm mỏ vào nhau.

PV: Vui thật. Nhưng xin phép hỏi chị một điều này: Tại sao lại ngậm mỏ chứ không phải há mỏ?

Bồ Câu: Vì chuyện vợ chồng, chuyện cô dâu chú rể phải để cho người trong cuộc nói, người ngoài tốt nhất nên im lặng mà nghe.

PV: Lý do?

Bồ Câu: Lý do là sau một thời gian chung sống, có nhiều điều chỉ hai người ấy biết, hai người ấy hiểu mà thôi.

PV: Tôi cũng công nhận như thế. Vậy chị nghĩ thế nào về vụ ly dị của ông chủ bà chủ một hãng cà phê nổi tiếng khiến gần như cả nước tham gia?

Bồ Câu: Tôi vô cùng kinh sợ, vô cùng lạ lùng về điều đó.

Trên đất nước Việt Nam này, hàng ngày có rất nhiều cặp cưới nhau, và rất nhiều cặp đòi ly dị, đúng không nhà báo?

PV: Đúng. Đó là điều bình thường của cuộc sống.

Bồ Câu: Hai vợ chồng ông bà chủ cà phê cưới nhau bình thường, có con bình thường, và ly dị cũng bình thường nốt, đúng không nào?

PV: Vâng. Và ngay cả những câu hai người đó nói trước tòa cũng đơn giản. Thậm chí nhiều cặp vợ chồng lúc chia tay còn nói những từ hay hơn.

Bồ Câu: Rõ ràng. Thế mà người ta đua nhau bàn chuyện, đua nhau mổ xẻ và phân tích.

PV: Quả thật buồn cười.

Bồ Câu: Tôi xin nói thẳng nhé, không những buồn cười, mà còn ngớ ngẩn, còn vớ vẩn và thiển cận.

Đất nước này chưa có đám cưới thế kỷ, nhưng có vẻ như đã có ly dị thế kỷ thì phải.

PV: Nguyên nhân từ đâu, thưa chị?

Bồ Câu: Từ một điều rất, rất tệ: Hai vợ chồng đó có tiền.

PV: Ừ, đúng thật. Họ có tiền. Rất nhiều tiền.

Bồ Câu: Chỉ vì thấy người ta có tiền là đổ xô vào ý kiến sao? Từ bao giờ xã hội này có cái thói quen như thế?

PV: Tôi không biết.

Bồ Câu: Như đã nói, hàng ngày trên cả nước có rất nhiều vụ ly dị xảy ra. Nhưng phần lớn các vợ chồng không có nhiều tài sản. Thế là chả ai buồn nhắc đến, thế là họ được yên thân… chia tay trong êm ả.

PV: Thôi chị ạ, chị trách những kẻ bình luận facebook làm gì.

Bồ Câu: Nếu chỉ facebook không thì tôi cũng chả buồn nói. Đằng này rất nhiều báo chí đổ xô vào đưa tin, đổ xô vào mổ xẻ, một vấn đề mà tôi thấy nó hoàn toàn có tính riêng tư.

PV: Vâng. Riêng tư.

Bồ Câu: Tôi biết dù động cơ viết là gì, thì không nhà báo tự trọng nào muốn bản thân bị coi là "Lá cải". Thế mà bao nhiêu kẻ đã múa bút trong vụ ly dị này? Thử đếm mà xem.

PV: Đếm làm gì?

Bồ Câu: Đúng. Đếm làm gì.

Đã viết báo, đã mang tiếng là đại diện cho dư luận thì trước khi hạ bút phải suy nghĩ xem vấn đề mình đưa ra có làm cho cuộc sống tốt lên không, chứ đâu phải đi rình chuyện gia đình, đi vớ từng câu nhạt nhẽo.

"Tiền nhiều để làm gì?" là một câu hoàn toàn vô thưởng vô phạt, chả hề sâu sắc, cũng chả hề chứa đựng một triết lý mới mẻ nào.

Thế mà nhiều vị đưa lên ngắm nghía, cứ như đó là một ngọn hải đăng.

PV: Thôi. Chị ạ, có lẽ đây là một cuộc vui, một cơn bộc phát của dư luận ấy mà. Vô hại.

Bồ Câu: Không hề vô hại. Hai vợ chồng ấy có con cái, đó là những đứa trẻ vô tội và đáng yêu, mọi người lấy quyền gì để bình luận về cha mẹ chúng? Mọi người dựa vào đâu mà phán xét, mà để cho những đứa trẻ ấy phải đứng trước một dư luận kiểu này?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật