Truyện ngắn: Chuyện như chẳng có gì

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hà Nội đã vào độ cuối Thu. Họ đứng với nhau trong ánh đèn vàng lọc qua tán lá rủ xuống từ hàng bồ đề phía trước ngôi trường gắn nhiều kỉ niệm tuổi thơ.
Truyện ngắn: Chuyện như chẳng có gì
Ảnh minh họa

Không gian yên ả trong hương hoa sữa nhẹ đưa từ phố Nguyễn Du. Tiếng Hương như thoảng đi trong gió:


- Hội có muốn đi đâu nữa không?


Một chút xúc động thoáng qua, Hội những muốn nắm lấy bàn tay với những ngón thon dài, mềm mại đang đặt hờ trên ghi đông chiếc xe đạp cà tàng của anh. Bàn tay mà anh mới chỉ kịp nắm vội một lần, khi họ chia tay lúc anh đạp xe vượt quãng đường gần năm chục cây số về Hà Nội trong ngày phép cuối cùng trước khi vào chiến trường. Nhưng rồi anh trấn tĩnh. Một cảm giác vừa xót xa, vừa hờn giận chợt đến. Chỉ một tuần nữa là Hương về nhà chồng. Hội lại chợt nhớ đến lời dặn cùng ánh mắt đầy thông cảm pha lo lắng của thầy chủ nhiệm cũ, người biết rất rõ và từng vun đắp cho tình cảm của họ lúc ra về: Hai đứa đưa nhau về ngay nhé!


Vậy mà bây giờ họ vẫn dùng dằng ở đây, bên góc phố dường như chỉ dành cho những đôi lứa yêu nhau này… Đúng hơn là Hương dùng dằng, có vẻ như cô muốn nói với Hội một điều gì đó. Nhưng nhìn vẻ mặt và nhất là ánh mắt của Hội, cô không thể mở lời.


Từ ngày Hương về nước, đây là lần đầu tiên họ đi riêng với nhau. Vào buổi tối, mà lại một tối mùa Thu thế này. Không phải là Hương không muốn, nhưng Hội không hưởng ứng trong những lần cô gợi ý, nhất là từ khi tin tức về đám cưới của Hương được chính thức lan truyền. Và Hội không phải chỉ mình Hội ngỡ ngàng trước thông tin đó. Với bạn bè, người thân, nếu có một đám cưới, đó phải là đám cưới của Hội với Hương…


* * *


Đầu năm học 1971 - 1972, lớp 10B như có bão. Ban Giám hiệu thông báo, lớp sẽ nhận một số nhân vật bất hảo từ lớp 9E, đáng nhẽ là 10E, bị giải tán do quá nghịch ngợm, bất kham. Nghe đâu cái lớp ấy từng bỏ học tập thể để phản đối lời nói xúc phạm của một giáo viên bộ môn, và gần đây nhất đã tổ chức biểu tình ngồi trước cửa nhà cô Hiệu trưởng, có cả Bí thư Chi đoàn, Lớp trưởng tham gia. Và cũng nghe đâu, mấy ông tướng được chia về 10B lại là những kẻ đầu têu! Không khéo họ làm hỏng mất phong trào đang lên của tập thể Học sinh xã hội chủ nghĩa 10B mất. Hương, cô Bí thư Chi đoàn lo lắng!


Điều bất ngờ đã tới trong buổi sinh hoạt lớp đầu tiên của năm học. Đó là lúc thầy giáo chủ nhiệm giới thiệu 3 học sinh mới chuyển từ lớp 10E sang. Trái với tưởng tượng, ba kẻ “đầu gấu” không có gì là khó coi, thậm chí là cả ba, mỗi người mỗi vẻ lại còn có thể coi là đẹp trai, dễ thương nữa. Vì là Bí thư chi đoàn nên Hương được phân công kèm cặp Hội, gã trai trông có vẻ thư sinh nhất trong ba học sinh mới. Biện pháp kèm cặp đầu tiên là ngồi cùng bàn, ngay bên cạnh để Bí thư dễ để mắt tới nhân vật cá biệt.


Dù có chút phân vân, song Bí thư Chi đoàn vẫn tự nhủ: Không được mất cảnh giác, không để bị vẻ bề ngoài của gã đánh lừa. Nghe đâu, chính anh chàng trông có vẻ thư sinh này đã đánh tóe máu đầu một học sinh trường khác trong một cuộc ẩu đả hồi năm ngoái mà hung khí chính là chiếc cặp da bò cứng quèo, to đùng mà gã đang xách trên tay kia. Trái với e ngại của Hương, “ma mới” đến trước bàn cuối lớp, nói nhỏ nhẹ: Bạn cho tớ vào nhờ với (theo sơ đồ lớp, Hương ngồi đầu bàn rồi đến gã, bên trong còn 2 người nữa.) Gã cũng không ngang ngược quăng cái cặp quá khổ lên mặt bàn mà đặt nó xuống chân, sau khi đã lấy sách vở cần thiết cho tiết học.


Sự cố đầu tiên mà Bí thư phải xử lý xảy ra trong lúc cả lớp đang trong kì học quân sự đầu năm. Hai tuần học quân sự không biết tác dụng ra sao, nhưng có thể nói đây là một trong những thời gian vui vẻ nhất của đám học trò cấp III dạo ấy. Thay vì phải ngồi trong lớp học, cả lớp, cả trường được ra công viên Thống Nhất. Trời đang tiết Thu, mát mẻ, nắng vàng vẽ những bông hoa nắng lốm đốm qua tán những cây cổ thụ trong công viên. Ngoài những lúc tập đội ngũ, lăn lê, bò toài…, lũ trẻ Thành phố tha hồ tận hưởng gió, nắng của mùa Thu và bày ra đủ trò nghịch ngợm. Hôm ấy đang giờ học chính trị. Bên trên, chú bộ đội đang giảng một bài rất dài về tinh thần kỷ luật của người chiến sĩ thì Hương phát hiện nhân vật mình có trách nhiệm quản lý không hề theo dõi bài giảng. Gã đang cắm cúi đọc một cuốn sách.


Phải đến cái vỗ vai thứ ba của Hương, Hội mới ngẩng đầu lên nhưng cậu ta vẫn còn như chưa hiểu chuyện gì.


- Bạn cất ngay truyện đi! Đang giờ học mà!


- Suỵt... Tớ chỉ mượn được có một buổi. Nói xong, cậu ta lại cúi xuống, có vẻ như không thể dứt ra khỏi những trang sách in trên loại giấy xấu như rất nhiều cuốn sách thời đó.


Cũng may là câu chuyện chỉ dừng ở đó vì chú bộ đội cũng vừa kết thúc bài giảng. Khi Hội gập cuốn truyện lại, Hương nhìn thoáng thì ra đó là tập truyện “Núi đồi và thảo nguyên”, cuốn sách mà chính cô cũng đang muốn tìm đọc.


Đến giữa học kì thì Bí thư có vẻ yên tâm về nhân vật mà mình được giao kèm cặp. Ngoại trừ cái tính nghịch ngầm, Hội là một học sinh học khá, đặc biệt giỏi môn văn. Cô đã chứng kiến trong một giờ kiểm tra, cậu ta đã soạn cho hai bạn cùng bàn mỗi đứa một dàn bài, rồi mới làm bài tập làm văn của mình. Vậy mà cậu ta được điểm cao đã đành, hai đứa bạn vốn rất sợ môn văn cũng được 6.


Về cái tính nghịch ngầm của Hội, có lần Hương cũng vô tình là người đồng lõa. Hôm ấy, tiết thứ năm. Đi học từ 6 giờ, đa phần chỉ có bắt cơm rang hay mì “không người lái” lót bụng nên đến tiết 5, bụng đứa nào đứa nấy sôi lên òng ọc. Bỗng nhiên Hương ngửi thấy mùi bánh mì thơm nức. Chưa kịp định thần, trong ngăn bàn phía trước đã có khúc bánh vàng ươm, cùng tiếng thì thào khó cưỡng: Ngon lắm Bí thư ơi…


Có lẽ đó là một trong những miếng bánh ngon nhất Hương từng ăn. Sau mới biết là nhờ ngồi bàn cuối lớp, cửa sổ thông ra mái sảnh trước tòa nhà, Hội gom tem gạo và tiền, che cho cậu bạn ngồi ngoài cùng lủi ra, tụt xuống đi đổi bánh mì vào chia nhau ăn. Học với nhau lâu lâu mới biết, những trò nghịch của Hội nhiều khi cũng vô hại. Còn cái “tội” choảng vỡ đầu một học sinh trường khác là do cậu ta bênh bạn mình bị một lũ xúm vào đánh hội đồng do tranh cãi trong một trận đá bóng.


Cùng phố, lại học cùng lớp, lâu dần hai đứa trở thành bạn thân. Đã vậy, thầy Chủ nhiệm lại phân công cho Hương giúp đỡ Hội vào Đoàn. Nhiều lúc hai đứa đã bàn. Cả hai sẽ thi vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hương Khoa Sinh còn Hội khoa Văn. Như thế, thỉnh thoảng vẫn có thể gặp nhau, dù trường có phải đi sơ tán.


chiến tranh đã làm mong muốn tưởng như đơn giản của họ không thực hiện được. Không những thế, nó còn đẩy họ rất xa nhau, không chỉ về khoảng cách địa lý mà còn cả về hoàn cảnh sống. Hội lên đường nhập ngũ, theo cuộc chiến đi tận Tây Nguyên. Còn Hương thì đến một phương trời khác hẳn, cách xa Hà Nội cả chục ngàn cây số, du học ở Thủ đô một nước XHCN Đông Âu. Lần cuối họ gặp nhau là lúc Hội đạp xe gần 50 cây số về nơi Hương đang học ngoại ngữ để chuẩn bị du học. Được nghỉ phép trước lúc đi B, anh dành hầu hết thời gian ở bên mẹ. Còn một ngày nữa, anh mới biết địa chỉ nơi trường Hương sơ tán bên Hưng Yên. Vậy mà trước lúc chia tay, anh cũng không thốt lên được lời muốn nói. Có lẽ vì cái cảm giác hai đứa đã ở hai hoàn cảnh quá khác nhau. Ngày mai, anh sẽ đi vào nơi bom đạn tơi bời, sống chết chẳng biết ra sao. Còn Hương, cả một cuộc sống mới đang mở ra…


Khi Hội kể lại khoảnh khắc ấy với mấy thằng trong tiểu đội, Cường, một cậu trai nổi tiếng vì màn ôm cứng người yêu trước sân ga, trong tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ của đồng đội, mặc cho đoàn tàu chở quân đang từ từ chuyển bánh, phán một câu xanh rờn: Mày ngu bỏ mẹ. Cần gì phải nói. Phải tay tao thì tao đã ôm em thật chặt. Đúng là đồ nhát gái!


Nói Hội nhát gái thì không hẳn. Anh luôn tự tin trước các bạn gái cùng trang lứa, từng buông những câu có cánh làm nhiều cô bạn cùng lớp xốn xang. Vậy mà không hiểu sao trước Hương, người anh dành trọn tình cảm đầu đời, lại lúng túng, khó nói lòng mình.


* * *


5 năm, cả một quãng thời gian dài, mối liên hệ giữa hai người chỉ là dăm bức thư qua lại, mà cũng phải đến lúc Hội đã trở về, thi đậu vào trường đại học mà anh vẫn mong ước. Cũng có lần như một phép thử, anh đề nghị Hương gửi cho mình một tấm hình. Hương gửi, nhưng đó là hình cô chụp chung với cô bạn thân mà anh cũng biết, lại có cả cha mẹ của cô bạn, một cán bộ cấp cao nhân chuyến công tác nước bạn đến thăm con gái. chu‌yện ấ‌y khiến Hội do dự, càng không thể bày tỏ lòng mình qua bức thư kế tiếp. Anh tặc lưỡi, để đến khi Hương về nước. Và khi Hương về nước thì như vậy. Chồng chưa cưới của Hương chính là anh trai của cô bạn chụp chung ảnh hồi nào…


Tối Thu ấy, sau khi đưa Hương về, Hội ngồi thật lâu với ông bạn vong niên. Ông anh trầm ngâm nhấp hớp rượu quê rồi phán:


- Chú thử xem lại lòng mình. Cảnh ấy, tình ấy…


- Người ta sắp cưới mà anh…


- Sắp chứ đã cưới đâu…


- Ngộ nhỡ cô ấy từ chối? Mà em làm sao lo được cho Hương như người ta…


- Thế nghĩa là cậu vẫn đặt cái sĩ diện của mình hơn tình yêu. Thà rõ ra như thế còn hơn là cậu cứ nghi hoặc cả đời. Mà đấy, làm sao lại đi so sánh. Rõ là đồ tiểu tư sản! Có khi vì thế mà nó chán. Nắm tay, ôm nó một cái, mất gì đâu…


- Mất chứ anh…


Chuyện như chẳng có gì, mà bao năm qua, mỗi độ Thu về với bao nhiêu thao thiết, Hội vẫn nhớ về chuyện xưa. Không chỉ hoài niệm về mối tình đầu, nhiều lúc Hội cứ băn khoăn về lời ông bạn vong niên. Anh không sửa nổi hay không muốn sửa cái chất do dự, cả nể, nhún nhịn của thằng con giai phường phố, cái tính đã làm anh mất đi cơ hội với người yêu thương cùng nhiều cơ hội khác trong cuộc đời. Rồi lại tự nhủ, cái số mình nó như vậy. Có điều, quá nửa cuộc đời, nó vẫn khiến anh khắc khoải mỗi khi mùa Thu tới…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật