Ngôi chùa đặc biệt ở Trung Quốc, 1.500 năm ‘treo’ trên vách núi

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung Quốc nổi tiếng với những ngôi chùa không chỉ hùng vĩ về quy mô mà còn đặc biệt trong kiến trúc và lạ lùng ở cách thức vận hành.
Ngôi chùa đặc biệt ở Trung Quốc, 1.500 năm ‘treo’ trên vách núi
Chùa Huyền Không bám vào vách núi sừng sững và đã ở nguyên vị trí như vậy suốt 1.500 năm qua (Ảnh: REX)

Chùa Huyền Không nằm bên vách núi, thu hút du khách hiếu kỳ tham quan bởi vị trí đặc biệt cùng lối kiến trúc độc đáo, hòa quyện ba nền tôn giáo.

Hằng Sơn, hay núi Hằng, nằm ở huyện Hồn Nguyên, thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, là một trong 5 ngọn núi linh thiêng nhất của Trung Quốc. Cheo leo trên vách núi Hằng hiển hiện một ngôi chùa mang tên Huyền Không, hay còn được biết đến với tên khác là Tu viện Treo. Sở dĩ có cái tên này là bởi ngôi chùa thực tế được xây bám vào vách núi dựng đứng và đã giữ nguyên vị trí như vậy suốt 1.500 năm qua, theo Ancient-Origins.

Tương truyền, chùa Huyền Không được xây từ năm 491 sau công nguyên, dưới triều đại Hậu Ngụy. Nhiều người tin rằng ngôi chùa do một nhà sư duy nhất tên Liễu Nhiên xây và quá trình xây dựng có thể kéo dài từ năm 471 đến năm 523. Tuy nhiên, nhà sư Liễu Nhiên thỉnh thoảng nhận được sự trợ giúp từ các thợ xây Đạo giáo, những người bị thu hút tới địa điểm xây chùa bởi không khí yên ả và thanh bình nơi đây.

Bắt nguồn từ triều Hậu Ngụy, chùa Huyền Không đã được nâng cấp và mở rộng trong các triều đại về sau ở Trung Quốc, đặc biệt là vào triều Đường, triều Nguyên, triều Minh và triều Thanh. Lần trùng tu gần nhất là vào năm 1900.

Chùa Huyền Không từng là địa điểm hoàn hảo cho những ai muốn thực hành thiền định bởi tiếng ồn từ mặt đất không thể chạm tới độ cao 50m. Thêm vào đó, vì nằm bên vách núi, cách xa mặt đất, chùa Huyền Không cũng không lo sợ cảnh lụt lội. Ngôi chùa còn được bảo vệ khỏi gió, tuyết và nắng gắt bởi những vách núi cao hơn 100m vây xung quanh. Chính những điều này đã giúp nó trụ vững qua hàng thế kỷ.

Để gia cố cho ngôi chùa, những người thợ xây ban đầu đục những hố cỡ vừa vào trong vách núi. Sau đó, họ cắm các cột gỗ đến nửa phần thân vào trong lỗ làm bệ đỡ. Chùa được dựng lên trên những thanh dầm gỗ này. Theo ghi chép, khi ngôi chùa vừa được hoàn thành, không có bất kỳ cột chống nào được sử dụng để chống, khiến người dân lo sợ vì độ an toàn nên không dám lên chùa. Vì thế, người cai quản chùa phải bổ sung các cột gỗ chống để làm yên lòng người chiêm bái. Thực chất, chúng không có quá nhiều tác dụng gia cố, nâng đỡ.

Chùa Huyền Không có tổng diện tích hơn 150m2, gồm 40 điện thờ, gian lớn nhất khoảng hơn 36m2, trong khi gian nhỏ nhất chỉ 5m2.

Đứng từ xa nhìn lên chùa sẽ thấy các điện, gác tầng tầng lớp lớp nối với nhau thông qua các hành lang hẹp, những cây cầu lót ván hay lối đi quanh co bám theo vách núi vô cùng ấn tượng.

Ngoài là một kiệt tác kiến trúc, chùa Huyền Không còn là một cấu trúc độc nhất vô nhị xét về khía cạnh tôn giáo. Ngôi chùa là chốn linh thiêng hiếm hoi còn lại ở Trung Quốc hợp nhất ba loại tôn giáo là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Chẳng hạn như tại Tam giáo Đường, tượng phật Thích Ca Mâu Ni được đặt ngang hàng cùng tượng Khổng tử và Lão Tử. Chùa Huyền Không lưu trữ nhiều tranh, tượng cùng những tác phẩm điêu khắc khác được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau như đồng, sắt, đá, sành, trong đó, nổi bật hơn cả là 80 bức điêu khắc của những nhân vật quan trọng của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.

Có nhiều giả thuyết lý giải cho việc ba tôn giáo lớn cùng tồn tại trong chùa Huyền Không. Một số người cho rằng do khu vực phía bắc Trung Quốc thường bị nước ngoài chiếm đóng nên người cai trị lúc bấy giờ cho thờ cả ba tôn giáo nhằm giữ sự hòa hợp trong quần chúng nhân dân. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng do ngôi chùa tọa lạc ở một nơi xa xôi và thường được những người du hành dùng làm nơi nghỉ chân dọc hành trình của họ. Bởi những người du hành theo tôn giáo khác nhau nên chùa Huyền Không đã thêm vào các đối tượng thờ phụng khác nhau để đáp ứng nhu cầu tôn giáo của tất cả mọi người.

Ngày nay, Chùa Huyền Không có lẽ không còn là nơi phù hợp để thực hành thiền định bởi nó đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Ngoài kiến trúc độc đáo, vị trí đặc biệt và bề dày lịch sử, ngôi chùa còn khiến du khách thích thú bởi bầu không khí yên bình, trầm mặc.

Năm 1982, ngôi chùa được chính quyền Trung Quốc xếp vào di sản văn hóa quan trọng cần được bảo vệ. Năm 2010, tạp chí Time của Mỹ liệt vào danh sách 10 kiến trúc kỳ lạ và nguy hiểm nhất thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật