Lửa qua đêm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Nhà sửa xong rồi đấy, ông về đi!”. Bà Mì gọi cho tôi sau một tháng trời anh em cựu chiến binh sửa nhà, móc bùn ao thả cá. “Tôi còn đợi ông Ân, về một thể!”. “Về rồ… ồ… ồi!!!”.
Lửa qua đêm
Minh họa: Lê Trí Dũng

“Đây là đài phát thanh xã Quảng Tiến!...”.

Tiếng loa nén treo ngọn cây đầu ngõ làm tôi tỉnh giấc. Giọng nữ phát thanh viên trẻ tươi, kiêu hùng lồng trong giai điệu nhạc nền du dương “Quê hương ta đồng xanh, xanh ngát…”.

Chưa bảnh mắt đã đài, mà là đài tập thể dục mới chết chứ, cứ oang oang như lệnh vỡ. Ở phố, tránh “vỏ dưa” loa phường không xong, về quê lại gặp… Nhưng nỗi bực cũng qua mau bởi bù lại, tôi vừa ngủ một đêm ngon đến tuyệt mãn, giữa một không gian xanh, thoáng đãng lại yên bình, chỉ ở quê mới có.

Sau màn đánh thức bằng nhạc tập thể dục là bản tin: “Tin sáng nay thủy lợi huyện mở cống, tháo nước nội đồng, những hộ nuôi tôm cá đóng máng ao hồ trước sáu giờ. Tin bán lợn giống, tôm giống, địa điểm nhà bà Tâm đội ba, Đầm Oan… và cuối cùng là tin Hội Cựu chiến binh có năm tạ hoa hòe khô bán, cơ sở chế biến thuốc hoặc ai có nhu cầu đến gặp ông Bình…”.

Tôi cố chờ đến câu cuối cùng của bản tin: “Buổi phát thanh sáng của đài chúng tôi đến đây kết thúc…”. Thì ra, lúc đầu mình đâu có nghe nhầm. Đài phát thanh chứ không phải đài truyền thanh. Lạ thật. Có thứ đài phát thanh loa treo trên đầu ngọn cây mới kì chứ?!

Tôi về quê lần này theo ý nguyện của ông Ân, bạn cùng xóm, hồi nhỏ cùng học trường làng và cùng đi bộ đội đợt đầu, khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, tuyên bố chiến tranh cục bộ. Ngày tại ngũ, đi hết chiến trường B, sau 1975 lại sang chiến trường K, giúp bạn giải phóng Campuchia tám năm mới rút về biên giới Tây Nam chốt chặn. Nhiệm vụ là chốt chặn biên giới, nhưng thực chất ông đã theo dấu chân tàn quân Pôn Pốt vượt qua mấy biên ải làm nhiệm vụ đặc biệt khác.

Nói không ngoa: Cả thời tuổi trẻ của ông đốt cùng thuốc súng. Giờ nghỉ hưu, có nhà, có đồng lương ổn định. Giữa Sài Gòn chả sướng sao, lại muốn về quê. Ông kêu: Sống như ép xác trong bốn bức tường khiến cái chí tung hoành bốn phương không sao chịu nổi.

“Không chịu nổi thì lấy vợ đi, lấy vợ cho nó chiều, cho vui cửa vui nhà, vui tuổi già. Hay thuê Ôsin cũng được”. Cánh bạn già khuyên thế. Họ có ý đồ tiến từng bước một. Trước là Ôsin, sau thấy hay hay làm vợ đâu có muộn. Ông cười, cái cười chẳng thấy lóe lên một tia sáng nào phía trước. Thật khó hiểu! Khó hiểu như nhiệm vụ ông vừa thực thi.

Ngày mẹ mất, em gái đi lấy chồng, hụt hẫng phía sau. Đáng lẽ ông được nghỉ phép, lo hậu sự cho mẹ. Nhưng không, đơn vị đã cử đại diện về cùng chính quyền địa phương giải quyết với lí do ông đang điều trị bệnh ở Campuchia. Từ đó, toàn bộ nhà cửa vườn tược của gia đình ông được giao cho Hội Cựu chiến binh xã cắt đặt người trông coi, chăm sóc nên mới có lượng hoa hòe khô bán như bản tin sáng nay.

Đi dạo quanh vườn khắp lượt, ông Bình Hội Trưởng Cựu chiến binh nói với tôi: “Tháng tám tháng chín này, hơn ba trăm cây hòe được thu hoạch, sẽ có ngót ba tấn hoa khô. Còn một trăm cây kia - Ông chỉ ra phía cuối vườn - năm sau mới thu hoạch được.

Qua cách tính đầu cây như vậy cũng đủ biết khu vườn này rộng đến chừng nào. Khoảng bốn đến năm mét trồng một cây. Giá cả hoa hòe khô trồi thụt theo năm, bình quân mỗi kilogam một trăm ngàn đồng. Ông Trưởng thôn thấy việc thay đổi cây trồng có hiệu quả, đã gợi ý giao toàn bộ đất ven đường làng và bờ Đầm Oan cho Cựu chiến binh. Đầm Oan xưa có tên là đầm Bời Lời.

Sau vụ “Đội” về t‌ử hìn‌h ba người vì tội “địa chủ bó‌c lộ‌t" tại đây năm 1956, dân làng mới đổi tên đầm là Oan. Nếu Hội Cựu chiến binh phủ xanh được Đầm Oan này thì biết đâu sẽ có những đàn cò trắng, những bầy chim di trú về ở, biến đây thành khu sinh thái… Ông Chủ tịch xã cũng gợi ý vậy, có khác gì một lời thách thức với những người lính cựu. Câu trả lời còn đang bỏ ngỏ.

*

Ông Bình và tôi ngoài những cái “cùng” như ông Ân, còn mấy cái “cùng” nữa: Cùng tốt nghiệp cấp III, có giấy gọi vào đại học không đi, chờ đi bộ đội. Lại cùng yêu một cô gái cùng thôn… nên chúng tôi hiểu nhau tường tận như ông Bình hiểu về cây hoa hòe từ lúc xuống giống, đến khi thu hoạch. Ông Bị thương trong trận càn của địch vào Cứ. Vết thương chỉ chạm tới phần cơ nhưng bị viêm nhiễm nặng, dài ngày đến mức phải khoét đi dễ đến cân thịt ở bắp đùi, mấy tháng điều trị mới khỏi.

Tuổi giờ ngoài sáu mươi, tóc muối nhiều hơn tiêu nhưng được cái vẫn còn khỏe. Đôi lần về làng, tôi có hỏi ông về Lê, cô bạn gái mà hai người đều thương. Thương đến mức, "Truyện Kiều" của cụ Nguyễn Du hay như vậy mà tôi chỉ nhớ mỗi một câu: “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Lê có nước da trắng rất ưa nhìn.

Ông Bình giọng trầm buồn: “Ni cô Đàm Lê giờ cũng trồng hòe trong đất “nội tự”. Chỉ với hai mươi cây thôi cũng đủ tiền mua dầu đèn, hương khói quanh năm. Lê cũng đi bộ đội 5 năm. Sau về, không hiểu sao lại quyết định xuống tóc đi tu”. “Thế! Vào những mùa thu hoạch hoa hòe, sư Lê chắc vất vả lắm?”. “Đã có các già, sư có đội quân tóc dài của nhà chùa”.

Vừa trả lời tôi, ông Bình vừa rút máy di động trong túi ra nghe. Có ai gọi. Ông à ừ một lúc rồi tắt máy, bấm phím gọi đi: “Bà điều cho tôi hai người, tới ngay!”. Tôi đoán, chắc gọi cho bà Mì. Bà này hồi trẻ béo tròn như hạt mít, cũng có lẽ vì thế mà mẹ đặt tên là Mì, như cái bánh mì. Bà đi bộ đội sau chúng tôi hai năm, làm lính thông tin trực tổng đài. Ngồi một chỗ mà gửi tình đi trăm nẻo. Khi xuất ngũ, trên lưng đeo ba lô, trên vai công kênh thằng bé hai tuổi, đi giữa đường làng với tâm thế của một người mẹ chiến thắng. Nhưng thiên hạ không nghĩ giản đơn vậy. Bà đã vượt qua bao miệng lưỡi thị phi của người đời, nuôi con khôn lớn trong thời buổi bữa rau bữa cháo, để bây giờ mới có anh Phó Chủ tịch xã đương nhiệm…

Ông Bình bỏ máy, quay sang tôi: “Cậu Chính gọi về, trưa nay sẽ gặp ông bàn việc sửa ngôi nhà mà ông Ân đã nhờ (ông Ân đinh ninh tôi trước đây là Trợ lí Công binh sư đoàn nên cái gì dính dáng đến xây dựng tôi đều biết), nhờ cả cậu Chính giúp khâu triển khai; còn ông cứ nghiên cứu kỹ cho phần dự toán”.

Ý của ông Ân đặt vấn đề với tôi là sửa ngôi nhà cụ thân sinh để lại làm trụ sở cho Chi hội Cựu chiến binh. Ông chỉ ở một gian cuối.

Mọi người đều mừng vì từ nay sẽ có một nơi sinh hoạt tập trung như thời còn trong quân ngũ. Chính là con trai bà Mì. Sáng nay gặp, trên đường tôi đến đây anh ta chỉ cúi đầu chào rồi phóng xe đi thẳng, chắc có việc gấp. Một lúc sau bà Mì và hai người nữa đi vào. Tôi nhận ra bà bởi cái dáng đi băm bổ, hai cánh tay vung vẩy như hai mái chèo bơi về phía trước. Họ không đến chỗ chúng tôi ngồi mà vác cần vó ra thẳng bờ ao.

Năm trước về, tôi có tới thăm gia đình bà Mì. Chính lấy vợ giờ đã hai con. Họ ở trong ngôi nhà không to nhưng đủ đồ dùng cần thiết. Cũng từ những cuộc thăm nom như vậy, tôi biết thêm về Ni sư Thích Đàm Lê. Lâu rồi, tôi vẫn còn mặc cảm mình có lỗi trong chuyện này. Xưa, chỉ đơn phương đổ tội cho chiến tranh để tự trấn an. Nhưng sao khỏi bất nhã nếu mình cứ thờ ơ trước mất mát lặng thầm của đồng đội.

Bà Mì thủ thỉ: “Sư Lê ở chùa nhưng vẫn gia nhập Hội Cựu chiến binh, chỉ sinh hoạt mỗi năm một kỳ vào ngày truyền thống”. Vậy là, bà vẫn không quên chuyện đời. Lòng chưa băng giá với quá khứ. Cái quá khứ ngày ấy, nếu vì sự lựa chọn một trong hai người giữa tôi và ông Bình thì phải có một người đau khổ. Và… còn biết bao tang thương đang trùm lên các gia đình có con em hi sinh ngoài mặt trận. Biển khổ bao giờ mới cạn…

Đến gần trưa cậu Chính mới về. Chính cúi mình bắt tay, thanh minh chuyện gặp tôi về mà không dừng xe lại, thay cho lời xin lỗi. Tôi bảo: “Chuyện nhỏ, tội nhỏ. Tội to của anh là cái đài phát thanh xã sao lại có loa buộc trên cành cây?”. “Ôi! - Chính thốt lên ngạc nhiên - Thế chuyện này bố chưa biết ạ? (Chính có thói quen gọi lính già là bố). Đài phát thanh chính hiệu đấy. Nhưng chỉ phủ sóng bán kính tám cây số. Sở dĩ chúng con vẫn mắc thêm loa vì bà con mình chưa có thói quen mở đài vào giờ phát sóng.

Trước kia không có đài phát thanh cũng khó cho việc chỉ đạo các cơ sở sản xuất ở xa trung tâm xã, ngày mà điện thoại chưa phát triển như bây giờ, khó cả cho những nông phẩm chúng con muốn tiếp thị với các xã, các huyện bạn. Thời kinh tế mở mà bố”.

Rồi anh ta nói thao thao về khâu đột phá trồng cây hòe lấy hoa của Hội Cựu chiến binh như một điển hình sẽ được nhân rộng, đã góp một phần tài chính quan trọng cho hệ thống loa đài toàn xã được hoàn thiện như hiện tại.

Dừng lời, cậu ta nhìn tôi, nhìn ông Bình hồi lâu như có ý thăm dò điều gì, rồi giãi bày rành rọt: “Ngoài thành phố các bố cứ phấn đấu cho môi trường xanh, sạch, đẹp với hoa sữa, hoa bằng lăng là được, còn người quê chúng con xanh sạch đẹp phải đi đôi với no cái bụng, ấm cái lưng. Phải giàu lên từ chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng trên cái bạt ngàn màu xanh ruộng đồng, làng mạc”.

Chính có thói quen, khi giao tiếp với ai thường nhìn thẳng vào người ấy, vẻ tự tin. Vì vậy, người đối diện dễ nhận ra đặc điểm: hai mí mắt cậu ta chớp không đều nhau. Rõ ràng một mắt chớp trước, một mắt chớp sau như cảm quang không đồng nhất. Tôi có nhớ mình đã gặp một ai đó cũng có đặc điểm này. Nhưng quên béng. Trùng trùng thời gian. Trùng trùng Trường Sơn. Trùng trùng đồng đội…

*

Có tiếng chuông điện thoại bàn reo, tôi nhấc máy.

“Nhà sửa xong rồi đấy, ông về đi!”. Bà Mì gọi cho tôi sau một tháng trời anh em cựu chiến binh sửa nhà, móc bùn ao thả cá. “Tôi còn đợi ông Ân, về một thể!”. “Về rồ… ồ… ồi!!!”. Hai tiếng “về rồi” nhẹ nhàng như gió reo dưới rặng cây hòe, lại chắc nịch như một mệnh lệnh. Lão Ân thời chiến trận cũng oách lắm, sĩ quan hệ chỉ huy mà. Ừ! Hòe cũng đến mùa có hoa rồi. Về thôi! Không còn cơ hội, không còn lí do nào xác đáng hơn.

Thằng Tiến, con trai tôi biết chuyện cũng sướng lắm. Nó bàn: “Để con đưa bố về bằng xe máy xem bác Ân dạo này còn vật tay với con được không; kết hợp vôi ve lại khu mộ gia tộc, cuối năm khỏi cập rập –

Chợt nhớ ra điều gì, nó “a” lên - Bố ơi! Bố còn nhớ tấm ảnh bố chụp chung với bác Ân ngày nhập ngũ không? Con đã “kĩ thuật số” phóng to, bác ấy chắc bất ngờ thú vị và mừng nữa”. Tôi cũng mừng, bởi lũ trẻ bây giờ đâu có quay lưng với quá khứ. Thằng bé vẫn nhớ cuộc vật tay với ông Ân hồi nó mười bảy tuổi ở giữa rừng Tây Ninh, khi bố con tôi vào thăm ông ấy. Tuổi bẻ gãy sừng trâu vẫn thất bại trước một lão tướng.

Ông Ân có tác phong quần chúng và thuyết phục họ bằng hành động, không như “cán bộ phong trào” ta thường thấy. Gặp ông, có nghĩa là phải đối đầu bằng đấu trí hoặc đấu lực. Xuống đơn vị, giờ giải lao trên thao trường ông thách đấu vật tay với lính. Ở sở chỉ huy thì đấu cờ tướng với sĩ quan dưới quyền. Ông hiếu thắng nhưng rất kỹ càng từng nước đi. Ông co cụm chắc, không nao núng.

Ông tấn công chớp nhoáng, rất táo bạo. Nếu cần phải thí xe pháo để tốt vào cung ông không hề do dự. Điều cốt lõi cuối cùng là phải thắng. Ông tán với lính: “Tớ mà lấy vợ thì sòn sòn năm một, để có quân ra trận…”.

Về tới đầu huyện, Tiến hỏi: “Đi đường nào hả bố?”. “Đường tắt! Giờ bê tông hóa cả rồi, lâu lắm bố chưa qua cánh đồng làng mình”.

Tôi ngồi sau, ôm chặt eo con mà thấy “làng mình” gắn bó thân thương như máu thịt. Lúa tốt quá. Cấy dầy. Thân lúa không cao, sao bông sây vậy. Giống mới đây. Nhưng giống gì thì tôi chịu.

Nhiều năm hờ hững với nghề nông. Cái nghề quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cái ăn, cái mặc vẫn lo từng ngày. Bản nhạc làng từ xa xưa đã là tiếng trẻ khóc đòi ăn, đòi ngủ; tiếng lợn kêu, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa và cả tiếng gió hun hút thổi qua những căn nhà trống huếnh. Giờ phải tự mình đứng dậy, vươn lên.

Chợt có tiếng ai gào trong gió đồng hoang hoải: “Bố con nhà Tiến đang về đa…a…á?!”. Ai gọi vậy, tôi hỏi con. Nó dừng xe ngoảnh đầu về phía Đầm Oan, nơi có người phụ nữ đang chèo chiếc thuyền con lềnh đềnh mặt nước. Cô Tâm bố ạ! Cô Tâm đang cho tôm ăn. Nhà cô Tâm mấy năm nay cũng khá lên rồi. “Nhớ tối sang nhà em chơi nhá!”. “Mắt cô ấy còn tinh tường thế?”. “Thì lưng bố còng vậy ai chẳng nhận ra”. “Bố là lính công binh mà”. “Công binh ăn no vác nặng”. Nhưng ở chiến trường có đâu mà ăn, chỉ có chuyện vác nặng.

“Công binh đi trước về sau”. Bộ đội chưa đến mình đã đến rồi: Làm đường, bắc cầu, đào chỉ huy sở… trên lưng toàn là cuốc xẻng, xà beng, mìn, thuốc nổ, dây cháy chậm, dụng cụ tháo gỡ bom nổ chậm… tất tần tật, gì mà chả gù…

“Thôi bố, nghỉ tí! Nghe chuyện bố mệt quá”. Nó thở dài. “Ừ, thì nghỉ!”. Gốc đa làng tới rồi, cái cây đa từ khi tôi biết nhìn đã thấy nó đứng đấy. Dừng xe, hai bố con còn quay lại phía đầm tôm để ghi nhớ lời cô Tâm dặn sang chơi. Người nhà quê nghĩa tình sâu nặng, cũng không kém sâu cay.

Tiến hỏi: “Bố ạ, dạo trước có lần cô Tâm nói với con, bác Ân yêu cô Mì đúng chứ?”. “Đúng! Nhưng mẹ cô Mì phản đối quyết liệt.

Chuyện này dân làng đều biết cả: Ông Lạc - Đỗ Văn Lạc theo Việt Minh kháng chiến. Một đêm từ vùng tự do về thăm nhà.

Quê ta dạo ấy là vùng tề, quân Pháp chiếm đóng. Lô cốt chúng xây chặn khắp ngả đường. Ban đêm chúng chốt giữ. Ban ngày chúng đi càn. Đến con chuột cùng đường nhảy xuống sông cũng không thoát chết. Khi ông Lạc về đến nhà, câu đầu tiên vợ hỏi khẽ chồng: “Mình về có gặp ai không?”. “Có!”. “Ai?”. “Hình như cái bóng đen ấy là ông Ái thì phải".

Ông Ái là bố bác Ân bây giờ. Rồi cũng ngay trong đêm ấy, dân làng nghe tiếng súng nổ đầu thôn. Sáng ra, người đi làm đã thấy xác ông Lạc phơi giữa cánh đồng. Vì lẽ đó, cả họ Đỗ Văn sau này đều nhất quyết cản trở tình duyên hai người. Ông Lạc chết, trời thương lắm mới cho hoài thai vào bụng bà Lạc để có cô Mì bây giờ.

Năm miền Bắc có “tuần lễ thi đua” vì miền Nam ruột thịt của Ủy Ban Đấu tranh Trung ương phản đối vụ chính quyền Ngô Đình Diệm đầ‌u độ‌c tù nhân ở trại giam Phú Lợi. Phong trào thi đua đã phát triển mạnh trên công xưởng, nông trường, hợp tác xã. Nghe câu “thù muôn đời muôn kiếp không tan” qua loa phát thanh công cộng, Bà Lạc bảo với con gái: “Tao cũng vậy!”. Nhưng chuyến đi của bà Mì vào chiến trường miền Nam sau ông Ân hai năm ngày đó đã minh chứng cho một mối tình không gì có thể ngăn cản”.

*

Đêm liên hoan tổ chức tại vườn hòe. Củi đã tấp đống, lửa đã bập bùng. Nhưng chưa ai biết lí do: mừng ông Ân về, mừng nhà mới sửa, mừng hòe đã ra hoa hay mừng cuộc hội ngộ của cựu chiến binh toàn thôn nhập ngũ từ năm 1965 đến năm 1975 cùng các cựu chiến binh tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, vỏn vẹn còn lại một trung đội. Cũng chưa ai biết lí do đây là buổi liên hoan của lính chiến hay là đêm đốt lửa trại “tình quân dân”.

Ông Ân cho mắc võng chằng chịt dưới tán cây hòe, biến khu vườn thành bãi khách Trường Sơn năm nào. Ông Bình huy động thiếu niên múa hát. Đứa mặc quần dài, đứa mặc quần cộc đều đứng xếp hàng đồng ca. Chúng là “lính” của ông trong đợt thu hoạch hoa hòe sắp tới.

Anh Chính mang bộ loa đài của nhà sang từ đầu hôm, toàn những bài khúc quân hành ca, nghe hào hùng rạo rực, vang vọng một thời cả nước ra trận. Khu vườn bỗng sáng bừng lên. Rộn rạo khắp ngõ xóm. Dân làng kéo đến đông nghịt. Nhiều người già biết ông Ân từ khi còn mặc quần đùi. Nhưng một ông Ân là chiến tướng thì bây giờ mới gặp.

“Thưa các đồng chí Cựu chiến binh, thưa bà con lối xóm….”. Tiếng ông Ân trầm mà vọng vừa cất lên mọi sự nhốn nháo, ồn ã im bặt.

“Tướng phải có uy”. Các cụ xưa nói đố có sai. “Tôi là Ân đây, Ân con ông bà Ái. Sau gần năm mươi năm xa cách quê nhà, gửi mình vào chiến trận, hôm nay xin cởi áo lính về lại với ruộng đồng xóm thôn cùng bà con chống giặc nghèo…”.

Tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô khuếch đại qua loa đài, vang dội cả một vùng quê. Người làng chen lấn, xô đẩy dồn lên phía trước để xem ông tướng to như thế nào mà giọng nói oang oang. Không, người ông cũng nhỏ thôi, da lại sạm đen, tóc quăn như người Campuchia.

Nắng gió, đạn bom chiến trường, miền biên viễn đã tôi luyện ông thành con người của ý chí, của gang thép.

Ông Ân nói dài lắm. Càng nói mọi người càng thấy gần gũi ông hơn. Ông nhắc lại cả những kỉ niệm xưa, những vui buồn, những trò ngỗ ngược ngày chân đất đầu trần cắp sách tới trường. Chuyện làng xóm những ngày ba tháng tám đói queo đói quắt, đùm bọc lấy nhau lá lành thương lá rách, tắt lửa tối đèn, ấm lạnh không rời nhau.

Đến chuyện nhà mình ông kể: “Một lần gia đình có khách đến thăm. Bố đi mua rượu. Mẹ con bắt gà làm thịt. Hai người chặn hai đầu. Con gà trống mào cờ cùng đường nhảy phốc xuống ao. Không hề do dự, tôi lao xuống chộp lấy nó như chộp một quả bóng. Nhưng vì chưa biết bơi nên không những không bắt được gà mà còn bị nước nhấn chìm nghỉm.

Hoảng quá, mẹ tôi hớt hải gọi khách “cứu cháu”. Sau bữa, khách về, bố tôi chì chiết: “Mày chỉ được cái thánh tướng!”. Câu nhắc nhở ấy tôi nhớ như bài học vỡ lòng và nó đã theo tôi vào đời. Nó cũng vận vào đời tôi như một lời tiên đoán”. Song, ông đích thực là tướng trận mạc chứ không phải là “Thánh tướng”.

Quá mười một giờ đêm cuộc vui mới tàn. Chỉ còn lại các cựu chiến binh ngồi bên đống lửa. Ông Ân nhìn quanh hỏi: “Bà Lê đâu?”. Bà Mì thưa: “Nhà chùa hôm nay bận việc, sẽ trình diện sau, sư có gửi ít tiền đến góp vui”. Ông tủm tỉm cười rồi mới nói: “Đồng tiền đi trước người là đồng tiền khôn.

Chất lính thời nào, ở đâu cũng vậy, phải vươn lên từ chính khả năng của mình. Mặc dầu bà Lê không có động cơ gì trong chuyện này, nhưng cách xử sự như vậy dễ thành thói quen (có người hiểu ông đang bực mình vì thiếu bà Lê trong ngày này). Còn ai đây? - Ông chỉ vào cháu Tiến nhà tôi. Tôi đỡ lời: “Cháu Tiến nhà tôi. Hôm nay cháu theo về là để vật tay với bác”. Mọi người cười rộ lên, phá vỡ không khí nghiêm trang ngay từ khi mới bắt đầu.

“Cháu xin có ý kiến!”. Ai cũng hướng cái nhìn về phía có cánh tay giơ lên. Con tôi hứng khởi giãi bày: “Hôm nay cháu muốn gặp không phải chỉ để vật tay mà còn muốn tặng bác món quà”. Tôi nhìn con, khích lệ. Ông Ân nói: “Người đi trước, quà đi sau cũng không được. Nhưng dù sao cũng dễ chấp nhận hơn”. “Đây là món quà tinh thần chứ không phải quà cáp đâu bác ạ!”. “Tốt! Tốt tốt! Đưa đây, cảm ơn, cảm ơn nhiều!”.

Ông Ân cầm tấm ảnh đưa lên sát sạt ngọn đèn, nheo nheo mắt rồi cười: “Ai đây nhỉ? Hai thằng nào đây nhỉ? À à, thì ra tớ với tay Huấn chụp thời còn trẻ đây”. Huấn là tên tôi. Tôi ghé miệng sát tai ông nói có vẻ thì thầm nhưng mọi người đều nghe được: “Anh nhầm rồi đấy, nhìn kĩ lại xem?”. “Không là ông với tôi thì thằng đếch nào!”.

Ông khẳng định một câu chắc như dao chém đá, biểu lộ rõ bản tính hiếu thắng của mình, rồi đưa tấm ảnh qua tay bà Mì. Tay kia, ông cầm tấm ảnh khác từ tay Tiến đưa sang. “Đây mới là ảnh bác với bố cháu chụp chung ngày nhập ngũ!”. Ông Ân nhìn vào ảnh, gật gật đầu. “Thế còn hai tay kia?...”. Bà Mì thanh minh: “Thằng Chính nhà em với thằng Tiến nhà bác Huấn đấy!”. Thế là mọi chuyện đã ngã ngũ.

Cái trong bóng tối đã đưa ra ánh sáng. Bà Mì nhìn mọi người mặt đỏ phừng phừng. Còn ông Ân thì nhấp nháy hai con mắt vẻ xúc động lắm. Đến bấy giờ tôi mới nhớ ra, cái chớp mắt của cậu Chính y hệt cái chớp mắt của ông Ân hôm nay. Bà Mì quay sang Chính, khẽ khàng đặt bàn tay lên vai con như nhắc nhở. Chính lặng lẽ đứng dậy đến bên ông Ân, so hai tấm ảnh: “Giống nhau như đúc, chỉ khác ở y phục”. Đột ngột, Chính ôm chầm lấy ông Ân thốt lên một tiếng “Bố!” rõ to, đơn âm thôi, nhưng hàm súc và dồi dào nội lực.

Anh đã mơ ước và chờ đợi phút giây này từ mấy chục năm để có được một tiếng gọi thiêng liêng ấy. Ông Bình, bố con tôi và mọi người xin phép ra về để cho họ ngồi lại bên nhau.

Ra tới đầu ngõ thì gặp vợ và hai con cậu Chính đi vào. Ba thế hệ trong gia đình họ gặp nhau đêm nay. Chỉ tiếc một điều: Khi ông bà Ái qua đời, lẽ ra cậu Chính, cháu đích tôn được thay bố chống gậy, đội khăn tang, thắp nén nhang vĩnh biệt. Họ có tội gì đâu?! Đất nước có xâ‌m lượ‌c, có chiến tranh. Lớp lớp người ra trận. Những cuộc hành quân cũng trong bóng tối.

Hôm ấy vườn hòe, ngọn lửa cháy qua đêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật