Vượt thoát để mơ mộng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong truyện ngắn Tiệm tóc, có lúc tác giả Mai Hương đã phải thốt lên: “Phụ nữ tài thật, chuyển hướng đề tài rất nhanh hoặc có thể nói rất nhiều chuyện cùng một lúc. Biến hóa khôn lường”. Người quen biết tác giả, chắc phải mỉm cười thú vị. Vô tình hay chủ ý, Mai Hương đang nói về lối kể chuyện của mình đấy.
Vượt thoát để mơ mộng
Ảnh minh họa

Giữa đám bạn bè, ta thường thấy một người bạn biết nhiều chuyện và biết kể nhiều chuyện. Những câu chuyện trong nhà ngoài phố, trong công sở và trên những chuyến đi. Giọng kể tuần tự, nhẩn nha, tỉ mỉ, bi và hài chen lẫn. Nghe cuốn hút đến nỗi bạn bè có khi phải kêu lên, hãy viết đi, chỉ cần viết như đang kể thế này là có thể thành truyện được rồi.

Tôi tin rằng Mai Hương từng được bạn bè thốt lên kiểu ấy, vô tình hay hữu ý, lời thốt lên giống như sự định hướng cho một người kể chuyện còn chưa nghĩ mình có thể trở thành tác giả. Thế là một ngày, Mai Hương viết. Trong vài ba năm, vài chục truyện ngắn tuôn ra.

Những chuyện chị đã thấy đã nghe trong cuộc được kể lại. Chuyện hàng xóm láng giềng (Mất một địa chỉ), chuyện sếp và nhân viên ở văn phòng công sở (Đeo kính xem phim mờ). Viết ra rồi, truyện được in rồi, tác giả lại đóng vai người quan sát dõi theo hiệu ứng ngoài đời của câu chuyện mình kể, thậm chí đi xa hơn, dàn xếp cho các nguyên mẫu gặp nhau, từ đó lại nảy ra những câu chuyện mới. Cả một chùm truyện như thế về quan hệ giữa tác giả và nhân vật, tác giả với nguyên mẫu, quan hệ giữa hiện thực và hư cấu: Mùa thu Darmstadt, Người ấy có thật hay không, Ngày thứ bảy.

Là tác giả mới, Mai Hương cũng là người kể chuyện có duyên, và cũng biết cách găm vào tâm trí người đọc những ấn tượng. Như câu chuyện về ông già tám mươi hai trong truyện Góc phố, nhớ nhớ quên quên, vẫn tin có một cô gái từ thời trẻ bây giờ đang chờ mình ở góc đường. Những chi tiết như chiếc khăn và cái vận đơn năm triệu đô khiến người đọc giữ được ấn tượng về truyện này. Đó còn là chi tiết hai con gà và hai con búp bê được gọi là “các con” của một cặp vợ chồng không con cái trong truyện Vườn xưa. Những đại từ nhân xưng “bác bố, bác mẹ” ban đầu lạ lẫm, nhưng về sau lại khiến người ta nhớ. Vườn xưa là một hoài niệm đẹp, kèm theo một tiếng thở dài về kiếp người khi bất chợt tác giả nhắc đến một anh cán bộ đoàn về sau tìm đến cửa Phật.

Không chỉ là kể những câu chuyện đàn bà, ở nhiều truyện ngắn, Mai Hương đã chạm đến triết luận về nhân sinh, về cuộc sống đời thường mà hết thảy đang đắm chìm trong đó. Đeo kính xem phim mờ là một truyện như vậy, đứng trước cái chết, trước cái hữu hạn của đời người, nhân vật đã mua một cặp kính mà xác định hãy đeo kính xem phim mờ, có khi cũng phải nhìn đời dưới một ánh sáng khác, một sắc độ khác, một tâm thế khác.

Mai Hương đến với văn chương hơi muộn, nhưng không phải là người xa lạ với văn chương. Chị từng tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiều năm làm công việc ở công sở, đọc của người khác nhiều, rồi có lúc chị thấy chính mình cũng phải viết. Một cách vượt thoát cái đời thường, một cách nuôi dưỡng lòng yêu mến văn chương, một cách để mơ mộng chút ít.

Chắc là người đọc cũng chia sẻ được với chị.

Mai Hương đến với văn chương hơi muộn, nhưng không phải là người xa lạ với văn chương. Chị từng tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiều năm làm công việc ở công sở, đọc của người khác nhiều, rồi có lúc chị thấy chính mình cũng phải viết.

Góc phố, tập truyện ngắn của Mai Hương, NXB Trẻ ấn hành 2019. Tác giả hiện công tác tại Cục Xuất bản In và Phát hành

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật