Bi hài giải thưởng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lý Vĩnh Văn là chủ cửa hàng “Quảng cáo Lý Văn“. Người viết chữ rất đẹp bằng bút lông như ông thì ở thị trấn huyện này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Bi hài giải thưởng
Minh họa: Lê Tâm.

Dù hiện nay người ta đã chế tác quảng cáo bằng các phần mềm máy tính rồi, nhưng vẫn có rất nhiều thương gia, doanh nhân chuộng chữ của Lý Vĩnh Văn. Cứ mỗi độ xuân về, họ lại phớt lờ những gì được bày bán la liệt ngoài phố, đến để nhờ ông viết câu đối, có khi viết không xuể.

Từ bé, Lý Vĩnh Văn đã mày mò, tự luyện chữ, khó như bản "Lam Đình Tự" của nhà thư pháp nổi tiếng Vương Hy Chi ông cũng đã học và bắt chước viết được. Các đôi câu đối do ông viết bằng thể chữ hành, được dân chúng nơi đây yêu thích và tán tụng "Chữ của Lý Vĩnh Văn viết ra lộng lẫy nhưng có phép tắc, rất kiểu mẫu mà sống động".

Con người Lý Vĩnh Văn vốn nhân hậu, tính cách phóng khoáng, kinh doanh dịch vụ quảng cáo rất phát đạt. Thế nhưng, mấy lần tham gia thi thư pháp đón xuân của thị trấn gần đây đều thấy ông mặt ủ mày chau. Thực ra, giải thưởng ông giành được trong các cuộc thi thư pháp khá nhiều nhưng mấy năm gần đây, các tác phẩm của ông gửi treo dự thi đều không chạm vào được giải thưởng nào, nguyên nhân không phải là thủ bút của ông kém đi mà ngược lại, chữ viết mỗi ngày càng lão luyện thêm. Thế mới lạ!

Một buổi tối, ông Vương - Hội trưởng Hội Thư pháp gia của huyện đến nhà ông Lý chơi uống trà đã có lời mời ông nhất thiết phải tham gia để giành vinh quang trong cuộc thi thư pháp lần này của huyện. Rút kinh nghiệm cuộc thi hai năm trước, Hội trưởng Vương đặc biệt nhắc nhở: "Ông chủ Lý này, trào lưu viết thư pháp bây giờ là tôn sùng và cổ vũ cho lối viết kiểu trẻ con, ông cũng nên thử xem sao".

Lý Vĩnh Văn vốn dĩ không có thiện cảm với cái "trào lưu thư pháp" hiện tại, nhưng để giữ lịch sự nên cố nén không tranh biện và gắng gượng: "Thôi được, để tôi sẽ thử". Ông cũng đã xem trên mạng cách mà một số nhà thư pháp thể hiện trào lưu "thư pháp kiểu trẻ con", chữ viết xiêu xiêu vẹo vẹo rất ngô nghê; đúng là to gan "sáng tạo", hủy hoại truyền thống, nếu viết câu đối bằng kiểu chữ này thì một đôi cũng tuyệt đối chẳng ai thèm mua.

Vì vậy, Lý Vĩnh Văn trước sau kiên trì quan điểm thư pháp "duy thư, duy mỹ", muốn sáng tạo cũng phải trên cơ sở bảo tồn truyền thống, có đánh chết ông cũng không chấp nhận cúi đầu trước cái "trào lưu" ấy.

Lý Vĩnh Văn đã không định tham gia cuộc thi thư pháp sắp tới, nhưng những gợi ý của Hội trưởng Vương đã khơi dậy nguyện vọng mãnh liệt vốn vẫn tiềm ẩn trong ông. Cứ tham gia, một là để chứng minh cho thiên hạ thấy "bảo đao" của mình vẫn còn rất sắc bén, hai là để khiêu chiến với cái gọi là "Thư pháp theo kiểu chữ trẻ con".

Tối chủ nhật, cơm nước xong, Lý Vĩnh Văn vào thư phòng, trải giấy, lấy bút, chuẩn bị viết mấy tác phẩm. Vợ ông đang sắp ra quảng trường tập khiêu vũ thể thao, nói rằng hôm nay học bài nhảy mới, phải có mặt nhưng không thể đem thằng cháu đi được nên đành thả nó vào thư phòng với ông.

Tục ngữ có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" thật không sai. Thằng cu con trước đây một tháng đã học được cách cầm bút lông, cùng "viết" mấy "chữ" thể hành. Tối hôm ấy nó cũng đòi viết, ông Lý đành phải đem một bức thư pháp của mình để làm mẫu cho nó nhìn bắt chước mà viết theo, mà thằng bé chẳng phải tay xoàng, nguệch ngoạc năm, sáu chữ chẳng ra kiểu gì rồi cũng "hạ bút" viết mấy dòng lạc khoản bên dưới, sau đó lấy cái "đại hồng ấn chương" của ông ấn lên phía trên.

Mấy hôm sau, Hội trưởng Vương gọi điện thoại đến, giục giao tác phẩm dự thi. Đúng lúc Lý Vĩnh Văn đang ở dưới quê nên vợ ông đem tác phẩm đến giao ông Vương.

Lần này, Lý Vĩnh Văn rất vui mừng vì tác phẩm của ông đã đoạt giải Nhất, ông thầm nghĩ rằng ban giám khảo cuộc thi nghe nói có mời cả chuyên gia trên tỉnh về tham gia, có con mắt và tư duy nghệ thuật chân chính và sáng suốt.

Qua Tết Nguyên tiêu, công việc làm quảng cáo đã vãn, Lý Vĩnh Văn quyết định vượt 200 cây số để đến Trung tâm Văn hóa tỉnh thưởng lãm cuộc triển lãm thư pháp mừng xuân mới.

Ông Lý đứng vẹo người trước "tác phẩm" đoạt giải nhất của mình - bức "thư pháp" sáu "chữ" (do thằng cu con bốn tuổi nguệch ngoạc mà thành), nhìn lác hết cả mắt. Bên dưới "tác phẩm" còn đặt lời bình của ban tổ chức "Ý tứ mới mẻ, bút lực thâm hậu, siêu phàm thoát tục" (bay bổng theo thể thư pháp trẻ con).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật