Năm tháng nhớ thương…

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh Hữu bắt đầu dòng tâm sự với một nỗi buồn đau vô bờ bến. Tôi cầm lấy bàn tay anh như thầm nói: “Hữu ạ, hãy kìm giữ nỗi buồn. Mình chia sẻ với cậu thật nhiều. Trong mỗi đời người, nỗi buồn mất mẹ là nỗi buồn lớn lao nhất. Nhưng lẽ đời vẫn vậy, có ai thoát khỏi được nỗi đau thương ấy đâu…“.
Năm tháng nhớ thương…
Ảnh minh họa

Chuyến công tác vừa rồi, tôi tranh thủ ghé qua An Sơn thăm anh Hữu. An Sơn là miền đất đã từng gắn với tôi thời còn thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Trên bước đường lưu lạc, bố mẹ tôi đã đưa gia đình đến định cư ở đây suốt gần mười năm trước khi chuyển về quê cũ. Tình bạn giữa tôi và anh Hữu cũng bắt đầu bền chặt từ ngày đó. Chỉ có điều, thời gian trôi qua, sau này công tác ở ngành ngoại giao, tôi đã đi biền biệt, nhiều năm sống ở nước ngoài nên giữa tôi và anh bị mất liên lạc.

Ngỡ ngàng với một cảnh quen mà lạ…

Dòng sông nhỏ đã hiện ra. Một cây cầu nhỏ mới xây. Xưa kia chỗ này là bến đò quê. Bên kia bến đò là lối mòn nhỏ dẫn vào làng. Những rặng tre xanh trùm lên mái ngói ngả màu thời gian đen sậm. Qua một lối nhỏ uốn như dây cung từ triền đê, tôi đứng lặng trước khu vườn um tùm có một căn nhà nhỏ ba gian.

Nhà anh Hữu. Tôi không nhầm. Không thể nhầm được. Tôi cứ đứng lặng như thế một lúc lâu. Lòng tôi bồi hồi nghĩ về những tháng năm qua. Chính tại nơi này, bàn chân bé xíu của tôi đã in trên những lối mòn. Bao nhiêu đêm trăng chúng tôi chơi trò đuổi bắt, trốn tìm; bao nhiêu lần tôi và anh Hữu cùng nhau đi câu cá, bắt cua trên dòng sông suốt từ chiều cho đến lúc hoàng hôn tím sậm giăng mắc xuống thôn làng; bao nhiêu kỷ niệm bạn bè gắn với mái trường thơ ấu, nơi đã nhen lên trong lòng chúng tôi những ước mơ xa xăm…

Màu xanh phủ khắp khu vườn, phủ lên mái nhà, những dây leo bám lên tường. Dường như có mùi hương trầm thoảng đưa trong không khí. Cánh cổng khép lại, chốt ngang. Tôi khẽ gọi:

- Anh Hữu có nhà không?

Tôi phải gọi đến lần thứ ba thì mới thấy tiếng trả lời từ phía sau nhà:

- Ai đấy?

- An đây…

Thoáng cái đã thấy anh Hữu bước ra khỏi mái hiên đi nhanh về phía cổng. Hình như anh chưa nhận ra tôi. Còn tôi, đã nhìn thấy bóng dáng thân thuộc của anh.

- Mình đây, An đây mà…

Anh Hữu hướng đôi mắt nhìn tôi lúc đầu như ngơ ngác, rồi kinh ngạc:

- An! An đấy ư?

Cánh cổng nhanh chóng mở ra và chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Bốn mươi năm! Đã bốn mươi năm rồi. Anh thốt lên xúc động đến nghẹn ngào. Tôi cũng thấy cay cay nơi sống mũi.

- Mình luôn nhớ đến An. Chỉ tiếc rằng, cậu sống ở nước ngoài, nên chẳng có dịp gặp nhau. Không ngờ, có ngày cậu vẫn trở về đây...

Giọng anh Hữu trầm xuống. Tôi biết mình có điều không phải với anh. Nhưng tôi tin rằng anh cũng hiểu, nơi đây là một phần tuổi thơ tôi, đâu dễ gì quên lãng.

Tôi bước vào nhà. Trên ban thờ là bức ảnh mẹ anh. Lòng tôi rưng rưng xúc động, tôi hỏi anh bằng giọng nghẹn, trầm:

- Cụ đi khi nào anh?

- Chín năm rồi…

Tôi hết nhìn lên bàn thờ lại quan sát căn nhà. Lạ lùng sao, mọi vật bài trí trong nhà dường như chẳng có gì thay đổi so với bốn mươi năm trước, khi tôi vẫn thường qua lại nơi đây.

Ngày đó, mẹ anh Hữu chỉ mới ngoài năm mươi. Ôi thời gian! Thời gian đã lướt qua những phận người và để lại bao hoài nhớ, xót xa. Mẹ yêu quý lũ bạn anh Hữu như con trong nhà. Chúng tôi hằng ngày qua lại. Những năm ấy đói khổ, có chút gì ăn được mẹ chia đều cho tất cả chúng tôi. Đêm thì chúng tôi học bài, chơi trò trốn tìm, chạy nhảy la hét cho đến khuya rồi lăn ra nền nhà mà ngủ.

Anh Hữu pha một ấm trà rồi châm ra hai chén.

- An uống đi.

Tôi nhấp một ngụm nhỏ, lặng lẽ nhìn gương mặt đã nhuốm màu tuổi tác của anh. Mái tóc xưa kia đen mượt, giờ đã lấm tấm bạc. Gương mặt tươi rói, trẻ trung xưa giờ hằn những nếp nhăn trên trán và sau đuôi mắt.

Anh bắt đầu tâm sự về những năm tháng đã qua của đời mình:

- Tôi cũng đã từng lưu lạc khắp nơi. Sau khi học đại học ở Hà Nội, có thời gian tôi tu nghiệp ở Anh quốc, rồi tham gia các dự án ở nước ngoài. Tôi cứ mải mê khắp chân trời góc biển như thế. Lúc thì ở Pháp, lúc ở Ý, thậm chí có khi sang Nepal hàng mấy tháng trời. Sau mỗi chuyến đi dài, tôi lại mang tấm thân mệt mỏi trở về căn nhà của mẹ. Mẹ đón tôi. Mẹ chăm sóc cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ. Tôi nghe mẹ tâm sự về cuộc đời dằng dặc mù xa từ những năm tuổi trẻ nghèo đói và chiến tranh. Mẹ kể về cha tôi, từ những năm xa thẳm khoác ba lô lên đường, rồi biền biệt không một dòng thư cho đến ngày mẹ nhận được tờ giấy báo tử.

Giọng anh Hữu trầm lại, có lúc ngắt quãng.

- Tôi nghe những lời mẹ kể như một dòng suối đều đều chảy từ trong dĩ vãng xa xăm. Tôi quen với sự chăm sóc của mẹ, như quen với một điều hiển nhiên xảy ra trong cuộc sống. Tôi vô tâm lắm. Hết năm này sang năm khác, tôi vẫn hồn nhiên, vẫn cứ có cảm giác như mẹ còn trẻ, mẹ vẫn ở bên tôi chăm sóc cho tôi những lúc tôi cô đơn, đau khổ. Tôi cứ tưởng chừng như mẹ là chỗ dựa vĩnh cửu, mẹ ở mãi với tôi đời đời, kiếp kiếp. Tôi đâu ngờ được rằng, sự mất mát lại đến với tôi bất ngờ đến thế.

Anh Hữu bắt đầu dòng tâm sự với một nỗi buồn đau vô bờ bến. Tôi cầm lấy bàn tay anh như thầm nói: "Hữu ạ, hãy kìm giữ nỗi buồn. Mình chia sẻ với cậu thật nhiều. Trong mỗi đời người, nỗi buồn mất mẹ là nỗi buồn lớn lao nhất. Nhưng lẽ đời vẫn vậy, có ai thoát khỏi được nỗi đau thương ấy đâu…".

Giọng anh Hữu trầm hẳn lại, có lúc nghẹn ngào, đứt quãng:

- Tôi vẫn nhớ như in, lần tôi về thăm mẹ (có ngờ đâu là lần cuối cùng)… Mẹ đón tôi từ ngoài cổng. Mẹ nắm tay tôi rất chặt. Chiều muộn hôm ấy mẹ nấu cho tôi món canh cua mùng tơi. Đấy là món mà tôi rất nhớ mỗi lúc xa nhà. Tôi bảo: "Con đi khắp nước này, nước khác, những bữa tiệc chiêu đãi khách quốc tế, chẳng có món nào ngon bằng món canh này của mẹ". Mẹ cười. Một nụ cười móm mém, lộ ra hai cầu lợi không còn một chiếc răng nào. Lúc ấy tôi mơ hồ cảm nhận thấy mẹ tôi đã thay đổi nhanh chóng. Dường như mẹ không được khỏe. Tôi nhìn gương mặt mẹ nhăn nheo, với hàng trăm nếp nhăn hằn ngang dọc. Đôi mắt đã mờ đục. Dường như che giấu bên trong một nỗi buồn, nỗi hoài tiếc một điều gì.

Anh Hữu kìm một tiếng thở dài.

"Tôi cầm lấy bàn tay mẹ - Anh tiếp tục câu chuyện - Bàn tay ấm nhưng làn da không còn hồng đỏ mà như ngả sang màu tím. Tôi nhìn bàn tay mẹ, một linh cảm chẳng lành.

"Mẹ thấy trong người thế nào? Có mệt không?". "Đôi lúc mẹ cảm thấy như mình bị mất cảm giác, mất hết sức lực, muốn nâng bàn tay lên cũng không được, nhưng chỉ thoáng qua thôi. Sau đó lại bình thường".

Tôi thấy mình không được bình tĩnh. Một nỗi lo lắng bất chợt bùng lên. Tôi dặn mẹ phải cố ăn ngủ đúng giờ. Mẹ nói tiếp: "Mẹ khó ngủ. Những đêm khuya cứ như có người đứng ở ngoài hè gọi. Giọng quen lắm, nhưng chẳng nhận ra là ai. Có hôm mẹ nằm mơ thấy mình bay vào một vùng trời mù xám, xa lắc và lạnh lẽo".

Tôi thực sự sợ hãi điều khủng khiếp đang đến, nhưng cố trấn an rằng tuổi già ai cũng vậy. Khi thần kinh con người đã suy nhược thì người ta dễ sa vào những ảo giác, những linh cảm dị thường. Tôi định trong chuyến công tác ở Tây Tạng sắp tới sẽ mua một vài loại thuốc thật tốt về cho mẹ. Bạn tôi bảo, bên đó có loại thần dược cải lão hoàn đồng mà dường như chẳng có nơi nào trên thế giới có được. Mua loại thuốc như thế, phải có người quen giới thiệu nếu không thì sẽ vớ phải hàng giả.

Một tuần sau, tôi cùng đoàn công tác bay đến Tây Tạng. Sau ba ngày họp hành liên miên, tôi nhờ một người quen đưa đến một hiệu thuốc đông y nổi tiếng. Chủ tiệm thuốc là một người đàn ông râu tóc trắng trông giống như một tiên ông giáng trần. Sau khi nghe tôi trình bày về tình trạng của mẹ mình, ông ngồi lặng một lúc, đôi mắt ưu tư. Lát sau ông nói:

- Tôi sẽ bán cho anh loại thuốc này. Nhưng tôi e, khi anh về thì đã muộn…

Tôi nhận thuốc, lòng buồn lạnh buốt.

Chiều hôm ấy tôi nhận được tin mẹ tôi ốm nặng thêm. Tôi chạy thẳng ra sân bay trong hoàng hôn xám lạnh. Lòng tôi nặng trĩu. Chuyến bay muộn. Có cảm giác như chiếc máy bay đang lao vào một không gian xám ngắt, tê giá và u hoài.

Về đến Hà Nội vào đêm khuya, rồi đi ôtô xuyên đêm, đến gần sáng thì về đến nhà. Đứng lặng ở cổng. Bóng đêm đã lãng ra. Tôi nhìn trân trân vào căn nhà im lặng dưới lùm cây. Vẫn căn nhà của tôi. Vậy mà sao đêm nay tôi có cảm giác thật lạ. Tựa như có bí mật đáng sợ nào đang giữ lấy tôi. Tôi cứ e ngại, phải cố gắng tập trung mới giữ được bình tĩnh và gọi cửa. Phải đợi lâu hơn bình thường mới thấy một bóng người thấp nhỏ ra mở cửa.

"Dì Mậu".

Qua ánh sáng lờ mờ tôi nhìn thấy gương mặt héo quắt, đôi mắt ướt đờ đi vì một nỗi buồn tê dại.

"Cháu về muộn rồi"…

Dì chỉ nói thế rồi choàng ôm lấy tôi. Một sự toang vỡ bắt đầu từ một nơi bí ẩn nào đó trong mỗi tế bào, lan ra khắp c‌ơ th‌ể khiến tôi thấy mình nhẹ bẫng, như tan vào một ảo giác rất lạ. Tôi tựa hẳn vào dì, cố lê toàn thân tê giá vào trong căn phòng quen thuộc.

"Mẹ cháu vừa trút hơi thở cuối cùng…".

Tôi cố nhích tấm thân nặng trịch như đeo đá đến bên chiếc giường. Mẹ tôi nằm kia, xung quanh là những người họ hàng thân thích. Đôi mắt mẹ vẫn mở như nhìn sâu vào tâm tưởng tôi. Gợi thức nơi tôi một niềm đau khôn cùng. Tôi quỳ thụp xuống lạy mẹ và khóc ngất. Mắt tôi nhòa đi, tôi cảm nhận được mình bị vây phủ trong một khoảng không gian xám mờ. Bỗng bóng mẹ tôi từ trong cái màn hoang lạnh đó bước ra. Mẹ nhìn tôi không nói gì. Đôi mắt ấy lúc như thật gần, lúc như lùi vào một cõi xa xăm bí ẩn và từ từ biến mất.

Cả tâm linh tôi vụt thức. Không biết tôi đã mê lả đi bao lâu. Tôi cố bình tâm, gượng dậy. Chú Toản đỡ cho tôi đứng vững nhìn mẹ trong giây lát rồi vuốt mặt cho mẹ…

Tôi hiểu rằng, đời tôi từ đó vĩnh viễn thiếu vắng mẹ. Lòng tôi uất lên vì căm giận chính mình. Tôi đã chậm mất rồi. Tôi đã không thể chăm nom mẹ những giờ phút cuối cùng. Không thể nghe người nói dù một lời trăng trối. Tôi là đứa con bất hiếu. Ôi! Tôi không ngờ, cho đến lúc này tôi lại trở thành một con người tồi tệ như vậy!...".

Câu chuyện của anh Hữu khiến lòng tôi rưng rưng. Tôi tiến đến, ôm lấy anh thật chặt một lần nữa, như muốn nói với anh: "Anh Hữu ạ, không ai hiểu con mình hơn những người mẹ. Bà cụ sẽ xá lỗi cho anh. Thôi, anh đừng tự dằn vặt mình quá như thế".

Tôi buông anh Hữu ra rồi kéo tay anh dạo trong khu vườn quen thuộc. Hương cau thoảng đưa. Sau những bẹ cau ấp vào thân kia là những nhành hoa cau màu trắng tinh khiết đang nở dần. Bên gốc cau, giàn trầu xanh ngăn ngắt.

- Tôi rất cảm động anh vẫn giữ lại được khung cảnh khu vườn như thuở chúng ta còn thơ ấu. Tôi như gặp lại một phần thương nhớ của đời mình nơi đây…

Tôi lưu lại ngôi nhà của anh một đêm.

Sáng hôm sau tỉnh dậy đã thấy anh Hữu bày biện lễ vật lên ban thờ cúng mẹ.

- Tất cả chỉ là những lễ vật đơn sơ. Mẹ vốn sống một cuộc đời đạm bạc. Tôi ghi nhớ tất cả sở thích bình dị của mẹ, những món ăn mà mẹ ưa thích hằng ngày. Giờ thì mỗi buổi sáng tôi nấu những món ăn bình dị ấy để dâng lên mẹ, cùng với lá trầu, quả cau. Việc ấy, đều đặn từ khi tôi trở về sau khi mẹ qua đời…

Anh Hữu khấn mẹ xong thì nắm tay tôi đi dạo trong vườn.

- Sau chuyến công tác ấy trở về không còn mẹ, tôi quyết định xin nghỉ hưu sớm. Tôi công tác cũng đã được ba mươi năm, cũng đã đi hết nơi này nơi khác. Giờ thì tôi muốn giữ lấy sự yên tĩnh trong tâm hồn, sống những ngày yên ổn trên chính mảnh đất mà mình sinh ra.

Trên mỗi thân cau, sau mỗi bẹ cau, từng chùm hoa trắng tinh khiết đẫm sương mai. Một mùi thơm quen thuộc gợi thức cả một miền ký ức tuổi thơ. Tôi đã quen với mùi thơm dịu nhẹ mà lắng sâu này như mùi của quê hương, của đất đai, xứ sở.

- Những khi mùa hè đến, hoa cau nở trắng, thỉnh thoảng tôi dâng lên bàn thờ một nhánh hoa cau. Tôi nhớ, ngày xưa, những đêm trăng hoa cau nở, mẹ thường lấy một nhành hoa cau để trên bàn, hương thơm lan tỏa khắp căn phòng - Anh Hữu nói, giọng trầm, nhỏ nhẹ. Tôi như nghe thấu cả một miền ký ức dội về. Tựa như được trở về khoảng thời gian mấy mươi năm trước, khi chúng tôi còn bé thơ, dấu chân hằn in trên từng tấc đất ở khu vườn quá đỗi thân thương này.

Dạo quanh khu vườn một lúc, chúng tôi ngồi xuống bộ bàn ghế làm bằng nan tre trong vườn.

- Mình nhớ đến Sen…

Giọng tôi chìm lặng dần. Tôi không nói thêm gì khi thấy gương mặt anh Hữu đột nhiên biến sắc. Câu nói của tôi đã cắt sâu vào nỗi lòng thương nhớ, đớn đau của anh. Sen là bạn cùng lớp của anh và tôi. Suốt thời học phổ thông chúng tôi bên nhau như hình với bóng. Có một quyển sách hay cũng đọc chung. Có mấy bông hoa đẹp cũng chia nhau.

Trước ngày thi đại học, một buổi chiều muộn Sen theo anh trai đi câu và chết đuối trên sông quê. Hôm đó, trời chạng vạng hoàng hôn. Những tia nắng cuối ngày vừa tắt lặng thì những đụn mây kéo đến đen đặc cả vòm trời. Rồi mưa. Mưa xối xả. Và gió lốc nổi lên. Gió xô đổ nhiều ngôi nhà, cuốn bay nhiều mái tranh. Cây cổ thụ đầu làng gãy ngang thân. Chiếc thuyền câu trên sông do hai anh em Sen chèo lái không thể vào được bờ, cứ bị cuốn đi như một chiếc lá mỏng manh. Có lúc chiếc thuyền như bị bưng lên trên mặt nước, xoay tròn như chong chóng, rồi lộn nhào, đổ ập xuống dòng sông. Sen và anh trai bị cuốn đi theo dòng nước xiết.

Đêm đó, khi cơn mưa vừa lắng, có tin Sen mất tích, anh Hữu và tôi đã cùng với dân làng chong đèn suốt đêm tìm kiếm…

- Mới đấy mà đã mấy chục năm rồi….

Tôi nói, muốn lái câu chuyện theo hướng khác cho đỡ buồn hơn. Nhưng anh Hữu đã tiếp lời tôi:

- Buổi chiều hôm ấy, chỉ trước khi tai họa ập đến một lúc, Sen đã đến gặp mình và trao cho mình một lá thư… Trong thư, Sen dự cảm về những ngày buồn, những ngày xa cách… Lạ lùng quá. Sau những gì diễn ra, mình nhận ra rằng, dường như Sen có linh cảm về cuộc ra đi vĩnh viễn. Sen nói về những tình cảm đằm thắm và không thể xóa nhòa, về những kỷ niệm học trò đẹp đẽ…

Tôi lại kéo tay anh Hữu đứng lên. Chúng tôi dạo trên con đường quê và ra bến sông. Nơi đây, những đêm trăng sáng trắng trời chúng tôi thường ngồi trên triền đê nhìn dòng sông lấp loáng ánh bạc trôi xuôi về phía biển. Chúng tôi đã trò chuyện miên man không chán về những ước mơ xa xăm, về những kỷ niệm học trò, về tình yêu trong trẻo đầy đam mê tuổi mới lớn. Và dĩ nhiên, không thể không nói về Sen…

Anh Hữu và Sen yêu nhau suốt thời trung học. Đó là mối tình đầu thầm lặng, e ấp và vô cùng sâu sắc. Sau khi Sen mất anh Hữu trầm lặng hơn. Lúc nào cũng thấy anh buồn. Rất nhiều buổi chiều anh lặng lẽ đi về phía cánh đồng xa, đứng lặng trước ngôi mộ đầy hoa cỏ của Sen. Không hiểu sao trời đất phũ phàng lại có thể cướp đi một người con gái trẻ trung, duyên dáng với tâm hồn tinh khiết, với ánh mắt lúc nào cũng lấp lánh ánh cười như vậy.

- Từ ngày ấy, mỗi khi nhìn xuống dòng sông mình lại nhớ đến Sen. Bến sông tràn đầy kỷ niệm này bỗng biến thành cái bến đau thương mà vết thương lòng không bao giờ liền sẹo…

Sáng nay ánh nắng phủ đầy trên hoa cỏ hai bờ. Mặt nước xanh gợn sóng. Phía xa, những chiếc thuyền câu nhẹ lướt về phía cửa biển. Những đám mây trắng đang bay về cõi xa xăm nào. Đứng lặng một lúc lâu rồi tôi kéo tay anh trở về. Anh Hữu lại làm cơm: một bát cơm trắng, rau dưa, một chút thịt, cá... Bữa cơm thường sâu nặng nghĩa tình dâng cho mẹ ở bên kia thế giới. Có thể, bây giờ linh hồn của mẹ đã đi xa lắm ở cõi quang linh sáng chói của vũ trụ, cũng có thể vẫn còn lưu luyến quanh đây. Thế gian và những tình thân yêu gần gũi nhất vẫn luôn ghì néo lòng người ta mỗi khi phải oặn lòng chia xa vĩnh viễn.

Không biết nói thêm với anh điều gì. Trong cái chuỗi ngày đã xế chiều của đời người, khi những cuộc vật lộn mưu sinh, khi những khát vọng thăng tiến cũng đã lùi lại phía sau, cái còn lại với một con người là những tình thân yêu sâu nặng, là những hoài niệm vô bờ, những nỗi nhớ xa xăm và nỗi buồn thăm thẳm. Dừng lại trên bến sông, tôi nắm lấy tay anh Hữu, nhìn sâu vào đôi mắt u huyền của anh.

"Tôi đi nhé. Tôi luôn nhớ đến mẹ, đến anh, đến Sen, đến miền quê thơ ấu này của tôi. Với tôi nơi đây cũng là sự khởi đầu, như lưu vực một dòng sông tỏa ra những nỗi nhớ thương da diết suốt cả một đời người…".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật