Không chồng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ ngày có thai, Diệu càng sợ con hẻm tối. Mỗi lần đi qua Diệu đều ôm lấy bụng. Vô tình chạm mặt người nào lạ trong hẻm cô cũng có cảm giác họ mang theo vật nhọn. Diệu cố đi thật nhanh nếu họ đi phía sau. Diệu đi ngược trở lại nếu họ đi đối diện. Diệu sợ cảm giác nép sát vào một bên tường nhà để tránh đường...
Không chồng
Minh họa: Phạm Minh Hải

Cả cái làng Quế này hình như không ai muốn Diệu lấy chồng. Mỗi năm Tết nhất, ngoài niềm vui sum vầy họ còn có thêm niềm vui là đếm tuổi Diệu xem bao nhiêu cái xuân xanh rồi mà chưa lấy được chồng. Mẹ Diệu nghe người ta mách thì cũng đi cắt tiền duyên cho con gái. Thầy bói phán Diệu không có duyên âm. Nhưng mẹ cố đấm ăn xôi, cắt cho bằng được. Mẹ cứ nói đi nói lại:

- Phải biết mình là ai, con gái có thì…

Mỗi lần mẹ nói đến "chỗ dựa, trụ cột…" là Diệu nhớ đến cái phản lưng to bè, đen bóng như gỗ lim của lão hàng thịt đè nghiến trên người mẹ. Lần nào lão đến, mẹ cũng dúi cho chị em Diệu mấy đồng lẻ, bảo dẫn nhau đi mua kẹo ăn. Hôm nào hết tiền, mẹ hái mấy quả chanh rồi đẩy đàn con ra cổng, bảo sang cô Tâm xin muối mà chấm. Trẻ con nhà đói, ăn gì chả ngon. Bố Diệu đã mượn cớ đi đâu trước đó, mãi muộn mới về. Lão hàng thịt đến nhà là leo ngay lên cầu thang, trèo lên mái bằng. Trên đó có cái tum nhỏ thường để chứa vài món đồ lặt vặt. Mẹ Diệu cun cút cắp cái chiếu theo sau…

*

Diệu thuê một căn hộ trong khu chung cư thấp tầng. Chung cư này có hai mặt tiền, mặt trước hướng về đường lớn người ta cho thuê mặt bằng kinh doanh, làm văn phòng, mặt sau nhìn về dòng kênh nhỏ. Mỗi khi về nhà, Diệu phải gửi xe ở mặt trước chung cư rồi đi bộ dọc theo ngõ nhỏ vòng ra mặt sau. Con ngõ rộng chưa được một mét, phía bên trên nhà nào nhà nấy đua nhau cơi nới bằng lồng sắt. Nhà này trồng mấy chậu cây xanh, nhà kia phơi quần áo, nuôi chim chóc, thú cưng. Thành ra cái ngõ nhỏ tối như bưng, hiếm hoi lắm mới lọt được vài sợi nắng mỏng. Vài dây vạn niên thanh bò xuống nhiều lần khiến Diệu giật mình, lúc nào Diệu cũng muốn vụt qua đó thật nhanh.

Từ ngày có thai, Diệu càng sợ con hẻm tối. Mỗi lần đi qua Diệu đều ôm lấy bụng. Vô tình chạm mặt người nào lạ trong hẻm cô cũng có cảm giác họ mang theo vật nhọn. Diệu cố đi thật nhanh nếu họ đi phía sau. Diệu đi ngược trở lại nếu họ đi đối diện. Diệu sợ cảm giác nép sát vào một bên tường nhà để tránh đường. Có lần Diệu bứt một dây vạn niên thanh, lôi nó ra ánh sáng, lá của nó trắng nhợt, trông yếu ớt và bủng beo.

Hoàng không biết Diệu mang thai, lúc que thử lên hai vạch Diệu xin nghỉ dạy kèm đứa con gái của anh. Anh không hỏi lý do, chỉ nói sẽ tìm gia sư mới. Con bé gọi cho Diệu khóc, hỏi Diệu giận gì nó. Diệu trả lời quanh co, cô biết con bé cô đơn, nó coi cô là bạn. Mỗi lần Diệu khóc, nó mang đủ thứ mỹ phẩm, nước hoa của mẹ nó ra tặng cô, thậm chí cả phong bao lì xì. Diệu không bao giờ nhận gì từ con bé, ngoại trừ mấy thỏi chocolate, mấy viên kẹo siêu chua. Con bé luôn ao ước có thêm em bé, nhưng chắc chắn nó không bao giờ mong người sinh em cho nó lại là Diệu.

Đáng lẽ Diệu sẽ đến bệnh viện phụ sản, đóng tiền khám kế hoạch hóa gia đình, khai đại tên một ông chồng và số điện thoại nào đó, ngậm mấy viên thuốc cho nó tuột ra, rồi tự xoa dịu cảm giác tội lỗi của mình rằng nó chưa có hình hài, chỉ như một kỳ kinh. Cảm giác thuốc thấm vào dưới lưỡi, rồi những cơn đau bụng kéo đến, tay chân bắt đầu tê dại đi, tê hết cả vùng cơ mặt, cấu thật lực cũng không biết đau… ám ảnh Diệu.

Diệu sợ cảm giác ấy, nhưng điều đó không phải là nguyên do Diệu muốn giữ lại cái thai lần này. Diệu muốn làm mẹ. Một nửa cái bánh mì cũng vẫn là bánh mì. Diệu sẽ đặt anh vào việc đã rồi. Diệu sẽ không ngoan theo cách mà anh ngầm áp đặt nữa. Số tiền mà anh thường chuyển vào tài khoản Diệu đủ để mua một căn chung cư tầm trung. Diệu sẽ tự xoay xở được nếu anh phủi bỏ trách nhiệm.

Tất nhiên, Diệu không bao giờ có ý định vác cái bụng lùm lùm đến trước mặt vợ Hoàng. Cô không muốn xáo trộn gia đình anh. Cô chấp nhận làm "sân sau", làm ngư‌ời tìn‌h lặng lẽ. Mảnh chăn hạnh phúc vốn đã mỏng, co kéo làm gì với người ta.

Đây không phải là chuyện cân thịt ế treo trước cổng nhà của lão hàng thịt, không phải chuyện mẹ xách giỏ đi chợ mà trong túi không có đồng bạc nào vẫn mang về nhà tim gan, dồi lợn, thịt mông sấn. Diệu không hối hận vì say mê Hoàng, người như Hoàng xứng đáng để cô say mê. Cô chưa bao giờ hối hận vì điều đó. Hoàng đến, ngất ngây trong da thịt cô rồi lại trở về làm bổn phận của người chồng, người cha tử tế.

Hoàng không nói yêu cô, anh chỉ nói thích cô, thích da thịt thơm tho, mềm như bông như lụa, thích sự phóng khoáng của cô, thích cả sự vụng về của cô. Nhưng Hoàng đối với cô không chỉ là sự ham muốn khám phá của bản thân anh. Anh đối với cô trân trọng và dịu dàng, cách anh chuyển tiền vào tài khoản của cô không phải cái cách người ta bóc bánh trả tiền. Đôi khi anh nói về một nhân vật nào đó trên công ty mà cô không biết, cô cũng không cần biết họ, chỉ cần cô lắng nghe. Cô lắng nghe không bao giờ phàn nàn, không bao giờ bình luận, cô không tưới thêm dầu vào lửa, cũng không khuyên nhủ xoa dịu.

Mỗi lần Hoàng về, Diệu thường đứng ngắm nghía xem anh đã ổn chưa. Không bao giờ cô để lại vệt son trên áo anh. Cô không thích nước hoa, nên yên trí rằng không bao giờ vợ anh nhận thấy một mùi hương lạ. Hoàng hài lòng vì những điều đó.

Diệu không bao giờ so sánh mình với vợ của Hoàng, không bao giờ quan tâm đến những điều anh dành cho gia đình anh. Diệu đủ khôn ngoan để biết rằng điều đó làm đau chính mình. Diệu biết dù thế nào anh cũng vẫn trở về với gia đình. Đôi khi, một chút gì đó mạo hiểm, chút bí mật lại làm cuộc sống phong phú hơn, thú vị hơn, thấy cuộc đời không chỉ là những ngày bình yên đến mức nhạt nhẽo. ngư‌ời tìn‌h cũng vậy, chỉ là một sự khua khoắng cho sóng nước gợn lên giữa phẳng lặng đến chán chường.

Anh gọi cho Diệu, nói sẽ book vé và đặt khách sạn cho Diệu đi đâu đó vài ngày đổi gió. Diệu nói đã chán những chuyến đi một mình.

Chán việc khoe ảnh những khu nghỉ dưỡng xa xỉ cho bạn bè bỉm sữa mắt tròn mắt dẹt. Sự ganh tị và tò mò của họ về "đại gia chống lưng" dần dà làm cô thấy chán ngấy.

Diệu soạn đồ đạc về quê ít ngày. Làng Diệu nằm bình yên bên con sông Vận, quay mặt ra sông, sông ôm lấy cánh đồng lúa đang kỳ ngậm sữa. Làng tựa lưng vào núi Yên Phụ, núi vắt mạch nước ngầm cho con gái làng Quế tắm, da dẻ con gái trong làng trắng nõn như hoa cau, giọng nói trong như ngọc thảy mâm vàng.

Diệu đẹp.

Một người con gái đẹp chưa chồng đi qua cái tuổi bạn bè đồng lứa đang khoe con tíu tít thường bị gán cho lắm điều tiếng. Diệu giận người làng mình, nhưng cũng yêu làng mình tha thiết, yêu vụ chiêm, vụ mùa, yêu cả vụ đông.

Mỗi khi giảng bài cho con gái của Hoàng, Diệu say sưa kể về đường rơm đi học, rơm nếp treo tăm tắp trên tường gạch, hành tỏi bắt bồ hóng treo đầy gác bếp, những bãi dâu xanh biêng biếc ven sông. Con bé thích lắm, cứ nằn nì một ngày nào đó sẽ về thăm làng Diệu. Giá mà Diệu có thể dẫn con bé về làng, Diệu muốn chia sẻ với con bé một quãng ấu thơ rơm rạ. Đôi khi Diệu thấy mình có lỗi với con bé. Diệu lẩn trốn cảm giác ấy, nhưng Diệu chưa bao giờ nghĩ giá mà cô không yêu Hoàng. Cô cũng chỉ là đàn bà, cũng bị lôi cuốn bởi vẻ hào nhoáng của người đàn ông thành đạt, muốn trở thành một phần của sự hào nhoáng đó. Diệu thấy Hoàng cô đơn trong đại lộ của riêng anh. Cô cho phép mình đồng hành cùng anh bằng bản năng ấm áp của đàn bà.

Mẹ nhận thấy Diệu béo lên, mẹ còn vui mừng nói:

- Đàn bà phải có da có thịt nhìn mới tốt tươi màu mỡ, bà mẹ chồng nào cũng muốn cưới một đứa con dâu mông nở, hông to. Con đừng đi tập gym nữa.

Diệu muốn hỏi mẹ rằng cuộc đời đàn bà, niềm vui của đàn bà chỉ được đong đếm bằng sự hài lòng của người khác hay sao? Người khác đó là mẹ chồng, họ hàng tông ty nhà chồng, những người không máu mủ, không công ơn dưỡng dục. Nhưng nếu Diệu hỏi như vậy thì tàn nhẫn với mẹ quá, mẹ có nỗi đau của mẹ, nỗi đau từ người dưng. Đó là barie của mẹ. Nhiều lần suýt chạm phải barie của mẹ, Diệu vội vàng ngậm chặt miệng cho những câu hỏi đó tan ra. Những điều Diệu muốn hỏi mẹ có vị đắng, the như bạc hà khiến Diệu cay mắt.

Diệu thương mẹ chứ, thương những đêm mẹ ngồi suốt đêm cho Diệu chống cằm mà thở khi Diệu lên cơn hen suyễn. Ngày đó không có Salbutamol, không có máy thở khí rung như bây giờ. Diệu nhớ những viên thuốc E mẹ mua cho Diệu, những viên thuốc ấy quy ra được bao nhiêu cá, bao nhiêu thịt. Mà Diệu thì ba ngày béo, bảy ngày gầy. Diệu nhớ những hôm theo mẹ ra đồng, mẹ cắm cái đòn gánh xuống bờ ruộng, phủ lên đó cái bao xác rắn. Diệu ngồi dưới bóng mát của cái bao xác rắn ấy nghêu ngao hát xem mẹ làm cỏ lúa, quạc sâu cuốn lá.

Bây giờ thì Diệu thèm được khoe với mẹ rằng Diệu có thai, rằng mẹ Diệu sắp lên chức bà ngoại. Giá mà có thể khoe với mẹ niềm vui này. Giá mà Diệu đã lấy chồng, mẹ sẽ tất bật ra ao thả lưới kéo con cá chép nấu cháo cho Diệu tẩm bổ, mẹ sẽ không cho Diệu đụng tay chân vào việc gì, sẽ dặn Diệu đi lại cẩn thận y như ngày xưa chị gái Diệu mang thai. Diệu biết không thể giấu mẹ mãi, cái thai sẽ lớn dần…

Mẹ để phần Diệu cái rượu nếp cẩm, Diệu không ăn. Diệu thèm lắm nhưng Diệu biết nó sẽ làm hại con của Diệu. Mẹ giận lẫy, mẹ đã mất bao nhiêu công nấu nếp, trộn men rồi ủ nữa, lần nào Diệu chả ăn cả bát. Diệu đành để mẹ giận.

Diệu theo mẹ ra đồng, lúa đang ngậm sữa. Diệu men theo bờ ruộng cắt cỏ bờ, những công việc này Diệu thành thục lắm, đồng lúa mùa này dễ chịu quá, đầu óc Diệu thảnh thơi, mẹ vừa làm vừa kể mấy chuyện tầm phào. Lúc ra về thì Diệu gặp lại lão hàng thịt năm xưa, mắt lão hau háu nhìn mẹ. Lão cũng nhìn Diệu bằng ánh mắt ấy, lão khen Diệu càng lớn càng xinh, rằng Diệu ngoài ba mươi mà nõn nường quá. Ánh mắt của lão nhắc cho Diệu nhớ từng tế bào trong c‌ơ th‌ể Diệu có một chút đóng góp của lão, trong da thịt nõn nường của Diệu có những cân thịt ế ẩm lão xâu vào dây lạt treo ở cái cổng tre nhà Diệu ngày xưa.

Diệu buồn nôn quá, Diệu lên cơn nôn khan, Diệu ngồi thụp xuống bờ mương mà nôn ra mật xanh mật vàng. Mẹ hối Diệu về nhà, mẹ bắt Diệu nằm sấp rồi cạo gió cho Diệu. Mẹ nấu cho Diệu nồi lá xông. Mẹ phủ lên người Diệu hai ba lớp chăn dày, Diệu không mở nắp vung nồi lá xông, Diệu cứ ngồi trong chăn mà khóc.

Hết mấy ngày phép năm, Diệu về thành phố, trở lại trường. Đồng nghiệp đều nhận ra Diệu béo lên, rồi họ sẽ biết Diệu có thai. Diệu có thai mà chưa chồng. Diệu không quan tâm đến họ, trường Diệu dạy là trường tư thục, Diệu không lo phải đối mặt với công đoàn.

Những lời rao giảng đạo đức không có giá trị gì với Diệu. Những giờ trống tiết, họ vẫn lê la ngồi kể xấu các đức lang quân miệng sặc mùi thu‌ốc l‌á, những ăn ở bẩn tưởi ích kỷ của chồng mình. Tranh thủ tiết trống, tranh thủ buổi trưa họ còn lủi đi hẹn hò ở quán bờ sông, dấp dúi trong những nhà nghỉ theo giờ.

Những người đàn ông mà họ dấp dúi thơm tho ấy khi ở nhà chắc gì đã khá hơn những đức lang quân mà họ mang ra bóc mẽ hằng ngày. Diệu không hiểu được tại sao họ vừa nói muốn ly hôn xong lại quay sang khuyên Diệu lấy chồng, mối mai cho Diệu ngay được.

Một dạo Bộ luật Hình Sự ban hành quy định về việc truy cứu trách nhiệm Hình Sự đối với những người "vi phạm chế độ một vợ một chồng", được đem ra bàn luận sôi nổi. Đàn ông thì kịch liệt phản đối vì cho rằng nó vi phạm nhân quyền, đàn bà thì ra sức ủng hộ.

Những người ra sức ủng hộ quy định đó chứng minh điều gì? Họ nghĩ chỉ cần tỏ ra như vậy là họ chính chuyên, họ chung thủy thật sự chăng? Dần dà Diệu đứng ngoài những câu chuyện của họ, đầu Diệu phản xạ có điều kiện tự đóng băng lại không để câu chuyện nào lọt vào tai.

Đáng lẽ Diệu đã yên bề gia thất cách đây ba năm, lúc đó người yêu Diệu về thăm nhà Diệu mấy lần rồi, đã tính chuyện bền lâu.

Nhưng rồi Diệu bị tai nạn, Diệu bị gãy xương đùi, một thời gian dài Diệu lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Diệu sợ bệnh viện đến mức chỉ nghe ai nhắc đến bệnh viện thôi là Diệu rùng mình. Tất cả các giác quan đều như sống trong bệnh viện thật.

Anh ta rời bỏ Diệu vào những ngày đó. Diệu đi tấp tểnh hơn một năm trời. Diệu đã từng nghĩ cô sẽ trở thành một đứa "chấm phẩy" suốt đời. Đó là lần duy nhất bố Diệu an ủi cô. Bố Diệu không nhìn vào mắt Diệu, bố nhìn xuống cái chân đau và nói thật nhỏ:

- Thôi con ạ, có như vậy mình mới biết họ chẳng thương yêu gì mình. Không tiếc làm gì con ạ.

Lúc đó Diệu lặng im, Diệu chất vấn bố trong ý nghĩ của Diệu, vậy còn bố, bố có thương mẹ con không? Làm sao bố mẹ có thể sống với nhau đến bây giờ, bố mẹ đối diện với nhau thế nào mỗi đêm chung chăn gối? Trong mấy đứa con, chỉ có một mình Diệu biết bí mật này, hay là chị của Diệu cũng biết nhưng chọn cách lặng im giống Diệu? Bố vẫn nghĩ Diệu không biết gì ư?

Diệu đi dạy về, hôm ấy trời mưa, Diệu đi qua con hẻm tối om sộc lên mùi ẩm mốc. Từ dưới sân, Diệu thấy vợ Hoàng đứng trước cửa phòng mình. Trống ngực đánh thình thịch, Diệu vội quay lại, chạy thật nhanh qua con hẻm tối. Diệu quẹo vào một cửa hàng đồ chơi. Diệu thấy bụng dưới mình nhói lên hơi tức. Diệu thở dốc, cô nghĩ đến những vụ đánh ghen cắt tóc lột đồ, những con giáp thứ mười ba bị kéo lê xềnh xệch mà không ai can ngăn, những clip tung lên mạng nhận hàng triệu like và hàng nghìn người chửi rủa, không một ai xót thương.

Chờ đến tối khuya thì Diệu bắt taxi vào bệnh viện, Diệu đến thẳng phòng cấp cứu. Vị bác sĩ điều trị hỏi người thân của Diệu đâu. Ai là người thân để Diệu dựa vào lúc này? Diệu nói những triệu chứng của mình, bác sĩ khám và siêu âm cho Diệu. Mọi thứ vẫn ổn, chỉ có huyết áp hơi cao. Bác sĩ hỏi Diệu có lo lắng hồi hộp gì không, hay là vừa đi bộ quá sức? Diệu gật đầu. Điện thoại báo tin nhắn của Hoàng, Hoàng nhắn:

- Vợ anh và con bé đến tìm em. Con bé nhất định không chịu học cô giáo khác. Em xem có thu xếp được không?

Có thu xếp được không ư? Diệu nhìn thấy vợ Hoàng từ xa đã phải bỏ chạy đến mức này. Diệu đâu còn lựa chọn để bước vào tổ ấm của Hoàng lần nữa.

Sáng hôm sau Diệu về nhà, Diệu thấy mẹ ngồi ngủ trước cửa, đầu nghẹo sang một bên, cái nón trắng sụp xuống che nửa gương mặt.

Mẹ đùm túm bao nhiêu đồ ăn, cái làn đầy ắp rau quả, cả cái bao xác rắn đựng những gì bên trong không rõ. Diệu lặng người nhìn mẹ, cô cảm động muốn sụp xuống. Diệu lay lay vai mẹ, nhắc mẹ vào nhà.

Mẹ Diệu đóng cửa lại, mẹ ngồi phệt xuống rồi nói ngay không để Diệu kịp hỏi han.

- Mẹ biết hết cả rồi, dưa thâm thì khú, v‌ú thâm thì chửa. Mẹ đã sinh bốn mặt con, cái hôm mẹ cạo gió cho con thì mẹ đã biết rồi.

Mẹ vừa nói vừa khóc, Diệu cũng khóc. Đã lâu lắm cô mới khóc trước mặt mẹ, có đứa con gái nào mà chưa từng khóc trước mặt mẹ mình đâu. Diệu không biết nói gì với mẹ cả, không biết giải thích thế nào. Rồi mẹ là người đứng dậy trước, mẹ bày lên bếp nào cá chép kho nỏ nồi, nào ruốc thịt, nào cà chua, rau cải nhà trồng.

Đêm nằm bên mẹ, Diệu không sao ngủ được, lưng mẹ còng quá, tóc mẹ đã bạc nhiều đến thế ư? Diệu thường không nhìn vào mắt mẹ nên Diệu không nhận ra mẹ đã già đến vậy. Dáng mẹ nằm ngủ cũng vất vả, người cong như miếng cau khô, hai bàn chân áp chặt vào nhau. Chân mẹ lạnh. Diệu kéo chăn đắp cho mẹ. Con của Diệu biết khua khoắng rồi đấy. Cử động của con chỉ nhẹ như bong bóng vỡ thôi, nhưng Diệu cảm nhận được. Diệu khum khum tay ôm lấy bụng, dịu dàng ve vuốt, nhẹ nhàng như nâng một mầm xanh.

Rồi đây con sẽ ra đời, mẹ biết con sẽ buồn và có lúc con hỏi "Cha con là ai?". Nhưng rồi lớn lên con sẽ hiểu, sống trên đời ai cũng muốn có cặp có đôi, nhưng nếu cặp nhầm đôi của người khác thì thà rằng mẹ chỉ có riêng con, và con chỉ có mỗi mình mẹ tự tạo tự sinh. Vậy con nhé, mẹ đã lỡ vay một phần hạnh phúc của người đàn bà khác và mẹ sẽ giữ cho họ, cho con và cho cả chính mẹ nữa.

Phải vậy không con yêu của mẹ?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật