Cặp đôi thi sỹ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chưa bao giờ tôi cảm thấy thời gian trôi đi chậm chạp đến thế. Ngồi chờ ngoài tiền sảnh phòng khám của bệnh viện, tôi vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Đã gần tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy em ra. Không biết đau dạ dày, đau ruột thừa hay... mà hai ngày nay, Cẩm Tú thỉnh thoảng lại âm ỉ đau bụng?Mệt quá, tôi ngả người vào thành ghế thiếp đi...
Cặp đôi thi sỹ
Minh họa: Đỗ Dũng

“Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi”… Lời bài hát ngọt ngào tha thiết vừa cất lên, nhận ra em trên màn hình điện thoại, tôi vội nhấn nút:

- Em yêu à.

- Vâng em đây. Anh Thiện ơi, em báo cho anh một tin vui, em có tiền để in sách rồi, anh không phải lo cho em nữa.

- Chúc mừng em. Thế nguồn tài chính ở đâu vậy?

- Dạ. Có hai người thuộc công ty Thiên Đức đến nhà em chơi. Họ bảo, biết em có hoàn cảnh khó khăn, công ty tặng em một gói quà và chiếc phong bì kèm theo anh ạ. Họ vừa về xong là em điện cho anh ngay. Trước khi về họ còn nói với em cho họ gửi lời thăm anh đấy…

- Sao họ biết mối quan hệ của chúng mình?...

- Em cũng không biết nữa.

Một thoáng suy nghĩ: Bao năm rồi, công ty Thiên Đức có tài trợ cho Cẩm Tú lần nào đâu? Giờ họ lại từ thiện cho em đúng vào dịp mình vừa kiểm tra việc xả thải ra môi trường của công ty với tư cách là Trưởng đoàn? Linh cảm nghề nghiệp mách bảo tôi có điều gì đó uẩn khúc. Tôi tắt máy rồi lấy xe phóng ngay đến nhà Cẩm Tú…

Hôm nhận quà và tiền của công ty Thiên Đức, Cẩm Tú mừng rơi nước mắt. Nhưng khi đưa lại tôi số tiền đó thì trong sâu thẳm đôi mắt em ẩn chứa một nỗi buồn tiếc nuối. Để giải tỏa tâm lý cho em, sau khi làm việc với Giám đốc công ty, tôi phải đến nhà Cẩm Tú để giải thích cho em hiểu…

Sáng hôm ấy, dẫn tôi vào làm việc với Giám đốc công ty là cô thư ký có khuôn mặt kiều diễm, đôi mắt xanh sâu thăm thẳm ẩn trong hàng my cong, thoạt nhìn đã khiến người đối diện phải xiêu lòng. Nàng sở hữu một thâ‌n hìn‌h bốc lửa với làn da trắng như củ măng mai bóc vỏ. Sau tiếng gõ cửa, cô thư ký bước vào phòng Giám đốc, cất giọng nhẹ như gió thoảng chiều thu:

- Báo cáo sếp, có anh Thiện - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường đến gặp Giám đốc.

- Thế hả. Mời họ vào…

Sau cái bắt tay xã giao, tôi chủ động nói với người đối diện:

-Thưa Giám đốc Lê Bình, theo lịch trình, hôm nay tôi đến nắm tình hình sơ bộ về phương án xử lý nước thải của công ty và thông báo lịch làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành để Giám đốc biết.

- Dạ báo cáo anh, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của anh hôm trước, em đã cho dừng ngay khu điều chế hó‌a chấ‌t số ba. Hiện em đang chuẩn bị ký hợp đồng với công ty Bình Giang để họ thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế anh ạ.

- Vậy thì tốt, còn tình hình khắc phục hậu quả đến đâu rồi?

- Hiện công ty đang khảo sát, thống kê mức độ thiệt hại của bà con dọc hai bên sông, nhất là những hộ nuôi cá lồng, sau đó mới tính toán mức bồi thường cụ thể cho từng gia đình anh ạ.

- Đề nghị Giám đốc chỉ đạo làm sớm việc này, đừng để dân họ kiện cáo vượt cấp thì mệt lắm đấy.

- Cảm ơn anh đã rất sâu sát và quan tâm đến công ty…

Trong không khí làm việc cởi mở, chân tình, bỗng Giám đốc Lê Bình chột dạ khi tôi lấy chiếc phong bì màu hồng, bên ngoài ghi tên công ty Thiên Đức đặt lên bàn. Tôi nhẹ nhàng hỏi:

- Còn việc này, xin Giám đốc Lê Bình cho biết, vừa qua anh cử người đem quà và chiếc phong bì này cho Cẩm Tú với mục đích gì?

Dù hơn tôi đến gần chục tuổi nhưng Lê Bình vẫn gọi anh và xưng em với tôi ngọt xớt :

- Dạ báo cáo anh, hàng năm công ty vẫn trích một phần quỹ phúc lợi để làm công tác từ thiện, là món quà nghĩa tình thôi ạ.

- Từ thiện là nghĩa cử cao đẹp mang tính nhân văn, rất đáng hoan nghênh và nhân rộng, nhưng mục đích việc làm của anh vừa rồi không phải vậy. Cẩm Tú chỉ là chiếc bình phong để che đậy hành vi gián tiếp đưa hối lộ của anh. Hiện nay công ty đang trong hoàn cảnh khó khăn, tôi gửi lại anh số tiền này để công ty có thêm nguồn kinh phí khắc phục hậu quả trong việc xả thải ra môi trường chưa qua xử lý từ nhiều năm qua.

Thầm thán phục người cảnh sát trẻ mà tinh thông nghiệp vụ như đi guốc trong bụng mình, Lê Bình thành thật xác nhận…

Trưa hôm ấy, sau khi ký biên bản vi phạm xong, Lê Bình lục tìm trong trí nhớ, phát hiện người bạn quen bên Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy cũng là bạn thân của tôi. Thông qua mối quan hệ này, Bình biết tôi thuộc “tuýp” người thanh liêm, không vị nể tư tình và đang có người yêu là Cẩm Tú. Bình chỉ đạo Phó Giám đốc phụ trách Tổ chức - Kinh doanh cùng Trưởng phòng Tài chính - Kế toán mang gói quà kèm theo chiếc phong bì, bên trong có ba mươi tờ đô Mỹ , mỗi tờ mệnh giá một trăm đô tặng Cẩm Tú với danh nghĩa từ thiện và không quên “đánh tiếng” cho tôi biết để hy vọng được sự “giúp đỡ”. Sau khi giãi bày hành vi hối lộ tinh vi của mình, Giám đốc Lê Bình thành thật xin lỗi và miễn cưỡng nhận chiếc phong bì mà tôi đưa lại…

Nghe xong câu chuyện, Cẩm Tú ngước nhìn tôi cảm phục:

- Anh yêu thông minh quá. Thế mà em cứ tưởng… Nếu vì em mà anh bỏ qua việc này thì những ông chủ doanh nghiệp như Giám đốc Lê Bình vẫn còn lợi dụng để vi phạm Pháp Luật về môi trường, gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng sức khỏe cho biết bao con người, còn em thì mang nợ với anh suốt đời.

Tôi cười dí dỏm:

- Chỉ có anh nợ em thôi, còn em chẳng nợ anh cái gì ngoài nợ “duyên” cả. Riêng việc vạch mặt chỉ tên những cán bộ chuyên dùng tiền bạc để hối lộ nhằm che đậy những hành vi vi phạm Pháp Luật về môi trường là “nghề” của bọn anh rồi.

Em liếc nhìn tôi tinh nghịch:

- Thế anh bảo anh nợ em cái gì?

- Em quên à ? Anh nợ… tiền in sách của em đấy thôi.

Nàng véo yêu vào sườn tôi:

- Anh chỉ xạo…

Không để em mong mỏi và chờ đợi lâu, tôi tập hợp các bản thảo của em để làm thủ tục cấp phép và in sách. Nàng ngơ ngác hỏi: “Thế anh lấy tiền đâu mà in sách?”.

- Việc ấy để anh lo - Tôi đáp.

Điều làm cho Cẩm Tú bất ngờ là chỉ một tuần sau, tuyển tập truyện ngắn mang tên “Mãi mãi xanh đời” được xuất bản trước sự khâm phục của dân làng và bè bạn gần xa. Biết tôi đi công tác nên em không gọi điện mà gửi tin nhắn: “Em đã nhận được sách rồi. Anh yêu tuyệt vời quá. Nếu không có anh giúp đỡ, chắc em không có niềm vui lớn đầu tiên trong đời như ngày hôm nay”…

Tôi vội nhắn lại cho em khỏi mong: “Chúc mừng em. Em yêu cũng không phải cảm ơn anh đâu. Người mà em cần cảm ơn là Hội Nhà văn Thành phố đã tài trợ toàn bộ tiền in sách cho em đấy”…

Hôm ra mắt tập sách, Cẩm Tú nghẹn ngào, xúc động không cầm được nước mắt trước sự tin yêu, quý trọng của những người tham dự.

*

Chưa bao giờ tôi cảm thấy thời gian trôi đi chậm chạp đến thế. Ngồi chờ ngoài tiền sảnh phòng khám của bệnh viện, tôi vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Đã gần tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy em ra. Không biết đau dạ dày, đau ruột thừa hay... mà hai ngày nay, Cẩm Tú thỉnh thoảng lại âm ỉ đau bụng?Mệt quá, tôi ngả người vào thành ghế thiếp đi, rồi những kỷ niệm vui buồn những ngày này ba năm trước cứ lần lượt hiện về trong tâm trí tôi…

Gần mười năm, thời gian yêu nhau đã đủ dài để hiểu về nhau, tôi quyết định tiến tới hôn nhân. Nhưng trở ngại lớn nhất là thuyết phục được bố mẹ tôi ủng hộ. Khi tôi vừa ấp úng “đặt vấn đề”, bố tôi sốt sắng:

- Thế con định cưới đứa nào?

- Dạ, cô Cẩm Tú bên làng Phú Bình bố ạ.

Bố tôi trợn tròn mắt:

- Con điên à. Trước đây bố cứ tưởng con với nó chỉ là bạn bè thơ phú với nhau, giờ mày định lấy nó về để mà hầu, mà nuôi báo cô suốt đời sao?

Tôi giãi bày:

- Con có nhiều bạn gái nhưng chưa thấy ai có nghị lực phi thường và nhân cách như Cẩm Tú. Cô ấy có năng khiếu về văn thơ, có thể sống được bằng nghề viết. Bố mẹ yên tâm, sẽ có được người con dâu hiền lành và hiếu thảo…

Bố tôi nóng mặt, những tia máu đỏ ngầu hằn trong đôi mắt, cắt ngang lời tôi, quát:

- Mày đừng bịp tao. Đến mấy ông nhà văn chuyên nghiệp, danh tiếng lẫy lừng còn nghèo kiết xác, chứ ngữ nó mới có mấy bài được đăng báo, in được một, hai tập sách đã vội ti toe. Thôi, mày lấy ai thì lấy, riêng con Cẩm Tú thì tao cấm. Nếu không nghe tao thì cút khỏi nhà này.

Tôi sợ xanh mặt, đành lủi sang nhà hàng xóm…

Chiều muộn, những ánh hoàng hôn cuối cùng đã liếm nhọ mặt người vẫn chưa thấy tôi về, mẹ tôi bồn chồn lo lắng sợ con phẫn uất mà làm điều dại dột trước sự nóng giận của chồng nên giục bố tôi đi tìm. Đúng lúc ấy, tôi cùng ông Ngạn xuất hiện trước sân. Sự căng thẳng lo âu biến mất, bố mẹ tôi niềm nở mời khách vào nhà rồi giục tôi pha nước. Là bạn chiến đấu cùng đơn vị và cũng là ân nhân của bố tôi thời chiến tranh chống Mỹ năm xưa, nên tiếng nói của ông Ngạn có uy và trọng lượng lắm. Ngày ấy, trong một trận bom dữ dội do Mỹ thả xuống khu căn cứ địa của ta ở Tây Nguyên, bố tôi bị hất tung xuống một hố bom bên cạnh, đất đá vùi lấp hết người, chỉ còn hở mỗi chỏm tóc. Tình cờ ông Ngạn lúc đó là Tiểu đoàn trưởng đi ngang qua phát hiện. Ông vội lôi bố tôi lên làm mấy động tác sơ cứu rồi cõng về trạm y tế của đơn vị cách đó hơn một cây số. Vị bác sỹ quân y bảo chỉ chậm dăm phút nữa thì không cứu nổi…

Là cựu Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, giọng ông Ngạn ấm áp và rất truyền cảm. Qua câu chuyện giữa chủ và khách, tôi biết ông Ngạn đã cứu cho tôi một bàn thua trông thấy. Ngồi buồng bên trong mà tôi thấy như mở cờ trong bụng khi biết bố mẹ tôi đã chuyển hướng, quay ngược một trăm tám mươi độ, đồng ý cho tôi được kết hôn với Cẩm Tú…

Một rào cản nữa không kém phần quan trọng là ông chú. Ông ấy bảo tôi nào là lấy nó ngang bằng bôi tro chát trấu vào dòng họ, nào là lấy loại người bán thân bất toại thì đẻ làm sao được, sau này lấy ai nối dõi tông đường. Ông còn lấy hình ảnh cô Thiết ở xóm giữa để so sánh và giễu cợt tôi, rằng: “Em xinh như thể hoa hòe/ Đẹp thì có đẹp nhưng què một chân. Chỉ què một chân thôi mà đầu bốn đít chơi vơi rồi cũng chẳng ma nào nó vờn, đằng này con Cẩm Tú nó liệt nửa người mà mày còn đâm đầu vào lấy nó, đồ thần kinh”…

Những lời nói của ông làm tôi cay cú và thương cảm cho Cẩm Tú vì bị xúc phạm. Tình yêu và lòng tự trọng càng thôi thúc tôi đến với em, bất chấp sự phản đối của ông chú.

Ngay tối hôm đó, tôi quyết định gặp Cẩm Tú để ngỏ lời cầu hôn. Sau màn “mở bài” khá trôi chảy, tôi phấp phỏng chờ đợi câu trả lời chân thành từ trái tim em. Gần một phút im lặng suy tư, em ngước nhìn tôi, mắt ngấn nước rồi hơi cúi xuống, nhẹ nhàng đáp:

- Cảm ơn anh nhiều lắm. Hơn chín năm qua anh đã dành tình yêu cho em. Anh đã cho em tất cả. Và cũng trong khoảng thời gian ấy, trong trái tim em chưa có một phút nào ngừng yêu anh. Nhưng em không phải là con người ích kỷ chỉ bo bo nghĩ cho riêng mình mà làm tổn thương đến người khác. Thực lòng, em không muốn vì em mà anh phải chịu thiệt thòi, hy sinh nhiều quá, không muốn bố mẹ anh phải đau khổ. Hơn nữa, anh là con một, em không muốn để gia đình và dòng họ phải thất vọng vì em khó có khả năng sinh cho anh một đứa con để nối dõi tông đường, nên em quyết định hai đứa mình sẽ dừng lại ở đây. Mong anh hiểu và thông cảm cho em.

- Em không đùa đấy chứ ? - Tôi sững sờ hỏi lại.

- Vâng, em nói thật đấy. Phải nói ra điều này em cũng day dứt và khổ tâm lắm, nhưng không thể làm khác được anh à.

Bất ngờ và buồn bã. Tình cảm sâu nặng và chân thành của tôi bị xúc phạm. Tôi giận em thực sự. Trước khi bỏ ra về, tôi vớt vát một câu: “Em hãy suy nghĩ lại và trả lời anh”…

Đêm ấy tôi không thể nào chợp mắt nổi. Những câu hỏi đặt ra làm đầu óc tôi rối bời. Bao nhiêu năm qua, tình cảm của Cẩm Tú dành cho tôi còn hơn cả tình yêu. Lẽ ra khi tôi nói lời cầu hôn, em phải mừng rỡ đón nhận như con chiên được Chúa ban phước lành. Chớ trêu thay, lời từ chối của em như vết dao cứa ngang trái tim tôi. Phải chăng nàng đã có mối tình khác? Không ! Từ khi yêu nhau, tôi luôn gần gũi bên em, chưa phát hiện “đối thủ” nào nghi vấn. Nhưng ở đời mấy ai hiểu được chữ “ngờ”…Trong lúc thiếp đi, hình ảnh người con gái dịu hiền, đáng thương làm cho tôi phải suy nghĩ lại. Nếu lời từ chối kia xuất phát từ sự hy sinh cao thượng của em thì tôi đã nghi oan cho nàng quá…

Nỗi đau không của riêng ai. Đêm ấy Cẩm Tú cũng đâu có ngủ được. Tình yêu đã chuẩn bị đến giai đoạn đơm hoa kết trái thì mình lại phủ nhận. Sự từ chối lạnh lùng trước lời cầu hôn của anh có phũ phàng quá không? Rồi những kỷ niệm ngọt ngào về tình yêu đôi lứa trong quá khứ cứ dồn dập hiện về trong tâm trí làm nàng dằn vặt, suy nghĩ thâu đêm. Vẫn biết rằng tình yêu mà anh dành cho mình vô tư, trong sáng như trăng rằm, thủy chung như nhất, không phân biệt hoàn cảnh, tuổi tác, giàu nghèo, không mảy may vụ lợi, tính toán, so đo… Anh còn nói rằng bố mẹ anh cũng đã ủng hộ cho cuộc hôn nhân này, sao mình lại trả lời anh tàn nhẫn vậy, để cho anh phải buồn bã, đau khổ? Mình cũng yêu anh đến cháy bỏng. Thiếu anh mình cảm thấy như thiếu khí thở trong lành. Từ chối lời cầu hôn của anh cũng có nghĩa là mình để tuột mất một vật báu mà Thượng đế đã ban tặng. Sao lại lẩm cẩm thế, hay mình có thái quá, tự ti đến cực đoan không? Nghĩ vậy, Cẩm Tú lấy điện thoại gõ những dòng tin nhắn trong tiếng nấc nghẹn ngào…

Tiếng chuông đồng hồ quả lắc binh boong điểm năm tiếng. Vừa lúc đó, màn hình điện thoại lóe sáng báo tin nhắn, tôi mở máy đọc như nuốt lấy từng lời cả đoạn tin dài đến gần nửa trang giấy. Đến dòng cuối cùng, tôi đọc đi đọc lại đến ba lần: “Việc hôn nhân của chúng mình em nhường anh quyết định”. Tôi mừng rơn. Như vậy là em đã đồng ý…

Đám cưới của chúng tôi được tổ chức sau đó một tuần với nghi thức đơn giản nhưng đông đủ bạn bè gần xa và bà con lối xóm tới dự.

Tiếng lành đồn xa, bà Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện nghe tin cũng đem hoa và quà tặng đến chúc mừng. Duy chỉ ông chú vắng mặt…

Chợt có tiếng vỗ vai làm tôi choàng tỉnh. Một người mặc áo blouse trắng đứng trước mặt tôi, cười dí dỏm: “Chúc mừng anh sắp được làm bố. Chị Cẩm Tú đã có thai được hơn hai tháng tuổi. Hiện đang truyền đạm để trợ sức”. Nửa tỉnh nửa mơ, tôi nhảy cẫng lên rồi dang hai tay ôm chầm lấy người đối diện, miệng lắp bắp: “Cảm ơn bác sỹ… cảm ơn bác sỹ”. Hơi ấm từ bầu ngực truyền sang nóng hổi làm tôi giật mình nhận ra người bác sỹ là một phụ nữ gần ngang tuổi mình. Tôi ngượng chín mặt, vội buông thõng hai tay đang xiết chặt, miệng ấp úng chào cô bác sỹ tốt bụng rồi chạy ra quán ngoài cổng bệnh viện uống cốc bia hơi…

Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngày sinh nhật Cẩm Tú lần thứ ba mươi mốt cũng là ngày vợ chồng tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Thành phố. Hôm kết thúc lễ kết nạp, những người mến mộ cùng bạn bè thân thích ùa ra tiễn chúng tôi, mang theo những bó hoa tươi thắm chất đầy cốp xe. Chiếc taxi ra khỏi trụ sở Hội vẫn thấy mấy chục cánh tay giơ cao vẫy vẫy. Nhìn khuôn mặt thánh thiện rạng ngời niềm vui của người vợ thân yêu, tôi lại liên tưởng đến những sóng gió, biến cố cuộc đời mà Cẩm Tú phải chịu đựng trong quá khứ…

Sinh ra và lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, đến năm mười bốn tuổi, đang học lớp tám, Cẩm Tú phổng phao chuẩn bị bước sang tuổi dậ‌y th‌ì, đột nhiên bị đột quỵ làm liệt nửa người, tay chân bên phải không cử động được. Mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào bố mẹ. Họa vô đơn chí, đang trong thời gian điều trị phục hồi chức năng trong bệnh viện thì một tai họa bất ngờ xảy ra, tưởng chừng Cẩm Tú không còn đủ sức để vượt qua: Bà mẹ bị ung thư v‌ú, phải xạ trị và sau đó cắt bỏ khối u. Bao đêm ròng Cẩm Tú khóc sướt mướt. Phần thương và lo cho sức khỏe của mẹ, phần lo cho cuộc đời mình rồi đây sẽ ra sao nếu không có mẹ bên cạnh. Rất may, sau một thời gian điều trị, sức khỏe của bà đã bình phục trở lại.

Đang là một đứa trẻ năng động, học lực giỏi phải nghỉ học giữa chừng, Cẩm Tú buồn lắm. Mỗi buổi sáng nghĩ đến các bạn tung tăng cắp sách đến trường là Cẩm Tú lại bật khóc. Nỗi khát khao được cầm bút trở lại và nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà văn khiến cô gái tật nguyền ấy không chịu đầu hàng số phận. Hàng ngày Cẩm Tú kiên trì luyện tập, nhiều lúc đau điếng đến chảy cả nước mắt, nhất là những khi phải uốn gập các đốt của năm ngón tay cứng đơ như đinh vít. Có công mài sắt có ngày nên kim, chỉ hơn hai năm sau, Cẩm Tú không những đã tự làm được các công việc sinh hoạt cá nhân, không phải nhờ đến người khác mà còn viết được thành thạo và tiếp tục đi học trên chiếc xe lăn. Cẩm Tú còn sáng tác được nhiều bài thơ, truyện ngắn, trong đó có một số bài được đăng trên các báo Trung ương và địa phương.

Cũng có ước mơ trở thành thi sỹ, tôi rất đam mê làm thơ, nhất là thơ tình. Nhiều bài thơ đã được đăng trên các báo Văn nghệ và một số báo, tạp chí chuyên ngành. Có người bảo làm thơ để nuôi tâm hồn, còn làm nghề để nuôi... dạ dày. Đối với tôi quả đúng vậy: Thơ luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Hầu như những bài thơ đăng trên các báo Văn nghệ, kể cả báo mạng tôi đều đọc hết. Nhưng chỉ những bài thơ của Cẩm Tú là lắng đọng trong tôi nhiều nhất. Nhiều bài thơ tôi đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, nhất là những bài thơ về tình yêu, nó ngọt ngào, da diết, làm xao xuyến lòng người, làm rung động trái tim tôi… Và chính từ những bài thơ ấy là “bà mối” dẫn đường cho hai tâm hồn thơ đến với nhau như sự sắp đặt của số phận…

Hình như cuộc đời càng nghiệt ngã thì ý chí của em càng vươn lên mạnh mẽ, như loài xương rồng vươn lên trên triền cát trắng. Vượt lên số phận với tình yêu cuộc sống cháy bỏng, người con gái miền quê thanh bình ấy đã thêu dệt nên những tác phẩm văn chương lấp lánh niềm tin yêu. Những tác phẩm văn, thơ của Cẩm Tú lần lượt ra đời và thường xuyên được đăng tải trên các báo như một món quà có ý nghĩa cho sự cố gắng vượt lên nỗi đau của số phận.

Nhiều độc giả trẻ biết đến Cẩm Tú qua những tuyển tập truyện ngắn, tuyển tập thơ với bút danh Châu Diệu Hồng. Một số tác phẩm của em đoạt được các giải thưởng ấn tượng trong các cuộc thi sáng tác văn chương. Đặc biệt, có lần Cẩm Tú vinh dự được dự cuộc gặp mặt của Chủ tịch nước với những tấm gương tiêu biểu của thanh niên vượt khó.

Đúng là ông Trời không lấy đi của ai tất cả. Tuy không được lành lặn như những cô gái bình thường khác nhưng Cẩm Tú được sở hữu một “tài sản” vô giá mà không phải ai cũng có được. Đó là tình yêu thương, sự quý trọng và khâm phục của mọi người dành cho em.

Nhớ lại lúc lên nhận quyết định kết nạp vào Hội, trước ống kính máy quay, chụp ảnh của phóng viên và bè bạn, giữa những lẵng hoa tươi khoe sắc thắm, Cẩm Tú nổi bật như một thiên thần với gương mặt dịu hiền như Đức mẹ đồng trinh. Đôi mắt lá dăm lóng lánh nước. Mái tóc đen nhánh búi cao để lộ cái cổ trắng ngần. Nụ cười tươi thường trực trên môi với hàm răng trắng đều tăm tắp. Bầu ngực căng tròn tự nhiên ẩn dưới làn áo màu thiên thanh càng tô thêm nét đẹp hoang sơ và quyến rũ. Dưới hội trường, mọi người trầm trồ khen ngợi và cảm phục người nữ nhà văn trẻ tài năng đầy triển vọng…

Chiếc taxi đưa vợ chồng tôi về đến sân đã thấy ông chú đợi sẵn. Thấy tôi mở cửa xe, ông vội chạy ra đỡ Cẩm Tú vào nhà. Chưa kịp pha nước, ông chú đã cầm bó hoa tươi rói đưa cho tôi, nét mặt rạng rỡ, giọng sang sảng: “Nhân dịp hai cháu được kết nạp vào Hội Nhà văn, chú có bó hoa chúc mừng cặp đôi thi sỹ”. Chưa kịp đáp lời thì vợ tôi đã xúc động nói: "Chúng con xin cảm ơn chú rất nhiều…"

Ngoài sân, hai con chim ri đang nhảy choăn choắt, nghiêng ngó tìm mồi. Tôi lấy nắm gạo tung ra sân, chúng giật mình bay lên cây Mai tứ quý ở góc sân. Mấy giây sau, chúng lại xà xuống mải miết mổ. Nhìn đôi chim no căng diều vẫn cặm cụi mổ tiếp những hạt gạo còn sót lại, lòng tôi trào dâng một niềm vui khôn tả.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật