Thần ăn trộm xóm Vôi

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thế đấy, chẳng ỷ vào tài cao, chẳng hề đắc ý vì thế thượng phong, lên giọng giáo huấn cha chú, chú Đăng vẫn khẽ khàng. Và nhiễm ta, chú thiếu niên được mệnh danh là “Thần ăn trộm xóm Vôi”, “Thần ăn trộm làng quê” giờ đây chỉ còn cách là gằm mặt xuống đất và nhú nha nhú nhí...
Thần ăn trộm xóm Vôi
Minh họa: Lê Tiến Vượng

- Chú Đăng ạ. Trong con mắt chú, giờ đây cháu chỉ là một tên tội phạm. Nhưng nếu chú cho phép cháu, thì cháu xin nói thế này...Cháu đọc sách còn nhiều hơn chú đấy, chú công an ạ!

- Chủ quan ghê nhỉ! Nhưng mà thôi được rồi, tạm thời cứ chấp nhận cái đã. Còn bây giờ, cần nói gì thì cháu cứ nói đi!

- Nói thật là, tất tất cả là do cháu học được ở trong sách đấy! Chú không tin à? Thế chú đã nghe thấy người ta nói, có người mù không đọc được chữ, nhưng đưa sách lên mũi ngửi thì biết đó là sách viết về cái gì chưa? Thế cho nên, thoạt đầu người ta đem đến cho ông một cuốn, ông cầm lên ngửi, rồi bỏ sách xuống, nói: “Ta nghe như có mùi son phấn”. Chà! Nghe vậy, mọi ngời đều trợn mắt kinh ngạc. Trúng phoóc nhé! Đó là cuốn “Tây sương ký”, một truyện tình của giới quý tộc Tầu. Chưa tin, người ta đem quyển thứ hai đến. Và lần này ngửi xong, ông liền phán: “Cuốn này sặc mùi binh đao”. Trời! Đó chính là cuốn “Tam quốc chí”, toàn chuyện các phe cánh bên Tầu đánh nhau chí tử!

- Cháu cứ nói tiếp đi!

- Thế còn cháu? Vâng, cháu có phần giống như ông già ngửi được sách đó. Nghĩa là cháu có tài ngửi được ...tiền, chú ạ.

- Nghe cũng ly kỳ đấy nhỉ!

- Thật là thế đó. Nên người ta mới có câu “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”. Vào nhà ai, chỉ cần khịt mũi một cái là cháu biết tiền bạc của họ cất giấu ở chỗ nào rồi, chú ạ. Còn làm sao mà có được cái tài ấy thì cũng là do cháu chịu khó lần mò, tìm kiếm ở trong sách thôi. Chú biết chuyện Khổng Minh thảnh thơi ngồi tựa bao lơn, đốt lò hương, gảy đàn mà lui được mười lăm vạn quân của Tư Mã Ý rồi chứ! Cái kế không thành ấy ứng dụng vào việc chôm chỉa cũng được, chú ạ. Đạo dụng binh quan trọng là lấy kế sách làm đầu chứ sao. Còn gì nữa? Cách sông ngắm lửa; Rung trà cá nhảy; Phạt cỏ đuổi rắn; Mồi thơm nhử cá... tất cả mưu mẹo ấy người ta đã viết thành bài gián tiếp dạy bọn lính mổ chúng cháu rồi, chú ạ.

- Được rồi. Nhưng nghe chú hỏi đây: Thế thì nhờ cái gì mà bao lần cháu không rơi vào bẫy của các chú, nhất là các chú công an xã?

- Dễ ợt, chú ơi! Chú đóng giả người đi mua lợn mà hai ống chân, hai bàn chân chú trắng hếu như chân con gái thì ai tin được. Giả làm dân cửu vạn mà ở trên ôtô buýt lại đứng dậy nhường ghế cho ông già thì lộ toẹt là đang diễn rồi. Ngôn ngữ tán gái của bọn bụi đời, các chú nói nghe ngọng lắm, chả giống tí nào!

- Được rồi! Giờ nói vào việc cụ thể đi.

- Cháu nói nốt ý này nữa. Sách của các chú viết đây: Kẻ trộm đi đêm một mình là gan. Nhưng sợ nhất là nó cầm côn. Kiếm có cái oai của kiếm. Nhưng côn là đòn dọc, thực dụng hơn. Như thế hẳn là chú biết, đi ăn trộm đêm cháu thường mang theo cái gì rồi chứ!

- Khá lắm!

Lần này thì chú công an đeo lon Trung úy tên Đăng chẳng những gật đầu mà lại còn tủm tỉm cười nữa. Và, gã thiếu niên có cái đầu to quá khổ so với thâ‌n hìn‌h gầy nhom, tóc chỗ nhuộm đỏ, chỗ nhuộm vàng, tai như hai cái lá mít, cặp mắt lớn, đẹp như mắt con gái, trông vừa dạn dĩ vừa ngây ngô, ngồi trước chú công an thì có vẻ khoái chí vì cái giọng rỉ rả, điềm nhiên như không của mình. Như chẳng cần biết mình đang là một tên đạo chích đã sa lưới Pháp Luật. Cứ như mình và chú công an là hai kẻ ngang bằng phải lứa đang đôi hồi trò chuyện vậy.

Đôi hồi như hai người bạn, sở dĩ vậy có lẽ cũng là do thái độ của chú Đăng. Một gương mặt đầy đặn, hồn hậu, sâu trầm ở tuổi ba mươi. Một thái độ ân cần, thậm chí thân mật bạn bè. Trong khi chú bé tên nhiễm chỉ là một nhóc đang ở tuổi v‌ị thà‌nh niê‌n. Nghĩa là chỉ độ mười ba, mười bốn tuổi. Nghĩa là mới tí tuổi đầu thôi; vậy mà ghê gớm chưa, đã gây ra bao nhiêu là náo động, rắc rối trong an ninh trật tự ở cái xóm Vôi hẻo lánh gần chân núi Ba Vì này rồi. Thói thường một mất mười ngờ. Nhà láng giềng này mất trộm, tất nhiên là phải nghi anh hàng xóm.

Đến lượt nhà anh hàng xóm mất của, thì hiển nhiên hướng nghi ngờ không thể không là anh láng giềng. Thôn xóm trong cảnh nhà này mất cái mâm đồng, mai mất nồi cá kho, mà thủ phạm vẫn chưa tóm được thì náo loạn dẫn đến hoang mang rồi đổ vấy cho nhau, gây xích mích, mất đoàn kết hẳn là chuyện thường tình; chưa kể thế là đồn thổi mãi lên, rằng thì là tên ăn trộm quái kiệt này đúng là đáng bậc thánh thần nên công an xã giăng lưới bao lần mà có bắt được đâu!

Đặt cốc trà Lipton xuống trước mặt chú bé choắt choeo, chú Đăng ngả người vào lưng ghế, chậm rãi và ôn tồn:

- nhiễm này, cháu thành thật thế là tốt. Nhưng, bây giờ vào chuyện đi. Cái lần lấy trộm nồi cá chép kho ở nhà bà cụ Yêng là thế nào nhỉ?

Hất đầu lưỡi lên liếm làn môi trên, chú bé tên nhiễm nhe bốn chiếc răng cửa trắng như răng sữa, cười:

- Nói thật với chú là cháu không thích cá kho đâu, dù đó là cá chép. Chú về huyện cháu công tác, đã có bao giờ chú được ăn món rau sắn om cá trê hay nấu với tép sông Lích chưa? Đã bao giờ chú được ăn đùi lợn xề thui chưa, đùi lợn xề đặc sản đấy? Ngon tuyệt, chú ạ!

- Cá chép bà cụ Yêng kho với riềng, dưới lại lót mấy khẩu mía lùi và ít lá chè tươi cũng ngon tuyệt chứ!

Cười hấc một tiếng, chú bé gật khục cái đầu loe hoe màu tóc nhuộm:

- Cháu công nhận là chú sành điệu đó. Đúng là nồi cá ấy thơm điếc mũi thật. Thế cho nên cháu phải có mưu kế chứ!

- Mưu kế gì mà tài thế.

- Trèo tường vào sân, lách qua cửa, vào nhà bà cụ rồi cháu mới giả tiếng mèo kêu meo meo, rồi lấy móng tay cào liên tục vào vách liếp. Chà! Hiệu nghiệm ngay. Nghĩa là, bà cụ lập tức thức giấc, ngồi dậy chửi con mèo, rồi cất tiếng hỏi ông chồng già; và khi ông chồng già trả lời rằng tôi đã vùi nồi cá ở trong tro bếp và chẹn cả cái thớt đại lên rồi, thì có khác chi làm nội ứng chỉ điểm cho cháu rồi còn gì!

Nhìn chú Đăng gật gù, nhiễm khoái trá, tiếp:

- Đó là kế tà đao sát nhân, nôm na gọi là mượn dao giết người, ở đây là cháu mượn tiếng mèo kêu để lấy trộm nồi cá kho, chú ạ .

- Thế còn cái vụ đột nhập vào nhà ông Liềm, lấy trọn hai triệu bạc lương hưu tháng ông vừa lĩnh? Và cái vụ vào nhà ông cụ Bài lấy năm trăm ngàn ông cụ vừa trúng xổ số?

- Vụ ông Liềm thì quá đơn giản. Cháu không cần kể chú cũng đoán ra.

- Sao lại đơn giản?

- Ông Liềm goá vợ đã năm năm. Nay ông đang cần một người nâng khăn sửa túi.

- Nói năng, chữ nghĩa gì mà như ông cụ, như dân ghiền cải lương thế.

- Cháu xin lỗi. Chuyện chỉ có thế này thôi. Cháu biết được số điện thoại di động của ông Liềm. Giả giọng con gái, chín giờ đêm ấy cháu bảo ông ra quán bia Đồng Nội ở đầu xóm Vôi chơi, rồi cháu ung dung mở khoá vào nhà ông ấy.

- Tức là dùng mỹ nhân kế, hả?

- Dạ, đúng thế ạ.

- Thế còn vụ trộm ở nhà cụ Bài? Nó là cái kế gì? Khổ nhục kế. Liên hoàn kế. Không thành kế. Hay: Dã si bất điên, giả ngốc nhưng không điên. Quan môn tróc tặc, đóng cửa bắt giặc. Tiếu lý tàng đao, cười bên ngoài, trong giấu dao. Điệu hổ ly sơn, bắt hổ rời núi. Chỉ tang mạ hoè, chỉ cây dâu mắng cây hoè. Dục cầm cố túng, muốn bắt mà lại thả. Hay là Toạ sơn quan hổ đấu, ngồi trên núi xem hai con hổ giao đấu. Vô trung sinh hữu, trong cái không sinh cái có?

- Trời!

Lần này thì chú bé kêu to một tiếng và ho hó miệng với bốn chiếc răng cửa, mặt ngây đờ. Hoá ra hiểu biết chưa đầy cái lá mít mà mình đã vội huênh hoang khoe tài. Hoá ra chỉ là trò đánh trống qua cửa nhà sấm. Hoá ra thiên hạ nhân thiên hạ tài là vậy; và người tài giỏi chính là người vẻ ngoài khiêm nhường như không, như bầu trời lặng lẽ trước cơn giông gió vậy. Hoá ra hiểu biết của mình chẳng thấm vào đâu so với chú công an. Hoá ra, vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn, cao nhân tất hữu cao nhân trị!

- Thế nào, trả lời chú đi chứ, cái vụ nhà cụ Bài?

Thế đấy, chẳng ỷ vào tài cao, chẳng hề đắc ý vì thế thượng phong, lên giọng giáo huấn cha chú, chú Đăng vẫn khẽ khàng. Và nhiễm ta, chú thiếu niên được mệnh danh là “Thần ăn trộm xóm Vôi”, “Thần ăn trộm làng quê” giờ đây chỉ còn cách là gằm mặt xuống đất và nhú nha nhú nhí:

- Dạ, đúng như chú đã nói, vụ lấy chín trăm ngàn của ông cụ Bài là cháu dùng kế Vô trung sinh hữu, trong cái không mà sinh cái có. Cháu vào buồng ngủ của ông cụ, thấy ông cụ và ba đứa cháu ngủ mê mệt. Lạ là trên nóc tủ lại có một cái gối. Ngủ mà sao lại để gối trên nóc tủ? Hẳn là ông cụ muốn cất giấu số tiền nọ, không cho ba đứa cháu biết. Chú ơi!

Đột ngột ngẩng lên, chú bé nhiễm nước mắt lưng chòng kêu to một tiếng và run rẩy như lên cơn cảm lạnh. A! Giờ thì chú biết sợ rồi. Giờ chú muốn được thú tội! Vụ lấy cắp cái mâm đồng nhà bá Thia. Vụ ăn trộm can rượu nhà anh Kiêm. Chưa hết! Ông Chu mất cái áo vét. Cụ Húp mất cái can bịt bạc. Bác Duy mất chiếc điện thoại di động. Chú Lủ mất chiếc đồng hồ. Chị Pha mất cái ví đầm. Cô Mùi mất đôi giày cao cổ... Tất tật đều một thủ phạm là chú, gã thiếu niên quen nghề đạo chích, kẻ coi trộm vặt là một thú vui, là chốn trổ tài.

Tuy vậy, cuối cùng thì chú Đăng đã đứng dậy, chìa về phía nhiễm một xấp giấy và thật từ tốn, nhưng cũng thật nghiêm trang, nói:

- Thôi, các chú biết hết cả rồi! Giờ chỉ muốn xem trình độ tự giác của cháu đến đâu thôi. Uống nước đi. Trà đen có đường đấy. Giấy bút đây, đã làm những gì thì viết hết cả ra đây! Rồi chú cháu ta sẽ nói chuyện tiếp!

*

Viết được ra, xổ được ra thì lòng vợi nhẹ. Cũng là do nhiễm giờ đây thấy thật sự cảm phục chú công an tên Đăng rồi. Và kết quả của sự tự giác cùng cảm hứng giãi bày ấy, nhiễm hoàn thành một bản tự thuật đặc năm trang giấy với cách hành văn, dùng chữ, kiểu miêu thuật rất cụ thể và sinh động, khiến chú Đăng vừa đọc vừa phải tủm tỉm cười. “Thế nào, học hết lớp 9 có được thầy khen là giỏi văn không?”. Nghe chú Đăng hỏi, nhiễm gãi cổ, ngượng nghịu đáp rằng, cháu đã từng ở trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi ở cấp huyện đấy ạ! Vẫn đăm đăm nhìn bản kiểm điểm của nhiễm, chú Đăng gật gù: “Trong bản kiểm điểm này của cháu, có những câu văn rất hay. Chú đoán, đó là nhờ cháu chăm đọc sách và có trí nhớ tốt. Ví dụ: Muốn giết chó cứ việc đổ cho nó mắc bệnh dại. Ví dụ: Kinh nghiệm là khởi đầu của sự khôn ngoan. Ví dụ: Thượng đế ngủ say thì tất cả cùng ngủ. Nhưng mà này, nhiễm... “

nhiễm ngẩng lên. Lạ sao, hai mắt chú Đăng lúc này đang toả xuống mặt nhiễm một cái nhìn thật dịu dàng nhưng cũng thật nghiêm khắc:

- Cháu chăm đọc sách và biết vận dụng hiểu biết. Vậy cháu nghĩ thế nào về cái câu chú vừa nhắc đó?

Mặt đỏ dừ vì ngượng nghịu, nhiễm ngẩng lên, rưng rưng:

- Thưa chú, cháu biết tội của cháu rồi!

Nhằn nhằn làn môi dưới, ánh mắt sâu trầm của người chiến sĩ công an đọng lại trên gương mặt nhiễm một ánh nhìn đầy vẻ trắc ẩn:

- nhiễm này. Cháu là một đứa trẻ thông minh. Cháu thừa hưởng được tính ham học, chịu khó đọc sách ở bố cháu, một thầy giáo uyên thông kinh sách văn sử. Cháu là một thiếu niên có cá tính, nhưng cháu vừa thiếu nền tảng đạo đức vừa không biết tiết chế bản thân. Cháu coi thường luật pháp kỷ cương. Cháu đi ăn trộm, ngoài lý do kiếm chác ra, con ơi nhớ lấy lời ta, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm, còn là do thói tệ ngạo mạn, ngỗ nghịch, ngông ngược. Cho nên, lúc này, nhìn mắt cháu, chú biết, cháu còn có điều uẩn khúc, có đúng không?

- Trời! Sao chú đoán xét giỏi như thần vậy?

- Cũng chỉ là: Kinh nghiệm là khởi đầu của sự khôn ngoan như cháu đã viết trong bản kiểm điểm đó thôi. Nào, còn băn khoăn gì thì nói đi!

Đã ra khỏi cơn lo sợ, nhiễm ngước lên, hai mắt chớp chớp liên hồi:

- Chú ạ. Cháu còn một thắc mắc: Cháu đã đi ăn trộm một cách rất lành nghề, đến mức người ta gọi là Thần ăn trộm. Tung tích cháu giấu rất khéo. Vậy làm sao mà chú biết được?

- Chà!

- Sao cơ ạ?

- Lại muốn biết thủ thuật nhà nghề của bọn chú, hả? Thế thì thế này, đúng là dễ ợt như cháu vẫn hay nói thôi.

Chao ôi! Thì ra có gì là khó khăn mới có thể đoán định được đâu là thủ phạm của các vụ trộm liên tục gây náo loạn xóm làng! Tất nhiên là có chuyện in dấu tay dấu chân. Tất nhiên là có chuyện rình rập theo dõi. Tất nhiên là có chuyện rà soát, thanh lọc theo nghiệp vụ an ninh. Nhưng mà thực ra thì còn đơn giản hơn thế nhiều.

Nhìn nhiễm, chú Đăng mỉm cười đầy vẻ bao dung:

- Thì cháu cứ thử ngắm mình trong gương xem. Mái tóc cháu có khác người không? Ồ, nhuộm đỏ nhuộm vàng như thế trước hết phải kẻ dư dả đồng tiền. Gì nữa, mới tí tuổi đầu mà cháu đã hút thu‌ốc l‌á ba số. Tiền đâu mà cháu dùng điện thoại di động? Cháu vẫn hay đến quán bia Đồng Nội, uống loại bia Henekein đấy chứ! Cháu thường xuyên trốn học. Cháu có biết nghe lời bố cháu không? Một đứa con trai hư có thể sánh với dã thú khó dạy nhất! Cháu có biết đó là câu nói của Platông, một triết gia thời cổ đại ở Hy Lạp không?

Tới đây thì thật sự là xấu hổ đã tới cực điểm và lòng thần phục đã dâng tới cao trào, trong một ngẫu cảm bất thần, nhiễm bước ra khỏi ghế, đột ngột quỳ phục xuống dưới chân Trung uý Đăng, nghẹn ngào:

- Thưa chú, trước đây cháu nghĩ, cháu đúng là Thần ăn trộm, có tài đạo chích hơn người. Vì cháu cho rằng mình là kẻ có trí khi biết vận dụng mưu mẹo và biết xét đoán nhà nào có của cải gì. Vì cháu cho rằng cháu là kẻ có dũng khi cháu dám trèo tường, leo vách. Vì cháu cho rằng cháu là kẻ có nhẫn khi biết kiên gan đợi chờ thời cơ đột nhập nhà khổ chủ.

- Còn bây giờ...

Hai tay vội đưa ra đỡ đôi vai của nhiễm, chú Đăng vừa đỡ lời cho nhiễm vừa nâng chú bé dậy:

- Còn bây giờ thì cháu hiểu rồi chứ! Thông minh mà không hợp lý thì là xảo trá! Và gây ra tội lỗi mà biết nhận thì tức là thiện rồi đây! Nào, đứng lên! Sửa chữa lỗi lầm ngay đi! Còn trẻ, con đường phía trước còn dài, chớ nên phí phạm tuổi trẻ và năng lực, nhiễm!

Thạch Thất, 2010-2017

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật