“Thiền” giữa phố đông

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cô bạn từ miền khác vào chơi một tuần rồi phán: “Người Sài Gòn trông cô đơn quá. Sáng ra thấy mỗi anh bên một ly cà phê”. Cô thắc mắc, hình như có những anh chẳng làm việc gì hay sao ấy, ngồi cả buổi mà còn chưa muốn đứng lên.
“Thiền” giữa phố đông
Ảnh minh họa

Tôi cười. Cười cái nhận xét vội vã của cô bạn phương xa.

Có một đời sống thị dân rất khác ở Sài Gòn. Có một Sài Gòn của những người ngồi một mình. Nhưng, một mình cũng không hẳn là cô đơn, cũng chẳng phải là lười. Thành phố này vẫn được biết đến là một địa phương năng động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất nhất nước, tư duy sáng tạo và khoa học công nghệ phát triển nhất nước.

Một sáng bình thường như bao ngày bình thường trong năm, tại một dãy phố bình thường, một quán cóc bình thường có vài cái ghế nhựa. Mỗi ghế một anh, ly cà phê trước mặt, đặt trên cái bàn con con. Một hình ảnh quen thuộc của nhiều thị dân Sài Gòn. Thị dân như tôi, như bạn tôi, như đồng nghiệp tôi, họ ngồi một mình giữa phố phường, tai họ vẫn tiếp nhận âm thanh ì ầm của đô thị lớn nhất nước, vẫn cảm nhận chút se lạnh cuối năm dưới tán sao dầu, cơn gió xuân lăn tăn mặt kênh... Và, họ giao tiếp với xung quanh bằng... không gì cả.

Ấy thế, không gì cả đôi khi lại là giao tiếp mạnh mẽ nhất của con người với xung quanh.

Không làm gì cả, có khi đó là làm nhiều nhất. Hãy để tôi kể chuyện này cho cô nghe.

Ông Jeff Weiner, nhà sáng lập trang mạng xã hội Linkedln, chắc cô từng nghe hay thấy mạng này rồi phải không - mạng xã hội cực lớn sau Facebook. À, cái ông Jeff ấy, đã nói rằng ông luôn dành ra 90 phút mỗi ngày để... không làm gì cả. Nhưng trong 90 phút dường như bất động đó, ông có thời gian hồi phục tâm trí, tập trung năng lượng tốt nhất của mình.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông Jeff khuyên mọi người dùng 90 phút không-làm-việc để tư duy, nắm bắt những tin tức mới nhất trong ngành, xem qua những bức thư chưa đọc, hay đơn giản là đi dạo cho đầu óc thư giãn. “Dù bạn đang làm gì, hãy luôn dành thời gian cho bản thân, hàng ngày - một cách hệ thống. Đừng cho bất cứ sự phiền nhiễu nào một cơ hội!”, ông khuyên bạn đọc của một hãng tin như vậy.

Cho đến năm ngoái, tôi còn chưa từng nghe hay đọc qua lý thuyết “90 phút ngồi không” của ông Jeff Weiner. Song, từ khi bước chân vào Sài Gòn, tôi dần theo bạn bè ngồi quán, đủ quán quen quán lạ. Rồi tôi lập gia đình, công việc túi bụi, chúng tôi chẳng còn thời gian tụ tập mỗi ngày, tôi chọn thói quen ngồi cà phê vỉa hè một mình.

Cà phê một mình. Đó là lúc tôi đắm mình trong nắng, gió, mây trời, cái cây, ngọn cỏ... Tôi lẫn vào thiên nhiên để tận hưởng sự trong lành, thư thái. Vì là ngay giữa phố thị, cái cây của tôi, ngọn gió của tôi cũng nhuốm màu thị thành, nên đôi khi tôi cũng cùng cây, cùng gió đắm luôn vào vùng không gian ồn ã với tiếng xe cộ, tiếng người, tiếng thở của một thành phố ngày đêm không ngơi nghỉ. Chìm trong đó, đắm trong đó mà trôi đi nhẹ nhàng, vô định.

Xưa kia chưa có điện thoại, tôi cứ ngồi không như vậy vào buổi sáng, có thể với tờ báo, có thể không. Gần đây, tôi ngồi với chiếc điện thoại nối mạng, lướt thông tin, thư giãn.

Sự thả lỏng thoải mái ấy, lại là cách kéo năng lượng mạnh mẽ. Để sau đó, tôi vào công việc với năng lượng tích cực nhất.

Tôi đồng ý với ông Jeff khi ông nói chính thời gian “đóng băng” này là khoản đầu tư nhỏ cho bản thân mỗi ngày. Đó là một cách giúp ông tăng năng suất. Phương pháp “không làm gì cả” này của ông cũng được hai chàng trai vận dụng. Đó là Neil Blumenthal và Dave Gilboa, hai trong bốn nhà đồng sáng lập của hãng kính Warby Parker nổi tiếng.

Hai CEO còn trẻ này phát ngán vì quay cuồng trong những buổi thảo luận, họp hành triền miên, nhiều khi đến kiệt sức. Họ than: “Thử tưởng tượng, có những đợt cao điểm, bạn bơi trong 16 cuộc họp liên tiếp không giải lao mà xem”. Gilboa chia sẻ với một tờ báo: “Luôn phải cố gắng giải quyết cùng lúc nhiều nhiệm vụ, khiến mọi người không thể tập trung và hiệu suất công việc giảm sút. Điều này chẳng tốt cho ai cả!”.

Hai anh chàng ấy đã quyết định áp dụng 90 phút mỗi ngày không làm gì, “học theo” thói quen của Jeff Weiner. Để cắt giảm số lượng các buổi họp xuống, Gilboa và Blumenthal buộc bản thân trả lời được câu hỏi: “Nếu mình không có mặt trong cuộc họp này thì liệu cuộc họp có thực sự phá sản không? Nếu không, hãy để nó diễn ra mà không cần mình”. Bởi họ có thư ký, trợ lý, và sau đó họ có thể đọc lại các báo cáo tóm tắt nội dung cuộc họp, hoặc là trao đổi trực tiếp với người chịu trách nhiệm dự án. Còn thời gian đấy họ dành để suy nghĩ sâu hơn về những định hướng, tập trung vào những chiến lược quan trọng, cùng những sáng kiến đặc biệt.

Lúc đầu, họ cũng kỳ vọng họ có thể giải quyết được tất cả các vấn đề của mình trong 90 phút “đóng băng” đó. Nhưng rồi họ nhanh chóng hiểu ra, họ càng kỳ vọng giải quyết việc, thì họ càng căng và rối. Không làm gì phải thật sự là... không làm gì.

2. Quay trở lại những buổi sáng cà phê của những người ngồi một mình, tôi nhớ tới bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Vị bác sĩ từng vượt qua bệnh tật hiểm nghèo nhờ thiền định chia sẻ: “Tôi cho rằng khi được nghỉ ngơi hãy thực sự hưởng giờ phút an lành, bỏ mọi nỗi lo đi thì mới tái tạo sức lao động được, thậm chí dành thời gian để sáng tạo một đề án mà mình ưa thích cũng là một phần thưởng”.

Trong một tài liệu dài về thiền định, ông viết: “Trong thiền, một yếu tố rất quyết định nữa là sự thả lỏng toàn thân,“buông xả” toàn thân, mà có người ví như thả trôi theo dòng nước. Thả lỏng toàn thân là cách làm cho toàn thân như rủ xuống, xẹp xuống, bình bồng, không còn căng cứng nữa! Có thể nói c‌ơ th‌ể ta như chỉ gồm có hai phần: “thân xác” và “thân hơi”. Thả lòng là “xì” cho xẹp cái thân hơi đó - mà tiếng Việt ta có một từ rất hay là xả hơi! Khi quá mệt, quá căng thẳng thì nghỉ xả hơi! Khi đó, không một bộ phận nào của c‌ơ th‌ể còn phải căng nữa, phải gồng nữa, kể cả vỏ não.

Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ (tonus musculaire) và hoạt động của vỏ não sẽ giảm thấp nhất có thể được. Y học chứng minh tiêu hao năng lượng trong thiền rất thấp, dưới mức chuyển hóa cơ bản, thấp hơn cả khi ngủ, nhờ vậy mà năng lượng được tích lũy tốt hơn”.

Tôi nghĩ, những phút ngồi cà phê sáng của người Sài Gòn, hay 90 phút không làm gì của các CEO, cũng là một kiểu xả hơi, một kiểu thiền. Kiểu thiền này rất hiện đại, giản tiện cho mọi người, chứ không nhất thiết phải như những nhà tu hành trên núi cao, phải gia chủ có không gian sống thanh tịnh, phòng ốc yên tĩnh để ngồi xếp bằng như cách thiền xưa cũ.

Thiền cũng không có nghĩa lọc bỏ hoàn toàn mọi thứ khỏi tâm trí. Tôi thích cách thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về thiền định: “Thiền là gieo những vấn đề lớn nhất của cuộc đời mình vào chính bản thể mình, của tâm hồn mình, của máu huyết và xương tủy mình. Thiền là nuôi nấng bằng trọn con người mình vấn đề mà mình cho là khẩn thiết của đời mình - nếu quả thực mình có vấn đề khẩn thiết”.

3. Giữa năm 2018, hãng Disney ra mắt một bộ phim kỳ lạ: “Christopher Robin”. Thông điệp xuyên suốt bộ phim theo cảm nhận của những người lớn bỏ ra chừng một tiếng đồng hồ ngồi rạp xem phim với con thật đáng giá: Hãy không làm gì cả. Đó là làm rất nhiều!

Bài hát cuối phim với giai điệu ám ảnh “People doing nothing” như một giấc mơ nho nhỏ cho mọi thị dân đua chen từng ngày với cơm áo gạo tiền. Giá mà có thể chẳng làm gì, mà vẫn hạnh phúc.

Nhân vật chính của phim hoạt hình không phải là một đứa bé. Christopher Robin là một quản đốc giỏi giang trong tập đoàn sản xuất vali. Áp lực công việc, áp lực đầu tàu, phải là chỗ dựa cho bao nhiêu nhân lực trong tình cảnh thị trường ngày càng khó khăn khiến anh luôn luôn bận rộn, mệt mỏi.

Khi anh đang khốn khổ tính toán sát sao từng con số để tìm cách cắt giảm chi phí vận hành công ty, tránh phải đuổi việc bao người, thì chú gấu Pooh, người bạn ấu thơ đột nhiên xuất hiện.

Chú gấu nhỏ bé cùng anh chạy tới chạy lui lộn xộn ở thành phố, những hè đường đầy người, những nhà ga đông đúc, với rất nhiều chi tiết “hú hồn hú vía” để nhắc anh rằng, xưa, trong khu rừng quê hương, anh thường thích đứng lặng nhìn dòng nước nhỏ và không làm gì cả. Không làm gì thì có gì vui?

Ồ, không làm gì chính là chìa khóa của hạnh phúc. Robin đứng trên cầu, thủ thỉ với gấu Pooh: “Tớ rất thích khi ai đó hỏi tớ muốn làm gì, tớ sẽ trả lời rằng không gì cả”.

Và rồi cậu bé năm xưa thích chơi trò “không làm gì” giờ lại không thể rời một phút nào khỏi công việc, không thể cùng gia đình đi nghỉ cuối tuần, không thể chơi với con sau giờ học.

Phim đưa ra giải pháp lãng mạn giữa nhu cầu kinh tế và vui chơi nghỉ ngơi: hãy cho 10.000 nhân viên của hãng nghỉ việc hai ngày cuối tuần để vui chơi, du lịch. Họ sẽ trở thành khách hàng mua vali để đi du hí, đó là cách kích cầu đơn giản, lại tái tạo năng lượng cho người lao động.

Nói là lãng mạn, vì thật khó giải quyết cuộc khủng hoảng thừa bằng cách kích hoạt thị trường bé tí như thế cho tập đoàn toàn cầu. Nhưng nếu, cả một làn sóng lan tỏa “hãy cứ vui đi khi cuộc đời cho phép”, hãy cứ rong chơi tận hưởng đời sống khi đôi chân còn khỏe và túi tiền còn đủ để mua vé tàu xe... thì hẳn nó cũng gần với cuộc cách mạng nghỉ làm ngày thứ Bảy chúng ta đã thực hiện được năm nào.

Bộ phim kết thúc trong tiếng nhạc “People doing nothing” (Mọi người chẳng làm gì cả) với kỳ nghỉ trên bãi biển hẳn sẽ ám theo rất nhiều người ngày ngày đang bù đầu bù cổ với công việc, công nợ.

Vẫn biết sống là hành trình cố gắng. Cuộc sống hiếm khi nào nở hoa với kẻ lười biếng, chây ì; nhưng cố gắng làm lụng để trả nợ, để tồn tại với các tiêu chuẩn của số đông, hay cứ bình tĩnh vừa lao động vừa tận hưởng đời mình, chính là cách bạn lựa chọn.

Vậy, chọn cách “Người ngồi xuống mây ngang đầu”(*), ngồi một mình chẳng làm gì cả, một cách thiền giữa phố đông, cách buông bỏ sự hỗn tạp để tập trung cho mục tiêu chính, để nhìn mọi vật ở mức đơn giản nhất có thể, cứ để gió nhẹ lướt qua đầu, cứ để mây nhẹ trôi qua thành phố, cho cuộc đời thênh thang. Đó chẳng là điều dễ dàng mà quý giá ta có thể làm cho chính mình hay sao?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật