Xin lỗi dòng sông

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghĩa vùng chạy, chạy miết cho đến khi bắt gặp những túp nhà lụp xụp bên những sườn đồi. Toàn thân anh bã bời, rệu rã, máu tứa khắp hai bàn chân. Anh lịm đi lúc nào chẳng hay. Tỉnh dậy anh thấy mình nằm co quắp bên chái bếp của người đồng bào. Đầu óc Nghĩa váng vất, mùi tanh của máu xộc lên khoang mũi. Hải còn sống hay đã chết?
Xin lỗi dòng sông
Minh họa: Tô Chiêm.

"Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng"(*)

...

Trước dòng sông, Lược cảm tưởng cả một khối mùa thu đang nhuốm bệnh lừng lững di chuyển. Không gian vàng vọt, mùi không khí luẩn khuẩn sự hắc nồng của vạt cải cay trải dọc bờ sông bị ảnh hưởng của cơn bão phía Bắc Trung bộ làm cho dập nát. Sự bứt rứt, khó chịu của tiết trời ẩm ương như trút giận khiến Lược không muốn căng ưỡn vầng ngực đón nhận ngọn gió lành như mọi khi.

Bầu trời như miếng bánh mì xé dở, từng lớp phồng lên trắng xốp, mịn màng, ruột nhân biêng biếc.

Bầu trời sống động quá, Lược quả thật ghen tỵ với từng đám mây nhỏ lang thang, được ngao du cùng gió khắp nơi mọi phía, khi lên núi cao, khi về biển rộng. Khi lững lờ trôi trên những cánh đồng ...

Mắt Lược ươn ướt nước, Lược giận mình và giận luôn cả dòng sông.

Sông ơi, ngươi đã chở lời thề của ta đi đâu? Mắc kẹt ở rong rêu nào? Hay ngươi thương phận đời ta mà bào mòn đi mọi thứ? Ngươi hãy trả lời ta đi? Hãy trả lời ta đi sông ơi...

Lược vục mặt vào nước cho đến khi hai mí mắt không nhấc lên nổi. Vọng lên từ sông những tiếng kêu inh ỏi của loài bói cá tranh mồi.

Lược biết mình không thể nào quên anh, người đàn ông duy nhất đã đến trong cuộc đời của Lược, làm cho Lược hạnh phúc và làm cho Lược đau mãi đến tận giờ.

*

"Hải ơi, bây giờ anh đang ở đâu? Anh nhất định sẽ trở về bến sông này phải không anh? Em tin lời thề của chúng mình vẫn được lòng sâu neo giữ. Chính nơi này anh đã lấy những giọt máu của anh và em hòa vào chén nước múc từ sông và bảo: Hãy uống đi em và dòng Son sẽ là nhân chứng cho cuộc tình của chúng ta là mãi mãi.

Anh mỉm cười âu yếm gạt những giọt nước đọng trên khóe môi em và sau đó cái chén vồng lên không trung như một nét câu rồi chìm xuống đáy. Anh Hải ơi, mỗi lần ra đây nhìn sông, khi mùa nước lên, năn lác ai bứt gom còn sót lại, những cuộn năn lác dật dờ vàng hươm xô dạt vào bờ và em hình dung chúng giống những cọng rơm khô lót trong chiếc mủng em nằm.

Ngày ấy em cũng trôi dạt như những cọng năn lác bây giờ phải không anh? Và anh khi ấy, cậu bé chăn bò ngoài bãi vừa mới hôm qua được mẹ nhắc nhớ sinh nhật tròn mười tuổi. Anh đã "được" em trên sông và đưa em về trong sự ngỡ ngàng xót xa của mẹ. Mẹ đã không giấu em về thân phận mình bởi mẹ biết rằng rồi đây em cũng sẽ nghe được tất cả từ miệng của những người hàng xóm. Em không biết em đến từ đâu, nhưng trong thâm tâm em "Ngược ngàn" kia là quê hương và rừng là mẹ. Em luôn đăm đắm nhìn về phía ấy, nơi mặt trời mỗi chiều lọt thỏm xuống dưới vũng buồn sâu thẳm.

Mẹ biết em đang nhớ về một nơi rất xa và khi ấy mẹ thường vuốt tóc em an ủi. Em dụi vào lòng mẹ dối rằng "Mẹ ơi, con chỉ có mẹ là duy nhất thôi và bến sông này mãi là quê hương của con". Nhưng thú thật trong giấc mơ của em luôn hiển hiện hình bóng khu rừng".

Lược ném những lời da diết của mình xuống sông, trôi theo những cọng cải xanh úa. Nước mắt Lược không còn đủ thành dòng để mặn môi, bảy năm là quá dài cho tuổi thanh xuân mòn theo con nước nhưng Lược vẫn khắc giữ một niềm tin chờ đợi. Từ khung cửa sổ của một ngôi nhà sơn trắng nằm cách căn nhà đơn sơ của Lược không quá xa, Nghĩa uống cạn sạch ly rượu vang trên tay, anh nheo mắt nhìn theo đôi quang gánh chất đầy những bó cải lốm đốm hoa vàng. Hơi thở của anh trở nên gấp gáp khiến anh phải nới lỏng cái cúc áo trên cùng.

"Lược, em phải quên Hải của em đi thôi, nhưng anh không biết phải bắt đầu với em như thế nào? Liệu trái tim nhỏ bé của em có chịu đựng được cái nỗi đau mà anh sẽ mang tới hay không? Không, sẽ không đời nào anh lại có thể để em tổn thương vì điều đó". Nghĩa rót cho mình một ly thứ hai.

Cũng như Nghĩa, Hải, những chàng trai vạm vỡ bên sông thuở nào đều ôm mộng đổi đời, họ rủ nhau đi ăn mày của rừng vài chuyến. Những chuyến đi của họ có kẻ gặp may, có kẻ thất bại trở về, nhưng đa số họ đều kiếm được chút đỉnh để làm vốn liếng.

Nghĩa đổi đời được nhờ những chuyến ngược ngàn, nhưng anh không hút máu của rừng một cách tham lam. Bởi anh luôn tâm niệm "ăn của rừng rưng rưng nước mắt", vì vậy Nghĩa thôi đi rừng mà ở nhà mở một cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Anh đã tạo được việc làm cho hàng chục công nhân và bản thân anh có một cuộc sống như mơ ước. Nhưng tâm anh làm sao thanh thản khi nhìn thấy người con gái mà anh thầm yêu đang chịu nhiều khổ sở như vậy. Anh làm sao có thể kể hết mọi sự thật cho Lược được. Mỗi đêm khi đặt lưng xuống là khuôn mặt Hải lại xuất hiện. Nghĩa hét lên khi khúc gỗ trượt từ trên dốc xuống sau một tiếng rầm và Hải đã hứng trọn cả khúc gỗ vì không kịp lách người sang bên. Nghĩa nhắm chặt mắt, đất dưới chân anh nứt toác ra, xây xẩm.

Trước đây, mỗi khi trong nhóm đi rừng với nhau, nếu có người bị sốt rét không may không qua khỏi thì họ không còn cách nào khác là gói xác vào ni lông đem chôn cạnh gốc cây làm dấu để đó rồi tiếp tục lên đường. Dăm vài tháng sau khi khai thác gỗ xong họ sẽ quay lại làm cái công việc đào bới hài cốt của bạn rừng đem về.

Qua đận đó, Nghĩa ám ảnh khôn nguôi, bây giờ đến người bạn thân của Nghĩa là Hải thì Nghĩa không đủ can đảm để làm việc đó nữa.

Đoàn người đi cùng đã chia nhau đi theo hướng khác, Nghĩa và Hải làm thành một nhóm, bây giờ giữa thâm sơn cùng cốc tịnh không một bóng người, bên vách núi đá dựng đứng chỉ gầm gừ những tiếng gào thét của gió và thác. Hải vắt người trên một gốc cây cụt, tứ chi bị dập nát, từng đũng máu ọc ra từ khoang mũi, miệng chảy lênh láng.

Nghĩa vùng chạy, chạy miết cho đến khi bắt gặp những túp nhà lụp xụp bên những sườn đồi. Toàn thân anh bã bời, rệu rã, máu tứa khắp hai bàn chân. Anh lịm đi lúc nào chẳng hay. Tỉnh dậy anh thấy mình nằm co quắp bên chái bếp của người đồng bào. Đầu óc Nghĩa váng vất, mùi tanh của máu xộc lên khoang mũi. Hải còn sống hay đã chết?

Tim Nghĩa như nhảy bật ra khỏi lồng ngực khi theo các chàng trai miền thượng đi đến nơi Hải gặp nạn. Nhưng hỡi ôi, Nghĩa không tin nổi vào mắt mình, một dấu tích của Hải cũng không còn. Là cọp đã tha mất xác Hải rồi ư? Hay anh đã được ai cứu? Câu hỏi đó nhiều năm cứ luôn luẩn quẩn trong đầu anh như một mớ tơ vò, khiến anh mất ăn mất ngủ. Vậy là đi.

Năm nào Nghĩa cũng lần tìm tung tích của Hải nhưng biệt vô tăm cá, anh luôn cảm thấy ân hận vì sự bỏ rơi bạn mình lúc tai họa. Vì thế mỗi lần đối diện với ánh nhìn của Lược, Nghĩa luôn cảm thấy day dứt có lỗi, cái bí mật này khiến anh nghẹt thở. "Mình không thể sống mãi như thế này được, mình sẽ điên lên mất".

Chiều miền thượng nắng bừng lên gắt gao, Nghĩa thấy cổ họng mình khô rát. Những gốc cây bị lũ cuốn dạt vào hai bên suối nằm phơi mình như những con bạch tuộc khổng lồ này chỉ trong nay mai khi vào tay Nghĩa sẽ biến thành những món đồ mỹ nghệ có tính thẩm mĩ cao. Nhưng cũng từ khung cảnh này anh như cảm thấu được những âm thanh gào thét của rừng, nhìn thấy được cả sự trừng phạt thích đáng dành cho "lũ sâu đen" đang ngày đêm đục rỗng khu rừng. Anh từ bỏ nghề sơn tràng với sự sám hối trước thiên nhiên để bây giờ đi cứu rỗi những linh hồn cây đang vất vưởng hai bên suối, biến những thứ vô tri, những thứ mà con người ta đang tâm bỏ đi thành nguồn tiền giúp đỡ những phận đời khó khăn.

Hải ơi, giá như anh đã trót ăn mày của rừng một lần hay nhiều lần rồi, hẵng chịu trừng phạt này cho cam, đằng này anh chưa kịp thực hiện được cái ước mơ nhỏ bé sắm cho người con gái anh yêu một cái giường, một căn nhà gỗ đơn sơ rồi thôi, rồi anh sẽ về cuốc đất trồng rau, vớt rong nuôi cá, sống một cuộc đời bình dị như bao nếp nhà ven sông khác. Hải ơi...ở nơi nào đó hẳn anh đang giận tôi nhiều lắm. Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi...

Nghĩa tháo cái mũ trên đầu, quệt dòng mồ hôi đang chảy ròng ròng trên má rồi bước vào ngôi nhà sàn nằm cách đó không xa. Thoạt đầu, mùi khai khẳm bốc lên, tiếp đó là những tiếng khóc re ré sau khoảng đất bụi bặm. Một người phụ nữ có làn da ngăm ngăm đen, đôi mắt sáng, bắp tay bắp chân tròn lẳn mang một bửng xôi nếp và trứng rán đặt lên tấm phản nói lớn:

- Nậm, mày chơi nghịch, tao đánh chết.

- Không, thằng Khậu nó mở.

- Còn nghểnh cổ lên mà cãi à?

- Đậy lũ dế lại kẻo nó nhảy ra hết rồi tới lấy cơm cho em ăn. Gọi bố ra ăn cùng luôn. Ơ...anh là ai thế? - Người phụ nữ sững người nhìn Nghĩa, suýt đánh rơi cả tấm thịt bò sấy khô trên tay.

- À, tôi vào xin ít nước, khát quá đi mất.

- Nước à? Nước đây này... hì... hì.

Từ trong căn buồng sẩm tối, những sợi dây phơi vắt đầy mùng màn, quần áo. Người đàn ông nhào bổ ra trên đôi chân què quặt nhưng phần người ở trên vẫn còn vạm vỡ. Anh ôm lấy cái chai nhựa đựng đầy nước lết lại gần Nghĩa và nghểnh cổ cười. Nước từ chai được đổ ra một cái ca lớn.

Mặt Nghĩa biến sắc, đất dưới chân anh nứt toác ra, xây xẩm. máu, trời ơi máu...máu chảy nhiều quá, chết là cái chắc. Nghĩa lao đến:

- Hải, Hải ơi mày còn sống, mày có nhận ra tao không?

Người đàn ông chìa ca nước ra trước mặt Nghĩa, hét:

- Nước đây, uống đi... không uống à? Không uống này....không uống này...

Cả ca nước hắt trọn lên mặt Nghĩa. Người đàn ông chĩa đôi mắt trừng trừng về phía Nghĩa rồi sau đó ngửa mặt lên hõm sâu nhất của túp nhà cười lớn, chưa được mươi giây lại vò đầu khóc rưng rức như một đứa trẻ.

Người phụ nữ ôm lũ trẻ lùi sát góc nhà, bọn họ giương những cặp mắt sợ hãi nhìn hết người này sang người khác. Họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mãi một lúc sau khi định thần lại được, Nghĩa mới hay Hải đã được cha của người phụ nữ này đi rừng bắt gặp, thấy anh còn thở ông liền cõng anh cắt rừng về bản. Sau nửa năm được hai cha con họ tận tình cứu chữa thì các vết thương của Hải được chữa lành, nhưng ký ức của hơn 30 năm về trước hoàn toàn biến mất.

Hải không nhớ một chút gì về quá khứ của mình. Anh chỉ biết người phụ nữ kia là vợ mình và ba đứa trẻ tròn lẳn chắc nịch như củ khoai tía kia là các con của anh. Những ngày bình thường anh ở nhà chơi đùa cùng bọn trẻ, giúp vợ đào ổ dế, dát những mảng thịt bò đi phơi khô, nhưng khi tiết trời thay đổi thì tính tình anh trở nên cáu bẳn, anh khóc như bò rống rồi đập phá mọi thứ. Những lúc đó chị vợ phải xích anh lại bên góc nhà rồi mới đi làm.

- Gia đình tôi từ Kinh lên miền Thượng lập nghiệp, kể từ khi cha tôi mất, tôi chẳng có ai ngoài anh ấy, thực ra anh ấy hiền lành lắm...

Người phụ nữ rút cái khăn vắt trên dây phơi nhúng vào chậu nước rồi đến lau mặt cho chồng. Bất đồ Hải ôm chầm lấy hông vợ không cho ra tiếp chuyện với khách lạ nữa. Lúc này Nghĩa mới để ý cái phần bụng lùm lùm của người phụ nữ đang nhô lên sau lớp vải dày cộp.

Nghĩa như người mộng du rời khỏi ngôi nhà sàn, hoàng hôn phủ xuống rất nhanh, cơn khát cháy khô cổ họng bỗng biến đi đâu mất. Lòng anh nặng trĩu như bị một khối đá đè bẹp.

*

- Lược à, anh....a...nh...

- Có chuyện gì thế anh Nghĩa?

Lược ngừng tay trên những luống cải xanh xao vàng vọt. Cây cải trái mùa gầy nhẳng chứ không mập mạp như vụ đông xuân, khi làn sương phủ lướt mướt trên những ngọn cải xanh mơn mởn. Bất đồ Nghĩa chộp lấy đôi bàn tay Lược siết chặt, anh cúi đầu lên vai cô rung lên từng chặp.

- Đừng chờ nữa, Hải của em đã chết rồi. Quả thực nhìn em thế này anh rất xót xa...

- Anh Nghĩa, không đời nào. Anh đang nói dối em. Anh Hải chết sao các anh không đem xương cốt anh ấy về như đã từng làm với anh Trang, anh Dũng... Có phải anh đang giấu giếm em điều gì phải không?

- Hổ đã tha mất anh ấy ư?

Lược lặp lại lời nói của Nghĩa bằng một giọng lạnh tanh không cảm xúc, khiến Nghĩa thấy rùng mình, cơn ớn lạnh như một con rắn nhờn nhợt trườn lên sống lưng. Nghĩa áp sát vào Lược như tìm một điểm tựa để mình không khuỵu ngã trước lời nói dối của mình. Bởi anh biết nói sao với Lược bây giờ, khi Hải không còn ký ức gì về cô về nơi này nữa, còn người đàn bà, ba đứa trẻ và cả đứa con sắp chào đời. Anh nỡ nào đang tâm chia lìa họ. Cuộc sống tốt nhất cho cuộc đời của Hải là như bây giờ Hải đang sống. Nghĩa không muốn Lược phải đau khổ thêm lần nữa, bấy nhiêu đó đã quá đủ cho một đời thanh xuân của Lược rồi.

"Lược ơi xin hãy tha thứ cho anh". Nghĩa nhìn theo bóng Lược đang chạy nhanh về căn nhà chòi. Mái tóc bị gió xổ tung choán gần hết tấm vai gầy mảnh của Lược. Một sự mỏng manh đến đau lòng.

*

"Anh Hải ơi, con nước lại lên rồi, gò bãi ngoài kia lại bị ngập nước, em sợ nghé con không bơi vào bờ được. Em nhớ trước đây khi em bơi ra gò nổi dìu nghé con vào, không may bị chuột rút rồi nước xiết đi. Em lềnh bềnh trên sông như một thân chuối bạc nhợt. Em nghe mọi người kể lại rằng, khi phát hiện xác người trôi sông là em, anh gần như ngất xỉu, anh không dìu nổi em vào bờ, may mà có thuyền của một đôi vợ chồng xóm Bồi đi vớt rong về cho cá ăn ở gần đó. Họ đặt em lên cát và anh khi ấy vừa khóc vừa làm hô hấp nhân tạo để cứu sống em.

Tối đó anh đã nằm bên cạnh em ôm em thật chặt, em cảm nhận rất rõ làn hơi nóng phà lên tai em: "Em đến với anh như một định mệnh và anh không thể để mất em lần nữa". Sau ngày sinh nhật anh là cái ngày anh bắt được em trên sông nên anh lấy đó làm ngày sinh nhật của em luôn và gọi em là bé "Được", nhưng mẹ mong muốn cuộc đời của em sau này được suôn sẻ may mắn, nên đã đặt tên em là Lược. Em rất thích cái tên này và càng cảm thấy hạnh phúc hơn khi anh chọn cái khoảnh khắc 0 giờ giữa ngày sinh của anh và em dẫn em ra trước bờ sông, cùng nhau nguyện thề sẽ kết duyên chồng vợ. Anh Hải ơi, đêm đó em đã trở thành người đàn bà của anh và chúng ta đã hạnh phúc biết bao nhiêu, cho đến bây giờ cảm xúc ấy vẫn còn nguyên vẹn".

- Ồ nghé con ơi, mi đừng có liều lĩnh nữa, để tao ra dìu mi vào bờ.

Lược lội ào xuống mặt nước, nước ngập dần lên đùi lên ngực rồi che lấp đôi cánh hạc gầy. Lược sải nhanh sang gò nổi giữa sông, búi tóc dập dềnh theo con nước. Lược ôm nghé con vào lòng, những vệt nước chảy ra từ đôi mắt mở to của nghé con khiến Lược cay cay sống mũi. "Không sao, để tao đưa mi sang bờ với mẹ".

Lược toan nhào xuống nước quay trở lại thì chiếc đò nhỏ của Nghĩa cũng vừa sang tới. Ánh mắt anh nhìn Lược gay gắt:

- Em đừng có mạo hiểm như vậy nữa. Em không nghĩ rằng ở nơi xa xôi nào đó Hải sẽ đau lòng vì em lắm sao? - Rồi Nghĩa dịu dàng siết đôi bàn tay rắn chắc lên hai bờ vai của Lược - Từ nay anh sẽ thay Hải chăm lo cho em.

- Không, anh Hải chưa chết, anh ấy không thể nào bỏ em mà ra đi như vậy được.

Lược vùng xuống sông, nước nhấn chìm cô một cách nhanh chóng. Cánh tay cô quều quào giữa đám rong rêu nổi lềnh phềnh, những đụn lác cũng tụ vào quấn chặt người Lược như những cánh tay phù thủy.

- Anh thật độc ác, tại sao anh lại có thể buông ra những lời như thế? Anh Hải chưa chết, anh ấy sẽ quay về...

Lược vừa hét vừa cố tình để cho nước cuốn mình đi. Nghĩa lao ra giữa dòng, dùng hết sức đẩy Lược lên bờ nhưng Lược không còn thiết tha gì với cõi đời này nữa. Cô cắn chặt hàm răng lên tay Nghĩa và liên tục quẩy đạp.

*

Đêm, Lược tỉnh dậy trong căn phòng xa lạ, ánh sáng xanh thoát ra từ bóng đèn ngủ lờ nhờ như đám ánh sáng rắc trên sông. Qua cửa sổ Lược nhìn thấy một mảnh liềm nhỏ xíu chếch dần về phía núi.

"Mùa thu lá bay anh đã đi rồi
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau".

Ở đầu giường, những âm thanh thoát ra từ chiếc Smarphone. Lược giật mình, từ bao giờ bàn tay mình đã nằm gọn trong lòng bàn tay Nghĩa.

(*)Lời bài hát của Trịnh Công Sơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật