Người lạ người quen

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Líu đưa tay quàng qua người chồng. Nóng quá! Nóng rừng rực như lửa! Líu vội vàng ngồi dậy đặt tay lên trán Biều. Trán nóng hầm hập. Mồ hôi Biều vã ra như tắm. Líu lay gọi, Biều ú ớ nói mơ vài tiếng rồi mở mắt. Biều gắng sức thều thào.
Người lạ người quen
Minh họa: Lê Tiến Vượng.

- Ngủ đi! Tôi không sao đâu!

Líu nằm xuống. Biều trở mình nằm nghiêng, lưng quay về phía Líu. Nóng quá! Khó chịu quá! Biều muốn vùng vẫy mà không được. Lửa! Lửa bao vây tứ phía. Căn nhà sàn đang cháy. Dát vầu, mái lá cháy bùng bùng. Biều chỉ là một cậu bé sáu tuổi, đang cố tìm cách thoát khỏi biển lửa. Không được rồi. Lửa đã vây kín bốn phía. Khói! Ngạt. Không thở được! Biều đưa tay ôm ngực. Mẹ ơi! Cứu con! Nóng quá!

Tiếng kêu gào tắc nghẹn trong ngực. Một người đàn ông lao vào lửa. Ông ôm lấy Biều ném qua vòng vây của lửa. Tiếng kêu thét mơ hồ xa lắc. Biều rơi vào bóng tối hun hút và sự im lặng rợn người. Chợt một bàn tay nắm lấy tay Biều. Biều vội vàng nắm lấy kéo mạnh. Một người ngã vào Biều. Là Líu. Biều hổn hển chống tay ngồi dậy. Líu lo lắng.

- Mình có sao không? Tôi thấy mình kêu to quá. Gọi mãi mà không được.

Biều dựa lưng vào vách. Hơi thở nóng rực và khó nhọc.

- Lấy cho tôi cốc nước!

Líu đi lấy nước. Biều đưa tay vuốt ngực. Không phải là giấc mơ. Đó là sự ám ảnh. Sự ám ảnh ấy đã theo Biều gần hai mươi năm nay. Sau đêm đó, Biều thành đứa trẻ mồ côi. Mẹ ra đi không nói một lời nào. Người đàn ông lao vào cứu Biều bị thương nặng. Người ta cáng ông xuống viện.

Một người nhận là bà họ xa mang Biều về nuôi. Bà không chồng con, sống trên lưng chừng một ngọn núi cao cách Nậm Khiêu hai ngày đi bộ. Ba năm sau bà chết. Biều lưu lạc khắp rừng xa núi gần. Mỗi năm Biều về thắp hương một lần, khi mùa hoa đào nở. Căn nhà cũ đã đổ. Biều thắp hương trong một hang đá nhỏ. Hai bát hương. Một cho bà và một cho mẹ.

Biều ngủ lại trong hang đá một đêm. Biều thủ thỉ kể cho mẹ, cho bà nghe những ngày lưu lạc. Khi đống lửa tắt, Biều sẽ ngủ một giấc thật say. Không mộng mị. Giấc ngủ bình yên nhất mà Biều có được trong một năm lưu lạc tìm cái ăn, cái mặc.

Tiếng chuông leng keng khiến Biều tỉnh giấc. Sáng rõ rồi. Mùi hương nồng nặc làm Biều thấy khó thở. Ông thầy cúng đang rì rầm bên bếp. Một mâm cúng đầy gà vịt trước mặt. Cái chuông rung lên những âm thanh khó chịu. Toàn thân Biều rời rã. Biều cố chống tay ngồi dậy. Líu chạy lại đỡ Biều.

- Cho tôi xuống viện.

- Tôi mời thầy cúng rồi. Thầy bảo cúng xong là khỏi ngay.

- Mình muốn tôi về với tổ tiên à?

- Sao lại nói thế... Tôi...

- Vậy thì gọi anh Phàn sang đây đưa tôi xuống viện.

Líu không dám nói gì thêm, lật đật chạy ra cửa. Nhìn theo cái dáng tất bật của Líu mà Biều nhói lên trong lòng. Cũng vì thiếu hiểu biết, vì cả tin mà cái khổ đeo bám mãi theo Líu.

Biều gặp Líu năm mười bảy tuổi. Líu đẹp như bông hoa đào vào xuân. Rừng rực nhựa non. Hừng hực sức sống. Hôm đấy, Líu sang hộ nhà Miền đào ruộng, còn Biều làm thuê. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã khắp quả đồi mà mắt Líu chỉ nhìn về phía Biều. Hai cánh tay rắn chắc cầm xà beng xả đất. Từng mảng đất đồi vỡ ra. Đám con gái cầm cuốc san đất tạo mặt ruộng. Đất đồi đỏ au. Làn da Biều cũng đỏ ửng lên dưới ánh nắng. Những mảnh ruộng bậc thang nhà Miền thành hình từ đôi tay cầm xà beng của Biều. Và đôi tay ấy cũng làm trái tim Líu xao xuyến. Sau bữa cơm tối, Líu cứ dùng dằng chưa muốn về. Biều vô tư hỏi:

- Sao Líu còn chưa về?

- Trời tối, đường lại xa nên tôi sợ!

- Vậy để tôi đưa Líu về.

Vừa ra đến cổng thì trăng lên. Gió se se lạnh. Đến khoảng đường rộng, Líu dấn bước nhanh kịp với Biều. Vừa lúc ngang qua cây hoa dẻ, mùi thơm ngòn ngọt thoảng qua. Líu quay sang nhìn Biều.

- Biều thấy thơm không?

Biều sững người. Gương mặt Líu đang nghiêng nghiêng đón lấy ánh trăng. Da Líu tỏa ra ánh sáng dìu dịu. Đôi môi mềm mại làm trái tim Biều lỡ nhịp, đập loạn lên. Biều bối rối cắm cúi bước.

- Có thơm không Biều?

Líu nắm tay Biều kéo lại. Biều bối rối.

- Thơm! Thơm lắm!

Bất chợt, Líu choàng tay ôm chầm lấy Biều. Hương thơm con gái mát dịu làm Biều cứng người. Líu buông ra rồi bỏ chạy. Biều cứ đứng im như bị sét đánh, chẳng biết nên đuổi theo hay quay về.

Hết mùa trăng ấy, Biều mới dám cầm tay Líu. Chỉ cầm tay thôi mà trống ngực đánh thình thịch. Chẳng biết nói câu gì với Líu. Líu cũng chẳng nói gì. Líu buồn. Hôm nay, nhà Mềnh vừa sang đánh tiếng, muốn hỏi Líu về làm dâu. Líu muốn từ chối mà không được. Bố bảo Líu lớn rồi, nên lấy chồng đi thôi.

- Biều này, tôi sắp phải về làm dâu nhà Mềnh rồi!

Biều giật mình. Câu nói của Líu làm Biều choáng váng.

- Đừng! Líu ơi! Tôi thích Líu mà! Lấy tôi nhé Líu!

Sự sợ hãi mất Líu làm Biều không nghĩ được gì nhiều. Cậu vụng về ôm lấy Líu. Thật chặt. Líu nhẹ gỡ tay Biều ra.

- Vậy Biều đến hỏi cưới tôi đi!

Biều ngẩn người. Biều chẳng còn bố mẹ. Chẳng bà con họ hàng. Chẳng có một mái nhà thì lấy gì mà hỏi Líu? Nhưng Biều có đôi tay, có sức khỏe. Ngày mai, Biều sẽ đến hỏi Líu làm vợ. Thế nhưng cái ngày mai ấy mãi không đến. Khi Biều vừa chia tay Líu thì một đòn mạnh giáng vào gáy làm Biều ngất lịm. Cả Biều và Líu đều không biết trong số ba bóng đen lén lút rình rập họ có Mềnh.

Biều tỉnh lại ven một con suối. Con suối nằm tít trong rừng sâu. Biều lạc rừng. Khi tìm về đến bản đã là năm ngày sau. Nhà Líu đang làm đám cưới. Miền chặn Biều ở cổng. "Thầy cúng nói con ma rừng bắt Biều đi rồi. Vì số Líu với Biều không hợp nhau. Líu phải lấy Mềnh thì con ma rừng mới thả Biều về. Líu buồn khổ lắm, nhưng nó phải chấp nhận. Nó bảo tôi gặp Biều, bảo Biều đừng tìm nó nữa". Năm ngày đói khát cùng với sự tuyệt vọng đã xô ngã Biều. Trời đất trở thành tối tăm, vô vọng.

*

- Cậu ấy đỡ rồi!

- Vâng ạ! Cháu cảm ơn bác sĩ.

Giọng Líu nghèn nghẹn. Biều mở mắt. Cảm giác c‌ơ th‌ể đã khỏe hơn rất nhiều, Biều gọi Líu.

- Líu à! Tôi không sao rồi!

Vị bác sĩ quay lại nhìn Biều. Ánh mắt đầy ấm áp, mừng rỡ nhưng cũng đầy bối rối. Biều rùng mình. Ánh mắt quen quá! Bác sĩ nở nụ cười:

- Cậu tỉnh rồi! Tốt quá...

- Vâng! Cảm ơn bác...

Biều chưa dứt câu, bác sĩ đã quay người. Bước chân có chút vội vã. Biều chống tay ngồi dậy. Líu đỡ một bên.

- Ai vậy Líu?

- Bác sĩ Tâm! Bác sĩ tốt lắm! Cứ qua lại vào thăm mình luôn. Mọi người trong phòng này ai cũng khen bác sĩ. Nhiệt tình, tốt bụng, quan tâm bệnh nhân như người nhà! Mình thấy sao rồi?

- Đỡ nhiều rồi! Ăn hết ba bát cơm lại vác cày được rồi!

Líu bật cười trước câu đùa của Biều. Cô với tay lấy chùm nho, bóc một quả đưa cho Biều.

- Mình ăn đi! Quà của bác sĩ Tâm đấy!

- Sao mình lại nhận?

- Tôi không nhận nhưng bác ấy ép quá! Bác ấy bảo mình sốt nên háo nước, nên cho mình ăn hoa quả.

- Lần sau đừng nhận nhé. Dù gì cũng là người lạ!

Líu gật đầu. Thế nào là người lạ? Người quen? Như Biều và cu Thắng có là người lạ? Như Mềnh và cu Thắng có là người quen? Cu Thắng là con của Mềnh đấy, nhưng nếu không có Biều thì nó chết rồi. Hôm đấy Líu ốm, cu Thắng cũng sốt. Mềnh biết mà vẫn bỏ đi ăn cưới. Líu không còn sức dậy nấu cơm trưa. Hai mẹ còn cùng nhịn.

Quá buổi trưa, cu Thắng sốt cao lịm đi. Líu vịn tường lết ra cửa kêu cứu. Biều ào đến như một cơn gió. Biều ẵm thằng bé chạy xuống trạm xá. Bác sĩ bảo chậm một chút nữa nó bị co giật, có cứu được cũng thành tật. Líu nghe mà xót xa quặn thắt trong lòng. Mềnh đối xử tệ bạc với Líu bao nhiêu Líu vẫn âm thầm chịu đựng. Từ lâu lắm rồi, Mềnh không biết cầm dao, cầm cuốc. Mềnh không kiếm được đồng tiền nào, chỉ say rượu từ sáng đến tối. Mọi việc từ làm ruộng, làm nương đến việc nhà, việc cửa, chăm sóc bé Thắng đều đổ lên đầu Líu. Vậy mà vẫn không được yên với Mềnh.

Những đêm say rượu về, Mềnh lôi Líu ra mà vần vò, mà đánh đập. Líu cắn răng chịu đựng vì nghĩ mình cần một gia đình, bé Thắng cần một người cha. Chỉ khi nhìn bé Thắng nằm bẹp trên giường bệnh, những hơi thở yếu ớt, Líu mới bừng tỉnh. Líu phải rũ bỏ Mềnh. Líu phải sống vì bản thân và con. Mặc kệ Mềnh với những cơn say. Kệ miệng lưỡi người đời độc địa...

- Líu à! Đang nghĩ gì thế?

- Không! Nhớ chuyện cũ chút thôi.

Líu quệt nước mắt, gượng cười. Biều cầm lấy bàn tay Líu.

- Đừng nghĩ nhiều nữa! Qua hết rồi! Tôi đỡ rồi, Líu về đi! Để con ở nhà tôi không yên tâm.

- Không! Làm sao tôi bỏ mình ở một mình được! Tôi nhờ bác Tìn trông cu Thắng rồi!

- Tôi khỏe rồi mà! Trận cảm này không quật ngã được tôi đâu. Líu cứ về đi. Tôi sợ con không thấy bố mẹ lại khóc! Còn nhà cửa, lợn gà nữa...

- Đúng đấy! Cháu cứ chăm con về đi. Chồng cháu đỡ rồi. Bác sẽ qua lại để ý giúp cháu - Bác sĩ Tâm cầm chai dịch truyền đứng ngoài cửa nói vọng vào. Mấy người nhà bệnh nhân giường bên cạnh cũng khuyên Líu về với con và chăm lo liệc nhà. Lừng khừng mãi, Líu cũng nghe lời mọi người, sắp xếp đồ đạc cho Biều rồi về. Biều ngồi nhìn theo bóng Líu đi qua sân bệnh viện.

- Chú sướng thật! Có người vợ xinh đẹp, hiền lành lại hết mực yêu chồng. Nhìn cách cô ấy lau mặt, bón nước cho chú, tôi ước mình cũng có người chăm sóc như thế! - Người đàn ông giường bên nói vọng sang. Biều mỉm cười.

Tám năm trôi qua rồi, Biều chưa bao giờ hết yêu Líu. Ngày Líu đi lấy chồng, Biều không chịu nỗi đau ấy. Anh bỏ về thành phố làm thuê. Cuộc sống người phụ hồ gắn liền với những công trình xây dựng và những chỗ ở tạm bợ. Những đêm mưa ngồi nhìn những giọt nước rơi trong ánh đèn cao áp vàng vọt, Biều nhớ Líu đến phát điên. Anh muốn bỏ về trong đêm để gặp Líu. Thế nhưng làm sao được? Líu đã là vợ Mềnh. Líu đã có con... Biều phải chôn nỗi nhớ ấy vào tận sâu trong trái tim.

May mắn cho Biều trong những ngày tháng ấy, anh Hùng, người chủ thầu xây dựng luôn động viên Biều. Anh bảo: "Người đàn ông cần phải dựng được cho mình một ngôi nhà mới xây dựng được hạnh phúc. Năm năm sau, nếu em quên được cô ấy thì tốt. Còn nếu không quên được, hãy quay lại tìm cô ấy". Biều nghe lời anh Hùng, lao vào công việc.

Sự chăm chỉ, nhiệt tình, hết lòng với công việc của Biều được mọi người đánh giá cao. Biều được anh Hùng giao quản lí, giám sát xây dựng một số công trình. Biều tích cóp được số vốn nho nhỏ. Biều muốn quay về dựng một ngôi nhà trên nền đất cũ của mẹ. Nhưng trước đó, Biều muốn quay về tìm Líu. Một lần thôi! Nếu Líu hạnh phúc, Biều sẽ đi. Không bao giờ trở lại ngôi làng trên lưng chừng dãy Khau Hốc đó nữa. Anh Hùng không cản. Anh chỉ mong sau khi ổn định cuộc sống, Biều quay lại làm với anh. Ngày Biều quay về là ngày nhìn thấy mẹ con Líu thoi thóp trên giường. Biều tự hứa sẽ không để mẹ con Líu phải khổ nữa. Anh sẽ là mái nhà che mưa, che nắng, che đỡ mọi bão giông đổ xuống cuộc đời mẹ con Líu.

- Nghĩ gì mà thần người ra thế cháu?

Biều bừng tỉnh. Bác sĩ Tâm đứng bên cạnh từ lúc nào. Một nụ cười ấm áp. Biều cũng mỉm cười.

- Không có gì ạ.

- Bác muốn mời cháu đi ăn tối.

- Cháu cảm ơn! Nhưng cháu không đói.

- Không đói cũng cần ăn chứ. Cháu có muốn sớm được về với vợ con không?

- Có ạ! Nhưng để cháu mời bác.

*

Nhà hàng nằm ven bờ sông. Bác sĩ Tâm chọn một bàn hơi khuất. Gió từ sông thổi vào mát rượi. Ông gắp đồ ăn cho Biều. Biều hơi ngại, cắm cúi ăn vì chẳng biết nói gì.

- Có phải cháu đã từng ở Nậm Khiêu?

- Vâng ạ! Cháu đã sống ở đó đến năm bảy tuổi.

- Sau đó thì sao?

- Một người bà họ xa đón cháu về nuôi. Cách xa lắm...

Biều cúi mặt. Ngôi nhà bùng bùng lửa cháy. Những tháng ngày khó nhọc, lang bạt hiện ra trước mắt. Đôi mắt anh nhòe đi. Bác sĩ Tâm lúng túng.

- Bác xin lỗi.

Ông gắp cho Biều một cái đùi gà. Biều ngẩng lên. Đôi mắt bác sĩ Tâm ấm áp quá. Biều rùng mình nhớ đến đôi mắt của mẹ. Đôi mắt mẹ cũng ấm áp và bao dung như thế.

- Bác đã đi tìm cháu rất nhiều năm nay...

- Tìm cháu?

- Bác đã hỏi Líu về cháu. Mẹ cháu tên Thiền, biết lấy thuốc nam chữa bệnh đúng không?

Biều gật đầu. Kí ức về mẹ không nhiều nhưng Biều vẫn nhớ mẹ lấy thuốc rất giỏi. Rất nhiều người bản xa, bản gần và cả miền xuôi lên nhờ mẹ cắt thuốc. Mỗi chiều mẹ đi rừng hái thuốc về, người mẹ thơm lắm. Mùi cỏ cây, mùi hoa rừng ngấm vào thân thể mẹ. Biều ngồi đợi ở cầu thang đón mẹ và đón cả mùi thơm ấy.

- Mẹ cháu là ân nhân của bác. Nếu không có mẹ cháu, bác đã bỏ xác giữa rừng. Bác tự hứa là sẽ chăm sóc cháu suốt phần đời còn lại. Vậy mà sau đám cháy, bác trở lại tìm nhưng không thấy cháu. Bác sợ không còn được gặp cháu nữa.

Giọng bác Tâm nghẹn ngào. Bác nắm lấy bàn tay Biều.

- Cảm ơn trời Phật đã cho bác gặp lại cháu, để đền đáp ân tình của mẹ cháu. Hiện giờ cháu sống thế nào?

- Cháu về lại Nậm Khiêu rồi. Dựng nhà trên nền đất cũ... Cháu có ít vốn nên mua được mấy mảnh ruộng, nương chè và nương thảo quả. Trời thương nên vợ con cháu ít ốm đau. Cháu lo việc ruộng nương. Vợ cháu ở nhà chăn nuôi và trông con. Cuộc sống cũng tạm ổn ạ!

- Bác nghe Líu kể, cu Thắng là...

Ông Tâm bỏ lửng câu nói. Biều hiểu ông muốn nói gì. Anh khẽ mỉm cười. Biều nhớ nụ cười của cu Thắng. Có lẽ giờ này thằng bé sắp ngủ. Trước khi ngủ, nó bắt bố phải chơi với nó rất nhiều trò: trâu húc nhau, oẳn tù tì, giã gạo, bắt bố làm ngựa cưỡi... Tiếng cười vang khắp căn nhà nhỏ. Đã bao giờ Biều nghĩ Thắng không phải là con anh? Chưa bao giờ! Từ ngày bế thằng bé trên tay chạy một mạch đường rừng xuống trạm xá, anh đã tự nhủ thằng bé là con mình. Anh sẽ cho nó một cuộc sống đủ đầy hạnh phúc. Không giống như anh.

- Là con cháu! Cho dù vất vả thế nào, cháu cũng chịu được. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười của Líu và bé Thắng, mọi mệt nhọc sẽ tan biến cả! Với cháu, thế là hạnh phúc rồi!

Ông Tâm cầm ly nước. Một cơn gió từ sông thổi vào khiến ông lành lạnh. Ông so vai.

- Bác Tâm! Có phải bác là người đã nhảy vào ngôi nhà cháy cứu cháu ra?

Ông Tâm nhìn ra phía bờ sông, khẽ gật đầu. Những chuyện nên nhớ, nên quên chợp chờn đan xen làm trái tim ông nhoi nhói.

- Cảm ơn bác! Gần hai mươi năm rồi, cháu mới có dịp nói lời này.

- Đừng nói vậy cháu. Có những lời cả đời vẫn chưa kịp nói!

Giọng ông Tâm nhỏ dần như đang nói với chính mình. Ngoài trời, mưa bắt đầu rơi. Những hạt mưa rơi trên mặt sông thành những đốm sáng nhỏ. Lại một cơn gió lạnh. Ông Tâm kéo ghế tránh gió. Chiếc ghế gần lại bên ghế Biều. Giọng ông Tâm run run:

- Biều à! Cho bác coi vợ chồng cháu như con của bác nhé!

Biều quay sang nhìn ông. Gương mặt, ánh mắt đầy hồi hộp, chờ đợi. Đèn đường hắt ánh sáng vàng vọt lên mặt ông. Những hạt mưa bay ngang vùng ánh sáng gợi nên nỗi buồn. Nỗi buồn của những đêm dài không ngủ, ngồi nhìn mưa nhớ Líu và mong ước một mái nhà. Nơi ấy có mẹ, có cha... Phải chăng niềm mơ ước, khao khát ấy vẫn luôn nấp kín trong lòng Biều? Để đêm nay đây, sự khao khát ấy trào ra như dòng nước lũ. Trái tim Biều run lên bởi những cảm xúc thật khó tả. Nước mắt dâng lên khóe mi khiến mọi hình ảnh trở nên nhạt nhòa. Trong vùng nhòe nhoẹt ấy, hình dáng ông Tâm như một ngọn đèn ấm áp. Anh nắm chặt lấy tay ông.

- Vâng! Bố...

*

Ông Tâm mở cửa sổ. Bên ngoài, trời hưng hửng sáng. Sáng nay, ông sẽ đưa Biều về Nậm Khiêu. Đêm qua, ông ngủ một giấc thật ngon. Lâu lắm rồi ông mới không mộng mị. Cơn ác mộng hay kí ức về ngôi nhà cháy không trở về hành hạ ông nữa. Phải chăng, vì ông đã tìm gặp được Biều? Biều có đôi mắt của mẹ.

Đôi mắt trong veo và nhân hậu. Đôi mắt ấy ông nhìn thấy lần đầu tiên, khi tỉnh dậy giữa rừng già. Ông lạc rừng trong chuyến khảo sát nghiên cứu về hệ thống cây thuốc nam trên dãy núi Tây Côn Lĩnh. Ngần cứu ông khi ông lả đi giữa rừng. Ông thoát khỏi sự bủa vây của rừng nhưng lại chìm giữa đôi mắt trong veo của cô gái ấy. Hơn bảy ngày cùng Ngần xuyên qua những tán rừng rậm, Ngần đã mở ra cho ông biết bao bí mật về rừng.

Đêm cuối cùng trước khi tìm thấy đoàn khảo sát, dưới chân ngọn núi Tây Côn Lĩnh, Ngần nằm gối lên tay ông. Bảy ngày, đủ để thắp lên một tình yêu mãnh liệt. Nhưng sau chuyến đi ấy, một trận sốt rét đã khiến ông nằm bẹp ba tháng trời. Khi ông quay trở lại chân núi, căn lều ấy đã bỏ không. Ông không quay lại đúng hẹn. Ngần biến mất như một làn khói mỏng giữa rừng. Ông tìm kiếm khắp dải núi mà không gặp được. Tám năm sau, trong chuyến khám bệnh từ thiện ở Nậm Khiêu, ông tìm thấy Ngần. Nhưng ngay đêm đó, ngôi nhà của Ngần bốc cháy. Ông lao vào cứu được thằng bé, con Ngần. Còn Ngần đã theo đám cháy ấy về trời.

Không ai biết cha thằng bé. Cuộc sống của Ngần cũng là một ẩn số với người dân Nậm Khiêu. Họ chỉ biết Ngần mới chuyển đến gần một năm nay. Cô nhặt thuốc nam rất giỏi. Không bà con, họ hàng thân thích. Cô rất ít kể chuyện bản thân mình. Cô nuôi con bằng nghề bốc thuốc nam. Sau đám cháy, thằng bé cũng biến mất.

Ông Tâm lại lao vào cuộc tìm kiếm đứa trẻ với câu hỏi: Liệu Biều có phải là con ông? Nhưng đến đêm qua, khi ngồi nói chuyện với Biều, câu hỏi trong lòng ông đã biến mất. Có quan trọng gì đâu, khi Biều đã nhận ông là bố. Đơn giản như cách Biều nhận cu Thắng là con. Ông đã mất gần hai mươi năm đi tìm đáp án cho sự day dứt trong lòng mình. Thế nhưng giờ đây, đáp án đã ở trước mặt nhưng ông lại thấy chẳng cần mở ra xem kĩ. Có quan trọng gì đâu, bởi như Biều nói, chỉ cần yêu thương là đủ...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật