Chúa Trời và Đức Phật trong tư duy của người Nhật như thế nào?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại sao cả người có đạo và kẻ vô thần đều muốn tìm sự an ủi ở chốn linh thiêng. Đấng tối cao liệu có gột rửa hết được những sân si trong tâm hồn họ?
Chúa Trời và Đức Phật trong tư duy của người Nhật như thế nào?
Tiểu thuyết Bên dòng sông Hằng của Endo Shusaku.

Bên dòng sông Hằng là tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn người Nhật Endo Shusaku. Khi tác phẩm này được xuân bản, cha đẻ của nó đã bước vào tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hi”. Từng con người, từng câu chuyện trong cuốn sách đều thể hiện cái nhìn thấu triệt cùng cảm quan đa chiều của Endo Shusaku về đời sống. Đau khổ, bi ai, dằn vặt dường như đều đến từ sự tham lam của con người.

Tiếc thay, khi họ nhận ra điều đó thì đã quá muộn. Dẫu sao, muộn vẫn hơn không! Dù vô thần hay hữu đạo, họ đều tin rằng có một đấng quyền năng tối cao nào đó sẽ tha thứ cho những tội lỗi đầy phàm tục của con người. Tất cả cùng đến trước dòng sông thiêng với ước mong được thanh thản. Liệu đấng tối cao kia có linh nghiệm như chúng ta vẫn tưởng tượng?

Năm con người xa lạ và cuộc gặp bên sông Hằng

Bên dòng sông Hằng chứa đựng những câu chuyện khác nhau của 5 người Nhật Bản trong chuyến hàng hương chẳng hề thanh tịnh. Số phận đã ban tặng họ những bến đỗ khác nhau với những niềm đau riêng. Trong phút giây trống trải, họ tìm đến bên sông Hằng với mong mỏi tâm hồn được thanh tẩy, những nguyện ước sẽ được thành toàn. Liệu đó có phải là một đòi hỏi quá đáng?

Khi ông Isobe sắp trở nên già nua, số phận lại trêu ngươi khi mang vợ của ông đi xa mãi mãi. Trước khi qua đời vì bệnh ung thư, bà đã nhắn nhủ rằng mình sẽ trở về trong kiếp khác. Phải chăng, người bạn đời hiền hậu, chỉ biết quanh quẩn chuyện bếp núc của ông Isobe tin vào sự luân hồi? Với tâm thế nửa tin nửa ngờ, người đàn ông góa vợ lên đường đến Vàrànasì.

Gương mặt không có quá nhiều nếp nhăn, nhưng tâm hồn Mitsuko đang trở nên cằn cỗi và trống rỗng. Đã ly hôn và không còn trẻ trung để bước vào tình yêu, cô chọn cách sống một mình và làm thiện nguyện tại bệnh viện để giết thời gian. Cô đến sông Hằng để tìm xem bản ngã đích thực của mình nằm ở đâu? Nó là sự hiền lành, an phận của hiện tại hay là sự nổi loạn trong quá khứ? Dường như tâm hồn cô đang bị chúng giành giật.

Rõ ràng hơn hai người họ, ông Numata đến bên sông Hằng để nói một lời cảm ơn. Ông vừa trải qua một cơn bệnh nặng, dường như lưỡi hái của tử thần chỉ cách sinh mạng trong gang tấc. Nhưng số mệnh vẫn dành cho văn nhân một chút may mắn. Ông bình phục trong sự kinh ngạc của các bác sĩ. Dù sao, Numata vẫn nghĩ rằng nên dành cho cuộc đời này một lời cảm ơn. Và ông đến bên sông Hằng để tỏ bày sự thành kính ấy.

Ông Kiguchi từng là một người lính. Trong chiến trận, ông đã thấy cái chết gần trong gang tấc. Bom đạn, súng ống và mùi tử khí khiến cho con người ta trở nên man rợ. Để giữ được mạng sống, một người đồng đội của ông đã phải ăn thịt người để cầm hơi. Và điều đó khiến ông ta ăn năn suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. Ông Kiguchi đến bên sông Hằng để cầu siêu cho những người lính đã chết trong chiến tranh. Dù cho họ ở chiến tuyến nào, tất cả đều không đáng chết.

Còn Ootsu, người có đạo duy nhất trong cuộc hành trình, và cũng là kẻ đáng thương nhất. Anh ta mộ đạo và muốn dành cả đời để phụng sự Chúa. Nhưng dù cố gắng thế nào, Ootsu vẫn không thể trở thành một linh mục. Anh ta đến bên sông Hằng để phụng sự Chúa với một danh phận thấp hơn. Miền đất thánh này là nơi Ootsu chất vấn Chúa về sự công bằng.

Dòng sông hay tấm gương soi của quá khứ

Trong những phút giây tĩnh tại, cả năm người dành thời gian hồi tưởng lại những năm tháng mà mình từng sống trên cõi đời này. Tất cả đều đã làm những điều khiến bản thân phải hối hận, nhưng dường như họ không nhận ra điều đó. Sự vô tâm và những ham muốn rất con người cứ thế cuốn họ đi khỏi đức tin và những điều tốt đẹp.

Sông Hằng là địa điểm hành hương của hàng triệu tín đồ mộ đạo.

Ông Isobe sống như một người đàn ông Nhật kiểu mẫu, chỉ biết cống hiến cho xã hội và thờ ơ với gia đình. Là một người chồng nhưng ông ít khi nói những lời tình tứ với vợ. Chúng làm ông cảm thấy ngượng miệng và không cần thiết. Người chồng ấy chỉ biết sống cho mình mà chưa từng sống cho vợ. Ông buộc mình phải tin vào kiếp sau để tìm sự tha thứ.

Mitsuko là một cô gái tỉnh lẻ lên thành phố học đại học. Cuộc sống tự do và hào nhoáng của đám sinh viên đã cám dỗ cô. Mitsuko uống rượu và bắt đầu hẹn hò. Lúc ấy tình yêu với cô chỉ là trò tiêu khiển. Anh chàng Ootsu hiền lành, cục mịch và sùng đạo như một món đồ chơi mới bắt mắt.

Là một người vô thần Mitsuko không tin tình yêu với Chúa Trời có thể lớn hơn sự cám dỗ của á‌i tìn‌h. Cô nghĩ về Chúa và thách thức đấng quyền năng chiến thắng trong cuộc chiến giành anh chàng Ootsu ngờ nghệch. Một chàng trai trẻ có thể từ bỏ đức tin, chứ không bao giờ từ bỏ những nhục dục. Mitsuko hạnh phúc khi Ootsu không tới nhà thờ vào ngày chủ nhật. Thay vào đó, anh ta mãi miết đi tìm lạc thú trên ngực cô.

Đáng tiếc, giữa họ không có tình yêu và Mitsuko bỗng cảm thấy chán nản trước trò chơi mà cô ta bày ra. Những năm về sau, khi đã kết hôn, người phụ nữ ấy vẫn không hiểu thế nào là tình yêu. Dù có tiền và địa vị, người chồng hoàn hảo mà bao người mơ ước cũng khiến cô cảm thấy chán nản, chẳng khác nào anh chàng Ootsu xưa.

Với Endo Shusaku thế giới này không tồn tại những ranh giới.

Endo Shusaku sinh ra ở Tokyo vào năm 1923, nhưng từ khi lên 3 cho đến năm 10 tuổi, ông cùng mẹ sống ở Đại Liên, Mãn Châu trong thời kì quân đội Nhật chiếm đóng Trung Quốc. Sau đó hai mẹ con ông tới Kobe sinh sống. Năm 11 tuổi, Endo Shusaku chịu phép rửa tội và chính thức theo đạo Công giáo.

Nhà văn người Nhật Endo Shusaku. Trước khi mất, ông muốn bỏ hai cuốn tiểu thuyết của chính mình vào áo quan, trong đó có Bên dòng sông Hằng.

Năm 1950, ông là người Nhật đầu tiên du học Pháp sau Đại chiến Thế giới thứ II. Tại Đại học Lyon, ông nghiên cứu Văn học Công giáo đương đại. Có thể nói Thiên Chúa giáo đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Endo Shusaku. Những suy ngẫm về Thiên Chúa đã trở thành đề tài trong nhiều tác phẩm của ông như: Sao Chúa mãi im (1966), Đời Jesus(1973) và Bên dòng sông Hằng (1993)…

Những con chiên luôn tự nhận mình mộ đạo liệu có hoàn toàn tin vào Chúa trời hay không? Ngược lại, trong tâm tưởng của những kẻ vô thần liệu có tồn tại những suy tưởng tuân theo lời răn của Chúa. Trên thế giới này, không có gì là tuyệt đối và đức tin cũng như vậy? Chính vì quá tin tưởng nên ta với hoài nghi và những điều huyễn hoặc, mơ hồ đôi khi lại khiến ta đặt lòng tin một cách tuyệt đối.

Bên dòng sông Hằng hấp dẫn người đọc bởi sự mâu thuẫn mà nó mang trong mình. Vừa cứng rắn như băng nhưng lại cũng mềm mại như nước. Sâu sắc, thông tuệ đầy tính triết luận về tôn giáo, nhân sinh và lẽ sống, thể hiện được sự uyên thâm và vốn sống đa dạng của tác giả.

Đồng thời, tác phẩm cũng mang những nét đời thường rất dung dị và đáng yêu. Nó thể hiện được tâm hồn Nhật, cốt cách Nhật của một người con xứ sở hoa anh đào, dù cho tác giả đã đi khắp muôn phương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật