Cầu an nơi cửa Phật - nét đẹp tâm linh đầu xuân của người Việt

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu Xuân mới, bà con nhân dân ở thành phố Vũng Tàu và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh lại tìm đến chùa Giác Hạnh Tự ở phường 12, TP Vũng Tàu để cầu an. Đến đây không chỉ cầu sức khoẻ, tài lộc, làm ăn xuôi chèo mát mái, gia đình trong ấm ngoài êm, đất trời mưa thuận gió hoà, mà còn tìm về chốn linh thiêng. Lễ cầu an đã trở thành nét đẹp văn hóa thể hiện sự đoàn kết trong cộng đòng dân cư.
Cầu an nơi cửa Phật - nét đẹp tâm linh đầu xuân của người Việt
Quang cảnh lễ cầu an tại chùa Giác Hạnh Tự

Chùa Giác Hạnh Tự những ngày đầu xuân luôn mở rộng cánh cửa đón bà con thập phương đến viếng thăm và đăng ký lễ cầu an, giải hạn. Sau Tết Nguyên đán bận rộn, người dân mới có dịp tĩnh tâm ngồi trước thiền môn, dưới chân đức Phật để giãi bày tấm lòng, để cầu an phước cho một năm mới mọi điều tốt lành.

Mẹ con bà Nguyễn Thị Lịch ở 1082 đường 30/4 phường 11, TP Hồ Chí Minh năm nào cũng chuẩn bị chu đáo mâm cỗ cầu an và có mặt rất sớm ở chùa. Bà đến với tất cả lòng thành kính, với cái tâm cái đức của Phật tử : “Như đã thành thông lệ, năm nào tôi với con gái cũng lên chùa cầu an. Ở đây tôi đã tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn, gạt bỏ bao chuyện ưu phiền trong cuộc sống. Mỗi lần cầu an là mỗi lần trút bỏ những vướng mắc bon chen đời thường để lòng mình thánh thiện hơn, nhân hậu hơn, sống có ích hơn”, bà Lịch nói.

Chị Lê Thị Hạnh ở 1026 đường 30/4, TP Hồ Chí Minh cũng là Phật tử lâu năm của nhà chùa. Năm nay chị không đến chùa được vì vừa mất đôi chân sau khi bị bệnh nặng. Chị đã viết kỹ càng tên tuổi của chồng, con, cháu ra giấy và giao cho cô con gái gửi lên thầy trong chùa để nhờ làm lễ. Chị nói: “Lễ cầu an là một nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt, không chỉ có tính hướng thiện nhắc nhở mọi người lòng khoẻ, gia đình hoà thuận ấm êm, mà còn cần trời đất mưa thuận gió hoà, tình người đoàn kết an bình”…

Không chỉ mẹ con bà Lịch, chị Hạnh mà tất cả những người đến cầu an ở chùa Giác Hạnh Tự đầu năm mới đều có chung một tấm lòng, một ước nguyện là cầu chúc cho người thân của mình có sức khoẻ, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, gia đình hạnh phúc ấm êm mà còn cầu xóm làng đoàn kết, văn hoá.

Trụ trì chùa Giác Hạnh Tự hiện là thầy Ngọc (Pháp danh Thích Thiện Thọ), năm nay đã 87 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Mắt cụ tinh tường, đọc chữ Nho, chữ Việt không cần đeo kính. Thầy về trụ trì chùa Giác Hạnh Tự sau ngày giải phóng Sài Gòn năm 1975, đến nay đã 75 năm ăn chay niệm phật. Với tấm lòng cứu độ chúng sinh, mỗi lần cầu an, cụ dường như khoẻ ra và minh mẫn hơn. “Nhà chùa luôn rộng cửa đón các phật tử, cứu vớt những cuộc đời lầm lỡ. Khuyên dậy chúng sinh làm việc thiện, điều hay lẽ phải, trừ gian, bỏ ác, sống vui. Người trẻ kính trên, người già nhường dưới để cái đức, cái hậu cho thế hệ con cháu mai sau. Đó là cái nhân, cái quả, là tấm lòng nhà phật”, thầy Ngọc bộc bạch.

Ngày thường, bà con đến chùa xem việc cất nhà, động thổ, cưới xin, khai trương hay nhờ việc ma, chay, hiếu, hỉ. Họ đến không phải để “xem bói” duy tâm, mà để được nhà chùa răn dậy, nâng đỡ khuyến khích tinh thần, chỉ đường đi hướng thiện cuộc đời. Thầy Giáp- người kế tục trụ trì chùa cho biết: “Phật tử đến nhà chùa thường là khúc mắc chuyện gia đình bất hoà, làm ăn không thành, nhân duyên trắc trở… Do vậy trách nhiệm của nhà chùa là giảng giải để tâm hồn họ bình an hướng thiện, tránh làm điều ác, điều xấu. Đó là gieo “nhân” để đời sau gặt “quả”. Để khuyên dạy con người hướng thiện, trước hết nhà phật phải có tấm lòng từ bi vô độ tâm lương. Răn dậy nâng đỡ tinh thần một kẻ ác hoàn lương là cứu được một chúng sinh hoà nhập với cuộc sống cộng đồng. Giúp được người nghèo khó là tấm lòng từ bi hỉ xả. Đó là cốt cách, là luân thường đạo lý của nhà phật”.

Với tấm lòng hảo tâm đóng góp của các phật tử, nhà chùa đã xây dựng một cơ ngơi yên tịnh khanh trang, thoáng mát để khách đến viếng thăm. Nhà thờ phật chính điện, nhà để di cốt, nhà ăn, và công trình tháp 3 tầng mới xây dựng đều tự tay thầy Giáp thiết kế. Các hoạ tiết hoa văn mang đậm dấu ấn phật giáo. “Đây là tấm lòng của nhà tu hành, là phúc lộc nhà chùa. Công trình của chùa, là nơi thể hiện tinh thần, đoàn kết, văn hóa chung của nhân dân” thầy Giáp nói.

Những ngày xuân, đến chùa Giác Hạnh Tự cầu an, qùy dưới chân đức phật, mọi cái ác, điều xấu đều tan biến. Tất cả chỉ còn lại sự kính cẩn, hướng thiện, thân ái, chính nghĩa trong lòng. Đầu xuân đi lễ cầu an đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của mọi người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật