Nữ pháo cao xạ canh trời đặc biệt ở TP Đồng Hới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những cô gái tuổi từ 18-25 ở các xã, phường của TP Đồng Hới (Quảng Bình) và một số huyện trong tỉnh Quảng Bình đã trở thành pháo thủ cao xạ, sống đời quân ngũ, có nhiệm vụ canh giữ vùng trời, vùng biển Đồng Hới. Họ thuộc quân số của đại đội nữ pháo phòng không 37ly thường trực chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân TP Đồng Hới.
Nữ pháo cao xạ canh trời đặc biệt ở TP Đồng Hới
Một khẩu đội sẵn sàng chiến đấu.

Đại đội được thành lập từ 14 năm trước. Doanh trại nằm trên vùng đất sỏi cằn cỗi thuộc địa bàn xã Quang Phú, TP Đồng Hới. Từ ngày thành lập đến nay, đại đội đã nhiều lần thay đổi quân số.

Nhưng vùng đất hoang vắng này vẫn luôn đầy ắp tiếng cười đùa của con gái sau những giờ ra thao trường hay tăng gia sản xuất trở về. Nhiều chuyện vui của chị em vẫn được “truyền lại” trong đại đội.

Những ngày đầu chưa quen

Trong căn nhà bếp khang trang, đại đội trưởng Lê Thị Hà Giang, 22 tuổi, với khuôn mặt rám nắng, đang tập hợp chị em chuẩn bị ra vườn tăng gia sản xuất. Giang cho biết thời gian này đại đội vừa phục vụ xong diễn tập phòng thủ TP Đồng Hới 2018 nên chị em nghỉ huấn luyện pháo.

Trong câu chuyện của các chiến sĩ, vui nhất vẫn là chuyện ngày đầu xa gia đình vào quân ngũ. Giang kể những ngày đầu mới ở tập trung, chị em chưa quen cảnh xa nhà nên cũng nhỉều bỡ ngỡ lắm. Ban ngày mắc huấn luyện, tăng gia nên quên, đêm về mới thấy nhớ nhà, vài cô ngồi tụm với nhau ngó ra cổng doanh trại, buồn thiu.

Chuyện này không ai chịu nói. Nên đại uý Lê Văn Hùng, sĩ quan Thành đội Đồng Hới tăng cường chỉ đạo đại đội, kể: “Ban đầu vào đại đội hầu như chị nào cũng nhớ nhà, lại không quen với kỷ luật quân sự. Vì vậy có người mới vào được vài hôm đã nằng nặc… đòi ra quân, không cho thì liền tấm tức khóc nhè, đại đội phải sinh hoạt tư tưởng động viên mãi mới thông”.

Có chiến sĩ nhà ở cách doanh trại đại đội chỉ một quãng ngắn, nhưng mỗi tháng cũng chỉ được về thăm nhà 1, 2 ngày. Chuyện “mít ướt” như vậy cứ diễn ra sau mỗi lần thay quân số, trở thành “chuyện kể truyền thống” của đại đội.

Ngoài chuyện “mít ướt” ấy, thì sợ ma cũng là nỗi sợ thường trực đối với hầu hết các lứa quân của đại đội. Do doanh trại đóng nơi hoang vắng, âm u nên mỗi phiên làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ doanh trại và trận địa pháo đều làm chị em ngại ngần.

Mỗi đêm gác 8 ca, từ 19h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau, cứ hai người một phiên. Dù có súng AK cầm trong tay nhưng cô nào cũng bước ríu vào nhau, run chân lên. “Vì là con gái nên sợ ma thôi”, Giang ngượng ngịu cười, bộc bạch.

Từ trước đến nay, “vui” nhất là trong sinh hoạt hằng ngày, không hiếm khi chị em cứ tưởng như đang ở nhà, nên muốn xem phim đến lúc nào chán thì thôi, vậy là bị cán bộ chỉ đạo đánh kẻng tập trung, hô quân lệnh, mới sấp ngửa chạy ra. “Sợ nhất là nội qui sinh hoạt, mọi cái cứ phải theo đúng bài bản quân sự mà mần, khác hẳn với thời gian tự do ưng mần chi thì mần khi ở nhà với ba mạ”, Nguyễn Thị Kiều Trinh, pháo thủ 1 thổ lộ.

Thành chiến sĩ canh trời

Đại đội trưởng Lê Thị Hà Giang vào đại đội từ tháng 3/2015, trở thành cựu trào trong quân số của đại đội hiện nay. Giang cho biết vào mùa huấn luyện pháo sợ nhất là những tháng hè. Nắng Quảng Bình chang chang trên những cồn cát ven biển, hơi nóng phả vào người hầm hập.

Có ngày trời nóng đến 37, 38o C, mâm pháo và các dụng cụ toàn bằng sắt phơi dưới nắng cứ nóng dãy lên. Có kẻng báo động chiến đấu, với các vị trí pháo khác còn đỡ chứ với vị trí pháo 2, pháo 1 như Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Kiều Trinh phải ngồi lên ghế sắt để quay tầm, quay hướng, đạp cò bắn thì thật là khổ. Ngày chưa vào đại đội, đi ra khỏi nhà là ai nấy đều khăn bịt kín mặt vì sợ đen da. Nay hằng ngày phải ngồi trên mâm pháo giữa nắng chang chang ai cũng thấy sợ.

“Vậy nhưng đã tình nguyện vào với đại đội là phải chấp nhận đen da, sạm nắng thôi. Mỗi năm huấn luyện bắn pháo hai tháng dưới trời nắng như vậy, nên cũng quen dần…”, Giang cho biết.

Có những chuyện rất vui trong quá trình huấn luyện, mà ở lứa chiến sĩ mới nào của đại đội cũng xảy ra. Đó là vào thời gian đầu học binh chủng, chị em háo hức cứ tưởng là sẽ lên mâm pháo bắn ầm ầm luôn, ai dè mấy ngày liền cứ phải ra trận địa cầm giẻ lau nòng, chùi thân pháo, kê kích bánh, dọn dẹp trận địa...

Đến phần học sử dụng pháo, thời gian đầu nghe chỉ huy hô nào là hướng 34, tiêu, tầm, tà âm, tà dương... ai cũng quớ, quay lộn cả lên. Không ít người khi nghe khẩu đội trưởng giơ cờ hô hướng tây, liền lập tức quay nòng pháo ra... hướng nam vì chưa quen tay quay bắt hướng. Cũng phải thôi, vì trước đó ai cũng chỉ quen với chợ búa, làm ruộng, chế biến hải sản hay học hành...

Mọi cái chưa quen rồi cũng quen. Lần lượt vài tháng sau khi vào quân số đại đội là chị em gác xách, tuần tra răm rắp. Chương trình huấn luyện cũng được chị em thành thạo từng khoa mục binh chủng, không ai còn bỡ ngỡ nữa. Pháo thủ 1 Nguyễn Thị Thu đã qua ba đợt tập luyện, qua bắn đạn thật, nay thành thạo cả hướng, tầm, cự ly… để bảo ban lại cho lứa chiến sĩ vào sau. Thu kể đợt bắn đầu tiên cũng sợ. Mỗi lần bạn đạp cò, súng nổ là cứ giật mình thon thót lên, sau cũng quen, lại thích được bắn.

Đại uý Lê Văn Hùng cho biết nhiều lứa quân của đại đội đã bắn mục tiêu ra trò sau khi huấn luyện. Điển hình như lần bắn đạn thật ở vùng Động Lở của lớp đàn chị như Đặng Thị Xuyến, Phạm Thị Nga, Nguyễn Thị Tiên…

Ban đầu ai cũng sợ tiếng nổ lớn. Nhưng khi vào bắn, nghe sĩ quan chỉ huy đặt tình huống chiến đấu, rồi khẩu đội trưởng hô mục tiêu, tự nhiên ai cũng thấy hết run, thấy tự tin hết sức.

Cựu pháo 2 Trần Thị Hồng Huyên kể: “Trước khi vào bắn thì có run, nhưng sợ không hoàn thành nhiệm vụ nên phải trấn tĩnh lại. Khi nghe khẩu đội trưởng hô bắn thì liền đạp cò súng”. Đoành, đoành... nhịp năm viên nổ vang. Mục tiêu trên không (là một chiếc bong bóng bay) vỡ tung. Mục tiêu trên mặt đất là mô hình xe tăng, lô cốt cũng bị pháo hạ nòng bắn thẳng trúng vào ngay vị trí.

Ngoài thời gian huấn luyện chiến đấu và học đội ngũ, đại đội còn tăng gia sản xuất góp thêm vào khẩu phần ăn hằng ngày. Hiện ở doanh trại có ba ao thả cá rộng hàng trăm m2, chuồng nuôi ba con bò và bảy con heo, nuôi đàn gà và ngỗng hơn 100 con, một vườn trồng rau xanh…

Mỗi chiến sĩ có thời gian ở đại đội từ 1 năm trở lên, lâu nhất khoảng 3-4 năm rồi ra quân. Lớp trước ra, lớp sau thay vào, cứ thế hàng trăm lượt chị em đã trở thành pháo thủ pháo cao xạ 37ly canh giữ bầu trời và vùng biển TP Đồng Hới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật