Quy trình mới về kiểm tra phế liệu nhập khẩu: Doanh nghiệp lo thêm nhiều thủ tục

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một số doanh nghiệp cho rằng, việc tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tế.
Quy trình mới về kiểm tra phế liệu nhập khẩu: Doanh nghiệp lo thêm nhiều thủ tục
Sở TN&MT sẽ thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Ảnh: N. Linh.

Lo vướng

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Vũ Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công ty Thủy Anh (Hải Phòng) , hiện nay, việc thực hiện kiểm tra đối với lô hàng phế liệu sẽ có đại diện doanh nghiệp, cơ quan Hải quan, tổ chức giám định được Bộ TN&MT chỉ định, tổ chức kiểm định của cơ quan Hải quan. Thực hiện theo quy định tại Thông tư 08 và Thông tư 09, doanh nghiệp lại phải đợi thêm kết quả kiểm tra của Sở TN&MT, như vậy sẽ thêm nhiều khâu giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Theo ông Tiến, một lô hàng phế liệu nhập khẩu được thông quan phải có giấy đạt tiêu chuẩn do các tổ chức giám định cấp. “Vậy tại sao, cơ quan quản lý nhà nước không chấp nhận kết quả kiểm tra của các tổ chức giám định mà lại giao cho Sở TN&MT thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, từ đó, sẽ tăng thêm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp?” - ông Tiến đặt câu hỏi.

Đặc biệt, hai Thông tư này quy định, cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu là Sở TN&MT nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Nhiều doanh nghiệp băn khoăn, nhà máy sản xuất của công ty ở Thanh Hóa, Nam Định… nhưng hàng lại được nhập về các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng… Như vậy, thời gian cán bộ của các Sở TN&MT di chuyển đến các cảng để thực hiện kiểm tra các lô hàng phế liệu sẽ mất nhiều thời gian.

Một doanh nghiệp giấy ở tỉnh Thanh Hóa đặt câu hỏi: “Công ty tôi có nhà máy sản xuất ở tỉnh Thanh Hoá nhưng hàng lại được nhập về ở cảng Hải Phòng, vậy cơ quan kiểm tra nhà nước là Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với cơ quan Hải quan như thế nào trong việc kiểm tra, giám định, lấy mẫu phế liệu?”. Do đó, doanh nghiệp đề nghị Bộ TN&MT tính toán rõ thời gian thực hiện các các bước kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để tránh lãng phí kinh phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Khẩn trương hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật

Trước những vướng mắc tại Thông tư 08 và Thông tư 09, ông Tiến cho rằng, Sở TN&MT chỉ dừng lại việc đánh giá và kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất đối với những doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Ví dụ, Sở TN&MT sẽ kiểm tra những lô hàng phế liệu nhập khẩu có vấn đề hoặc kiểm tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp theo chu kỳ 3 tháng/lần; một tháng/2 lần… để đánh giá nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã đạt tiêu chuẩn hay chưa.

Không chỉ có doanh nghiệp, nhiều đại diện của các Sở TN&MT cũng cho rằng, chỉ cần thực hiện kiểm tra nhà nước đối với doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo chuyên đề hoặc kiểm tra định kỳ. Ông Phạm Quang Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh cho rằng, hiện quy trình kiểm tra nhà nước đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu đã rõ ràng, quy chuẩn quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu. Đặc biệt, Bộ TN&MT cũng đã chỉ định cho các tổ chức thực hiện giám định các lô hàng phế liệu nhập khẩu và các tổ chức này phải chịu trách nhiệm trước Pháp Luật về kết quả giám định. Cơ quan Hải quan và các Sở TN&MT chấp nhận kết quả giám định đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu để phục vụ công tác quản lý.

Theo ông Vinh, quy trình kiểm tra các mặt hàng phế liệu nhập khẩu được quy định tại Thông tư 08 và Thông tư 09 là cần thiết. Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng, các Sở TN&MT chỉ nên thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất phế liệu theo định kỳ hoặc theo phản ánh của dư luận xã hội. “Khi dư luận xã hội, cử tri, báo chí phản ánh về những doanh nghiệp hoạt động trái quy định, chúng tôi sẽ có kế hoạch kiểm tra để làm rõ các vấn đề với cơ quan Hải quan, cơ quan quản lý và Bộ TN&MT.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Để đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động kiểm tra nhà nước, Bộ TN&MT đang khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, nhằm kiểm soát chặt chẽ về công tác bảo vệ môi trường, minh bạch hóa quá trình cải cách thủ tục hành chính về nhập khẩu phế liệu, để tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của chủ hàng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết thêm: So với các quy chuẩn cũ, các quy chuẩn mới ban hành đã thay đổi theo hướng tiếp cận với tình hình thực tế hiện nay, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, các tổ chức giám định và doanh nghiệp nhập khẩu trong công tác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Ban soạn thảo các quy chuẩn quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu sẽ tiếp thu và sớm hoàn thiện, ban hành hướng dẫn kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc của các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật