Thanh hoá: Thắng tích Hàn Sơn nơi cửa biển Thần Phù

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Lênh đênh qua cửa Thần Phù / Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm” - Câu ca dao mà dân gian đúc kết đủ cho thấy Thần Phù từng là một vùng cửa biển với nhiều hiểm nguy sóng gió, lại huyền bí về mặt tâm linh. Nơi sơn thủy hữu tình này cũng từng làm đắm say bao tao nhân mặc khách. Ngày nay, biển đã lùi xa, nhưng ngôi chùa Hàn Sơn, xã Nga Điền (Nga Sơn) chính là điểm nhấn để du khách tìm về du ngoạn vùng thắng tích có cảnh tọa sơn tụ thủy này.
Thanh hoá: Thắng tích Hàn Sơn nơi cửa biển Thần Phù
Quần thể di tích chùa Hàn Sơn tọa lạc giữa vùng sơn thủy hữu tình.

Nằm bên dòng Hoạt giang hiền hòa, quần thể chùa Hàn Sơn (Hàn Sơn tự) với mái ngói đỏ tươi đã trở thành nét chấm phá cho bức tranh tĩnh vật của một vùng sông núi. Dãy Tam Điệp vắt ngang chính là ranh giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, trở thành nơi tựa lưng vững chãi cho quần thể Hàn Sơn tự. Qua cây cầu Điền Hộ nổi tiếng, du khách dễ dàng nhận ra cổng chùa vừa hiện đại, vừa mang dáng dấp cổ kính. Men theo bóng mát của những cây đa, cây đại, rồi dạo bộ quanh nửa vòng hồ bán nguyệt, chúng tôi bước vào khu vực tiền đường và hậu cung của ngôi chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ “đinh”. Do được giới thiệu qua điện thoại từ trước, sư thầy Thích Đàm Vượng ra chào và dẫn chúng tôi vãn cảnh chùa.

Trong hậu cung, hệ thống thờ tự được bài trí các tượng phật thành 5 lớp theo thứ tự từ trên xuống dưới. Lớp thứ nhất là 3 pho tượng Tam thế, ngồi ngang nhau ở vị trí cao nhất gần sát vách thượng điện, đại diện cho ba thời: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Tượng Tam thế ở đây được diễn tả theo một ngôn ngữ chung, thống nhất chặt chẽ từ kiểu dáng, khuôn mặt đến trang phục. Tượng ngồi tọa thiền, mắt nhắm nghiền, tay đặt lòng, nét đẹp của tướng mạo lộ ra ngoài. Với mái tóc xoăn, miệng phảng phất nụ cười thần bí, tất cả toát lên vẻ viên mãn, thanh thoát của cuộc đời từ bi hỉ xả. Lớp thứ hai là pho tượng A Di Đà, ngồi trong tư thế tọa thiền trên tòa sen, tóc xoắn ốc, đầu để lộ đỉnh, không đội mũ, mắt nhìn xuống như đang suy tư, sống mũi cao và thẳng, miệng hơi mỉm cười, tai dài, mình mặc áo cà sa với những nếp gấp rất đều, tạo ra các làn sóng mỏng trải ra cân đối hai bên thân mình, hai bên cánh tay và hai bên chân. Tượng được diễn tả theo tư thế tọa thiền, ngồi xếp bằng hai chân, hai bàn tay đặt giữa lòng đùi, bàn tay trái đặt lên giữa bàn tay phải, hai đầu ngón tay cái giao nhau. Ở hai bên tượng A Di Đà là hai pho tượng bồ tát đứng, có kích cỡ nhỏ hơn. Đứng bên trái là tượng Văn Thù Bồ Tát và bên phải là tượng Phổ Hiền Bồ Tát. Đó là hai vị thị giả giúp việc cứu thế cho Phật A Di Đà nên được tạc đứng chầu bên cạnh A Di Đà. Lớp thứ ba là bức tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, có thể nhìn thấy mọi nỗi khổ của chúng sinh và giang tay cứu vớt chúng sinh thoát khỏi bể khổ trầm luân. Lớp thứ tư là tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh), diễn tả Phật Thích Ca Mâu ni lúc mới sinh. Theo truyền thuyết nhà Phật thì khi Thích ca mâu ni mới giáng sinh, có 9 con rồng xuống phun nước để tắm cho Ngài. Tắm xong Ngài tự đi 7 bước trên 7 bông hoa sen về phía trước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói: “Thiên thượng, địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời, dưới đất chỉ có một ta là tôn quý). Lớp thứ năm là bát hương và hai lộc bình hai bên. Phía tiền đường, gian bên trái thờ tượng Đức ông; gian bên phải thờ chúa Hiền.

Theo các văn bia còn lưu lại tại chùa, công trình tâm linh – văn hóa – lịch sử này được xây dựng từ năm 1797. Vào năm Bính Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1876), có một người họ Trần, quê quán thuộc xã Quần Phương Trung, tỉnh Nam Định, từ nhỏ đã quy thiền. Ngài đã đi tham quan khắp nơi và thấy núi Hàn Sơn là nơi đá cao, sóng nước uốn quanh ôm lấy núi nên đắc ý. Vì thế ông đã chọn ngày đẹp để mở rộng Tịnh xá, chùa chiền, cho đắp tượng Phật để sánh cùng với Thánh miếu. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, nhất là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chùa Hàn Sơn bị tàn phá gần như tan hoang. Những năm gần đây, chùa mới được các phật tử khắp nơi tài trợ xây dựng lại vào năm 1998. Yếu tố độc đáo của Hàn Sơn tự không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn thờ thiền sư Nguyễn Minh Không tôn thần, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thánh Mẫu và cả Thành Hoàng làng Chính Đại. Các dòng tín ngưỡng đan xen với nhau, bổ trợ cho nhau, trong đó Đức Phật được thờ chủ đạo. Và, trong khuôn viên chùa, các hạng mục công trình thờ tự được xây dựng, bài trí theo lối “Tiền Phật hậu Thánh”, trong đó, nhà thờ Phật được xây dựng quy mô lớn nhất, ở vị trí trung tâm của chùa.

Điều thú vị nữa, Hàn Sơn tự cũng chính là chứng tích của cách mạng ở vùng Nga Sơn (Thanh Hóa) và Kim Sơn (Ninh Bình). Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Nga Điền và các tư liệu của huyện Nga Sơn, thời kỳ 1936 – 1939, chùa Hàn Sơn làng Chính Đại là một trong những nơi mà cán bộ cách mạng thường lui tới hoạt động, đặc biệt là hang núi sau điện thờ thiền sư Nguyễn Minh Không. Các cán bộ cách mạng thường lui tới hoạt động tại đây, như: Tạ Quynh, Tôn Thất Toại, Nguyễn Hữu Kiều, Phạm Văn An... Năm 1948, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Điền Hộ – Chính Đại, sư và các chú tiểu trong chùa sơ tán về chùa Hoàng Cương và tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian này chùa Hàn Sơn không chỉ là nơi che giấu cán bộ cách mạng mà nhà chùa còn ủng hộ vật chất cho quỹ kháng chiến. Vào năm 1951, một tiểu đoàn của Trung đoàn Quang Trung có nhiệm vụ đánh bốt kè Chính Đại, chùa lại là địa điểm đặt máy thông tin và là trung tâm hội họp của du kích. Sau đó quân địch đã phát hiện ra, chúng thực hiện phòng tuyến trắng, cho xe ủi san bằng chùa, chỉ còn lại cái tháp mộ của cụ Nguyễn Đăng Quế là còn lại.

Với lịch sử trên 200 năm, chùa Hàn Sơn tọa lạc trên vùng đất cửa Thần Phù có ngàn năm lịch sử và huyền thoại. Đây là khu vực giao thông thủy Bắc – Nam quan trọng, nối liền giữa đồng bằng sông Hồng với đồng bằng sông Mã. Quanh khu vực chùa có nhiều địa danh và di tích nổi tiếng, trong đó có động Từ Thức, Chùa Tiên và hệ thống núi non kết hợp với trời mây sông nước, trở thành điểm đến lý tưởng cho những người ưa thích vãn cảnh, khám phá.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật