12 năm để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Con người chỉ còn “thời hạn chót” đến năm 2030 để ngăn chặn sự thay đổi khí hậu thảm khốc trên trái đất, các chuyên gia cảnh báo.
12 năm để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu
Khí hậu ấm nóng lên trên toàn cầu khiến lượng băng ở Bắc Cực tan nhanh. Ảnh: WP

Ngày 8-10, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) công bố báo cáo cho biết, hành tinh này sẽ đạt đến ngưỡng nghiêm trọng: ấm nóng hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, vào đầu năm 2030. Tất cả sẽ dẫn đến nguy cơ thảm khốc: hạn hán nguy hiểm, cháy rừng, lũ lụt và thiếu lương thực cho hàng trăm triệu người.

Cần chạy đua với thời gian

Con người chỉ còn “thời hạn chót” đến năm 2030 để ngăn chặn sự thay đổi khí hậu thảm khốc trên trái đất, các chuyên gia cảnh báo. Vì vậy, các chính phủ trên toàn thế giới phải có “những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội” để tránh mức độ tàn phá của sự ấm nóng lên trên toàn cầu.

Trái đất đã đi được 2/3 con đường, với nhiệt độ toàn cầu đã ấm lên khoảng 1 độ C. Để tránh đi xa hơn nữa, đòi hỏi chính phủ các nước phải hành động đáng kể trong vài năm tới. “Điều này có liên quan chặt chẽ. Bởi vì chúng ta biết hậu quả sẽ thảm khốc như thế nào nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng vượt quá 1,5 độ C, bao gồm nhiều đợt nóng cực điểm vào mùa hè, mực nước biển dâng cao hơn, và ở nhiều nơi trên thế giới, hạn hán và lượng mưa ít ỏi sẽ khiến tình hình nghiêm trọng hơn”, CNN dẫn lời ông Andrew King, một giảng viên về khoa học khí hậu tại Đại học Melbourne, cho biết. Lượng khí thải carbon trên toàn cầu vào năm 2030 cũng sẽ phải giảm 45% so với năm 2010 và đạt tới “số không ròng” vào khoảng năm 2050 để giữ nhiệt độ nóng lên ở mức 1,5 độ C.

Tuy nhiên, lo ngại đặt ra là những cam kết phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hiện nay, do các bên ký kết Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu thực hiện, không thể giúp đạt được mục tiêu đó. Hơn nữa, Mỹ - quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai thế giới (chỉ sau Trung Quốc), hồi năm 2017 đã quyết định rút khỏi Hiệp định Paris, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.

Nếu không nhanh chóng hành động

Báo cáo cũng cho thấy, biến đổi khí hậu đang diễn ra - và điều tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn, trừ khi có những hành động mạnh mẽ và khẩn cấp từ chính phủ các nước. “Một trong những thông điệp chính của báo cáo này là chúng ta đã thấy hậu quả ấm nóng lên toàn cầu ở mức của 1 độ C thông qua thời tiết khắc nghiệt hơn, mực nước biển dâng cao và băng biển Bắc cực tan chảy”, ông Panmao Zhai, đồng Chủ tịch của Nhóm làm việc I của IPCC cho biết.

Ngay cả khi mức ấm nóng lên được giữ ở 1 độ C hay dưới 1,5 độ C, các tác động sẽ lan rộng và rất nghiêm trọng. Nhiệt độ trong đợt nắng nóng mùa hè, chẳng hạn như vừa xảy ra khắp Châu Âu trong mùa hè này, được dự đoán sẽ tăng thêm 3 độ C. Mùa hè vừa qua, nắng nóng kéo dài và thời tiết khô hạn làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân tại nhiều quốc gia Châu Âu. Đỉnh điểm của đợt nắng nóng trên phải kể đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khi nhiệt độ ở bán đảo Liberia vẫn tăng cao hơn 40 độ C. Nắng nóng có lúc lên mức đỉnh điểm khi nhiệt độ tại thành phố Setubal, lên mức 47 độ C trong ngày, chỉ thấp hơn 1 độ C so với mức nhiệt kỷ lục từng được ghi nhận ở thủ đô Athens, Hy Lạp năm 1977. Hạn hán cũng thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đợt hạn hán kỷ lục ở Cape Town, Nam Phi, cũng như các mưa bão kinh hoàng ở Harvey và Florence ở Mỹ. Các rạn san hô cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với khoảng 70 đến 90% sẽ chết, bao gồm rạn san hô Great Barrier của Australia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật