Trải nghiệm cao tốc Hải Phòng-Hạ Long: Phí gấp đôi tiền xăng nhưng có thể đi về trong ngày

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian lái xe cả đi cả về chỉ mất 4 tiếng, đường cao tốc mới thực sự giúp tôi và những người bạn có một ngày Chủ nhật vui chơi vừa sức ở thành phố biển Hạ Long. Tuy nhiên, tiền phí phải trả không hề rẻ.
Trải nghiệm cao tốc Hải Phòng-Hạ Long: Phí gấp đôi tiền xăng nhưng có thể đi về trong ngày
Ảnh minh họa

Ngày 1/9/2018, tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng chính thức thông xe đã thu hút sự quan tâm của người dân ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Để trải nghiệm tuyến đường này, tôi đã rủ những người bạn của mình đi chơi Hạ Long trong một ngày cuối tuần, trốn khúc giao mùa nắng mưa thất thường ở Hà Nội.

Đúng 6 giờ sáng Chủ nhật, tôi khởi hành từ tòa nhà Keangnam nằm trên đường Phạm Hùng, chạy theo đường Vành Đai 3 (CT20 - ĐCT20) hướng về phía Long Biên. Trước ngã rẻ ra Quốc lộ 5, tôi đi theo lối ra bên phải để vào Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (CT04 - ĐCT04 / Quốc lộ 5B).

Cần phải nói rõ đoạn này vì bạn hoàn toàn có thể chọn lộ trình đi Hải phò‌ּng th‌ּeo đường Quốc lộ 5 (tiền phí rẻ hơn, đổi lại quãng đường dài hơn và thời gian di chuyển lâu hơn). Tôi muốn đến Hạ Long nhanh nhất có thể nên chọn đi theo đường cao tốc.

Lối vào đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tiền phí đắt gấp đôi tiền xăng

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chi dành cho ô tô, duy trì thường xuyên 3 làn xe chạy và 1 làn khẩn cấp trên mỗi chiều đường, quy định tốc độ tối đa 80-120 km/h. Tôi giữ vận tốc đều đều 90 km/h đi hết toàn tuyến sau khoảng 1h15’. Chất lượng mặt đường rất tốt, gần như không có điểm nào lên cao hoặc xuống thấp đột ngột. Những người bạn của tôi có thể ngủ một giấc ngon lành mà không bị giật mình tỉnh giấc.

Dọc hai bên đường có nhiều trạm dừng nghỉ khi đi qua địa phận các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương... Nếu muốn bạn có thể dừng lại nghỉ giải lao, ăn sáng. Điểm cộng là đã xuất hiện một số nhà hàng có thương hiệu, cơ sở vật chất khang trang và sạch sẽ vì vừa mới xây dựng.

Tôi đi vào cuối tuần nhưng tuyến đường này cũng không đông lắm, vắng bóng xe tải, chủ yếu là xe khách và xe con. Có lẽ những người đi tuyến đường này phần nhiều là mục đích du lịch, mặc dù trước khi xây dựng nó được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng giao thông cho Quốc lộ 5 chạy song song.

Nhìn chung, trải nghiệm mà tôi có được trên Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tốt hơn Đường Cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Mặc dù vậy, cái giá cho sự sung sướng ấy không hề rẻ. Tiền phí phải nộp khi đi hết toàn tuyến với tổng chiều dài 105,5 km đối với xe ô tô con dưới 12 chỗ ngồi là 210.000 đồng, gấp đôi tiền xăng mà chiếc xe Kia Morning của tôi tiêu tốn trên quãng đường này.

Vé Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Hai lượt đi và về, riêng tiền phí đã mất 520.000 đồng. Mà đó mới chỉ là tiền phí của Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, còn một đoạn đường cao tốc nữa từ Hải Phòng đến Hạ Long cũng sẽ thu phí.

Chạy đường cao tốc nào cũng vậy, bạn nhớ chú ý giữ khoảng cách an toàn nhé.

Sau mỗi biển báo khoảng cách an toàn như hình trên sẽ xuất hiện cụm biển báo giúp bạn ước lượng cự ly an toàn. Nhiều lái xe thắc mắc làm sao biết được khoảng cách từ mình tới phương tiện khác là bao xa khi xe đang chạy. Đây chính là câu trả lời.

Có khá nhiều trạm dừng nghỉ trên Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhưng tôi không phải sử dụng chúng vì chỉ mất 2 tiếng để chạy một mạch từ Hà Nội đến Hạ Long.

Ở các trạm dừng nghỉ có cả những cửa hàng ăn uống mang thương hiệu quen thuộc.

Số điện thoại đường dây nóng sẽ hữu ích trong những tình huống khẩn cấp. Nếu là một người lái xe cẩn thận, trước mỗi chuyến đi bạn nên tra cứu và lưu lại thông tin này.

Từ Hải Phòng đi Hạ Long chỉ mất 30 phút

Đến cửa ngõ phía Nam của thành phố Hải Phòng, tôi không rẽ trái hướng vào trung tâm thành phố mà tiếp tục đi thẳng theo đường dẫn vào Đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh (CT09 - ĐCT09), hay còn gọi là Đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long.

Đoạn đường cao tốc từ Hải Phòng đi Hạ Long chính là đoạn đường vừa thông xe hôm 1/9 và đến nay vẫn chưa thu phí. Nó chỉ dài vỏn vẹn 25 km, trong đó phần đường cao tốc dài 19,5 km, phần còn lại là cầu Bạch Đằng dài 5,45 km.

Thiêt kế của đoạn đường này gồm 2 làn xe chạy và 1 làn khẩn cấp trên mỗi chiều đường, quy định tốc độ tối đa 100 km/h. Vừa đi vừa ngắm đường mà tôi cũng chỉ mất khoảng 20 phút để tới lối rẽ ra Đảo Tuần Châu, và thêm 10 phút nữa để tới Bãi Cháy, Hạ Long.

Đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long.

Từ Hải Phòng đến Hạ Long bạn chỉ được chạy vận tốc tối đa 80 km/h, nhưng không sao vì đoạn đường này chỉ dài 25 km.

Đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đi qua khu vực dân sinh nên hai bên có hàng rào để đảm bảo an toàn.

Điểm nhấn trên đoạn đường cao tốc này là cây cầu Bạch Đằng, cây cầu được mệnh danh là “cầu ba chữ H” bởi 3 trụ tháp cầu đều có hình dạng giống chữ “H”. Đó không chỉ là vẻ đẹp mà còn mang ý nghĩa thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa 3 trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long. Rất nhiều người đã dừng lại trên cầu để ngắm bến cảng Đình Vũ, sông Cấm và chụp ảnh lưu niệm.

Cầu Bạch Đằng hiện đại và rất đẹp!

Trụ tháp cầu hình chữ “H”.

Tôi tình cờ bắt gặp một người đàn ông trong tổ công tác quản lý cầu Bạch Đằng, chú Nguyễn Văn Song. Chú Song tỏ ra khá vui vẻ khi tôi bắt chuyện và dường như chú rất tự hào vì đã đóng góp một phần công sức xây dựng lên cây cầu mới. Tôi hỏi chú một vài câu rồi tiếp tục hành trình của mình.

Chú Song đang ngồi hóng mát. Tầm nhìn từ đây ra sông Cấm mênh mông, thoáng đãng.

Cần lưu ý rằng theo Luật Giao thông hiện hành thì việc dừng xe trên cầu để chụp ảnh là không được phép. Tuy nhiên nhiều người dân địa phương và khách du lịch vẫn nán lại để có cơ hội được chiêm ngưỡng kỹ hơn cũng như chụp ảnh khoe vẻ đẹp của cây cầu này. Đây là một trong những cây cầu có nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay và là cây cầu dây văng nhiều nhịp lớn thứ 3 trên thế giới .

Trải nghiệm mà tôi có được trên đoạn Đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long cũng khá tốt, mặc dù không bằng Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lúc trước. Có một điểm cần đề cao cảnh giác trên đoạn đường này đó là việc những công nhân đi ngược chiều. Họ đang hoàn thiện nốt những hạng mục cuối cùng nên có thể bạn sẽ bắt gặp những chiếc xe cải tiến mang theo vật liệu xây dựng. Vì lòng đường không rộng rãi như trước, chỉ có 2 làn xe chạy thôi nên khi vượt phải tầm nhìn bị che khuất có thể xảy ra tình huống bất ngờ.

Chắc bạn sẽ thắc mắc, một ngày ở Hạ Long chơi được những gì?

Sau gần 2 tiếng xuất phát từ Hà Nội, tôi đã tới được Hạ Long.

2018 là một năm đánh dấu sự lột xác của thành phố biển xinh đẹp này.

Đến nơi là khoảng 8 giờ, chúng tôi có thoải mái thời gian nên quyết định đi cafe buổi sáng.

Là thành phố biển nhưng Hạ Long cũng có khá nhiều điểm thăm quan trên cạn dành cho du khách.

Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Quảng Ninh và Thư viện Quảng Ninh, lối kiến trúc ở đây biểu tượng cho than Quảng Ninh.

Khu vực này là điểm đến lý tưởng dành cho những ai yêu thích kiến trúc. Nó được giới trẻ ưa thích vì có rất nhiều góc chụp ảnh đẹp.

Ngắm toàn cảnh Vịnh Hạ Long trên cao từ đỉnh Núi Bài Thơ.

Bữa trưa nhiều đạm với chủ đề ẩm thực hải sản. Đương nhiên rồi, chúng tôi đang đi biển mà...

Buổi chiều, chúng tôi đã đi tắm biển. Đi chơi công viên cũng là một lựa chọn không tồi nhưng chúng tôi thích gần gũi với thiên nhiên hơn. Sau đó chúng tôi đi vòng vòng quanh khu vực Bãi Cháy để tận mắt xem xem Hạ Long đang phát triển nhanh như thế nào. Cuối cùng là tạt vào chợ mua quà biển...

... Và nói lời tạm biệt với Hạ Long!

Chúng tôi về đến Hà Nội lúc 18 giờ, chẳng ai mệt mỏi bởi vì tôi là người lái xe, vốn phải là người mệt nhất nhưng ngày hôm đó đi như vậy vẫn chưa "xi-nhê" gì. Thông thường bạn sẽ cảm thấy mệt vì đường xa, đường xấu nhưng cả hai vấn đề đó đều được giải quyết khi đi đường cao tốc mới.

Có thể nói là nhờ hai tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hải Phòng - Hạ Long mà chúng tôi có thể đi chơi Hạ Long chỉ trong một ngày mà không cảm thấy mệt. Chuyến du lịch nhanh gọn lẹ này vừa đủ để chúng tôi xả stress, mang tinh thần sảng khoái đến tuần làm việc tiếp theo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật