Du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL: Sản phẩm “độc”, lạ nhưng ‘chưa đã’

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngoài các thuận lợi, hàng loạt khó khăn, vướng mắc cùng với đề xuất để du lịch ĐBSCL ngày càng phát triển đã được các đại biểu nêu ra tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL năm 2018”, diễn ra ngày 1.10.
Du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL: Sản phẩm “độc”, lạ nhưng ‘chưa đã’
Khách tham quan rừng tràm Trà Sư (An Giang) mùa nước nổi 2018. Ảnh: HUỲNH ĐẶNG

Hội thảo do Tổng cục Du lịch phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư và Báo NTNN/Báo tổ chức tại An Giang.

Hình thành nhiều điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn

Ông Phạm Thế Triều - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết, An Giang là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai loại hình du lịch nông nghiệp một cách có đầu tư. Từ năm 2007, An Giang được Tổ chức nông dân Hà Lan (Agriterra) hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp và đã đạt được kết quả khá thành công.

Qua đó, đã có 600 nông dân được đào tạo kỹ năng du lịch, gần 100 hộ dân được đầu tư cơ sở vật chất, giúp cho các hộ dân tăng thu nhập từ 5 - 12 triệu đồng/tháng.

Theo ông Triều, An Giang cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống từ các vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, cây lúa, thủy sản như: Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới), Cù lao Tân Trung (huyện Phú Tân)…

“Qua kết quả khai thác và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp của tỉnh, chúng tôi có thể khẳng định, đối với ĐBSCL, việc phát triển du lịch dựa trên ngành nông nghiệp sẽ giúp cho cư dân địa phương tăng thu nhập. Ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp là chính là con đường đưa cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dần sang cơ cấu dịch vụ - nông - công nghiệp, đẩy nhanh tốc độ phát triển của vùng” – ông Triều nói.

Theo lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, tại địa phương này đã hình thành rất nhiều mô hình du lịch nông nghiệp như vườn cam quýt ở huyện Lai Vung, trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty Ecofam ở huyện Thanh Bình, Trung tâm sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao ở TP.Sa Đéc, cánh đồng sen bạt ngàn ở khu Đồng Sen huyện Tháp Mười…

Những nơi này đang được khai thác du lịch gắn với các giá trị nông nghiệp bản và bước đầu đánh giá có hiệu quả.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong tỉnh Đồng Tháp còn phối hợp xây dựng những chương trình du lịch hấp dẫn như “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Sắc xuân Đồng Tháp”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái”…

Ở tỉnh Bến Tre cũng có nhiều điểm du lịch nông nghiệp như khu Phú An Khang trồng dưa lưới, trồng rau sạch kết hợp với tham quan, thưởng thức các loại trái cây), các điểm du lịch tại các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Thạnh Phú (tham quan vườn trái cây kết hợp với loại hình du lịch sinh thái, các di tích và làng nghề truyền thống). Bến Tre còn có thế mạnh du lịch khác là 39 làng nghề nông nghiệp…

… nhưng khách vẫn “chơi chưa đã”

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, du lịch nông nghiệp ở các địa phương cũng xuất hiện nhiều hạn chế. Theo đại diện Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre, các sản phẩm du lịch nông nghiệp nơi đây vẫn chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu của khách qua các dịch vụ bổ trợ khác.

Các địa phương ĐBSCL phải xác định các thế mạnh du lịch nông nghiệp trọng tâm của mình, sau đó liên kết với các địa phương trong vùng, liên kết với các nước trong tiểu vùng Mekong, thiết kế tour khám phá nền nông nghiệp Mekong, để tạo ra những biến đổi kỳ thú hấp dẫn cho du khách. Còn người dân thì nên mạnh dạn triển khai mô hình nông nghiệp xanh phục vụ phát triển du lịch”.

Ông Phạm Thế Triều

Ngoài ra, nông dân quen với sản xuất nông nghiệp chưa có đủ các kỹ năng phục vụ du lịch. Do chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư nên dịch vụ mở rộng còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản.

Trước tình hình trên, Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre nhận định, cần có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch nông nghiệp để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư quy mô lớn tham gia đầu tư tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo hơn nữa, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế và người dân tham gia các dự án phát triển du lịch. Đồng thời, có quy hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp.

Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thực tế các đơn vị, cơ sở tổ chức kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh còn chưa chủ động được nguồn khách, phụ thuộc rất nhiều vào các công ty du lịch và các hãng lữ hành từ một số nơi khác, đặc biệt là TP.HCM.

Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn giản đơn, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ nên chưa thể làm tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch.

Đồng quan điểm với Bến Tre, Sở VHTTDL tỉnh An Giang kiến nghị Bộ VHTTDL, Bộ KHĐT, T.Ư Hội NDVN có một số chính sách phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù cho vùng ĐBSCL. Cụ thể là tranh thủ các nguồn tài trợ để dành phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, hỗ trợ về chuyên môn trong xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông nghiệp ĐBSCL cả về cán bộ quản lý và lao động trực tiếp.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư nêu quan điểm: Việc cần làm hiện này là các địa phương cần rà soát, quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng, trong đó cần chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn với chính sách phát triển nông thôn mới. Ngoài ra, cần giúp cho các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận nguồn vốn đầu tư, tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với việc xây dựng thương hiệu đặc trưng của từng địa phương…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật