Khám phá những địa điểm tuyệt đẹp mà con người chưa thể đặt chân đến

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rất ít người nhận ra rằng có những địa điểm trên Trái đất mà con người vẫn chưa đặt chân đến và nhiều khả năng, nơi đó vẫn hoàn toàn là khu vực bảo tồn động vật hoang dã.
Khám phá những địa điểm tuyệt đẹp mà con người chưa thể đặt chân đến
Núi Tepui được gọi là “ngôi nhà của Thượng đế“. Ảnh: Getty

Nhiều trong số các địa điểm đó quá xa xôi khiến việc tiếp cận trở nên khó khăn, tốn cả về thời gian lẫn công sức. Những gì mà con người chúng ta biết đến về nơi đó thường chỉ là những bức ảnh chụp từ trên cao, từ xa nhưng chúng vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ bởi vẻ đẹp mê hoặc, nguyên sơ.

Dưới đây là 5 địa điểm bí ẩn nhất thế giới mà con người chưa đặt chân đến:

1. Núi Tepui, Venezuela

Tepui là dãy núi gồm những núi phẳng ở cao nguyên Guayana thuộc Nam Mỹ. Phần lớn dãy Tepui nằm trên lãnh thổ Venezuela. Thổ dân Pemon tại vùng Gran Sabana thuộc miền Đông Nam Venezuela gọi đây là "ngôi nhà của Thượng đế" do chiều cao ấn tượng. Phần lớn núi trong dãy Tepui tách rời chứ không liên kết với nhau. Vì thế mỗi quả núi là một vương quốc độc lập của các loài sinh vật tự nhiên.

Một số quả núi có vách thẳng đứng và cao hơn tới 1.000 m so với rừng bên dưới. Thậm chí một số ngọn núi còn cao hơn tới 3.000 m so với rừng. Do vách gần như thẳng đứng và cao nên chúng là nơi con người không thể tới. Trên thực tế, Tepui là tàn tích của một cao nguyên sa thạch. Cao nguyên này xói mòn dần trong hơn một triệu năm qua.

2. Tsingy de Bemaraha - rừng núi đá ở Madagascar

Rừng núi đá với cấu trúc vô cùng đặc biệt ở Madagascar. Ảnh: Getty

Khu bảo tồn thiên nhiên nghiêm ngặt Tsingy de Bemaraha là bảo khu bảo tồn nằm gần bờ biển phía Tây của Madagascar. Nơi đây đã được công nhận là di sản thế giới vào năm 1990 do sự độc đáo của địa hình địa lý cùng hệ thiên nhiên đa dạng với những khu rừng ngập mặn và các loài chim hoang dã cùng vượn cáo.

Rừng Tsingy nổi tiếng với những mỏm đá và hẻm núi sắc lẹm, có nơi cao tới 50m. Trong suốt hàng triệu năm, những lớp vỏ sò và san hô bồi đắp đáy biển và qua thời gian đã kết thành một khối đá vôi duy nhất. Khoảng 100 triệu năm sau, các chuyển động của Trái đất đã đẩy những khối đá vôi khổng lồ này lên khỏi mặt biển. Dưới tác động của thời tiết, các khe vách hình thành và tạo nên hình dạng của Tsingy ngày nay.

Hiện rừng núi đá gần như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

3. Vùng núi lửa Dallol, Ethiopia

Cảnh quan Dallol tuyệt đẹp ở Ethiopia. Ảnh: Getty

Đây là địa điểm có người ở nóng nhất trên Trái đất. Nhiệt độ được ghi nhận từ năm 1960 đến năm 1966 trung bình là 41,1 độ C. Dallol theo ngôn ngữ Afar địa phương có nghĩa là "hủy diệt".

Màu sắc tươi sáng và rực rỡ xuất hiện xung quanh khu vực miệng núi lửa như màu trắng, vàng, đất son, xanh lá cây và đỏ là do có sự kết hợp của những con suối nước nóng, núi lưu huỳnh, hồ axit, hồ oxit sắt, lớp muối ẩn bên dưới sa mạc Danakil cùng với một số khoáng chất khác tạo nên một địa hình độc đáo như ngày nay, được xem là một trong những địa hình kì lạ nhất trên thế giới.

Thực tế Dallol là một miệng núi lửa. Chỉ có các nhà nghiên cứu đam mê núi lửa và những vị khách phiêu lưu mới tìm đến một địa danh đẹp kì lạ như thế này. Tuy nhiên, một số người viếng thăm khu vực này đã vô tình làm hỏng vài cấu trúc tinh tế, đáng chú ý nhất ở đây.

4. Núi Gangkhar Puensum

Đỉnh núi cao nhất thế giới chưa có người chinh phục là Gangkhar Puensum. Ảnh: Getty

Đỉnh núi cao nhất thế giới chưa có người chinh phục tới là Gangkhar Puensum, cao 7.570 m. Gangkhar Puensum nằm trên biên giới giữa Bhutan và Tây Tạng. Khi ngọn núi lần đầu tiên được khảo sát và đưa vào bản đồ năm 1922, các thông số sai lệch rất nhiều. Gần đây, loạt bản đồ mới lại cho thấy đỉnh núi ở một vị trí khác với độ cao thay đổi. Trên thực tế, một trong những đội khảo sát đầu tiên đã không thể tìm thấy Gangkhar Puensum.

Người Bhutan tin rằng những ngọn núi cao ngất là nơi các linh hồn cư ngụ. Chính phủ nước này chỉ bắt đầu mở cửa các hoạt động leo núi vào năm 1983, một vài đoàn thám hiểm được phép lên đường. Từ 1985 tới 1986, bốn đoàn thám hiểm đều thất bại. Năm 1994, chính phủ ban lệnh cấm chinh phục những ngọn núi trên 6.000 m để tôn trọng tín ngưỡng của người dân. Kể từ năm 2004, hoạt động leo núi hoàn toàn bị cấm.

5. Thác Honokohau, Mỹ

Cảnh quan đẹp như tranh vẽ của thác Honokohau. Ảnh: Getty

Được mệnh danh là thác nước cao nhất trên đảo Maui, Hawaii, nước Mỹ, thác Honokohau 2 tầng mang một vẻ đẹp tự nhiên với chiều cao 341 mét, tuy nhiên một số nguồn tin khác lại cho hay thác nước này thực chất có độ cao lên tới 487 mét.

Thác Honokohau được đặt tên theo dòng sông dài Honohokau chảy từ đỉnh Puu Kukui. Không thể tiếp cận ngọn thác này bằng xe hơi hay đi bộ đường dài, cách tốt nhất để chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời này là đi trực thăng du lịch.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật