Du khách đã chi tiêu nhiều hơn: Mừng, nhưng vẫn trăn trở

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Báo cáo Thường niên du lịch Việt Nam 2017 vừa được Tổng cục Du lịch công bố cho thấy, không chỉ lượng khách quốc tế tăng mà mức chi tiêu của du khách cũng được cải thiện.
Du khách đã chi tiêu nhiều hơn: Mừng, nhưng vẫn trăn trở
Du khách có nhiều thay đổi trong chi tiêu, mua sắm tại Việt Nam

Châu Á vẫn là thị trường hàng đầu

Năm 2017, du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu đạt 541 nghìn tỷ đồng, đóng góp 7,9% GDP; trong đó, tổng thu từ khách quốc tế đạt khoảng 316 nghìn tỷ đồng (58,4%). Đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP đạt khoảng 396 nghìn tỷ đồng, tương đương 7,9% GDP. Châu Á vẫn là thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam (75%); tiếp đến là châu Âu (14,6%), châu Mỹ (6,3%), châu Úc (3,3%) và châu Phi (0,3%). Các thị trường Đông Bắc Á giữ vị trí đầu gửi khách đến Việt Nam; trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với hơn 4 triệu lượt khách, tiếp đến là Hàn Quốc với gần 2,5 triệu lượt khách; Nhật Bản gần 800 nghìn lượt khách…

Những con số ấn tượng năm 2017 đã phản ánh khá rõ nét tương quan giữa đóng góp về lượng khách và tổng thu từ khách du lịch. Đây là yếu tố góp phần phục vụ công tác hoạch định chính sách, định vị thị trường, xúc tiến quảng bá hiệu quả. Mỹ, Nga và một số nước châu Âu là những thị trường có mức đóng góp doanh thu cao dù lượng khách ít hơn. Trong khi đó, những thị trường gần có xu hướng chi tiêu ít hơn trong một chuyến đi. Tuy nhiên, số lượng khách đến từ các thị trường này rất lớn, giúp tăng tổng thu của cả ngành. Cụ thể, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đã đóng góp tới 53,3% tổng thu từ khách quốc tế và lượng khách cũng chiếm tới 59,7% tổng lượng khách quốc tế. Đặc biệt, thị trường Hàn Quốc về lượng khách chiếm 18,7% nhưng tổng thu từ thị trường này chiếm tới 19,9%. Malaysia và Thái Lan dù có lượng khách chiếm lần lượt là 37%, 2,3% nhưng đóng góp về tổng thu từ khách du lịch lại ở tỷ lệ thấp hơn, chỉ 2,6% và 1,6%.

Còn nhiều trăn trở

Lượng khách tăng nhưng mức chi tiêu, sự hài lòng và lần quay lại của du khách luôn là nỗi trăn trở của ngành du lịch. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho hay, thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê, áp dụng mô hình tài khoản vệ tinh du lịch ở Việt Nam, năm 2017, Tổng cục Du lịch đã tổ chức cuộc điều tra thông tin du khách quốc tế đến Việt Nam, có thẩm định của Tổng cục Thống kê. “Mục tiêu cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về đặc điểm và các khoản chi tiêu chủ yếu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tiến tới hoàn thiện biên soạn số liệu khách du lịch quốc tế theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới, thực hiện tài khoản vệ tinh du lịch và phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển du lịch” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, kết quả cuộc điều tra được tiến hành với 27.000 phiếu tại 12 cửa khẩu quốc tế trên cả nước (4 cửa khẩu hàng không, 4 cửa khẩu đường bộ và 4 cảng biển), với phương pháp chọn mẫu đã có gần 60% số khách đến Việt Nam lần đầu tiên và 40% số khách đến Việt Nam từ lần thứ hai trở lên. Điều tra mới nhất cũng chỉ ra, 93,46% khách hài lòng về chuyến du lịch tại Việt Nam; 5,91% đánh giá mức bình thường; 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng.

Thống kê cũng cho thấy, mức chi tiêu của khách du lịch khá tích cực; trong đó, chi tiêu trung bình của khách lưu trú tại Việt Nam cao nhất là hơn 1.790 USD mỗi lượt, thuộc về khách châu Úc, châu Mỹ 1.525 USD, châu Âu 1.295 USD, châu Á 995 USD. Đặc biệt, chi tiêu mua sắm của du khách đã có chiều hướng tăng…

Năm 2018, ngành du lịch dự kiến, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng khoảng 22 - 24% so với năm 2017; tổng thu từ du khách tăng khoảng 16 - 18% so với năm 2017; trong đó, giá trị xuất khẩu du lịch đạt khoảng 17 tỷ USD.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật