Kết luận về độ độc hại của bùn đỏ tràn vào nhà dân

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kết quả phân tích mẫu bùn thải cho thấy các mẫu này đều có nồng độ các chất nguy hại trong mức, thậm chí dưới mức cho phép. Đã có 47 gia đình bị thiệt hại về nhà cửa và hoa màu, trong đó có 7 hộ thiệt hại nặng nhất.
Kết luận về độ độc hại của bùn đỏ tràn vào nhà dân
Toàn cảnh đập số 4.

Ngày 15/11, chúng tôi được biết đã có kết quả phân tích mức độ độc hại của bùn đỏ bị tràn vào nhà dân sau sự kiện thủng đập chứa bùn thải của Xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lũng. Để có kết luận khách quan, ngày 8/11, Chi cục Bảo vệ môi trường Cao Bằng đã bàn giao 2 mẫu bùn: phía sau đập số 4 và tại chân cầu từ Quốc lộ 4 rẽ vào khoảng 10m (nơi tràn vào khu vực dân cư ở xã Duyệt Chung) cho Trung tâm Quan trắc môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường Thái Nguyên để phân tích thành phần độc hại.

Ngày 13/11, Trung tâm Quan trắc môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường Thái Nguyên đã có kết quả đo, phân tích 2 mẫu bùn nói trên. Kết quả, bùn thải tại cả 2 mẫu này đều có nồng độ các chất nguy hại trong mức, thậm chí dưới mức cho phép. Đại diện của Xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lũng cũng cho biết, thông thường, mỗi năm 2 lần, đơn vị có mời Chi cục Bảo vệ môi trường Cao Bằng đến đo và phân tích độ nguy hại của bùn thải.

Những ngày qua, cấp ủy và chính quyền xã Duyệt Chung, thị xã Cao Bằng và Ban lãnh đạo Xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lũng đã tiến hành kiểm tra thực tế mức độ thiệt hại tại khu vực bị ảnh hưởng của lũ bùn đỏ.

Theo bà La Thị Phương - Chủ tịch UBND xã Duyệt Chung cho biết: Trong những  ngày qua, cấp ủy và chính quyền dịa phương đã làm tốt công tác tư tưởng cho các gia đình bị thiệt hại của lũ bùn đỏ nên không có gia đình nào có đơn khiếu kiện…

Tính đến nay đã kiểm tính được 47 gia đình bị thiệt hại về nhà cửa và hoa màu. Cụ thể, thiệt hại về diện tích đất ruộng và vườn: có 40 hộ bị ảnh hưởng với diện tích bị ngập bùn là 38.139,6m2, hộ ngập nhiều nhất là 4.000m2. Có 9 hộ dân bị ảnh hưởng bùn vào nhà và bếp, trong đó có 7 nhà bị di dời chỗ ở tạm thời (1 hộ bị thiệt hại nặng và 1 hộ bị cô lập hoàn toàn.

Đối với 7 hộ gia đình bị thiệt hại nhiều, Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng và Tổng Công ty Khoáng sản Vinacomin đã hỗ trợ 2 triệu đồng cho 5 hộ gia đình, 1 triệu đồng cho 1 gia đình. Hộ gia đình bị thiệt hại nặng nhất là gia đình chị Mã Thị Bạch, ở xóm Nà Kéo được hỗ trợ 7 triệu đồng. Các hộ còn lại vẫn đang được cấp ủy chính quyền địa phương và Ban lãnh đạo công ty tiếp tục tiến hành kiểm tính để có đền bù cụ thể và thỏa đáng theo quy định của Pháp Luật.

 

Công nhân vận hành máy xúc để xúc bùn thông đường.

Ngày 12/11, cấp ủy, chính quyền xã và Ban lãnh đạo Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng cũng đã làm biên bản và bồi thường thiệt hại cho gia đình chị Mã Thị Bạch. Qua kiểm tra thực tế, 2 bên đã thống nhất đền bù như sau: Công ty sẽ đền bù tổng thiệt hại cho nhà ở và hoa màu cho gia đình số tiền là hơn 379 triệu đồng và mua đất nền nhà ở với số tiền là 100 triệu đồng. Sáng 15/11, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng đã tặng quà cho 4 gia đình; UBND thị xã Cao Bằng đã đến thăm và hỗ trợ cho 2 gia đình bị nặng nhất số tiền 2 triệu đồng, hỗ trợ 5 hộ còn lại số tiền từ 1-2 triệu đồng.

Liên tục từ khi sự cố xảy ra, công nhân của Xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lũng vẫn đang tiến hành nạo, hút bùn với tiến độ khẩn trương để trả lạo môi trường sinh hoạt cho bà con nơi đây. Về cơ bản, giao thông ở khu vực xã Duyệt Chung đã gần như trở lại như bình thường.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản Vinacomin: Sẽ kiểm tra vấn đề tuân thủ môi trường của tất cả các mỏ khoáng sản

Theo ông Đặng Thanh Hải, hiện Tổng Công ty Khoáng sản Vinacomin có 16 công ty con, đơn vị trực thuộc nằm tại các địa bàn Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang… Có 5 mỏ khoáng sản kiểu như Nà Lũng (Cao Bằng), hoạt động từ cách đây hàng chục năm, trong đó mỏ Nà Lũng được đưa vào khai thác từ năm 1993. Về sự cố xảy ra tại Xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lũng (Xí nghiệp Nà Lũng), trước đó, khi phát hiện các vấn đề nguy hiểm từ đập số 4, với tư cách là Tổng Công ty mẹ, Vinacomin đã chỉ đạo Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng tiến hành làm đập số 5. Tuy nhiên, do một số yếu tố nên việc thi công diễn ra chậm, đầu tháng 10 vừa qua mới bắt đầu xây dựng đập số 5 nên chưa khắc phục được sự cố tại đập số 4.

Về sự việc của Xí nghiệp Nà Lũng, ông Hải cho biết không nhận được báo cáo của Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng về những lần vi phạm môi trường của Xí nghiệp Nà Lũng. Từ sự việc này, Tổng Công ty rút kinh nghiệm, sẽ tiến hành xử phạt những công ty con, đơn vị trực thuộc nào nếu đã từng bị chính quyền địa phương hay lực lượng Công an xử phạt vì vi phạm Pháp Luật mà không báo cáo về Tổng Công ty.

Sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra tại Xí nghiệp Nà Lũng, Tổng Công ty đã chỉ đạo các công ty con, đơn vị trực thuộc tự tổ chức kiểm tra, nếu phát hiện các sự cố về vấn đề môi trường thì phải báo cáo và tiến hành xử lý, phòng ngừa hậu quả. Hằng năm, Tổng Công ty vẫn tiến hành kiểm tra định kỳ. Nhưng sau sự việc đáng tiếc này, việc chỉ đạo sẽ kiên quyết, mạnh mẽ hơn. Tổng Công ty sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra tất cả các công ty con, đơn vị trực thuộc về vấn đề liên quan đến môi trường và các hoạt động khác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật