‘Tòa tháp chọc trời’: Hành động gay cấn kiểu The Rock

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau “Jumanji: Welcome to the Jungle” và “Rampage”, ngôi sao Dwayne “The Rock” Johnson tiếp tục sắm kiểu vai quen thuộc, trong một tựa phim không có nhiều đột phá.
‘Tòa tháp chọc trời’: Hành động gay cấn kiểu The Rock
Ảnh minh họa

Thể loại: Hành động, giật gân
Đạo diễn: Rawson Marshall Thurber
Diễn viên chính: Dwayne Johnson, Neve Campbell, Chin Han, Roland Møller
Báo đánh giá: 6/10

Trong Skyscraper (tựa Việt: Tòa tháp chọc trời), Dwayne “The Rock” Johnson vào vai cựu mật vụ Will Sawyer của tổ chức FBI. Trong một nhiệm vụ giải cứu con tin, anh bị mất một bên chân và buộc phải giải nghệ.

Với kinh nghiệm nhiều năm và sự giúp đỡ của một người bạn, Will Sawyer nay trở thành tư vấn an ninh cho The Pearl - tòa tháp chọc trời với kiến trúc kiên cố nằm sừng sững giữa Hong Kong. Cả gia đình Sawyer cũng được mời tới sống thử tại đây, như những cư dân thực thụ đầu tiên của “tháp ngọc”.

Tuy nhiên, tai ương bỗng ập đến khi The Pearl trở thành mục tiêu tấn công của một nhóm khủ‌ng b‌ố. lợi dụng kết cấu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chúng cô lập toàn bộ tòa tháp, biến người bên trong thành con tin.

Dĩ nhiên, người hùng duy nhất có thể đảo ngược tình thế là Will Sawyer. Nhưng liệu anh sẽ chống lại kẻ thù hung hãn với tấm thân rệu rã cùng đôi chân tật nguyền ra sao?

Hình ảnh đẹp mắt, kỹ xảo ấn tượng

Một trong những yếu tố khiến người xem thích thú chính là kiến trúc của tòa tháp The Pearl. Dù có bề ngoài không mấy khác biệt so với những tòa tháp chọc trời vốn từ lâu đã là “đặc sản” của Hong Kong, bên trong đó là những loại kiến trúc tinh tế, ấn tượng. Cùng với hàng loạt nội thất, tiện nghi xa hoa, The Pearl khiến khán giả phải khát khao trước sự hiện đại và hào nhoáng của nó.

Tòa tháp The Pearl và các pha hành động là điểm nhấn tích cực của Skyscraper.

Những trường đoạn hành động xuất hiện từ sớm trong phim, và độ cao trào được đẩy lên khá hợp lý. Trong các bộ phim của mình, The Rock hay sắm vai kiểu người hùng “vô đối”. Nhưng lần này, tài tử đôi lúc khiến người xem cảm thấy hồi hộp hơn bởi anh phải mang chân giả, thường bị kẻ thù khai thác điểm yếu đó.

Một trong những khoảnh khắc ngoạn mục nhất của bộ phim là khi Will Sawyer buộc phải nhảy từ một khoảng cách rất xa từ chiếc cần cẩu bên ngoài để lao vào bên trong tòa tháp. Công bằng mà nói, cảnh quay thiếu đi tính thực tế, nhưng thần thái mà The Rock tạo ra khiến khán giả có thể quên đi tính logic trong giây lát.

Cùng lúc đó, số lượng các phân đoạn cháy nổ và đánh đấm ở mức vừa đủ, không tạo ra cảm giác ngột ngạt cho người xem. Điểm đáng khen của bộ phim là hạn chế quay cảnh chiến đấu trong bóng tối hoặc sử dụng góc quay cận. Điều này giúp các pha chiến đấu của Skyscraper rất rõ nét, đậm chất kịch tính.

Không khác các phim trước đây của The Rock

Dwayne “The Rock” Johnson vốn là cái tên đã “nhẵn mặt” với khán giả đam mê dòng phim hành động. Góp mặt trong nhiều tựa phim bom tấn như loạt Fast & Furious, Jumanji: Welcome to the Jungle hay Rampage, tài tử luôn “chiếm màn ảnh” nhờ hình thể to lớn cùng gương mặt nam tính.

Những tưởng chọn nhân vật tật nguyền sẽ giúp Dwayne Johnson có nhiều cơ hội để phát triển tâm lý nhân vật hơn, nhưng thực chất, Will Sawyer không khác với các hình tượng người hùng trước đây của anh là bao.

Bộ phim có rất nhiều nét na ná với các tác phẩm điện ảnh trước đây của The Rock.

Mặc cho trở ngại thể chất, chàng cựu mật vụ vẫn đơn thương độc mã khiến kẻ thù khiếp sợ. Thiết nghĩ trong Rampage, một mình nhân vật của anh có thể cầm cự với ba dã thú khổng lồ, thì bọn khủ‌ng b‌ố trong Skyscraper đúng chỉ thuộc dạng “tép riu”!

Câu chuyện Dwayne “The Rock” Johnson vừa trở thành người hùng “cứu thế giới”, vừa làm tròn vai trò người cha mẫu mực từng xuất hiện trong một tựa phim khác của anh là San Andreas (2015). Cùng một công thức, cùng một kiểu nhân vật như vậy, những khán giả mong chờ điều mới mẻ từ Skyscraper hẳn sẽ thấy thất vọng.

Trước khi ra mắt, Skyscraper từng bị nhiều tín đồ điện ảnh so sánh với tựa phim hành động kinh điển di‌e Hard (1988) của Bruce Willis. Không chỉ lấy bối cảnh là tòa nhà cao tầng, cả hai tác phẩm đều xoay quanh chuyện một người hùng phải đơn độc chống lại nhóm khủ‌ng b‌ố. Thực chất, Skyscraper vẫn có một số điểm nhấn riêng biệt, nhưng chừng đó là chưa đủ để giúp bộ phim thoát khỏi cái mác “kịch bản xào nấu”.

Tuyến phản diện trong phim càng về sau càng tỏ ra nhạt nhòa, yếu kém.

Và nếu Die Hard từng khiến tín đồ điện ảnh rùng mình bởi sự cáo già của tên trùm Hans Gruber (Alan Rickman), thì tuyến phản diện của Skyscraper lại khá tẻ nhạt. Vai diễn của Roland Møller tỏ ra nguy hiểm ở đầu phim, nhưng càng về cuối càng trở nên đuối dần.

Một điểm nữa khiến người xem cảm thấy không ưng ý là lời thoại. Như để nhấn mạnh nhân vật của mình là một người chồng, người cha giàu tình cảm, Dwayne “The Rock” Johnson sở hữu những câu thoại sáo mòn, mang nặng tính giáo điều.

Không những thế, các chi tiết pha trò của anh trong phim lại thiếu duyên. Các nhân vật còn lại, từ nhân vật người vợ đến hai đứa con, đều có khá ít thoại và gần như chỉ đóng vai trò “phông nền”.

Nhìn chung, bộ phim mới của Dwayne “The Rock” Johnson vẫn đáp ứng tốt nhu cầu giải trí. Nhưng nếu nhìn theo một khía cạnh khác, tài tử cơ bắp xem ra vẫn chưa thoát khỏi lối diễn “một màu”, và sự nghiệp diễn xuất của anh vẫn đang xoay quanh những vai diễn rất rập khuôn.

Skyscraper - Tòa tháp chọc trời đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật