Hà Nội đào tạo song bằng tú tài: Tiêu chuẩn quốc tế thực hiện... “kiểu nông dân”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thông tin từ năm học 2018-2019 Hà Nội sẽ triển khai đào tạo hệ song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc tại 7 trường THCS, 2 trường THPT công lập, đã tạo nên “cơn sốt“ đối với với rất nhiều phụ huynh học sinh. Thế nhưng, kỳ vọng bao nhiêu thì những bước đầu thực hiện chương trình lại khiến phụ huynh thất vọng bấy nhiêu.
Hà Nội đào tạo song bằng tú tài: Tiêu chuẩn quốc tế thực hiện... “kiểu nông dân”
Ảnh minh họa

Chạy theo tiêu chuẩn Cambridge

Năm học 2017 - 2018, TP Hà Nội triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-level) tại Trường THPT Chu Văn An và Tiểu học Sài Đồng. Sau thời gian triển khai tại Trường THPT Hà Nội - Amsterdam và 7 trường THCS trong năm học 2018 - 2019, học sinh cấp THPT tham gia học song bằng được học 5 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Kinh tế và tiếng Anh học thuật. Theo học chương trình song bằng, học sinh phải học trên 40 tiết/tuần với nhiều nội dung mới và phương pháp mới.

Trao đổi bên lề lễ bế giảng năm học 2017 - 2018, bà Lê Mai Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, cho biết, sau 1 năm thí điểm, kết quả có nhiều khả quan đáng ghi nhận. Với chương trình học cơ bản trong nước, có 47/49 trò đạt học sinh giỏi toàn diện, dù các bài kiểm tra của Cambridge số học sinh đạt điểm A chưa nhiều.

Bà Mai Anh cho rằng hệ thống cơ sở vật chất chưa thật sự hoàn thiện để đáp ứng phương pháp học tập học đi đôi với hành theo Cambridge. Thực tế, nhà trường chỉ có 1 phòng thực hành vật lý đạt chuẩn quốc tế, còn phòng thực hành hóa học thì vẫn đang chờ hỗ trợ kinh phí.

“Theo Cambridge, nếu học không đi đôi với hành thì rất khó. Trong kỳ thi có tới 40% số điểm là thi thực hành. Nếu thiếu đi hệ thống cơ sở vật chất theo chuẩn quốc tế thì dù có nỗ lực bao nhiêu, thầy trò cũng khó mà vượt qua được các giai đoạn tiếp theo của Cambridge”, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An bày tỏ.

Chất lượng đội ngũ giáo viên cũng đang là vấn đề. Năm học vừa qua, chương trình A - level của Trường THPT Chu Văn An chưa có đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu, phần lớn giáo viên được dạy hợp đồng bán thời gian. Với việc tăng thêm 2 lớp song bằng vào năm học 2018-2019, nữ hiệu trưởng cho hay sẽ phải bổ sung nguồn giáo viên tăng lên gấp đôi, huy động thêm các trợ giảng tốt.

Khai mạc khoá đầu tiên chương trình song bằng tú tài

Phụ huynh “mù” thông tin

Một chương trình được quảng bá và kỳ vọng đạt tiêu chuẩn quốc tế, được UBND thành phố đặt nhiều kì vọng lại khiến nhiều phụ huynh mù mờ, dò dẫm thông tin thậm chí là “sốc” với cách thức triển khai.

Bắt đầu với nộp hồ sơ, dù thời hạn chốt đơn đăng ký vào ngày 31/5 vừa qua, nhưng không ít phụ huynh phải nhắm mắt chạy theo số đông bởi họ có quá ít thông tin về chương trình đào tạo này. Chị M.H (Q.Ba Đình, Hà Nội) có con trai thi chương trình này cho biết, chị mất nhiều ngày để tìm thông tin về chương trình, cách thức đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên nhưng những gì chị cần biết khá hạn chế bởi kế hoạch tuyển sinh đưa ra khá đơn giản.

“Thực sự tôi đã rất do dự khi nộp hồ sơ thi tuyển cho con bởi những gì phụ huynh có thể biết thì quá ít. Mặt khác, giáo viên trong nước dạy tiếng Anh chất lượng vẫn chưa đồng đều chứ chưa nói đến giáo viên các môn văn hoá lại còn dạy bằng tiếng Anh. Vì thế, tôi khá lo lắng. Bên cạnh đó, chương trình học quá nặng cũng khiến tôi lo sợ con sẽ chỉ biết học và học mà thiếu đi kỹ năng sống”, chị Hằng .

Tương tự, anh N.Đ, có con dự thi cũng bày tỏ lo ngại: “Riêng thí điểm tại Trường THPT Chu Văn An thôi đã thấy thiếu thốn đủ thứ. Chưa kịp đầu tư đã ngay lập tức mở rộng thêm 7 trường mới. Chẳng ai biết rõ cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên bố trí thế nào”.

Thông báo kết quả phúc tra... bằng miệng

Cũng giống như nhiều phụ huynh khác, chị P.T.B.N (Q.Long Biên, Hà Nội) cũng đánh liều cho con dự thi vào chương trình này tại Trường THPT Chu Văn An. Thế nhưng, ngay sau khi Sở GDĐT Hà Nội công bố kết quả của vòng thi thứ 2, chị N đã vô cùng bức xúc trước cách mà Sở công bố điểm và giải đáp những thắc mắc của họ.

Chị N. : “Tôi vô cùng hoang mang và sốc khi đi xem điểm cho con trai. Trong quá trình dự thi, tôi không hề được thông báo về ngày giờ sẽ công bố kết quả của vòng 2. Ngày 16/6, sau khi nghe một số phụ huynh kháo nhau, tôi cũng lên trường để xem điểm cho con. Tôi cũng không hiểu tại sao Sở lại công bố kết quả vào ngày thứ 7 và hôm sau đã là ngày thi vòng 3. Vậy thì làm sao tôi có thể biết và làm đơn phúc tra bài thi cho con trai mình nếu có nguyện vọng. Hay Sở sẽ phúc tra như thế nào nếu có hàng trăm đơn xin phúc tra?”.


Đơn phúc tra của một phụ huynh

Không chỉ bức xúc về cách công bố kết quả thi của Sở GDĐT, chị N. còn nghi ngờ về tính chính xác trong công tác chấm thi và lên danh sách kết quả thi. “Trên tờ danh sách kết quả thi vòng 2 được dán tại Trường THPT Chu Văn An, con trai tôi bị nhầm tên trường từ Alfred Nobel thành THCS Lê Thánh Tông”.

Thấy nhiều điều không ổn, chị N. đã làm đơn phúc tra gửi lên Hội đồng thi Sở GDĐT. Ngay ngày hôm sau cũng là ngày thi vòng 3, chị N nhận được điện thoại báo về việc phúc tra bài thi của con trai chị đã xong và kết quả vẫn giữ nguyên. Hội đồng thi không hề có một văn bản hay thông báo nào về việc nhầm tên trường và công bố kết quả phúc tra.

Không chỉ có thế, trong cuộc họp các phụ huynh có con đỗ vòng 2 với lãnh đạo Sở và các trường, nhiều câu hỏi được đưa ra chất vấn lãnh đạo Sở GDĐT về cách tính điểm trong khâu xét tuyển cũng đều bị từ chối trả lời.

Như vậy, để Trường THPT Chu Văn An đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với những kỳ vọng lớn lao về hệ đào tạo song bằng tú tài, Sở GDĐT Hà Nội và các trường cần có những bước đi đúng chuẩn quốc tế thay vì vẫn làm kiểu manh mún, chắp vá như hiện tại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật