Thi THPT quốc gia: Đưa công an vào coi thi để không còn “coi lỏng, coi chặt”?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2018, đã là mùa thứ 4 áp dụng phương thức thi THPT mới. Nhiều mặt được của cuộc thi đã được ghi nhận, nhiều ý kiến lo ngại chuyện “coi lỏng“, “coi chặt“ hay “chấm lỏng“, “chấm chặt“ vì mục tiêu giúp con em địa phương đạt điểm cao. Vì lẽ đó, có ý kiến đề xuất nên điều động lực lượng công an làm nhiệm vụ coi thi hoặc giám sát phòng thi.
Thi THPT quốc gia: Đưa công an vào coi thi để không còn “coi lỏng, coi chặt”?
Ảnh minh họa

Băn khoăn coi lỏng, chấm chặt

Qua 4 mùa thi, dư luận bày tỏ băn khoăn về sự thiên vị trong công tác coi thi, chấm thi mang tính địa phương. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh thanh tra Bộ GDĐT cho biết: Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch cho kỳ thi, công tác coi thi luôn có sự phối hợp giữa giáo viên tại địa phương và giảng viên các trường đại học, cao đẳng. Ông Bằng lấy ví dụ, các điểm thi tỉnh Hải Dương có 5 đại học, cao đẳng phối hợp là Đại học Xây dựng, Đại học Hải Dương, Đại học Sao Đỏ, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Cao đẳng Hải Dương.

Ông Nguyễn Ngọc Nhật – Hiệu trưởng Trường THPT Gia Lộc (Hải Dương) cho biết điểm thi tại trường có 790 thí sinh gồm học sinh của Trường THPT Gia Lộc và THPT Đoàn Thượng, thí sinh tự do của huyện Gia Lộc. Điểm thi có 33 phòng thi chính thức và 1 phòng chờ của thí sinh tự do. Theo bố trí của Sở GDĐT Hải Dương, điểm thi sẽ có 74 cán bộ làm nhiệm vụ thi của Trường Cao đẳng Hải Dương và THPT Thanh Miện. Mỗi phòng thi sẽ đảm bảo theo quy định của Bộ GDĐT là 1 giám thị là giảng viên đại học và 1 giám thị là giáo viên tại địa phương.

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại Trường THPT Gia Lộc, Hải Dương.

Bên cạnh đó, quy chế thi đã ban hành quy định rất rõ, để đảm bảo chấm thi một cách khách quan, công bằng thì có rất nhiều động tác mà cứ làm đúng như thế là có thể hạn chế tối đa được chuyện coi thi, chấm thi không nghiêm túc.

Ông Bằng cho biết: Trước khi chấm, phải có hoạt động chấm chung 10 bài rồi thảo luận chung, công khai, cùng thống nhất phương án chấm theo hướng dẫn của Bộ. Nếu thanh tra điểm nào không có thảo luận chung thì chúng tôi sẽ “tuýt còi”.

Bên cạnh đó, việc chấm thi cũng sẽ phải bảo đảm 2 vòng độc lập, để loại bỏ việc “chấm lỏng, chấm chặt”. Năm nay, Bộ GDĐT cũng sẽ lưu chữ ký của cán bộ coi thi và chấm thi để theo dõi, đối chiếu nếu thấy cần thiết.

Đại diện Bộ GDĐT cho biết thêm, thanh tra và lực lượng công an cũng sẽ theo sát trong quá trình chấm thi. Việc đổi mới kỳ thi sang hình thức thi trắc nghiệm là chủ yếu cũng sẽ khiến thí sinh, giáo viên khó có cơ hội gian lận.

Có nên điều động công an coi thi?

Trước những lo ngại về tính minh bạch, khách quan trong coi thi, chấm thi, một số ý kiến cho rằng để tránh các hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử, hiện tượng coi lỏng, coi chặt nên cho một cán bộ công an vào trong phòng thi hoặc giám sát.

Về vấn đề này, Chánh thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng cho rằng: “Mỗi đơn vị đều có chức năng và nhiệm vụ riêng của mình. Thi cử là việc diễn ra bình thường và ngành giáo dục đủ sức làm việc này, công an là lực lượng phối hợp.

Tôi không ủng hộ ý kiến đưa công an vào trong các phòng thi, bởi tôi tin đại đa số các thầy cô trong ngành nghiêm túc, đủ sức làm việc đó. Có những hiện tượng đặc biệt, mang tính kỹ thuật cao, thì mới cần đến các lực lượng khác hỗ trợ, như lực lượng công an. Chúng ta cũng không nên quá nặng nề làm ảnh hưởng đến tâm lí của các thí sinh”, ông Bằng cho hay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật