Đổ xô ươm giống cây sưa: Nông dân “ngậm trái đắng”

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đã qua cái thời cơn sốt gỗ sưa khiến hàng ngàn người phát cuồng vì giống cây bạc tỷ này. Ba năm nay, nhiều hộ dân ở xã Tam Quan (Tam Đảo - Vĩnh Phúc) phải “ngậm trái đắng” vì trót đổ xô ươm sưa giống, chạy theo cơn sốt “ảo” với ước vọng đổi đời.
Đổ xô ươm giống cây sưa: Nông dân “ngậm trái đắng”
Anh Nguyễn Văn Hiến đã đầu tư cả gia tài vay vốn ngân hàng để trồng cây sưa.

Cuối năm 2006, “cơn sốt” gỗ sưa bùng phát khiến nhiều người bị cuốn theo vòng xoáy của nó. Cũng thời gian này, Tam Quan nhộn nhịp hẳn lên khi nhiều hộ dân trong xã bán được những cây sưa với giá hàng chục triệu đồng. Đây đúng là chuyện lạ bởi loại cây mà trước đó họ chỉ trồng lấy củi bán giờ lại mang về tiền triệu. Thế là những nông dân chân lấm tay bùn, hàng ngày quanh quẩn với mấy sào lúa, ngô nuôi khát vọng làm giàu. Chỉ sau một thời gian ngắn, Tam Quan trở thành một trong những vùng ươm sưa giống lớn nhất miền Bắc.

Ông Nguyễn Văn T. ở thôn Quan Nội kể: “Đầu năm 2007, sau khi nghe tin trong xã có nhiều cây sưa có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm được nhiều người trả giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, dân làng xôn xao lắm. Người làm bùng phát phong trào ươm sưa giống trong xã là ông Lăng Văn Bắc. Năm 2007, ông Bắc ươm thành công lứa sưa giống đầu tiên. Thế rồi cơn sốt gỗ sưa ập đến, người người, nhà nhà ở Tam Quan đua nhau ươm sưa. Thời kỳ đầu, những lứa sưa giống vừa “ra lò” là có khách đến mua. Thậm chí có cả những người từ Thanh Hóa, Quảng Bình hay cả miền Nam cũng tìm về Tam Quan mua sưa giống. Lúc bấy giờ, theo giá thị trường, mỗi cây con cao khoảng 15 - 20cm có giá 30.000 - 50.000 đồng. Nhiều gia đình thu được vài trăm triệu đồng chỉ từ một lứa sưa”.

Nghề ươm sưa giống lên ngôi khiến người dân Tam Quan hoan hỉ với những đồng tiền kiếm được, họ đua nhau sắm xe, sửa nhà và mua sắm các vật dụng có giá trị khác. Cơ hội đổi đời nhanh đến nỗi có nằm mơ cũng không bao giờ họ nghĩ tới. Trúng quả được năm đầu tiên, nhiều người trong xã mạnh tay đầu tư gấp 5, thậm chí gấp 10 lần để ươm sưa giống. Không ít gia đình sẵn sàng thế chấp sổ đỏ, đi vay nặng lãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được quy định tại Nghị định 32 của Chính phủ, cây sưa hay còn gọi là cây trắc thối có tên khoa học là Dalbergia tonkinesis thuộc nhóm 1A, nhóm thực vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Không chỉ “sốt” gỗ sưa và sưa giống mà phong trào lùng quả sưa cũng khiến người dân trong xã đứng ngồi không yên.

Vào thời điểm năm 2007, hạt sưa được nhiều lái buôn thu mua với giá cao ngất ngưởng. Một người dân thôn Quan Nội cho biết: “Có lái buôn về trả giá 1kg hạt sưa với mức 19 triệu đồng. Mỗi kilôgam hạt sưa tương đương 15-17kg quả. Như vậy, tính ra mỗi 1kg quả sưa cũng có giá cả triệu đồng rồi”.

Chính điều này khiến việc săn lùng quả sưa trở nên nóng hơn bao giờ hết. Thậm chí có người còn khăn gói, lặn lội hàng tháng trời lên các vùng núi cao hẻo lánh để tìm quả sưa đem về bán cho lái buôn hoặc các gia đình ươm giống. Cho đến bây giờ, nhiều người làng Chanh vẫn còn nhắc chuyện anh Phạm Văn Thịnh, 30 tuổi, sau 3 tháng ăn rừng ở núi đã kiếm được gần 200 triệu đồng từ việc bán quả của loại cây quý này.

Nhưng cơn sốt chưa kịp đem tới cho người dân Tam Quan sự đổi đời đã vội hạ nhiệt. Trong 2 năm (2008 - 2009), cánh lái buôn bỗng quay lưng lại với người trồng sưa. Nông dân Tam Quan quặn lòng nhìn những vườn sưa giống xanh mướt đang chết dần vì không xuất được. Giá sưa giống sụt nhanh chóng, từ 40.000 - 50.000 đồng/cây xuống còn 4.000 - 5.000 đồng/cây, quả sưa giờ chỉ còn 100.000 đồng/kg, nhiều gia đình trở thành con nợ.

Cho đến bây giờ, người dân Tam Quan vẫn chưa thể giải thích nổi vì sao gỗ sưa một thời lại có giá như thế. Cơn sốt cây sưa giống và những hệ lụy của nó đã và đang khiến hàng trăm người dân trong xã điêu đứng, gánh những khoản nợ khổng lồ. Đây là bài học cho nông dân trong việc phát triển sản xuất theo phong trào với mong muốn đổi đời như một giấc mơ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật