Lâm tặc điên cuồng tận diệt rừng Nam Đông

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rừng ở Nam Đông (Thừa Thiên- Huế) đang kêu cứu từng ngày vì bị lâm tặc đốn hạ điên cuồng. Ngày càng có nhiều khu rừng bị cạo trọc trước sự bất lực của lực lượng chức năng.
Lâm tặc điên cuồng tận diệt rừng Nam Đông
Rừng phòng hộ ở khu vực đồi La Ngà bị đốn hạ không thương tiếc .

Đột nhập điểm nóng

Biết chúng tôi lên tìm hiểu nạn phá rừng, dù trời đang mưa xối xả, ông A Viết Bót, người dân thôn 2, xã Hương Sơn (huyện Nam Đông), vẫn sốt sắng dẫn đường. Điểm nóng đầu tiên chúng tôi đến là rừng phòng hộ ở khu vực đồi La Ngà, khe Ba Xoa và Cổng Trời (xã Hương Sơn).

Sau hơn một giờ đồng hồ đội mưa băng rừng với những con dốc chết người, chúng tôi tiếp cận điểm phá rừng ở đồi La Ngà. Đập vào mắt chúng tôi là cả một khoảng rừng mênh mông bị đốn hạ không thương tiếc.

Hàng trăm cây gỗ to 2-3 người ôm nằm chỏng chơ. Bên cạnh những cây vẫn còn nguyên cành và ngọn là những cây đã được bóc vỏ và cưa thành từng khúc."Những cây gỗ này lâm tặc chuẩn bị vận chuyển về xuôi. Chúng thường vận chuyển vào ban đêm để tránh sự phát hiện của lực lượng bảo vệ rừng"- ông Bót cho biết.

"Khi nào tui lên đây cũng thấy người đốn cây, tiếng cưa máy gầm rú đinh tai nhức óc. Hôm nay chúng thấy"động" nên rút hết" - ông Bót giải thích khi chúng tôi hỏi tại sao rừng bị đốn hạ tràn lan và dấu vết còn mới nhưng không thấy lâm tặc.

Không chỉ khu vực đồi La Ngà, khe Ba Xoa và Cổng Trời, tình trạng phá rừng đang diễn ra ồ ạt ở huyện Nam Đông với hàng loạt điểm nóng khác ở các khu rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và rừng đặc dụng thuộc các xã Hương Phú, Thượng Nhật, Thượng Long…

Không chỉ chặt phá các loại gỗ quý hiếm như lim, kiền, trắc…, lâm tặc còn tận thu cả các loại gỗ thông thường. Tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Hương Phú với huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thủy, đoạn đường vào Thác Mơ, lâm tặc hoạt động ngày càng tưng bừng. Hàng chục ha rừng ở đây đã và đang tiếp tục bị chặt phá. Trong đó, diện tích rừng bị chặt phá nghiêm trọng nhất là tiểu khu 371 vùng Phú Mậu-Lò Than.

Ở xã Thượng Nhật, khu vực rừng gần khe La Ma, lâm tặc cũng hoành hành như chốn không người. Đó là chưa kể nhiều người dân ở các địa phương này lợi dụng chủ trương của UBND huyện Nam Đông về việc tận thu gỗ lóc lõi còn sót lại ở các nương rẫy và đất trồng cao su để ồ ạt chặt phá rừng tự nhiên bán cho các đầu nậu gỗ.

Hùa nhau phá rừng

Ông Phan Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho rằng, không chỉ dân nghèo mà cả lực lượng bảo vệ rừng và doanh nghiệp cũng đua nhau phá rừng."Năm trước tôi có phản ánh việc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông lợi dụng việc tận thu gỗ lóc lõi ở các nương rẫy để thuê người chặt phá rừng tự nhiên"- ông Cường kể rồi chỉ cho chúng tôi địa điểm tập kết 36m3 gỗ lim được đốn từ rừng tự nhiên đang chất đống trước trụ sở Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thượng Long thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông.

Quan" cũng phá rừng
Ngoài lâm tặc là người dân và các đầu nậu gỗ, không ít lâm tặc tham gia phá rừng ở huyện miền núi Nam Đông là cán bộ có chức có quyền. Một cán bộ Đội cảnh sát điều tra Công an Nam Đông cho biết, chuyện cán bộ cấp tỉnh lên Nam Đông xin gỗ rừng về làm nhà là"chuyện thường ngày ở huyện". Nhiều cán bộ tỉnh khi làm nhà cũng lên huyện này xin gỗ, xin 5m3 thì chở 10m3, thậm chí hàng chục m3.

Chúng tôi hỏi về nguồn gốc 36m3 gỗ quý hiếm này, một người đàn ông xưng là Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thượng Long, nhưng không xưng tên, bảo rằng số gỗ này có nguồn gốc nhưng không thể cung cấp. Khi chúng tôi ghi hình số gỗ này thì bị người đàn ông trên hung hăng ngăn cản và dọa dẫm (!?). Theo tìm hiểu, vì đây là gỗ khai thác bất hợp pháp nên lực lượng kiểm lâm không cho lưu hành.

Theo lãnh đạo UBND xã Thượng Long, lực lượng phá rừng nhiều nhất trên địa bàn là... Xí nghiệp Lâm nghiệp Long Phụng. Bãi tập kết gỗ khổng lồ của Xí nghiệp này được đặt ở thôn 6 xã Hương Hữu, sát xã Thượng Long. Mặc dù thường xuyên vận chuyển gỗ về xuôi nhưng bãi tập kết này lúc nào cũng có hàng trăm m3 gỗ quý hiếm như lim, kiền, trắc, sáo…, mỗi cây tầm vài ba người ôm.

Điều đáng nói là hoạt động khai thác rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Long Phụng đã được cơ quan chức năng cấp phép. Sau khi tận diệt rừng ở tiểu khu 303 thuộc xã Thượng Quảng, hiện Xí nghiệp này chuyển sang khai thác rừng ở tiểu khu 409 thuộc xã Thượng Long, trên diện tích rất lớn.

"Trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân trong xã rất bức xúc vì hoạt động phá rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Long Phụng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nhưng chính quyền vẫn không can thiệp được"- ông Phan Văn Cường cho biết. Cũng theo ông Cường, hiện các loại rừng trên địa bàn chỉ còn gỗ loại 3 - 4, còn gỗ loại 1 - 2 đã bị đốn sạch.

Đường đi của gỗ lậu

Mùa mưa là mùa cao điểm chặt phá và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng ở Nam Đông. Việc vận chuyển gỗ lậu"nóng" ở cả đường thủy lẫn đường bộ. Theo chỉ dẫn của một cán bộ xã Thượng Nhật, chúng tôi vào khu vực khe La Ma, thuộc thượng nguồn sông tả Trạch, giáp huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) để tận mắt việc vận chuyển gỗ lậu ồ ạt vào ban đêm ở khe này.

Trong bộ dạng những người mua gỗ, chúng tôi được một đầu nậu gỗ lậu ở đây tiết lộ bí mật vận chuyển gỗ lậu về xuôi an toàn. Đó là xẻ nhỏ gỗ hoặc đóng thành các bộ phận của nhà cửa, vật dụng trước khi vận chuyển. Sau khi xẻ nhỏ, gỗ được giấu vào những xe tải chở gỗ keo hoặc các loại hàng hóa khác để đưa về các bãi tập kết gỗ ở các huyện, thành phố, nhiều nhất là TP.Huế, rồi tiếp tục phân phối đi các nơi.

Trong trường hợp muốn chở cả cây gỗ to thì phải"bồi dưỡng" cho lực lượng chức năng hoặc xin được"giấy đi đường" của cơ quan có thẩm quyền."Mua ở đây thì giá dao động từ 10- 12 triệu đồng/m3, tùy theo quy cách gỗ, chở về xuôi thì giá sẽ cao hơn nhiều"- đầu nậu này cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Phia - Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết, tình trạng phá rừng trên địa bàn thôn nào của xã cũng có, lực lượng phá rừng có cả người địa phương và người từ nơi khác đến. Tuy nhiên, hàng năm lực lượng chức năng chỉ xử lý được khoảng 7-8 vụ, thu được khoảng 2-3m3 gỗ.

Khác với Thượng Nhật, tại xã Thượng Long, sau khi đốn gỗ từ rừng, lâm tặc thường xẻ nhỏ gỗ rồi vác hoặc chở về các thôn vào ban đêm bằng các loại phương tiện thô sơ như xe đạp, xe máy, xe trâu... Tại đây, ngoài kiểm lâm địa bàn còn có hai trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông.

Đó là chưa kể thôn nào trong xã cũng có người quản lý rừng theo hợp đồng. Lực lượng bảo vệ nhiều là vậy nhưng hoạt động phá rừng ở đây vẫn diễn ra rầm rộ, có tổ chức nhưng số bị bắt giữ hàng năm chỉ trên đầu ngón tay. Thậm chí, tại rất nhiều nhà dân, gỗ lậu được chất thành đống quanh vườn nhưng không ai"hỏi thăm".

Ông Cao Ngọc Thành - Trưởng bộ phận pháp chế Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho biết, toàn huyện có 45.181ha rừng tự nhiên, 10.696ha rừng phòng hộ và 26.000ha rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, Vườn quốc gia Bạch Mã và huyện quản lý. Ông Thành cung cấp cho chúng tôi một số liệu mà bất cứ ai biết nạn phá rừng ở đây đều phải hoài nghi: 9 tháng đầu năm phát hiện và xử lý 28 vụ vi phạm lâm luật, xử phạt hành chính 83 triệu đồng!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật