Những phương thuốc trị chứng tiêu chảy hiệu nghiệm

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nguyên nhân gây tiêu chảy - tiết tả có nhiều, khi phát bệnh thường hay có quan hệ với thời tiết và ăn uống.
Những phương thuốc trị chứng tiêu chảy hiệu nghiệm
Trạch tả

Có thể gom gọn trong 2 nhóm nguyên nhân chính gây nên chứng tiết tả:

Ngoại nhân: chủ yếu Phong, Hàn, Thấp, Thử tà xâm nhiễm gây nên làm tổn thương tính thăng giáng của tỳ vị.

Nội nhân: ăn uống không điều độ, không chừng mực, bừa bãi, hoặc ăn thức sống lạnh ôi thiu, hoặc ăn quá nhiều thứ ngon béo; nhân tố nội tại như tỳ vị đã hư yếu sẵn, ăn uống không điều hòa; dương khí ở tỳ thận suy kém không vận hóa nung nấu thức ăn được.

Hàn thấp

Triệu chứng:

- Đau bụng, sôi ruột, tiêu lỏng nhiều lần toàn nước trong loãng.

- Người nặng nề, mệt mỏi, không muốn ăn.

- Ớn lạnh, sợ gió, đau mình, nhức đầu.

- Lưỡi bệu rêu trắng.

- Mạch nhu hoãn (nếu thấp nhiều), mạch trầm trì (nếu hàn nhiều).

Pháp trị:

Nếu thấp nhiều: ôn trung, phân thanh trọc, lợi thủy thấp.

Phương dược: Vị linh tán (bao gồm Bình vị tán và Ngũ linh tán): thương truật, hậu phác, trần bì, cam thảo, trư linh, quế chi, trạch tả, bạch truật, phục linh. Ý nghĩa: Bình vị tán (thương truật, hậu phác, trần bì, cam thảo) để khử thấp hòa vị; Ngũ linh tán (trư linh, quế chi, trạch tả, phục linh) để hành khí lợi thủy.

Nếu Hàn nhiều: Ôn trung khứ hàn.

Phương dược: Lý trung thang (Thương Hàn luận): đảng sâm, bạch truật, can khương, cam thảo. Ý nghĩa: can khương để ôn trung tiêu khu lý hàn; đảng sâm để bổ khí giúp vận hóa; bạch truật để kiện tỳ táo thấp; cam thảo để ích khí hòa trung.

Thấp nhiệt

Triệu chứng:

- Phát sốt, khát, uống nước nhiều, thích uống nước lạnh.

- Lợm giọng, buồn nôn.

- Đau quặn bụng từng cơn, mỗi lần đau là mỗi lần đi tiêu chảy, tiêu chảy nhiều lần.

- Phân lỏng màu vàng, hôi thối, nóng như đốt ở hậu môn.

- Tiểu tiện ít.

- Lưỡi bệu rêu vàng bẩn.

- Mạch sác.

Pháp trị: thanh nhiệt lợi thấp chỉ tả

Phương dược: Cát căn cầm liên thang gia giảm: cát căn, hoàng liên, hoàng cầm, nhân trần, kim ngân hoa, hoắc hương.

Ý nghĩa: cát căn để giải biểu thanh nhiệt, nâng khí dương của tỳ vị để chỉ tả; hoàng liên, hoàng cầm để thanh nhiệt giải độc; hoắc hương hỗ trợ cát căn để chỉ tả; nhân trần để lý khí hòa huyết chỉ thống; cam thảo để hòa trung.

Thương thực

Triệu chứng:

- Đầy bụng, đau quặn từng cơn.

- Tiêu chảy phân lỏng hoặc có hòn rất hôi thối, như mùi trứng ung, hoặc mùi thức ăn không tiêu, đi tiêu xong bụng giảm đau.

- Ợ nhiều, ợ hơi và ợ chua.

- Ngực tức không khoan khoái.

- Trung tiện luôn luôn rất thối

- Rêu lưỡi vàng cáu bẩn.

- Mạch hoạt sác.

Pháp trị: Kiện tỳ tiêu thực chỉ tả.

Phương dược: bình vị tán gia vị: thương truật, trần bì, hậu phác, cam thảo, sơn tra, thần khúc. Ý nghĩa: thương truật, hậu phác, trần bì, cam thảo phối hợp để trừ thấp hòa vị; thần khúc, sơn tra để tiêu thực, tác dụng chung của bài thuốc là Tiêu thực đạo trệ.

Thương truật Tỳ vị hư hàn

Triệu chứng:

- Lạnh bụng, sôi ruột, mệt mỏi không muốn ăn.

- Đau bụng âm ỉ, tiêu lỏng nhiều lần, phân sống.

- Sắc da nhợt nhạt.

- Đoản hơi.

- Chân tay mát lạnh.

- Lưỡi bệu nhợt, rêu trắng.

- Mạch vô lực.

Phép trị: Ôn trung tán hàn, kiện tỳ, chỉ tả.

Phương dược: Hương sa lục quân gia vị: mộc hương, sa nhân, trần bì, bán hạ chế, đảng sâm, phục linh, bạch truật, chích thảo, gừng lùi, hoàng đằng. Ý nghĩa: mộc hương, sa nhân để ôn trung tán hàn; trần bì, bán hạ hóa đờm ráo thấp; gừng lùi, hoàng đằng để chỉ tả; sâm, linh, truật, thảo để kiện tỳ bổ khí.

Tỳ thận dương hư

Triệu chứng:

- Người già lớn tuổi, mệt mỏi ù tai, đau lưng mỏi gối, ngũ canh tả.

- Đau bụng, sôi ruột, tiêu nhiều lần phân sống, đi cầu xong vẫn còn đau.

- Bụng dưới đau lạnh.

- Ăn không ngon miệng, thường xuyên ớn lạnh, chân tay và người lạnh.

- Lưỡi nhợt bệu, rêu trắng nhầy.

- Mạch trầm nhược.

Phép trị: ôn bổ Tỳ Thận dương, chỉ tả.

Phương dược: Tứ thần hoàn gia vị: nhục đậu khấu, phá cố chỉ, bạch truật, can khương, ngô thù du, ngũ vị tử, đại táo. Ý nghĩa: Phá cố chỉ để bổ mệnh môn, ích thổ; nhục đậu khấu để ôn tỳ sáp trường chỉ tả; ngô thù du để ôn tỳ, tán hàn, trừ thấp; ngũ vi tử để ôn sáp; sinh khương để tán hàn hành thủy; táo để dưỡng tỳ vị.

Nếu khí hư không cầm được tiêu chảy dùng bài thuốc trên gia thêm Phụ tử lý trung thang, hoặc bài Bát vị phối hợp với Tứ quân gia vị.

Can tỳ bất hòa

Triệu chứng:

- Khi có căng thẳng hoặc tình chí thất điều là có đi tiêu chảy.

- Bụng đầy đau, sôi ruột.

- Sườn đầy tức, căng, ợ hơi, ăn kém.

- Rêu lưỡi mỏng.

- Mạch huyền.

Pháp trị: điều hòa Can tỳ, chỉ tả.

Phương dược: Thống tả yếu phương (Cảnh nhạc toàn thư): phòng phong, bạch truật, trần bì, bạch thược. Ý nghĩa: Phòng phong để sơ can tỳ: bạch thược để dưỡng huyết tả can: trần bì để lý khí tỉnh tỳ, toàn bài có tác dụng điều hòa can tỳ, chỉ tả, chỉ thống.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật