Triều Tiên thật lòng phi hạt nhân hóa?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Còn quá sớm để gọi tuyên bố mới nhất của Triều Tiên là một thắng lợi của Mỹ bởi điều quan trọng là Bình Nhưỡng thực sự làm gì chứ không phải nói gì
Triều Tiên thật lòng phi hạt nhân hóa?
Triều Tiên thông báo ngưng thử tên lửa và hạt nhân hôm 21-4 Ảnh: REUTERS

Triều Tiên một lần nữa khiến thế giới bất ngờ với tuyên bố ngưng thử hạt nhân, tên lửa và đóng cửa bãi thử hạt nhân hôm 21-4, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tuần tới cũng như cuộc gặp dự kiến giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Lạc quan thận trọng

Lạc quan nhưng thận trọng là phản ứng chung của cộng đồng quốc tế và các chuyên gia bởi không ít lần Bình Nhưỡng cam kết ngưng phát triển vũ khí hạt nhân để rồi thất hứa. Ông Trump gọi đây là thông tin tốt cho Triều Tiên và thế giới, còn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đánh giá đây là "tiến triển có ý nghĩa" hướng đến phi hạt nhân hóa bán đảo. Trung Quốc, đồng minh hàng đầu của Triều Tiên, cũng hoan nghênh quyết định trên. Dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh cần theo dõi thêm trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng giờ chưa phải là lúc giảm bớt sức ép lên Bình Nhưỡng.

Theo tờ The Korea Herald, tuyên bố mới nhất cho thấy sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa mạnh mẽ hơn của Bình Nhưỡng, từ đó hứa hẹn mở đường cho giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều thập kỷ qua. Một số chuyên gia Hàn Quốc đánh giá quyết định trên là cần thiết để ông Kim giải thích với người dân về quyết định hội đàm với Mỹ và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, nếu có. Triều Tiên lâu nay vẫn sử dụng lý do "chính sách thù địch của Mỹ" cho sự tồn tại của chương trình này.

Ông Hong Min, chuyên gia tại viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, nhận định thông báo trên cũng có thể đánh dấu sự kết thúc của chính sách phát triển song song cả vũ khí hạt nhân và kinh tế được Đảng Lao động Triều Tiên thông qua hồi tháng 3-2013.

Trong lúc nhiều chuyên gia nhất trí rằng quyết định của Triều Tiên phần nào làm gia tăng triển vọng thành công của các hội nghị thượng đỉnh sắp tới, một số người cho rằng vẫn còn quá sớm để biết được liệu Triều Tiên có thật lòng phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" như đòi hỏi của Mỹ và Hàn Quốc hay không.

"Chúng ta không thể xem tuyên bố này thể hiện quyết tâm hoàn toàn phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Hiện cũng chưa rõ nước này có dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân hoặc liệu có tiếp tục sở hữu thứ vũ khí này trong lúc thúc đẩy kinh tế hay không" - ông Kim Hyun-wook, chuyên gia tại Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, nhắc nhở.

Bài diễn thuyết của Bình Nhưỡng

Thay vào đó, như phân tích của hãng tin AP, Triều Tiên dường như muốn nói với Mỹ rằng họ đã trở thành cường quốc hạt nhân và Washington phải chấp nhận điều này, cũng như đối xử họ ngang bằng. Điều này một lần nữa thể hiện sự tự tin của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, cũng giống như khi ông sang thăm Bắc Kinh hồi tháng trước.

Đi xa hơn, Bình Nhưỡng còn cam kết không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi đối mặt những mối đe dọa, hành động khiêu khích hạt nhân. "Trên thực tế, ông Kim Jong-un vừa nói rằng Triều Tiên đã là một cường quốc hạt nhân và ông ta sẽ từ bỏ vũ khí này nếu phần còn lại của thế giới cũng làm thế. Cam kết phi hạt nhân hóa của ông Kim Jong-un dường như đã bị phóng đại" - ông Joshua Pollack, chuyên gia tại viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), nhận định.

Nhận định này không phải không có cơ sở bởi theo AP, tuyên bố của Triều Tiên không nói gì đến việc ngưng thử tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung, sản xuất tên lửa tầm xa hoặc vật liệu phân hạch dùng cho việc phát triển đầu đạn. Ngoài ra, Bình Nhưỡng không chịu từ bỏ quyền phóng rốc-két lên không gian - bị cộng đồng quốc tế xem là bình phong cho các vụ thử tên lửa. Vì thế, không có gì lạ khi một số chuyên gia nhắc nhở rằng vẫn còn quá sớm để gọi tuyên bố trên là một thắng lợi của Mỹ bởi điều quan trọng là Triều Tiên thực sự làm gì, không phải nói gì.

Ông Ankit Panda, nhà phân tích tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, nhận định với đài BBC rằng những lời lẽ của Triều Tiên giống như bài diễn thuyết của một quốc gia không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân, được xem là công cụ răn đe kẻ thù và bảo vệ sự sống còn của chính quyền ông Kim Jong-un.

Lời hứa của ông Kim

Nguyên nhân dễ thấy nhất mà các chuyên gia chỉ ra về tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ngày 21-4 là nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn có thêm thuận lợi cho 2 cuộc họp thượng đỉnh sắp tới với Hàn Quốc và Mỹ. Theo đài BBC, họp thượng đỉnh với một tổng thống Mỹ là cái giá xứng đáng để Bình Nhưỡng có bước đi được xem là nhượng bộ trên.

Một lý do khác, ông Jeffrey Lewis, chuyên gia tại viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (MIIS - Mỹ), nhận định với trang The Verge rằng có thể chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên đã chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang phát triển và nước này đang "dự trữ vũ khí và tên lửa". Riêng việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), đài BBC cho đó là điều khá bất ngờ. Tới nay, nước này mới thử nghiệm 3 trong tổng số tên lửa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân phóng đến lục địa Mỹ. Tuy nhiên, Triều Tiên có thể làm vậy để dành thời gian khắc phục những điểm yếu (như có ít bệ phóng - mới có 6 bệ phóng dành cho ICBM) và tiếp tục phát triển các hệ thống kiểm soát và chỉ huy hạt nhân. Thêm vào đó, ngừng thử tên lửa cũng giúp bớt hao tổn chi phí.

Ngoài những nguyên nhân trên, giả thuyết còn lại thuộc về kinh tế. Trong thông báo của mình, Triều Tiên nói "muốn chủ động kết nối với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế để bảo đảm hòa bình cũng như tạo ra môi trường tối ưu để xây dựng kinh tế". Điều này nhất quán với lời hứa vào năm 2012, khi ông Kim Jong-un mới lên nắm quyền: Không người dân Triều Tiên nào phải thắt lưng buộc bụng nữa!

Dù còn nhiều trở ngại cho nhà đầu tư như lực lượng nhân công (giá rẻ) xa lạ với lề lối làm việc phương Tây, công nghệ hạn hẹp, tình hình an ninh chưa thật ổn định..., Triều Tiên vẫn được đánh giá là thị trường "ngựa ô" nhờ nằm ở vị trí trung tâm của một khu vực đang phát triển bùng nổ (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). "Triều Tiên có thể là cầu nối cho toàn bán đảo tới tận châu Âu thông qua Trung Quốc" - bà Kim Young-hui, một người Triều Tiên đào tẩu đang nghiên cứu tại Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, nhận định.

Trong trường hợp này, Hàn Quốc sẽ hưởng lợi bởi hàng hóa nước này có thể theo đường bộ đến với phần còn lại của thế giới, qua đó làm giảm chi phí vận chuyển. Theo hãng tin Bloomberg, trong khi Tổng thống Moon Jae-in nói tới khả năng nước ông nhận được khí đốt từ Nga thông qua Triều Tiên thì cổ phiếu của các công ty xây dựng và nhà sản xuất xi-măng Hàn Quốc vào tuần rồi tăng lên nhờ viễn cảnh làm đường và hạ tầng ở nước láng giềng. Một thế mạnh khác của Triều Tiên nằm ở các nguồn khoáng sản dồi dào, đặc biệt là đất hiếm, ước tính trị giá tới 6.000 tỉ USD.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật