Trung Quốc khoe sở hữu ‘tân tứ đại phát minh’, có thật không?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Truyền thông Trung Quốc và giới chức nước này không ngừng nói về “tứ đại phát minh“ thời hiện đại của mình, như đường sắt cao tốc hay mua sắm trực tuyến. Vậy họ có thật sự là chủ nhân của những phát minh này?
Trung Quốc khoe sở hữu ‘tân tứ đại phát minh’, có thật không?
Ảnh minh họa

Người Trung Quốc luôn tự hào với 4 phát minh thời cổ đại là la bàn, thuốc súng, giấy và kỹ thuật in ấn, và ngày nay họ lại tự hào về cái gọi là "tân tứ đại phát minh".

Khi hỏi về 4 phát minh mới này, một số người dân Trung Quốc sẽ trả lời ngay, đó chính là đường sắt cao tốc, thanh toán di động, ứng dụng xe đạp và mua sắm trực tuyến.

Tuyên bố về tân tứ đại phát minh này đã liên tục được truyền thông nhà nước Trung Quốc lặp đi lặp lại kể từ tháng 5-2017.

Gần đây nhất, chúng cũng được đề cập tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc bởi ông Pony Ma - một đại biểu mà hơn hết cũng được biết rộng rãi là giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập công ty công nghệ khổng lồ Tencent.

"Chúng ta giờ đây có một thuật ngữ mới là ‘tân tứ đại phát minh’ ở Trung Quốc, gồm đường sắt cao tốc, mua sắm trực tuyến, thanh toán di động và ứng dụng xe đạp" - người có biệt danh "Ngựa non" trên trả lời báo giới hồi tháng 3 vừa qua.

Tuy nhiên, Trung Quốc không hề phát minh ra bất cứ thứ gì trong số 4 công nghệ này. Bắc Kinh thật ra chỉ đang dẫn đầu trong việc sử dụng rộng rãi chúng, theo Đài BBC ngày 3-4.

Tuyên bố trên từ đâu mà ra?

Đài BBC cho biết nguồn gốc của tuyên bố này dường như đến từ một cuộc khảo sát hồi tháng 5-2017 của Học viện quốc tế Bắc Kinh (BFSU).

Cuộc khảo sát này đã yêu cầu các bạn trẻ đến từ 20 quốc gia liệt kê những công nghệ của Trung Quốc mà họ "muốn mang về ứng dụng tại quốc gia của mình nhất".

Và câu trả lời từ đa số những người được hỏi là đường sắt cao tốc, thanh toán di động, ứng dụng xe đạp và mua sắm trực tuyến.

Kể từ đó, truyền thông và giới chức Trung Quốc cũng bắt đầu khoe khoang cũng như lan truyền cho nhau về "tứ đại phát minh" của Trung Quốc hiện đại.

Trung Quốc có "tứ đại phát minh" thời cổ đại là la bàn, thuốc súng, giấy và kỹ thuật in ấn - Ảnh: QQ

Tại sao Trung Quốc ‘cố chấp’ nhận vơ?

Trong những năm qua, Bắc Kinh đẩy mạnh cải tiến về công nghệ trong bối cảnh nước này mong muốn trở thành một "quốc gia cải tiến" vào năm 2020.

"Sau nhiều năm lệ thuộc vào uy thuế công nghệ của các quốc gia phát triển ở phương Tây, Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển các công nghệ cốt lõi cho riêng mình. Chỉ có cách như vậy thì Bắc Kinh mới thật sự có sự độc lập và nhận được sự tôn trọng từ cả các đối tác và đối thủ" - hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc tuyên bố hôm 2-3..

Tuyên bố này cũng đã phần nào lý giải cho việc Trung Quốc "phát minh được" 4 loại công nghệ như truyền thông nước này lan truyền.

Dù "nhận vơ" nhưng cũng phải công nhận Trung Quốc hiện là quốc gia chi tiền khủng thứ 2 thế giới cho nghiên cứu và phát triển, chỉ sau Mỹ. Ngân sách cho lĩnh vực này của Bắc Kinh chiếm tới 21% trong tổng số 2 ngàn tỉ USD của thế giới hồi năm 2015.

Vậy ai là chủ nhân của "tân tứ đại phát minh"?

Về đường sắt cao tốc, hiện không có khái niệm nào chuẩn nhất về công nghệ này. Liên minh châu Âu (EU) định nghĩa "cao tốc" có nghĩa phải đạt tốc độ ít nhất 250km/h trên các đường mới và 200km/h trên các đường cũ hơn.

Theo Tổ chức đường sắt thế giới (UIC), dịch vụ tàu cao tốc đầu tiên của thế giới bắt đầu ở Nhật Bản vào năm 1964. Cụ thể, vào ngày 2-10-1964, Nhật Bản đã khai trương tuyến tàu cao tốc Shinkansen (hay còn được gọi là "tàu viên đạn") đầu tiên khởi hành từ ga Tokyo đến Osaka với tốc độ 210km/h.

Một tàu cao tốc Shinkansen chạy vào ga Shin-Osaka ở thành phố Osaka của Nhật Bản - Ảnh: AFP

Cũng từng có các ghi chép về tàu cao tốc trước đó ở châu Âu, chẳng hạn như một tàu cao tốc đạt tốc độ 331 km/h ở Pháp vào năm 1955. Tuy nhiên, dịch vụ di chuyển bằng tàu cao tốc đầu tiên ra đời ở Nhật Bản.

Trong khi đó, Trung Quốc mở tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên vào năm 2008, đi từ Bắc Kinh tới Thiên Tân, chỉ trước thềm Thế vận hội mùa hè diễn ra cùng năm.

Về thanh toán di động, một số cuộc thanh toán thông qua điện thoại di động đã được ghi nhận ở Phần Lan vào năm 1997.

Các tờ báo địa phương thời điểm đó cho biết công ty Telecom Finland đã cho vận hành các máy phát nhạc và máy bán thức uống tự động chỉ bằng cách gọi điện thoại, bao gồm các máy bán Coca Cola ở sân bay Helsinki.

Tuy nhiên, một số người cho rằng công nghệ thanh toán bằng di động thật sự bắt đầu khi ứng dụng Apple Pay của tập đoàn Apple (Mỹ) được ra mắt hồi năm 2014.

Về mua sắm trực tuyến, doanh nhân người Anh Michael Aldrich mới được công nhận là người phát minh ra khai niệm mua hàng trên mạng vào năm 1979.

Sử dụng một công nghệ có tên gọi Videotex, ông Aldrich đã kết nối một chiếc TV bình thường với máy tính của một người bán lẻ địa phương thông qua một đường dây điện thoại.

Tuy nhiên, mãi đến thập niên 1990, mua sắm trực tuyến mới trở nên phổ biến, khi Amazon và eBay cho ra đời trang điện tử thương mại hàng đầu thế giới của họ vào năm 1995.

Về xe đạp, khái niệm xe đạp đầu tiên là "White bicycle plan" (Kế hoạch xe đạp trắng), được đưa ra ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan vào thập niên 1960 bởi phong trào phản văn hóa Provo.

Bãi xe đạp khổng lồ ở Trung Quốc trông như mê hồn trận - Ảnh:A FP

Dự án xe đạp quy mô lớn đầu tiên bắt đầu ở các thành phố châu Âu trong thập niên 1990. Và Copenhagen (thủ đô Đan Mạch) được công nhận là thành phố đầu tiên áp dụng.

Trong khi đó, các công ty mới nổi của Trung Quốc như Mobike và Ofo hiện là người đi đầu của dịch vụ xe đạp "không có chỗ đậu". Theo đó, người dùng sẽ sử dụng điện thoại của mình để xác định vị trí của xe đạp. Sử dụng xong, họ sẽ đậu xe ở bất cứ nơi đâu đã được chỉ định trên ứng dụng.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật