Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá: Chờ doanh nghiệp đầu tư

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu nghề cá mà Quảng Nam đang khẩn trương triển khai là tổ chức lại nghề dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên, hiện đội tàu và hạ tầng dịch vụ hậu cần của Quảng Nam chưa phát triển tương xứng với nhu cầu nên rất cần sự đầu tư của doanh nghiệp.
Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá: Chờ doanh nghiệp đầu tư
Đội tàu cá của ngư dân Huỳnh Văn Tạo tiếp đá cây cho chuyến bám biển ở ngư trường Hoàng Sa.Ảnh: QUANG VIỆT

Hiệu quả thiết thực

Tàu cá QNa-90497 có công suất 450CV của ngư dân Võ Văn Xuân (thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) liên tục bám biển trong những ngày qua. Đây là một trong số ít tàu cá thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển trong vài năm gần đây. Mỗi lần ra khơi, ông Xuân đều liên hệ với các chủ tàu là bạn hàng quen thuộc để mua hải sản họ khai thác được, về bờ bán lại. “Chuyến biển thường kéo dài trong 5 ngày, 4 ngày đi và về giữa đất liền và Hoàng Sa, 1 ngày để thu mua hải sản. Tôi mua chừng 25 tấn hải sản mỗi chuyến. Nghề này không quá phức tạp nhưng đôi khi giá cả chênh lệch lớn nên có thể bị thua lỗ” - ông Xuân nói. Ngoài thu mua hải sản, ông Xuân còn bán dầu và nhu yếu phẩm cho ngư dân. “Thông qua bộ đàm, nhiều chủ tàu đã hẹn tôi bán hải sản và mua lương thực, thực phẩm, các vật dụng cần thiết khác. Tôi mua các vật phẩm từ bờ đến bán lại ở biển cũng thu được lợi nhuận kha khá” - ông Xuân .

Lâu nay, do dịch vụ hậu cần trên biển chưa phát triển nên nhiều đội tàu khai thác xa bờ phải phân chia phương tiện kiêm nghề này. Thông thường, khi ra đến ngư trường đánh bắt, các tàu đều cùng khai thác hải sản. Sau đó, một tàu sẽ gom số lượng hải sản của đội và chở về bán ở đất liền rồi thu mua dầu, đá cây, lương thực, thực phẩm, nước uống ra cung cấp cho các tàu đang sản xuất. Cách thức này mang lại hiệu quả, dễ thấy là ngư dân được tăng thêm thời gian bám biển, giảm chi phí nhiên liệu, bán hải sản với giá cao vì chất lượng tốt, không phải tích trữ lâu ngày. Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ đội tàu 10 chiếc và ông Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ đội tàu 4 chiếc thực hiện mô hình này trong nhiều năm qua.
Theo ước tính, một tàu làm dịch vụ hậu cần có thể giúp 30 - 35 tàu cá không phải cất công vào ra theo chuyến ngắn ngày giữa đất liền với biển khơi, nhờ đó giảm chi phí nhiên liệu khoảng 40 nghìn lít dầu cho mỗi tàu cá/chuyến biển. Cạnh đó, ngư dân tránh được nạn tư thương o ép giá khi bán sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Quảng Nam mới chỉ có 5 tàu vỏ gỗ chuyên thực hiện hậu cần trên biển ở 2 ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa

Thu hút doanh nghiệp

Hiện tại, trên toàn tỉnh có 31 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, trong đó có 11 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ và 1 cơ sở đóng tàu vỏ thép, vỏ composite có quy mô đóng mới 15 - 20 tàu cá từ 250CV trở lên. Bộ NN&PTNT đã công nhận Quảng Nam có 14 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá. Trong đó có 10 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá có công suất 400CV trở lên, với 9 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ và 1 cơ sở đóng tàu vỏ thép; 4 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá có công suất dưới 400CV. Nhìn chung, các cơ sở đóng, sửa tàu cá trên địa bàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu đóng, sửa tàu cá của ngư dân trong tỉnh.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, mành chụp, lưới rê, lưới vây, chụp mực là các nghề chủ lực của nghề cá Quảng Nam, đánh bắt được sản lượng hải sản lớn, giá trị cao trong thời gian ngắn nên rất cần được trợ giúp bởi các tàu hậu cần trên biển. Do tiềm lực của ngư dân trên địa bàn còn hạn chế nên tỉnh cần tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư để cùng tham gia chuỗi sản xuất nghề cá. “Chỉ có doanh nghiệp mới có đủ năng lực đầu tư công nghệ tiên tiến trong bảo quản hải sản. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ họ tham gia là cách tốt nhất để nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, tăng hiệu quả nghề cá, góp phần làm giàu cho ngư dân” - ông Ngô Tấn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, đầu tư hậu cần nghề cá là giải pháp thiết thực để nâng cao giá trị hải sản. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nghề này, Quảng Nam đầu tư mở rộng khu neo đậu tàu cá kết hợp cảng cá Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) là cảng cá loại II có quy mô cập cảng cùng lúc cho tối đa 600 phương tiện có công suất lớn tới 1.000CV, lượng sản phẩm qua cảng là 15 nghìn tấn/ngày. Tỉnh đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành) có quy mô là cảng cá loại I với số lượt tàu cập cảng là 150 lượt/ngày, cỡ tàu lớn nhất là 1.000CV, lượng sản phẩm qua cảng là 30 nghìn tấn/năm. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2018.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, địa phương đang nỗ lực để có thể đóng góp thiết thực vào quá trình tái cơ cấu nghề cá của tỉnh. Theo đó, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, chuyển giao đất để tỉnh khẩn trương xây dựng khu hậu cần nghề cá xã Tam Quang gắn với khu neo đậu tàu cá An Hòa (xã Tam Quang và Tam Giang), qua đó giúp ngư dân thu mua nhu yếu phẩm được thuận tiện, giá cả phải chăng cũng như tiêu thụ sản phẩm được thông suốt hơn. Ngoài ra, huyện cũng sẽ cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực thu mua, chế biến hải sản, đặc biệt là hải sản xuất khẩu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật