Hai công ty Singapore bị tố bán hàng xa xỉ sang Triều Tiên

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một bản thảo báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) cho biết hai công ty của Singapore đã gửi các mặt hàng xa xỉ để bán ở Triều Tiên với giá trị lên đến hàng triệu USD, theo The Independent.
Hai công ty Singapore bị tố bán hàng xa xỉ sang Triều Tiên
Một cửa hàng bán đồ uống ở trung tâm Bình NhưỡngẢNH: REUTERS

Hai công ty Singapore được nêu tên trong báo cáo gửi lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là T Specialist và OCN. Cả hai đều có cùng một giám đốc và đã gửi báo cáo về việc gửi rượu vang, rượu mạnh và các món hàng sang trọng khác sang Triều Tiên vào tháng 7.2017, mặc cho UN năm 2006 đã ra lệnh cấm bán các mặt hàng xa xỉsang quốc gia Đông Á này.

Cũng theo báo cáo, trong khoảng thời gian từ giữa năm 2011 và 2014, một khoản tiền hơn 2 triệu USD đã được chuyển từ Ngân hàng Tín dụng Daedong ở Triều Tiên sang tài khoản ngân hàng của T Specialist và OCN tại Singapore. Ngoài ra, UN tuyên bố rằng cả hai công ty này đều có mối liên hệ mạnh, bao gồm cả quyền sở hữu, với Ngân hàng Ryugyong, ngân hàng nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ kể từ năm 2017.

Hiện cả T Specialist và OCN, cũng như luật sư của hai công ty đều phủ nhận cáo buộc trên. Ông Edmond Pereira, luật sư của hai công ty, khẳng định việc giao dịch diễn ra trước khi UN đưa ra lệnh trừng phạt và đôi khi công ty không biết được những thay đổi trong lệnh cấm của UN.

Chính phủ Singapore mới đây tuyên bố đang bắt đầu điều tra về trường hợp này. Cả UN và Singapore đều cấm bán các mặt hàng xa xỉ cho Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt thương mại đối với quốc gia Đông Á tăng lên mạnh mẽ kể từ năm 2016, khi nước này liên tục thực hiện các đợt phóng thử tên lửa và thử nghiệm hạt nhân. UN hiện đang cân nhắc các biện pháp chế tài mới lên Triều Tiên, bất chấp thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể sẽ ngồi lại với nhau trong một cuộc gặp vào những tháng tới.

Trong một tuyên bố, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) nói rằng “sẽ có hành động nghiêm khắc để chống lại bất kỳ tổ chức tài chính nào vi phạm các quy định liên quan đến hỗ trợ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân”, đồng thời cho biết “đang phối hợp với UN trong cuộc điều tra”. MAS cũng cảnh báo các ngân hàng nên ý thức về việc tình trạng nhiều doanh nghiệp “sử dụng các công ty vỏ bọc, liên doanh và những cơ cấu sở hữu phức tạp, thiếu minh bạch” để giao dịch.Theo các chuyên gia về tội phạm tài chính, thực tế trên làm cho các ngân hàng khó phát hiện ra vi phạm. Ôm Tim Phillipps, người đứng đầu mạng lưới Tội phạm Tài chính của Deloitte, cho biết gần như không thể theo dõi được nguồn tài chính lưu thông từ Triều Tiên, và vấn đề dùng bên thứ ba để qua mặt các cơ quan chức năng khi giao dịch tài chính có thể đã lan rộng khắp khu vực Đông Nam Á.

Ông Phillipp cho biết MAS sẽ yêu cầu các công ty bị nêu tên trong bản báo cáo của UN kê khai lịch sử chi tiết về những giao dịch tài chính đã thực hiện. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á khác có thể không có đủ hệ thống tinh vi để ngăn chặn những lỗ hổng này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật