‘Hiện tượng Quảng Ninh’ và phép thử BOT

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Những năm gần đây, Quảng Ninh đã đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như cái nôi của những ý tưởng và mô hình cải cách táo bạo. Tỉnh đã huy động được những nguồn lực lớn, không phải là từ ngân sách mà chính từ sự đoàn kết, đổi mới tư duy, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn phục vụ phát triển ” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét.
‘Hiện tượng Quảng Ninh’ và phép thử BOT
Cầu Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long thực hiện bằng hình thức BOT, giá trị 7.600 tỷ đồng.

1 đồng vốn “mồi”, 8 đồng hiệu quả

“Hiện tượng” Quảng Ninh được TS.Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ghi nhận từ những kết quả hết sức tích cực trong thời gian gần đây. Sức lan tỏa của những vùng trọng điểm như Hạ Long, Vân Đồn và Móng Cái đang thể hiện sức chuyển động mạnh mẽ của địa phương.

Ông Tuấn dẫn chứng, việc phát triển các dự án đầu tư các tuyến cao tốc lớn, ngay cả theo hình thức công – tư, thì cả phần vốn công hay phần vốn tư vẫn cần phải có một sự đảm bảo nhất định về việc khoản đầu tư sẽ sinh lời thì mới thu hút được các nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng nhận định tích cực về biểu hiện rất thân thiện, tin tưởng của các nhà đầu tư là các tập đoàn lớn củ Việt Nam như Vingroup, Sungroup, BIM group… khi tham gia mạnh mẽ vào các dự án, nhất là dự án đầu tư hạ tầng tại Quảng Ninh với chính quyền tỉnh này. Những dự án rất lớn cho thấy nhiều doanh nghiệp đủ sức để phát triển các đại dự án du lịch ở tầm cỡ quốc tế.

đầy hào hứng, ông Trương Mạnh Hùng - Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Quảng Ninh nêu con số thống kê, trong 4-5 năm gần đây, Quảng Ninh đã huy động được trên 190.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội, trong đó có tới 48.000 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Rất nhiều những công trình hiện đại bậc nhất cả nước đang được thực hiện tại Quảng Ninh đều là từ nguồn vốn xã hội hóa. Sân bay quốc tế Vân Đồn (vốn đầu từ 7.500 tỷ đồng) là niềm tự hào của lãnh đạo tỉnh khi đây là dự án giao thông duy nhất thu hút được BOT trong lĩnh vực hàng không. Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với 2 dự án thành phần là cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng hiện chỉ còn chờ ngày chính thức thông cầu, khai thác.

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Quốc lộ 18 nâng cấp đoạn Hạ Long - Mông Dương cũng là dự án BOT với tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng, dự kiến thời gian khai thác, hoàn vốn tới 29 năm cũng được cho là chỉ những nhà đầu tư tâm huyết, xác định “đứng chân” lâu dài trên mảnh đất này mới sẵn sàng tham gia. Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái vốn đầu tư dự kiến 16.000 tỷ đồng hiện đang được Vụ Đối tác công tư (PPP) – Bộ GTVT thẩm định để có thể triển khai trên thực tế, để chuẩn bị cho việc phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn…

“Chúng tôi áp dụng cách làm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, bỏ ra 1 đồng ngân sách (vốn “mồi”) để thu hút về 8,3 đồng ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, giao thông, du lịch...” - Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Quảng Ninh nói.

Thước đo thành công

Quảng Ninh sắp có hệ thống cao tốc thông suốt chạy suốt chiều dài tỉnh

Thị sát những công trình dự án giao thông lớn tại Quảng Ninh vừa qua, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng xác nhận, ấn tượng ban đầu là Quảng Ninh đã thay đổi rất nhanh chóng, chỉ trong 2 năm qua, cả về kinh tế xã hội và các lĩnh vực khác, đặc biệt nhất là về hạ tầng giao thông.

Ông Thể , từ khi còn là Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, ông đã cử những đoàn công tác tới Quảng Ninh để học hỏi kinh nghiệm của địa phương, một trong những tỉnh thực hiện cải cách chính tốt nhất cả nước, để có thể huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, đem lại sự thay đổi lớn cho mảnh đất này.

“Xâu chuỗi lại, trong một thời gian rất ngắn khoảng 3-4 năm thôi, Quảng Ninh đã huy động xã hội hóa để làm giao thông ở Quảng Ninh chiếm tới hơn 48.000 tỷ, trong đó địa phương bỏ ra tổng cộng hơn 12000 tỷ còn lại vốn của nhà đầu tư. Như vậy Nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 25% vốn thôi còn nhà đầu tư bỏ ra 75% là có thể hình thành nhiều công trình vĩnh cửu, để đời cho con cháu như sân bay, cầu lớn, đường quốc lộ…” – Bộ trưởng GTVT tâm đắc.

Với nỗ lực bứt phá đó, năm 2017, tốc độ tăng trưởng(GRDP) của Quảng Ninh ước 10,2% thuộc nhóm tăng cao so với mức trung bình 6,7% của cả nước, quy mô nền kinh tế ước đạt 122.576 tỷ đồng(tăng 10,8%), thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.528 USD/năm, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Điểm đặc biệt là, sự tăng trưởng trên không còn phụ thuộc vào ngành khai khoáng truyền thống mà là từ sự phát triển mạnh của các ngành như xây dựng, dịch vụ, du lịch.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2107, thu ngân sách từ dịch vụ ước đạt 4.498 tỷ đồng chiếm 16.3% tổng thu nội địa. Tổng doanh thu từ ngành du lịch ước đạt 17.885 tỷ đồng, thu ngân sách từ ngành này chiếm 7,62% tổng thu nội địa, tăng 30% so với cùng kỳ.

Những thành quả cũng có thể đong đếm được bằng các đánh giá độc lập, khách quan, tiêu biểu như thể như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2014, chỉ số PCI của tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 5 trong số 63 tỉnh thành phố, đến 2015, 2016, đã vươn lên đứng thứ 3 rồi tới thứ hai cả nước, lần lượt vượt qua những “đối thủ” đáng gờm như Đồng Tháp, Bình Dương…

Trong số những tiêu chí được đưa ra chấm điểm để xếp hạng PCI, Quảng Ninh nổi trội về các chỉ số đo nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể như chỉ số về chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp, chi phí không chính thức với nhà đầu tư, tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long , các cơ quan trong toàn tỉnh đều xác định phải hành động với nguyên tắc theo sát bước chân nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án đúng tiến độ, đồng thời thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.Kết quả đánh giá chính là thước đo về sự hài lòng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành của tỉnh.

Người chủ trì cơ quan thực hiện phép đo PCI hàng năm – Chủ tịch Phòng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khái quát: “Những năm gần đây, Quảng Ninh đã đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như cái nôi của những ý tưởng và mô hình cải cách táo bạo. Có thể khẳng định Quảng Ninh đã đánh giá đúng thực tiễn, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực để thực hiện. Nguồn lực ở đây không phải là ngân sách từ T.Ư đầu tư, hỗ trợ, mà chính là sự đoàn kết, đổi mới tư duy gắn với chủ động đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn cho doanh nghiệp”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật