Vận động giảm đốt hình nhân tại đền phủ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, việc vận động giảm đốt hình nhân phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước trong việc hạn chế đốt vàng mã.
Vận động giảm đốt hình nhân tại đền phủ
Mã cỡ lớn ở đền phủ

Theo Cục Văn hóa cơ sở, hiện việc đốt vàng mã tại các chùa không nhiều bằng tại các đền phủ. Trong một diễn biến khác, tín ngưỡng thờ Mẫu vừa trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Trong thực hành tín ngưỡng này có sử dụng hình nhân. Liệu có việc sẽ vận động giảm đốt hình nhân này không, thưa bà?

Thứ trưởng VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy: Một số nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu như Lên đồng có sử dụng nhiều loại đồ mã khác nhau, phụ thuộc vào mục đích của nghi lễ. Trong một buổi hầu với mục đích khác nhau, thì có các loại mã khác nhau, ví dụ như nghi lễ ra đồng mở phủ, thì ngoài các hình nhân, còn các mũ, các mảng, bè, voi, ngựa, thuyền rồng, v.v. Các hình nhân trong nghi lễ lên đồng không phải là hình nhân thế mạng, mà mang tính biểu trưng cho những người giúp việc các vị thánh trong điện thần thờ Mẫu. Với đức tin trần sao âm vậy, những người Lên đồng theo tập tục dâng lên các quan, các Mẫu các vị hình nhân để đi hầu các vị thần ở thế giới bên kia.

Dâng đồ mã là một hình thức thể hiện một phần đức tin trong thực hành thờ Mẫu. Việc vận động giảm đốt hình nhân phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước trong việc hạn chế đốt vàng mã. Theo quy định tại Điều 6 luật Tín ngưỡng, Tôn giáo thì mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, thực hành nghi lễ tín ngưỡng. Vì vậy, việc vận động này không chỉ phụ thuộc vào việc ban hành các văn bản pháp quy mà còn phụ thuộc vào nhận thức của người thực hành tín ngưỡng. Để thay đổi thói quen cần có sự vận động, thuyết phục người dân tự nguyện làm theo. Ngoài ra, cần có thời gian, sự chung sức của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là từ các phương tiện truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của mình. Tôi hoàn toàn tin tưởng, bằng sự quyết tâm, sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, những thói quen không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lành mạnh.

Từ thực tế hiện nay, xin bà cho biết đánh giá lợi, hại của việc đốt vàng mã?

Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt và được coi như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm. Đây cũng là một cách thức để con người bày tỏ hiếu đễ đối với tổ tiên và thần linh. Ngoài ra, việc làm vàng mã cũng được xem như một nghề truyền thống, đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người dân.

Tuy nhiên, việc đốt nhiều vàng mã trong thời gian gần đây đã gây những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Thứ nhất, việc đốt vàng mã đã tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc, có hiếu nhiều hơn so với những người khác. Thứ hai, việc đốt vàng mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan. Nhiều hình thức mê tín khác nhau lợi dụng vàng mã để làm lợi cho người bán vàng mã, người xem bói hay những người hành nghề mê tín dị đoan khác; Thứ ba, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích; dễ gây cháy nổở các nơi đốt vàng mã. Thứ tư, việc dùng tiền để mua vàng mã quá nhiều đã gây ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Nếu giảm đốt vàng mã, liệu nghề vàng mã với nhiều kỹ thuật thủ công sẽ bị mai một không? Bà nghĩ sao về điều này?

Việc làm vàng mã trước đây được xem như một nghề truyền thống. Tuy nhiên việc sản xuất đồ mã ồ ạt, cộng với với sự biến tướng trong sử dụng đồ mã, sự hiểu sai lệch về ý nghĩa của việc đốt vàng mã hiện nay đang làm mất dần đi yếu tố truyền thống của nghề vàng mã này. Kỹ thuật thủ công của việc làm vàng mã liên quan rất nhiều đến yêu cầu của thị trường, đặc biệt là yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng. Do đó, nghề vàng mã với những biến tướng nhất định gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, đến môi trường xã hội cần phải được cân nhắc để hoàn thiện với công nghệ tiên tiến hơn, hay phải áp dụng, chuyển đổi mô hình sang các mặt hàng khác nhau để đáp ứng yêu cầu mới ngày càng đa dạng của thị trường hàng hóa tiêu dùng và yêu cầu đa dạng của người dân.

Về vấn đề này, Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân khởi nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất, do đó, việc giảm đốt vàng mã có thể sẽ tạo cơ hội để các cơ sở sản xuất vàng mã chuyển đổi mặt hàng sản xuất theo những chiều hướng tốt hơn, có lợi hơn cho xã hội.

Cảm ơn bà!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật