NSƯT Mạnh Tường: Người của “17 Khoảnh khắc mùa xuân”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có lần ông được vợ nhờ ra chợ mua con cá, cô hàng cá không bán mà cứ nhìn chằm chằm rồi nói: chồng cháu mê chú lắm! Ông cười nói: Chồng cô có gay không mà mê tôi? Cô hàng cá nói: Chỉ cần chú nói là cháu nhận ra chú là người đã đọc phim “17 Khoảnh khắc mùa xuân” ngày xưa. Chồng cháu mê phim đó và mê luôn giọng chú…
NSƯT Mạnh Tường: Người của “17 Khoảnh khắc mùa xuân”
NSƯT - Phát thanh viên Mạnh Tường

Chồng cháu mê chú…

NSƯT Mạnh Tường kể câu chuyện vui khi tôi đến thăm nhà ông tại ngõ phố nhỏ ở đường Lĩnh Nam. Người đã rời xa công việc như ông bao năm có dịp ngồi ôn lại chuyện cũ, ông vui lắm. Chú cháu chuyện trò bên ấm trà mạn uống vào thì hơi đắng nhưng vị ngọt đọng lại rất lâu trong cổ họng. Người trẻ uống trà thì say mất ngủ, nhưng người lớn tuổi như ông lại nghiện, ngày không dưới 3 ấm là không chịu được.

Thời tuổi trẻ của phát thanh viên - NSƯT Mạnh Tường có ngoại hình đẹp để lên hình. Nhưng ông tự nhận thế mạnh nhất của ông lại là giọng đọc ấm áp và truyền cảm. Đó có thể là do ông xuất thân là ca sĩ thuộc Quân chủng Phòng không Không quân chuyên hát các ca khúc trữ tình, lãng mạn nên giọng đọc ông cũng thế chăng?

Năm 1973, từ quân đội ông giải ngũ về làm tổ phát thanh viên – phòng chương trình tiền thân bây giờ của Ban TKBT – Đài THVN. Tổ lúc đó có mấy người PTV Kiều Oanh, Lan Hương, Hồng Trang, Mạnh Tường, Minh Trí, Bích Ngọc… Chương trình của Đài lúc đó chỉ phát tuần có hai buổi thứ 4 và thứ 7 mỗi buổi có  một tiếng với các chuyên mục như Những bông hoa nhỏ, Phóng sự tài liệu, bản tin thời sự và một tiết mục văn nghệ. PTV lên hình làm nhiệm vụ móc nối các chương trình và đọc bản tin thời sự.

Có thời kỳ ông rất gầy do mắc bệnh đau dạ dày, lãnh đạo quyết định ông tạm thời không lên hình nữa và lệnh ông phải đi chữa bệnh cho dứt điểm. Thời gian không lên hình ông có nhiều thì giờ để đọc thuyết minh phim và các chương trình khác. Ông thích nhất đọc cho chương trình “Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi”- phát sau “Những bông hoa nhỏ”, chương trình thường mời các nhà văn viết nên lời bình rất hay giàu cảm xúc.

NSƯT Mạnh Tường ngoài cùng bên trái.

Giai đoạn thuyết minh phim chính là giai đoạn "tích cóp" nên tên tuổi phát thanh viên Mạnh Tường. Phim ta nhập lúc đó chủ yếu là phim Liên Xô làm về thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ 2. Là anh cả trong khối Xã hội chủ nghĩa, Liên Xô là nước chịu nhiều tổn thất nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc với 34 triệu người con đã hy sinh nên nền điện ảnh Xô Viết lúc đó đậm chất sử thi anh hùng ca. Những bộ phim gắn bó tên tuổi ông lúc bấy giờ có thể kể đến “17 Khoảnh khắc mùa xuân”, “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”…

Ông kể giờ đây khi đã về hưu, có lần ông được vợ nhờ ra chợ mua con cá, cô hàng cá không bán mà cứ nhìn chằm chằm rồi nói: chồng cháu mê chú lắm!. Ông cười nói: Chồng cô có "gay" không mà mê tôi? Cô hàng cá nói: Chỉ cần chú nói là cháu nhận ra chú là người đã đọc phim “17 Khoảnh khắc mùa xuân” ngày xưa. Chồng cháu mê phim đó và mê luôn giọng chú…

“Tôi thấy ghen tị với ông”…

Ở cái thời gọi là hoàng kim của nghề phát thanh viên, khối người còn “ghen tị” với ông vì được cận kề làm việc cùng với bao nữ phát thanh viên xinh đẹp nổi tiếng cả nước. Thời kỳ đầu có Kim Tiến, Hương Liên, Hồng Trang,… rồi sau này ông còn là sếp (NSƯT Mạnh Tường nguyên trưởng phòng Phát thanh viên - PV) của những người đẹp Phương Hoa, Nhật Lệ, Ngọc Trâm, Minh Khuê…

Hỏi ông làm việc cùng toàn người đẹp thế, ông không siêu lòng sao? Ông nói hồi đó cũng thường trêu các nam đồng nghiệp còn lại là Minh Trí, Thanh Hùng, Duy Mạnh là anh em mình “hèn vì không ai dám bỏ… vợ. Nhiều khi đi công tác tiếp xúc với các lãnh đạo tỉnh, nhiều vị còn đòi “đổi ghế” vì thấy “ghen tị” với  ông quá!          

Thật ra, tình cảm của ông với vợ (cô Kim Thuý - đạo diễn phát sóng hiện vẫn đang công tác tại Đài) là cơ duyên trời định. Quen nhau trong một lần tuyển phát thanh viên  mà ông có chân trong hội đồng. Cô không đậu vì thời điểm đó chưa đủ tiêu chuẩn. Nhưng bù lại, ông lại tuyển được “phát thanh viên” cho riêng mình. Từng đấy năm lấy nhau ông chưa bao giờ phải để cô phải “ghen” vì mình.

Vợ chồng NSƯT Mạnh Tường.

Cuộc sống riêng đầy sóng gió của một số nữ đồng nghiệp khiến ông có tư duy riêng về hạnh phúc gia đình. Tính vợ sôi nổi bao nhiêu thì ông điềm đạm bấy nhiêu để bù trừ. Ông kể vui có những lúc viết bài muộn mệt lắm nhưng khi vợ từ trên nhà xuống nói chuyện là ông vẫn lắng nghe và chia sẻ. Chỉ đến khi vợ mệt “mạn phép” lên nhà đi ngủ trước ông mới buông câu nhẹ nhàng: “Ừ, anh cám ơn em!”.

Nhâm nhi bên chén trà, ông tâm sự về quãng thời gian ông gắn bó với truyền hình, lúc thăng lúc trầm nhưng niềm đam mê với nghề chưa bao giờ tắt trong ông. Giờ đây khi đã nghỉ hưu ông vẫn theo dõi bước chân của các bậc đàn em, đàn cháu trong nghề dẫn. Ông cho rằng phát thanh viên  (TV Presenter khác với thuật ngữ MC - PV) không phải là một nghề đơn giản, đó cũng là một bộ môn nghệ thuật. Bởi, người phát thanh viên phải  thể hiện trước hàng triệu khán giả những sự kiện lớn lao của Đảng và Nhà nước.

Đọc văn kiện đại hội ra sao, tuyên bố thế giới quan điểm của Việt Nam như thế nào, thậm chí cả đọc tin buồn cũng phải thể hiện được cái hồn, lột tả quan điểm của Nhà nước ta qua những văn kiện bằng tình cảm ấy, giọng đọc ấy, vẻ mặt ấy… Trong số người dẫn bản tin thời sự hiện nay ông ấn tượng nhất với cặp Quang Minh – Hoài Anh và nếu để so sánh với thời của ông thì họ giống như cặp Minh Trí – Kim Tiến nổi tiếng một thời.

Có lẽ đó cũng là một nghề mang tính nghệ thuật nên trong lịch sử truyền hình tính đến nay cũng chỉ có 4 phát thanh viên được Nhà nước phong tặng NSƯT là Mạnh Tường, Minh Trí, Kim Tiến, Thanh Hùng.

Ông nhắc đi nhắc lại điều ông tâm đắc nhất trong sự nghiệp truyền hình là phòng Phát thanh viên của Đài THVN đã đào tạo khoảng 200 phát thanh viên cho các đài địa phương từ Qui Nhơn đổ ra đến tận cực bắc của tổ quốc. Những thế hệ PTV đó rất nhiều người giỏi nghề. Chỉ tiếc rằng do chính sách thay đổi nên họ dần bị mai một và rơi vào quên lãng…  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật