Căng thẳng biên giới Trung-Ấn tăng nhiệt

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ gần đây diễn biến phức tạp trở lại.
Căng thẳng biên giới Trung-Ấn tăng nhiệt
Ảnh minh họa

Sau sự kiện đối đầu Trung-Ấn ở khu vực biên giới Doklam kéo dài 73 ngày, kết thúc hồi tháng 8-2017, đầu năm 2018 có tin hai nước này lại xảy ra xung đột ngắn ở bang Arunachal Pradesh, khu vực TQ cũng tuyên bố chủ quyền, theo Hindustan Times. Căng thẳng bùng phát sau khi binh sĩ TQ được cho là đem theo máy móc cơ giới làm đường tràn qua lãnh thổ Ấn Độ hồi cuối tháng 12. Cư dân vùng đó nói rằng lực lượng an ninh Ấn Độ đã ngăn chặn binh sĩ TQ gần làng Bishing và thu giữ thiết bị cơ giới.

Trong khi đó, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ Bipin Rawat hôm 12-1 tuyên bố mục tiêu của quân đội Ấn Độ sẽ chuyển sự tập trung chú ý từ Pakistan ở phía Tây sang TQ ở phía Bắc. Tướng Bipin cũng khẳng định New Delhi có khả năng giải quyết các động thái leo thang ngày càng lớn của Bắc Kinh trong khu vực, tin từ NDTV. Mặc dù thừa nhận binh sĩ TQ tăng cường sức ép dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC), song ông cũng cho rằng Ấn Độ đủ sức mạnh để đối trọng.

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, TQ đang tạo ra sức ép ngày càng lớn cho Ấn Độ. Chính quyền Bắc Kinh đang mở rộng vai trò ảnh hưởng ở các nước láng giềng của Ấn Độ như Maldives, Nepal, Sri Lanka, Myanmar. Đây là những nước có quan hệ tốt với Ấn Độ. Đối với tình hình này, ông Bipin cho biết Ấn Độ đang nỗ lực để các nước láng giềng không ngả hẳn về phía TQ.

Mới đây, hôm 14-1, tờ The Economic Times đưa tin chính phủ Ấn Độ có kế hoạch lập thêm 15 tiểu đoàn ở biên giới với Pakistan và TQ để tăng cường sức mạnh cho hai lực lượng bảo vệ biên giới quan trọng là lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ (BSF) và lực lượng cảnh sát biên giới Ấn-Tây Tạng (ITBP). Hai lực lượng này sẽ củng cố quốc phòng dọc khu vực biên giới chiến lược với TQ, Pakistan và Bangladesh. Mỗi tiểu đoàn sẽ gồm 1.000 binh sĩ.

Sau khi xuất hiện thông tin trên một ngày, phía TQ đã đáp trả các tuyên bố của tướng Bipin, nói rằng những bình luận trên của ông không mang tính xây dựng, không giúp ích cho việc duy trì hòa bình tại khu vực biên giới. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng cho hay các bình luận trên của ông Bipin đi ngược lại sự đồng thuận đạt được giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS hồi tháng 9-2017.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật