Người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel hòa bình

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Wangari đã dũng cảm đấu tranh chống lại chế độ áp bức ở Kenya. Hình thức đấu tranh độc đáo của bà đã hướng sự quan tâm tới tình trạng áp bức ở các quốc gia trên thế giới. Bà đã cổ vũ nhiều người dũng cảm đấu tranh vì dân chủ, và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel hòa bình
Wangari là người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel vì hòa bình

Năm 1903, tức là chỉ hai năm sau khi giải Nobel được thành lập, giải này đã ghi nhận những đóng góp của phụ nữ cho sự tiến bộ của thế giới. Thế nhưng những người phụ nữ châu Phi đã phải  chờ đợi tới một thế kỷ sau mới được chứng kiến người phụ nữ đầu tiên đại diện cho họ nhận giải thưởng danh giá này. Người phụ nữ đó chính là Wangari Maathai.

Từ "người đàn bà xanh"..

Wangari Maathai sinh ngày 1 tháng Tư năm 1940 tại Nyeri, Kenya. Sau khi tốt nghiệp trung học bà may mắn có cơ hội đi du học ở Mĩ và Đức. Năm 1964 bà được nhận bằng cử nhân sinh học của trường đại học Benedictine.

Bà học thạc sĩ ở đại học Pittsburgh và sau đó tại đại học Nairobi. Maathai là người phụ nữ Đông Phi đầu tiên dành học vị tiến sĩ. Năm 1971 trở thành giáo sư của trường đại học Nairobi.

Wangari là nữ tiến sĩ đầu tiên của Đông Phi

 Ở đất nước Kenya, Wangari Maathai được mọi người trìu mến gọi là "Người đàn bà xanh". Những người quan tâm đến những hoạt động vì môi trường của thế giới hẳn còn nhớ vào năm 1977 ở Kenya rộ lên một phong trào mang tên "Vành đai xanh".

Đây là phong trào phi chính phủ do những người dân đứng ra tổ chức và thực hiện, chủ yếu tập trung vào các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng bền vững. Wangari Maathai là người sáng lập ra phong trào này dưới sự bảo trợ của Hội phụ nữ Kenya.

Bà được người dân Kenya trìu mến gọi là "Người đàn bà xanh"

Tại Kenya, đây là một việc làm vô cùng cấp thiết giúp bảo vệ dòng chảy của nước, ngăn chặn nạn xói mòn đất đai. Việc này còn giúp bảo đảm củi đun cho người dân bởi 90% người Kenya tới nay vẫn sử dụng củi để nấu nướng.
 
Năm 1986, phong trào của bà đã vượt ra khỏi biên giới Kenya, trở thành một mạng lưới trồng cây trên khắp châu Phi. Sau nhiều năm hoạt động, người ta ước tính tổng cộng đã có 30 triệu cây xanh được “Phong trào vành đai xanh” trồng ở châu Phi.

Khoảng 30 triệu cây xanh đã được trồng trong phong trào "Vành đai xanh"

Maathai chủ trương kết hợp hoạt động bảo vệ môi trường với việc phát triển kinh tế cải thiện đời sống phụ nữ trong những vùng thuộc vành đai xanh. Hơn 300 nghìn phụ nữ nông thôn Kenya tham gia phong trào này không chỉ được dự các lớp tập huấn về bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên môi trường mà còn được tập huấn kiến thức nuôi ong, kiến thức chế biến thức ăn tiết kiệm nhiên liệu, mô hình phát triển kinh tế du lịch. Những kiến thức thực tế đó đã tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn Kenya cải thiện đời sống của họ theo cách bền vững và hợp lí.

Năm 1989, Maathai lãnh đạo những người tham gia phong trào của bà kiên quyết phản đối việc chính quyền Daniel Arap Moi cho xây dựng cao ốc thương mại 60 tầng giữa công viên Uhuru. Kết quả là chính phủ buộc phải huỷ bỏ dự án xây dựng đó.

Năm 1991, Maathai cùng các nhà hoạt động môi trường lại cứu được khu cây xanh Jeevanjee Gardens khỏi nguy cơ bị phá bỏ để xây dựng một bãi đỗ xe. Năm 1998 tổ chức của Maathai đã đấu tranh chống lại việc phân chia bất hợp pháp 2000 hecta đất rừng Karura thuộc khu vực dẫn nước sinh hoạt cho ngoại ô Nairobi.

Wangari tham gia tích cực vào nhiều hoạt động và bị xem là cái gai trong mắt nhà cầm quyền

Đến "Thứ trưởng bảo vệ môi trường"

Dưới thời của tổng thống độc tài Daniel Arap Moi, những hoạt động ấy được coi là nhạ‌y cả‌m và bà bị xem như cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Chính quyền Arap Moi có nhiều lý do để không ưu ái bà Wangari Maathai: bà là người đã dám nói thật về những gì đang xảy ra trong những cánh rừng Kenya.

Maathai cho công bố nhiều báo cáo, nêu nguyên nhân chính của việc hủy diệt và lụi tàn của những cánh rừng Kenya là sự tham nhũng vô độ của các quan chức chính phủ. Những cánh rừng đã dần biến mất để thay vào đó người ta trồng các loại cây cầ‌n s‌a xuất khẩu. Việc chặt phá rừng để lấy gỗ - theo Maathai - không thể diễn ra mà các quan chức nhà nước không biết.

Chính vì vậy, đã không ít lần Wangari Maathai phải trả giá cho lí tưởng của bà. Bà đã bị bắt và đánh đập dã man vì  đã dám đứng lên đấu tranh đòi cải cách chính sách bầu cử và chấm dứt nạn tham nhũng. Trong lần bị bắt giam vào năm 1991 nhờ chiến dịch viết thư vận động của Tổ chức ân xá quốc tế bà mới được thả tự do. Một năm sau bà bị cảnh sát đánh vì đấu tranh đòi thả những nhà hoạt động môi trường đang bị giam giữ.

 

Nhiều lần bị bắt giam nhưng Wangari Maathai không từ bỏ mục tiêu của mình

Năm 1999 trong khi đang tham gia trồng cây ở rừng Karura bà bị đánh trọng thương ở đầu. Phải đến khi tổng thống Daniel Arap Moi chấm dứt 24 năm cầm quyền, những gì Wangari Maathai đã làm mới được chính phủ Kenya nhìn nhận một cách tích cực.

Năm 2002, Maathai được bầu vào Quốc hội Kenya. Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2003 của Mwai Kibaki (người tuyên bố sẽ nhổ tận gốc nạn tham nhũng ở Kenya), Maathai được bổ nhiệm làm Thứ trưởng bảo vệ môi trường.

Năm 2002 bà được bầu làm thứ trưởng của Kenya

Ở cương vị này, Maathai nổi tiếng với những quyết định gay gắt, không nhân nhượng. Để ngăn bớt nạn phá rừng, Maathai đề cập vấn đề này cả từ góc độ sức khỏe. Mỗi năm Kenya có 700 người chết vì AIDS, và theo bà Maathai, đó là một trong những yếu tố khiến nhiều cây quí của Kenya bị xẻ ra lấy gỗ đóng hòm.
 
Bà đề nghị để giữ những cánh rừng Kenya, chính quyền nên thuyết phục người dân làm quan tài từ nhựa rẻ tiền. Đoán trước sẽ có phản ứng, bà nhấn mạnh truyền thống chôn bằng quan tài gỗ chủ yếu là du nhập từ phương Tây Thiên Chúa giáo, điều mà bà nói “xa lạ với tập tục địa phương”.

Maathai cũng dành nhiều sự chú ý cho việc bảo vệ hệ động thực vật Kenya. Bà đã đặt việc bảo vệ các loài hoang dã làm một trong những nhiệm vụ ưu tiên cho công tác môi trường của Kenya sau khi nhận được thông tin báo động về việc đàn voi của nước này giảm từ 170.000 con xuống chỉ còn 16.000 con.

Bà được nhận nhiều giải thưởng vì sự đóng góp của mình cho Kenya và cho châu Phi

Wangari được nhận giải Nobel hoà bình vì những đóng góp của bà cho sự phát triển bền vững, cho dân chủ và hoà bình. Trong lễ trao giải Nobel năm 2004, đại diện hội đồng trao giải đã phát biểu: "Wangari đã dũng cảm đấu tranh chống lại chế độ áp bức ở Kenya. Hình thức đấu tranh độc đáo của bà đã hướng sự quan tâm tới tình trạng áp bức ở các quốc gia trên thế giới. Bà đã cổ vũ nhiều người dũng cảm đấu tranh vì dân chủ, và vì sự tiến bộ của phụ nữ".

Khi được hỏi bà sẽ dùng số tiền thưởng của giải Nobel như thế nào, Wangari nói rằng bà muốn dùng số tiền đó cho các hoạt động bảo vệ môi trường và thúc đẩy văn hoá, bởi bà cho rằng có mối liên quan mật thiết giữa văn hoá và môi trường. Với cương vị thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường của Kenya, Wangari Maathai chắc chắn sẽ còn làm được nhiều điều hữu ích hơn nữa cho môi trường và cho sự tiến bộ của phụ nữ Kenya.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật