Giáo dục miền núi Hà Giang đang thừa và thiếu

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nói đến giáo dục miền núi, ai cũng thường nghĩ đến những khó khăn, thiếu thốn. Ngoài khủng hoảng chung của ngành giáo dục những năm qua, hệ thống giáo dục ở miền núi, vùng biên giới lại chịu thêm những áp lực khác do điều kiện địa hình mang lại. Tuy nhiên, chính những điều kiện khó khăn này đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa không mong muốn. Vậy, giáo dục miền núi đang thừa điều gì?
Giáo dục miền núi Hà Giang đang thừa và thiếu
Trẻ em ở huyện biên giới Quản Bạ, Hà Giang trên đường đi học về. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Chúng tôi được ông Lầu Mí Pó, Bí thư xã biên giới Lũng Táo đích thân dẫn đường tới thăm các điểm trường của Trường Phổ thông cơ sở Lũng Táo, cách khá xa trung tâm huyện Đồng Văn, Hà Giang. Qua quãng đường gập ghềnh sống trâu và lút trong ruộng cỏ voi, điểm trường nằm sát bên cột mốc 409 hiện ra khang trang với ngôi nhà xây gạch, 3 phòng học, sân chơi rộng rãi, tại thôn Nhù Sang. 3 phòng học tại điểm trường này giờ đây quy tụ học sinh “trứng gà, trứng vịt”, nối nhau học các lớp mầm non và tiểu học. Có nhiều lớp ghép, có lớp chỉ vài học sinh, một thầy đứng vài lớp, học sinh ngồi lẫn nhau là chuyện thường.

Chúng tôi tới điểm trường mầm non của thôn bên cạnh. Nói là điểm trường nhưng đó là một ngôi nhà mới xây nằm ở đầu xóm, dưới tán cây óc chó. Giờ ra chơi, mấy học sinh đang trèo lên nóc bể nước, đập quả óc chó khô trên cây xuống lấy hạt ăn. Trường mới xây khiến bà con xung quanh chịu khó đưa trẻ tới trường hơn. Chế độ trẻ mầm non cho các cháu được đảm bảo. Các bậc cha mẹ yên tâm hơn khi để trẻ trong những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khác xa với tình trạng lều, nhà tạm thông thống gió thổi ở các điểm trường trước đây.

Ông Lầu Mí Pó nói, hầu hết các điểm trường, kể cả trường chính của Lũng Táo hiện nay được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa. Tức là công lao kêu gọi, dẫn dắt của chính quyền địa phương cũng như tấm lòng ủng hộ, thiện nguyện của những nhà hảo tâm khắp mọi miền đất nước đóng góp vào đây rất lớn. Chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, đã có gần 20 tỉ đồng chi cho xây dựng trường, chủ yếu là vốn xã hội hóa. 328 điểm trường của Đồng Văn hiện nay cơ bản đã có lớp học xây kiên cố. Nhưng đó mới chỉ là “công trình nhà” chứ không phải “mái trường”.

Ngoài mấy gian nhà dựng lên làm trường học, không có sân chơi ngoài trời, không có không gian sư phạm, đồ trang trí các cô giáo và học sinh tự làm lấy, có đâu dùng đó, bàn ghế, đồ dùng học tập thiếu và lộ cộ. Các lớp học mầm non thiếu giường ngủ trưa cho các cháu nhỏ, cô giáo kê cả tấm xốp trải xuống nền để trẻ ngủ tạm. Bữa ăn trưa cho các cháu không có người nấu thường xuyên mà phải mua bên ngoài. Các giáo viên mỗi ngày đến lớp với quãng đường quá xa, trung bình hơn chục km đường núi hiểm trở, nguy hiểm.

Với phong trào từ thiện, thiện nguyện đang được “lý tưởng hóa” ở khắp mọi nơi, mỗi cá nhân, tập thể đều hướng đến mục tiêu với miền núi những gì họ cảm thấy thiếu. Thực ra, miền núi đang thiếu một môi trường sư phạm chuyên nghiệp và công năng giáo dục hiệu quả. Nếu cứ nhằm vào việc sử dụng kinh phí và huy động mọi nguồn lực, từ ngân sách đến nguồn xã hội hóa cho xây dựng những công trình nhà kiên cố thì cuối cùng trẻ nhỏ lại cần một không gian mở. Các em cần yêu thương làng bản, ruộng đồng cây cỏ và cuộc sống đầy màu sắc xung quanh mình, hiểu về phong tục tập quán, lối sống và bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chứ không cần những thứ khuôn sáo hoặc bê nguyên xi những mô hình được coi là tiên tiến hiện nay ở đô thị vào cuộc sống miền núi.

Ngay cả cô, trò nhiều khi khác dân tộc, khác tiếng nói, khiến việc dạy và học đều vất vả. Như vậy, trong tương lai gần, miền núi sẽ thừa những ngôi nhà gạch đóng, những túi quà từ thiện là quần áo cũ, vật dụng cũ, chẳng biết dùng để làm gì, vì có nhiều dân tộc thiểu số chỉ mặc quần áo của dân tộc mình, kiêng mặc quần áo cũ của người khác mà họ không biết mặt. Giáo dục miền núi vẫn còn những khoảng trống lớn về phương pháp giáo dục hợp lý, hiệu quả.

Việc các đồn Biên phòng vì gần gũi và thông thu‌ộc đị‌a hình của địa phương, được các nhà từ thiện gửi gắm trao quà cho trẻ em miền núi diễn ra nhiều năm nay. Phần lớn những món quà đó được gửi tận tay người nghèo, trẻ nhỏ, nhưng cũng không ít những thùng lớn quần áo cũ vẫn để lăn lóc trong lớp học, trong trụ sở Ủy ban nhân dân xã chẳng biết để làm gì vì không phù hợp.

Mới đây, một đội trưởng đội vận động quần chúng của đồn Biên phòng rằng, anh đề nghị nhà hảo tâm chuyển số tiền mà họ muốn xây dựng một lớp học kiên cố bằng gạch sang thành lập quỹ bữa ăn cho trẻ hằng ngày. Anh nói, trong số những trẻ mầm non ở miền núi hiện nay, nhiều trẻ chưa hề biết đến sữa. Vì vậy, nhiều cán bộ BĐBP khi được đề nghị giúp đỡ tư vấn về đối tượng và phương thức tổ chức hoạt động từ thiện, đều đưa ra các phương án sát với thực tế, tránh lãng phí không cần thiết và sao cho trẻ nhỏ có môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn nhất.

Năm 2018, huyện Đồng Văn thực hiện kế hoạch chuyển học sinh tiểu học từ điểm trường về học tại trường chính năm học 2017-2018. Đã có 19/20 trường thực hiện kế hoạch này. Chuyển toàn bộ các học sinh từ điểm trường lẻ về học tại trường chính gồm có 2 trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hố Quáng Phìn và Sủng Là. Tổng số chuyển là 3 điểm với 7 lớp, 40 học sinh. 19 trường khác đang có kế hoạch chuyển dần 121 điểm trường, tổng số 132 lớp, 1.498 học sinh. Ngoài ra, kế hoạch sáp nhập 10 điểm trường 12 lớp với 91 học sinh đang được triển khai. Như vậy, ở đây, thời kỳ trường đi tìm học trò đã kết thúc, giờ đến lúc học trò đi tìm trường, tìm thầy, tìm môi trường giáo dục tập trung, văn minh hiện đại, như  một nhu cầu.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn Mua Thị Hồng Minh giãi bày với chúng tôi: “Việc chuyển các điểm trường sẽ giúp cho hệ thống giáo dục xây dựng được môi trường giáo dục có chất lượng hơn. Việc sắp xếp bố trí giáo viên trong điều kiện nguồn biên chế hạn hẹp phục vụ cho chất lượng dạy và học nâng cao, bố trí chỗ ở, người nấu ăn, trông coi và các lực lượng phục vụ, phụ trợ khác được dễ dàng hơn. Bản thân các học sinh cần được giáo dục thể chất toàn diện. Việc học tập trung tại trường chính sẽ giúp học sinh tiếp cận được với thư viện, với khu vui chơi, có giao tiếp cởi mở với bạn bè, giúp trẻ phát triển được một số kỹ năng quan trọng, như kỹ năng tự lập, giao tiếp tự tin, cảm xúc... để trưởng thành”.

Như vậy, có thể thấy, giáo dục ở đây đang trong tình trạng cái gì thừa lại thừa, cái gì thiếu vẫn thiếu. Cùng chung tay với các cấp, các ngành và toàn xã hội, đã đến lúc các nhà đầu tư cần nghĩ tới những phương án thiện nguyện hiệu quả hơn. Và cũng đã đến lúc trẻ nhỏ cần giao tiếp, cần học nhiều thứ hơn, phải tính đến việc còn giữ gìn bản sắc văn hóa, bản ngã tự tôn, tự chủ, tự lập, chứ không chỉ gom chúng lại rồi nhốt trong 4 bức tường gạch, học các bài văn mẫu miêu tả trong sách giáo khoa mà chúng chẳng hiểu gì.

Giáo dục miền núi cần tư duy thấu đáo, bàn tay, tấm lòng trách nhiệm của cả cộng đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật