Vì đâu cổ phần Becamex Bình Dương lại “ế”?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là một con sếu đầu đàn tại tỉnh Bình Dương, Becamex sở hữu hàng ngàn ha đất khu công nghiệp, hàng loạt dự án bất động sản lớn, trong đó có cả dự án Thành phố mới Bình Dương 10 tỷ USD. Tuy nhiên, chào bán cổ phần Becamex vẫn không thể thành công trọn vẹn.
Vì đâu cổ phần Becamex Bình Dương lại “ế”?
Becamex sở hữu diện tích đất khu công nghiệp không chỉ lớn nhất Bình Dương mà còn lớn nhất cả nước với hơn 10.000ha. Ảnh: MT

Becamex "khủng" cỡ nào?

Becamex tiền thân là một công ty chuyên thu mua nông sản, được chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty vào năm 2010. Bên cạnh lĩnh vực bất động sản - hạ tầng, Becamex còn đầu tư đa ngành vào nhiều lĩnh vực phụ trợ như trường đại học, bệnh viện, dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng…

Thật không ngoa khi nói rằng, Becamex là "ông vua" sở hữu diện tích đất khu công nghiệp không chỉ lớn nhất Bình Dương mà còn lớn nhất cả nước với hơn 10.000ha. Đó là chưa kể Becamex còn có hơn 7.700ha đất đang lập thủ tục triển khai dự án. 

Một trong những lĩnh vực đầu tư là cốt lõi của Becamex chính là phát triển khu công nghiệp và đô thị với thương hiệu như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), Mỹ Phước (4.500 ha), Bàu Bàng (4.000ha). Không chỉ ở Bình Dương, VSSIP còn mở rộng các tỉnh như Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hải Phòng, thu hút trên 660 dự án với tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD.

Ở lĩnh vực bất động sản thương mại, Becamex cũng nắm trong tay hàng loạt dự án lớn như Becamex City Center (6ha) với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng; dự án Ecolakes Mỹ Phước (220ha) với tổng mức đầu tư gần 620 triệu USD mà Becamex nắm 45%; dự án Becamex Thuận An (190ha)... Đặc biệt, Becamex chính là đơn vị sở hữu Dự án Thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000ha với tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 hơn 200.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD.

Becamex cũng chính là tác giả của mô hình nhà ở xã hội 100 triệu đồng/căn cho công nhân, đã được triển khai tại Bình Dương và khiến nhiều địa phương khác muốn học tập, triển khai theo.

Liên doanh VSIP “cứu” chỉ số lợi nhuận Becamex

Theo kế hoạch sau cổ phần hóa tại Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH MTV (Becamex), Nhà nước vẫn nắm 51% vốn, nhà đầu tư chiến lược nắm 25% vốn, còn lại là bán đấu giá công khai và người lao động nắm giữ.

Tuy nhiên, Becamex vừa kết thúc đợt bán đấu giá cổ phần lần 2 sau thương vụ bất thành lần đầu. Theo đó, chỉ 4 nhà đầu tư mua vào hơn 5 triệu cổ phần với mức giá 31.000 đồng/cổ phần, bằng giá khởi điểm. Tổng số tiền thu về gần 158 tỷ đồng.

Có thể nói, đợt đấu giá lần 2 của Becamex đã tiếp tục "ế" nặng khi số cổ phần được mua chỉ bằng 2% tổng lượng bán ra. Trong đợt chào bán trước đó, các nhà đầu tư cũng chỉ mua vào khoảng 6% số cổ phần bán ra, tương đương hơn 18,9 triệu cổ phiếu.

Một trong những lĩnh vực đầu tư cốt lõi của Becamex chính là phát triển khu công nghiệp và đô thị với thương hiệu như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Ảnh: MT

Như vậy sau 2 đợt đấu giá, Becamex vẫn còn "ế" tới 291,5 triệu cổ phần chưa thể chào bán, tương đương khoảng 92% tổng lượng cổ phần chào bán. Điều gì khiến cho một "ông vua" đất khu công nghiệp tại Bình Dương lại không thể hấp dẫn nhà đầu tư?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Becamex đạt gần 787 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này lại được đóng góp khoảng 87% từ các công ty liên doanh, liên kết, đặc biệt là từ liên doanh VSIP. Khoản đầu tư của Becamex vào liên doanh này đã tăng giá trị lên gần 10 lần so với giá gốc, hiện vào khoảng 4.122 tỷ đồng và cũng là khoản đầu tư sinh lời tốt nhất trong số các công ty liên doanh liên kết. Trong khi đó, hơn 10.000 ha đất cho thuê đất khu công nghiệp - thế mạnh của Becamex lại không thực hiện được vai trò, sứ mệnh vốn có.

Là công ty có tổng tài sản hơn 57.000 tỷ đồng (tính đến hết năm 2016) nhưng Becamex lại có lượng hàng tồn kho lên tới 26.270 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46%. Hàng tồn kho chủ yếu là chi phí xây dựng dở dang của các dự án, như chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, các chi phí phải trả để có được quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các chi phí khác có liên quan tới dự án. Một số tài sản đầu tư xây dựng dở dang đã được thế chấp để đảm bảo các khoản vay dài hạn, ngắn hạn và trái phiếu phát hành.  Do đó, tại báo cáo tài chính năm 2016, Becamex đã đem thế chấp hơn 5km2 đất Bình Dương để đảm bảo các khoản vay tại hơn 10 ngân hàng. 

Một vấn đề khác liên quan tới triển vọng tăng trưởng của Becamex trong những năm tiếp theo. Giai đoạn 2017 - 2019, giai đoạn dự kiến sau cổ phần hóa, Becamex đặt kế hoạch kinh doanh giảm sâu so với kết quả năm trước. Đơn cử, năm 2017, doanh thu chỉ bằng 73% và lợi nhuận bằng 27% kết quả thực hiện năm 2016. Trong khi giai đoạn trước đó (2014 - 2016), kết quả kinh doanh của Becamex đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, năm 2016, doanh thu tăng 3% và lợi nhuận tăng 27% so với năm trước.

Kết quả kinh doanh ước giảm trong thời gian tới nhưng Becamex đưa ra kế hoạch đầu tư tăng dần theo các năm với tỷ lệ tăng đều 30%/năm. Trong đó, vốn đầu tư 50% đến từ vốn vay ngân hàng xuyên suốt qua các năm. Tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng lợi nhuận và kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ đồng là một trong những điều khiến nhiều người e dè cho hướng đi trong tương lai của Becamex.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật