Bí quyết “sống sót” với sếp coi trọng tiểu tiết

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có một cấp trên thông minh, am hiểu công việc nhưng cũng nắm bắt được tâm lý nhân viên, công tâm nhưng không nghiêm khắc là ước mơ của hầu hết các nhân viên. Thế nhưng, đời không như là mơ và cấp dưới luôn bực mình vì một vài điểm nào đó của sếp là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Bí quyết “sống sót” với sếp coi trọng tiểu tiết
ảnh minh họa

Một trong những tính cách mà nhân viên cảm thấy khó “sống chung" với sếp nhất chính là quá chi tiết trong cách làm việc. Tuy nhiên, theo ý kiến của Trưởng phòng tuyển dụng CareerLink, một trong những đơn vị hỗ trợ tìm kiếm việc làm và tuyển dụng nhân sự uy tín tại Việt Nam, thì nhân viên có thể học hỏi được rất nhiều điều và trở thành cánh tay đắc lực của sếp có tính cách này.

Sếp của bạn có phải mẫu người quan trọng tiểu tiết và làm cách nào để “sống vui, sống khỏe” với sếp, chúng ta sẽ biết được ngay sau đây!

Tham khảo tin tuyển dụng được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn

Hỏi đi hỏi lại

Bạn lập kế hoạch chi tiết cho dự án mà mình phụ trách với đầy đủ thông tin từ kinh phí đến nhân sự, thời gian đến địa điểm nhưng sếp chỉ hỏi đi hỏi lại những vấn đề mà bạn đã trình bày trong bản thảo khiến bạn “phát hỏa”.

Thay vì nóng vội, hãy bình tĩnh trả lời các câu hỏi của sếp. Dù sao đó cũng là kế hoạch do bạn viết ra, việc trình bày lại không có gì là khó khăn. Sẽ có lúc bạn cảm thấy thật mất thời gian vì cứ phải trả lời những điều có sẵn, nhưng sếp muốn nghe bạn trình bày để biết được bạn đầu tư bao nhiêu công sức cho dự án và trong lúc bạn trình bày, đó cũng là lúc sếp có thể kiểm tra tính chặt chẽ trong các ý tưởng của bạn. Vì vậy, hãy tập cho mình cách trình bày ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung. Nếu bản kế hoạch quá dài, hãy làm một bản tóm tắt ngắn gọn đính kèm đầu trang cho sếp dễ nhìn thấy.

Luôn bắt đầu từ các phản hồi nhỏ nhặt

Bạn cảm thấy sếp không có tầm vĩ mô khi cầm bản kế hoạch dày đặc  ý tưởng nhưng lại ngồi sửa lỗi chính tả và ngữ pháp trong từng trang. Và điều khiến bạn “giận” hơn cả là sếp trả lại bản thảo khi mới chỉ đọc được hai trang chỉ vì lỗi trình bày không thống nhất. Bạn thấy nản lòng, không thiết tha gì việc trình bày ý kiến với sếp; ngán ngẩm khi nghĩ đến việc viết báo cáo hay kế hoạch cho thật nhiều thì sếp cũng chỉ chú ý đến những thứ nhỏ nhặt mà thôi.

Đừng bi quan, vì sau tất cả kế hoạch của bạn vẫn được sếp duyệt mà, đúng không? Những chỗ sếp sửa lỗi cho bạn như một cô giáo tiểu học đều chính xác, đúng không? Vậy thì, hãy thẳng thắn thừa nhận những sai sót của mình và khi trình bày bất kỳ văn bản nào, hãy cẩn thận kiểm tra không chỉ nội dung mà còn chú ý đến việc trình bày, văn phong cũng như chính tả để không ai có thể bắt lỗi được bạn.

Luôn hỏi về tiến độ công việc

Bạn có hàng núi công việc cần giải quyết và phải ưu tiên theo mức độ khẩn cấp để xử lý. Thế nhưng, sếp cứ liên tục khiến bạn mất tập trung khi luôn hỏi “Bản báo cáo đã làm đến đâu?”, “Đã liên hệ với công ty A chưa?” hay “Tài liệu đã được dịch đến phần nào?”... khiến bạn quay như chong chóng. Một ngày trôi qua nhanh như chớp mắt, bạn thấy mình bận tối mặt tối mũi mà núi công việc chẳng có vẻ gì là giảm xuống.

Cách tốt nhất để sếp không theo bạn suốt ngày để hỏi là thường xuyên báo cáo tiến độ công việc trước khi sếp tìm đến bạn, đồng thời cũng ghi chú lại các phần việc để cho sếp thấy bạn đang giải quyết vấn đề gì và tiến độ ra sao. Nếu bạn cho sếp những gì sếp cần thì sếp sẽ từ từ tin tưởng bạn và cảm thấy không cần phải kiểm tra bạn thường xuyên như vậy nữa.

Chi li từng con số

Bạn lập dự án kèm theo chi phí ước chừng hoặc báo giá cho một dịch vụ nào đó theo yêu cầu của sếp. Thế nhưng, chỉ mới ở giai đoạn dự thảo mà sếp soi từng con số mang tính dự đoán, thậm chí là so sánh chi phí mà bạn đề ra với con số mà sếp biết. Bạn không thể chịu nổi khi sếp muốn bạn trả giá từng đồng các báo giá mà nhà cung cấp gửi đến.

Đừng quá cực đoan vì tài chính luôn là vấn đề khiến các nhà quản lý đau đầu. Vậy nên, hãy chuẩn bị một khung giá tốt nhất và cũng cần trình bày với sếp là những con số mà bạn đưa ra dựa trên tiêu chuẩn nào. Như thế sẽ dễ thuyết phục sếp hơn là chỉ trình bày các hạng mục và con số đơn thuần.

Thiếu niềm tin

Công việc quá nhiều và cấp bách nhưng bạn chẳng thể làm gì khác ngoài việc chờ sếp duyệt

trước khi tiến hành, thậm chí những việc nhỏ xíu như mua hoa gì tặng khách hàng cũng phải hỏi ý sếp. Bạn cảm giác mình không còn là mình khi chẳng thể làm việc gì một cách độc lập, đặc biệt những lúc khách hàng hối thúc nhưng bạn lại không phản hồi kịp thời cho họ.

Ở tình huống này, khó có thể đòi hỏi sếp phải để cho bạn được quyền quyết định bởi căn bản là sếp ít có niềm tin vào người khác. Khi sếp hay lo lắng và ôm đồm như vậy thì cách duy nhất để bạn đảm bảo công việc không bị chậm trễ chính là luôn nhắc cho sếp biết thời hạn của những việc đang cần sếp quyết định.

Sếp quá chi tiết có thể khiến nhiều nhân viên cảm thấy khó thở trong công việc nhưng mặt tích cực là bạn sẽ học được tính cẩn thận, chi tiết và luôn chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho mọi sự việc. Và sự thật là rất nhiều nhân viên đã trở nên tốt hơn về mọi mặt thông qua việc phải luôn cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của sếp. Vì vậy, đừng quá bi quan hay ác cảm mà hãy nhìn vào những mặt tích cực của sếp có tính chi tiết để phát triển hơn nữa nhé!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật